27/04/2024 lúc 07:48 (GMT+7)
Breaking News

Bộ VHTTDL tổ chức đón Bằng UNESCO ghi danh Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ tại Quy Nhơn

VNHN- Ngày 5/5/2018, tại TP.Quy Nhơn, Bình Định, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức Lễ đón Bằng UNESCO ghi danh Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và công bố Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam.

VNHN- Ngày 5/5/2018, tại TP.Quy Nhơn, Bình Định, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức Lễ đón Bằng UNESCO ghi danh Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và công bố Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam.

Ngày 07/12/2017, tại Jeju, Hàn Quốc, Hội nghị lần thứ 12 của Ủy ban Liên Chính phủ Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể, Ủy ban đã chính thức ra Nghị quyết đưa “Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam” vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Việc “Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam” được UNESCO ghi danh là niềm vui to lớn đối với các tỉnh/thành phố có di sản: Bình Định, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa nói riêng cũng như nhân dân cả nước nói chung.

Ảnh minh họa

Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam là một loại hình nghệ thuật đa dạng kết hợp âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học. Bài Chòi có hai hình thức chính: "Chơi Bài Chòi" và "Trình diễn Bài Chòi". Chơi Bài Chòi là hình thức hô, hát kết hợp với thẻ bài có ghi tên các con bài và thường được tổ chức tại sân đình hoặc trên bãi đất trống vào dịp Tết Nguyên đán. Để chơi Bài Chòi, người ta dựng 9 hoặc 11 chòi bằng tre, nứa theo hình chữ U. Người chơi ngồi trong chòi, mua 3 thẻ bài đợi người dẫn dắt cuộc chơi là các anh/chị Hiệu rút thẻ trong ống bài nọc, hát những câu hát đố tên con bài ấy, gọi là Hô Thai. Nếu cả 3 thẻ bài của người chơi trùng với những con bài mà anh/chị Hiệu xuớng tên thì thắng cuộc, được lĩnh thưởng và lượt chơi mới lại bắt đầu. Trình diễn Bài Chòi được biểu diễn nơi thôn xóm (trải chiếu trong nhà hoặc ngoài vườn để biểu diễn) với cách thức đi hát rong hoặc được mời về diễn ở các tư gia nên còn được gọi là Bài Chòi chiếu hay Bài Chòi rong. Trong trình diễn Bài Chòi, một nghệ nhân có thể đảm nhận nhiều vai trong một vở diễn, nên còn gọi là Bài Chòi độc diễn.

Nghệ thuật Bài Chòi là một hoạt động văn hoá khá phổ biến trong cộng đồng làng xã ở nhiều làng quê khu vực Trung Bộ, đáp ứng nhu cầu giải trí và thưởng thức nghệ thuật của cộng đồng. Các câu chuyện trong Bài Chòi thể hiện tình yêu quê hương đất nước, sự gắn kết cộng đồng và những bài học đạo đức, kinh nghiệm trong cuộc sống của người dân. Thực hành nghệ thuật Bài Chòi thúc đẩy sự bình đẳng về giới tính cũng như sự tôn trọng lẫn nhau giữa các cộng đồng.

Từ năm 2012, sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép và sự thống nhất của 9 tỉnh, thành phố, tỉnh Bình Định đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng Hồ sơ trình UNESCO. Trong quá trình xây dựng Hồ sơ, các doanh nghiệp và ngân hàng (Ngân hàng Thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam - BIDV) đã hỗ trợ kinh phí cho việc tổ chức các Hội thảo, Liên hoan Bài Chòi.

Hồ sơ “Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam” được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã đáp ứng được những tiêu chí của Danh sách này, cụ thể:

R.1: Nghệ thuật Bài Chòi là một di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng, được trao truyền trong gia đình, câu lạc bộ, trong các trường học.

