27/04/2024 lúc 06:14 (GMT+7)
Breaking News

Bảo tồn tài nguyên thiên nhiên tại Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Ðồng Văn

VNHN - Công viên Địa chất (CVĐC) Cao nguyên đá Đồng Văn được UBND tỉnh Hà Giang quyết định thành lập ngày 9/9/2009. Vào ngày 3/10/2010, Công viên được công nhận là thành viên của Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu (GGN) của UNESCO với tên gọi chính thức là CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, với diện tích 2326 km2, bao gồm toàn bộ 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang.

VNHN - Công viên Địa chất (CVĐC) Cao nguyên đá Đồng Văn được UBND tỉnh Hà Giang quyết định thành lập ngày 9/9/2009. Vào ngày 3/10/2010, Công viên được công nhận là thành viên của Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu (GGN) của UNESCO với tên gọi chính thức là CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, với diện tích 2326 km2, bao gồm toàn bộ 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang.

Đây là CVĐC toàn cầu đầu tiên của Việt Nam, rất phong phú về di sản tự nhiên, bao gồm đa dạng sinh học (ĐDSH) và các kiểu di sản địa chất (DSĐC) như cổ sinh, địa tầng, kiến tạo, địa mạo, đá... và là kho tàng di sản văn hóa của 17 dân tộc định cư vùng Đông Bắc. Tháng 9/2014, trong Hội nghị CVĐC Quốc tế lần thứ 6 ở Canađa, UNESCO đã tái công nhận tư cách thành viên GGN cho CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Sự kiện cho thấy, Việt Nam đã bắt nhịp được xu thế phát triển chung của thế giới trong việc bảo tồn các giá trị DSĐC, tự nhiên và văn hóa, phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Hẻm vực Tu Sản ở đèo Mã Pì Lèng là di sản kiến tạo địa mạo nổi bật của CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn

Việc xây dựng và phát triển CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn đã tạo ra một cuộc cách mạng lớn, trong đó điểm nổi bật là khái niệm về tài nguyên địa chất cũng như phương thức khai thác đã được mở rộng. Nếu trước đây, tài nguyên địa chất chỉ gói gọn trong các loại khoáng sản kim loại, không kim loại và dầu khí, thì giờ đây, tài nguyên địa chất còn bao gồm các DSĐC. Đây là những phần tài nguyên địa chất đặc biệt, có giá trị nổi bật về khoa học, giáo dục, thẩm mỹ và kinh tế. DSĐC bao gồm các cảnh quan địa mạo, các di chỉ cổ sinh, hóa thạch, các miệng núi lửa đã tắt hoặc đang hoạt động, các hang động, hẻm vực sông, hồ tự nhiên, thác nước, các diện lộ tự nhiên hay nhân tạo của đá và quặng... là những dấu ấn phản ánh một cách trực quan và sinh động nhất lịch sử tiến hóa hơn 4,6 tỷ năm của Trái đất.

DSĐC không chỉ là tài sản của một khu vực, một quốc gia mà là của chung toàn nhân loại và là dạng tài nguyên không tái tạo cần được xác lập, bảo tồn, khai thác và sử dụng bền vững. Bên cạnh tài nguyên sinh vật, là một bộ phận quan trọng của di sản thiên nhiên, CVĐC là một khu vực tự nhiên độc đáo có ranh giới rõ ràng, trong đó chứa đựng một tập hợp các DSĐC có giá trị khoa học, phân bố trong một phạm vi nhất định, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, đồng thời chứa đựng các giá trị về ĐDSH, khảo cổ, lịch sử và văn hóa xã hội đáp ứng sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội địa phương thông qua phát triển du lịch địa chất và các dịch vụ phụ trợ khác. Nói cách khác, CVĐC toàn cầu thực chất là một mô hình bảo tồn tổng thể các giá trị di sản kết hợp với phát triển bền vững kinh tế - xã hội ở những khu vực mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho con người. Như vậy, việc phát huy những giá trị bảo tồn tài nguyên thiên nhiên của CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, thông qua quá trình xây dựng và phát triển kết hợp với phát triển du lịch địa chất là cần thiết.

Đầu tư nâng cấp và cải tạo những cơ sở hạ tầng có sẵn, khuyến khích người dân xây dựng mô hình nhà lưu trú mang bản sắc truyền thống của đồng bào dân tộc như nhà trình tường, lợp ngói máng phục vụ hình thức du lịch homestay (kinh doanh dịch vụ lưu trú), tuy nhiên cần đảm bảo yêu cầu vệ sinh cũng như các dịch vụ tiện ích khác để đáp ứng nhu cầu của du khách. Nâng cao chất lượng phục vụ của các nhà hàng khách sạn cũng như các cơ sở lưu trú, dịch vụ tiện ích khác.

Không đầu tư các công trình dân sinh và du lịch quá lớn làm ảnh hưởng đến cảnh quan và môi trường như việc xây dựng chuỗi các nhà hàng, khách sạn, sân vận động, trung tâm vui chơi giải trí lớn và các cơ sở hạ tầng liên hoàn, khổng lồ... Điều này sẽ phá vỡ cảnh quan, làm vượt ngưỡng chịu tải dẫn đến nguy cơ phá vỡ tính bền vững của di sản.

CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn có địa hình hiểm trở nên cần đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông đảm bảo an toàn cho du khách. Trước mắt, cần đầu tư cải tạo nâng cấp mặt đường cũng như các hệ thống biển báo giao thông, hộ lan… cho quốc lộ 4C, cải tạo nâng cấp các tuyến đường liên tỉnh, liên huyện, liên thôn; Mở các tuyến đường mới cần có sự tham gia tư vấn của các chuyên gia về di sản để tránh gây ra những tác động xấu hoặc phá hủy di sản.

Quản Bạ là huyện “cửa ngõ” của Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, Quản Bạ có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên cũng như sự đa dạng, đặc sắc văn hóa các dân tộc để phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ). Tiềm năng, thế mạnh DLCĐ ở Quản Bạ đang dần được đánh thức, mang lại những hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nơi đây.

Du khách nước ngoài trải nghiệm trò chơi đẩy gậy tại xã Lùng Tám (Quản Bạ).

Nhận thấy tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong phát triển du lịch, dịch vụ, huyện Quản Bạ đã cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 04-NQ/HU, ngày 12.10.2015 của BCH Đảng bộ huyện về phát triển du lịch, dịch vụ giai đoạn 2016 – 2020. Qua nhiều năm thực hiện nghị quyết, thực trạng của nền du lịch, dịch vụ đã có nhiều chuyển biến. Hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, làng văn hóa DLCĐ, điểm du lịch đã được nhà nước, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng có trọng tâm, trọng điểm. Chất lượng, chủng loại các sản phẩm du lịch được nâng lên, lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng trên địa bàn huyện ngày càng tăng. Nhiều người dân đã mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; thực hiện các phương thức kinh doanh sản xuất, quảng bá sản phẩm, thu hút khách du lịch... Nhờ vậy, nguồn thu nhập và đời sống của người dân làm du lịch đã được nâng cao.

Hiện nay, Quản Bạ đã và đang thực hiện hai đề án xây dựng Làng VHDLCĐ tại thôn Nặm Đăm (xã Quản Bạ), Làng VHDLCĐ dân tộc Bố Y, thôn Nậm Lương (xã Quyết Tiến) và ban hành kế hoạch xây dựng Làng VHDLCĐ dân tộc Mông, thôn Khố Mỷ, xã Tùng Vài. Nặm Đăm là một trong những địa bàn phát triển DLCĐ đầu tiên và hiệu quả của huyện Quản Bạ. Sở hữu nền văn hóa dân tộc Dao đậm đà, người dân nơi đây vẫn giữ được truyền thống bản sắc văn hóa dân tộc, thể hiện qua những phong tục, tập quán lao động, sản xuất, các nghi lễ truyền thống, trang phục, kiến trúc nhà ở, trò chơi dân gian và đặc biệt là các lễ hội truyền thống. Với 23 homestay là những ngôi nhà trình tường được xây dựng theo kiến trúc truyền thống, đáp ứng đủ các loại hình dịch vụ để phục vụ khách du lịch, Làng VHDLCĐ Nặm Đăm nhiều năm nay đã trở thành địa chỉ du lịch, được nhiều du khách trong nước và quốc tế đến du lịch, trải nghiệm. Anh Alexander ShaFinSkiy, quốc tịch Nga, hiện đang sinh sống và làm việc tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận chia sẻ: Đến với Nặm Đăm, chúng tôi được trải nghiệm những sinh hoạt hàng ngày cùng người dân nơi đây như làm nương, đi cấy, câu cá, nấu và thưởng thức các món đặc sản của địa phương, trải nghiệm các lễ hội truyền thống. Ngoài ra, dịch vụ tắm lá thuốc, chế biến các loại thảo dược là nét đặc sắc riêng của Làng VHDLCĐ Nặm Đăm...

Để đạt được những khởi đầu thành công cho sự phát triển của ngành du lịch, dịch vụ, trong đó bao gồm cả hoạt động DLCĐ, cấp ủy, chính quyền huyện Quản Bạ đã đánh giá đúng thực trạng, từ đó, định hướng phát triển dài hạn ngành du lịch, dịch vụ phù hợp với điều kiện thực tiễn, đặc trưng văn hóa các dân tộc, đảm bảo an ninh – quốc phòng và nâng cao đời sống nhân dân. Công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, trong đó, quy hoạch tổng thể và chi tiết các làng VHDLCĐ phù hợp với quy hoạch phát triển KT – XH cũng được huyện đặc biệt chú trọng. Cùng với đó, công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu DLCĐ cũng được chú trọng. Hàng năm, huyện Quản Bạ đều bố trí cán bộ, công chức, viên chức tham gia các lớp quản lý du lịch, nghiệp vụ xúc tiến quảng bá, hướng dẫn viên du lịch; tổ chức các lớp tập huấn hỗ trợ các kỹ năng: Hướng dẫn du lịch, tiếng Anh giao tiếp, nấu ăn, buồng phòng... cho người dân tại các làng VHDLCĐ trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch được huyện coi là nhiệm vụ then chốt để thực hiện thành công

Có thể khẳng định, sự phát triển của ngành du lịch, dịch vụ, bao gồm cả hoạt động DLCĐ đã góp phần bảo tồn những giá trị, không gian văn hóa và giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, do lượng khách ngày càng đông, số lượng người dân làm du lịch ngày càng tăng cũng đặt ra nhiều vấn đề về môi trường, nước sinh hoạt, xử lý rác thải an toàn, giữ gìn vệ sinh môi trường chung, phát triển du lịch một cách lâu dài, bền vững...