VNHN - Chỉ một thông báo gửi đến công dân trong thời hạn 2 ngày, ông Đỗ Hồng Thắng, Phó chủ tịch UBND xã Yên Phương, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc (hiện tại là Chủ tịch UBND xã Yên Phương – PV) đã huy động người thực hiện phá dỡ tài sản gây thiệt hại kinh tế hộ gia đình… Tuy nhiên, hành động trên lại được cơ quan Điều tra Công an huyện Yên Lạc cho là đúng (?).
Gửi đơn đến Tòa soạn điện tử Việt Nam Hội nhập, bà Nguyễn Thị Du, trú tại thôn Phương Trù, xã Yên Phương, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) cho biết: “Gia đình bà có một trang trại thuộc khu vực đồng xứ Dệ Đầm, thôn Phương Trù. Suốt 20 năm, cả gia đình sử dụng dòng nước sông để ăn uống, sinh hoạt và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, khi dòng nước bị ô nhiễm và không đảm bảo được sinh hoạt cũng như chăn nuôi. Gia đình bà có đổi với hộ gia đình ông bà Nở Rễ cùng địa phương để khoan giếng, xây dựng một số công trình phụ trợ cho sinh hoạt và chăn nuôi”.
Công trình xây dựng của hộ gia đình bà Nguyễn Thị Du, bị đập phá chỉ sau một thông báo mà không cần giải thích
Ngày 01/3/2016, khi ông Đỗ Hồng Thắng đi qua và phát hiện công trình trên thuộc hộ gia đình bà Nguyễn Thị Du, thay vì thực hiện đúng quy trình hành chính. Chiều 01/3/2016, ông chuyển đến gia đình một thông báo và huy động người tới phá dỡ sau đó hai ngày mặc cho người dân đã có những kiến nghị giải trình về hoạt động xây dựng của mình.
Sau khi sự việc xảy ra, bà Nguyễn Thị Du đã có những đơn từ gửi đến Công an huyện Yên Lạc, tố cáo ông Thắng có lợi dụng chức vụ quyền hạn để hủy hoại tài sản công dân nhưng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Yên Lạc lại cho rằng vụ việc không có dấu hiệu hình sự (?).
Trao đổi trực tiếp với PV, bà Nguyễn Thị Du chia sẻ: “Ngay sau khi nhận được thông báo của ông Thắng gửi tới, gia đình tôi cũng có đơn giải trình gửi đến UBND. Tuy nhiên, UBND xã Yên Phương và bản thân ông Thắng không có câu trả lời cho người dân chúng tôi. Nếu chúng tôi sai, chúng tôi sẽ nghiêm chỉnh chấp hành, nhưng cách hành xử của ông Thắng mang tính chất cá nhân, cố tình lợi dụng chức vụ và quyền hạn của mình để uy hiếp chúng tôi. Bản thân ông Thắng cũng nói: “Nhà khác làm được nhưng nhà mày thì không(?)” khiến chúng tôi vô cùng hoang mang. Chúng tôi cũng là công dân địa phương, cũng chăm chỉ lao động kiếm sống như bao người nhưng tại sao lại không được đảm bảo quyền lợi như họ?”.
Quá trình thông tin PV cũng nhận thấy: Việc thực hiện quy trình xử lý sai phạm như ông Đỗ Hồng Thắng đang mang tính chất chủ quan cá nhân, chưa thể hiện đúng vai trò trách nhiệm của người quản lý địa phương. Nhiều nghi vấn cũng được đặt ra, tại sao khi người dân có đơn kiến nghị ông Thắng không trả lời? Quá trình phát hiện sai phạm đã có biên bản chưa? Việc ông Thắng làm đang mang tính chất cá nhân hay thi hành công vụ?...
Trong khi đó, Nghị định 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định: “Việc cưỡng chế chỉ được thực hiện sau khi đã có biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt hành chính và quyết định cưỡng chế của người có thẩm quyền. Trước khi tổ chức cưỡng chế, tổ chức ra quyết định cưỡng chế phải gửi quyết định cưỡng chế đến cá nhân (tổ chức) vi phạm và các cơ quan cấp trên để cùng thực hiện…”. Ông Thắng tự ra thông báo, tự huy động người thực hiện cưỡng chế trong thời gian 03 ngày liệu có đúng?
Ông Nguyễn Huy Hiệp, Phó trưởng Công an huyện Yên Lạc cho biết: “Quy trình thực hiện điều tra về vụ việc, Công an huyện chỉ thu giữ giấy tờ photo không thu giữ bản “gốc”, bản “gốc” vẫn do UBND xã Yên Phương lưu”?
Trả lời những phản ánh PV đưa tới, ông Đỗ Hồng Thắng, Chủ tịch UBND xã Yên Phương (trước đó là Phó chủ tịch UBND xã – PV) khẳng định: “Đối với trường hợp hộ gia đình bà Du, UBND xã thực hiện đúng quy trình(?). Đấy là công trình vi phạm trên đất nông nghiệp, đang xây dựng, quy mô nhỏ nên xã phải thực hiện cưỡng chế ngay (?)”.