R.2: Việc ghi danh Nghệ thuật Bài Chòi khuyến khích đối thoại giữa các cộng đồng, các nhóm người và cá nhân; tạo cơ hội trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm giữa những người thực hành; củng cố mối liên kết giữa các cá nhân, các nhóm người và các câu lạc bộ thực hành di sản và thực hành các truyền thống văn hoá khác thông qua các hoạt động trình diễn và lễ hội liên quan; nâng cao nhận thức về sự đa dạng của di sản văn hoá phi vật thể vì Nghệ thuật Bài Chòi là sự kết hợp của nhiều lĩnh vực văn hoá - nghệ thuật.

R.3: Các biện pháp bảo vệ được đề xuất trong hồ sơ có khả năng bảo vệ và phát huy Nghệ thuật Bài Chòi với sự hỗ trợ của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương, sự tham gia của cơ quan chuyên môn, sự hợp tác của cộng đồng và các nghệ nhân.

R.4: Các cá nhân, đại diện của các nhóm và câu lạc bộ Bài Chòi đã ký Cam kết tự nguyện, đồng thuận của họ đối với đề cử, cũng như việc tham gia vào quá trình xây dựng Hồ sơ đề cử.

R.5: Di sản này được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Việt Nam đưa vào Danh sách di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Bản kiểm kê được lưu giữ tại Phần mềm Hệ thống thông tin quản lý di sản văn hoá phi vật thể của Cục Di sản văn hoá Việt Nam. Các Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao của 9 tỉnh có Bài Chòi chịu trách nhiệm phối hợp với cộng đồng để báo cáo hàng năm về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch các thông tin kiểm kê di sản Bài Chòi.

Di sản “Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam” được ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại do bản thân di sản có giá trị nhân văn sâu sắc bởi nó gắn liền với đời sống tinh thần và các phong tục, tập quán của người dân, được cộng đồng trân trọng và liên tục lưu truyền qua các thế hệ. Bên cạnh đó, đây cũng là kết quả của sự quyết tâm cao và nỗ lực của 09 tỉnh Trung Bộ trong việc đề cử hồ sơ với sự hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các nhà khoa học cùng các nghệ nhân trong công tác xây dựng hồ sơ; sự phối hợp hiệu quả của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam trong công tác quảng bá, tuyên truyền Nghệ thuật Bài Chòi, qua đó, nhận được sự ủng hộ hoàn toàn của các chuyên gia và các Quốc gia thành viên Công ước 2003 về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.

Việc UNESCO ghi danh Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng và các dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu và lòng bác ái đúng theo tôn chỉ và mục tiêu của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO. Kết quả này cũng đồng thời ghi nhận sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nỗ lực của chính quyền và nhân dân địa phương cùng các nghệ nhân trong việc bảo vệ di sản văn hóa nói chung, Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ nói riêng.

Một số công việc dự kiến sẽ thực hiện trong năm 2018 và thời gian tới để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam”:

1. Tiếp tục nhận diện giá trị, nghiên cứu, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa, văn học và nghệ thuật truyền thống của di sản.

2. Tạo điều kiện cho việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy di sản trong cộng đồng; hỗ trợ cộng đồng phục hồi, lưu truyền các bài bản cổ, các tập quán xã hội, tín ngưỡng và các lễ hội liên quan đến di sản; mở rộng các hình thức và môi trường sinh hoạt mới, phù hợp với mục tiêu bảo vệ và phát huy giá trị di sản trong cuộc sống đương đại.

3. Tôn vinh các cá nhân, câu lạc bộ, cộng đồng có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, thực hành, truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản; có chính sách, khen thưởng và phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước cho các nghệ nhân có nhiều đóng góp trong hoạt động bảo vệ, trao truyền những giá trị văn hóa của di sản.

4. Tăng cường các hình thức giáo dục phù hợp trong và ngoài trường học để truyền dạy di sản cho thế hệ trẻ.

5. Phối hợp với các cơ quan truyền thông, các hội nghề nghiệp giới thiệu, quảng bá về giá trị di sản tới công chúng trong và ngoài nước, gắn bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch bền vững.