PV tiếp tục đưa câu hỏi: Vậy quy trình thực hiện của UBND xã Yên Phương như thế nào? Đề nghị ông cung cấp văn bản chứng minh. Ông Thắng bao biện: “Sau khi xã thực hiện xong, bà Du có đơn kiện lên Công an huyện, quá trình điều tra UBND xã đã cung cấp hết toàn bộ biên bản “gốc” cho cơ quan điều tra. Hiện tại, UBND xã không giữ giấy tờ gì (?)”.
Ở một diễn biến khác, tiếp tục mở rộng thông tin, PV Việt Nam Hội nhập điện tử đã liên hệ với Công an huyện Yên Lạc để phối hợp thông tin về vụ việc. Sau rất nhiều quy trình và có sự can thiệp Công văn chỉ đạo của lãnh đạo Công an tỉnh Vĩnh Phúc, lãnh đạo Công an huyện Yên Lạc mới thực hiện cung cấp thông tin.
Tiếp PV, ông Nguyễn Huy Hiệp, Phó trưởng Công an huyện Yên Lạc cho biết: “Quy trình thực hiện điều tra về vụ việc, Công an huyện chỉ thu giữ giấy tờ photo không thu giữ bản “gốc”, bản “gốc” vẫn do UBND xã Yên Phương lưu”. Qua trình làm việc, cơ quan báo chí cũng yêu cầu được cung cấp một số nội dung thông tin, thì ông Hiệp cho hay: “Các anh cứ để lại nội dung, để đơn vị xin ý kiến Trưởng Công an huyện rồi sẽ chuẩn bị để cung cấp (?)”. Tuy nhiên, đã hơn một tuần trôi qua, phía Công an huyện Yên Lạc vẫn “bặt vô âm tín”.
Trước thực tại trên, dư luận không khỏi đặt nghi vấn: Công an huyện Yên Lạc có đang “bỏ lọt” tội phạm? Hay đơn vị này cũng cố tình “bao che”? Việc đơn vị này đang cố tình kéo dài thời gian, thiếu phối hợp cung cấp thông tin, công khai, minh bạch cho cơ quan báo chí là có dụng ý gì? Củng cố hồ sơ, thay đổi nội dung bản chất vấn đề, hay cố tình cản trở tác nghiệp của cơ quan báo chí?
Việt Nam Hội nhập điện tử sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc!
Nghị định 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính như sau: – Việc cưỡng chế chỉ được thực hiện sau khi đã có biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt hành chính và quyết định cưỡng chế của người có thẩm quyền. Trước khi tổ chức cưỡng chế, tổ chức ra quyết định cưỡng chế phải gửi quyết định cưỡng chế đến cá nhân (tổ chức) vi phạm và các cơ quan cấp trên để cùng thực hiện. – Đối với quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng trái phép phải được gửi đến cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế, UBND cấp xã nơi tiến hành các biện pháp cưỡng chế trước khi tiến hành cưỡng chế 5 ngày để phối hợp thực hiện. – Người đã ra quyết định cưỡng chế hành chính có nhiệm vụ tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế đó. Khi nhận được quyết định cưỡng chế tháo dỡ công trình xây dựng trái phép, cá nhân, tổ chức được giao nhiệm vụ tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế phải phối hợp với các cơ quan có liên quan huy động lực lượng, phương tiện để thực hiện biện pháp đã ghi trong quyết định. – Trong trường hợp cá nhân, tổ chức phải thi hành quyết định cưỡng chế về việc tháo dỡ, di chuyển công trình xây dựng và trên đất đó có tài sản không thuộc diện phải cưỡng chế thì người tổ chức cưỡng chế có quyền buộc cá nhân, tổ chức phải thi hành quyết định cưỡng chế, đồng thời yêu cầu họ tự chuyển tài sản ra theo. – Nếu người bị cưỡng chế từ chối nhận tài sản, người tổ chức cưỡng chế phải lập biên bản ghi rõ số lượng, chủng loại, tình trạng từng loại tài sản và thuê tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện để trông giữ, bảo quản hoặc bảo quản tại kho của cơ quan ra quyết định cưỡng chế và thông báo địa điểm, thời gian để cá nhân, tổ chức có tài sản nhận lại tài sản. Cá nhân, tổ chức có tài sản phải chịu các chi phí vận chuyển, trông giữ, bảo quản tài sản. – Biên bản thi hành quyết định cưỡng chế để thi hành các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải ghi rõ thời gian, địa điểm, cơ quan chủ trì tiến hành cưỡng chế; cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế; đại diện chính quyền địa phương và người chứng kiến; kết quả thực hiện. – Cá nhân hoặc đại diện tổ chức bị cưỡng chế, đại diện cơ quan đã ra quyết định cưỡng chế, đại diện chính quyền địa phương và người chứng kiến ký vào biên bản. Trong trường hợp có người vắng mặt hoặc có mặt mà từ chối ký biên bản thì việc đó phải ghi vào biên bản và nêu rõ lý do. |