06/11/2024 lúc 02:12 (GMT+7)
Breaking News

Cát tặc vô tư lộng hành ở Vĩnh Phúc: Chính quyền làm ngơ, tài nguyên quốc gia bị 'hút máu'

VNHNO - Mặc dù đã nhiều lần phản ánh đến Chính quyền địa phương về hiện trạng cát tặc vô tư lộng hành tại thôn Đại Địch, xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc… Tuy nhiên, chính quyền vẫn làm ngơ mặc cho tài nguyên quốc gia vẫn ngày ngày bị “hút máu”. Đáng nói, đội cảnh sát giao thông đường thủy – Công an tỉnh Vĩnh Phúc nằm cách đó chỉ vài km nhưng không có động thái ngăn chặn.

VNHNO - Mặc dù đã nhiều lần phản ánh đến Chính quyền địa phương về hiện trạng cát tặc vô tư lộng hành tại thôn Đại Địch, xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc… Tuy nhiên, chính quyền vẫn làm ngơ mặc cho tài nguyên quốc gia vẫn ngày ngày bị “hút máu”. Đáng nói, đội cảnh sát giao thông đường thủy – Công an tỉnh Vĩnh Phúc nằm cách đó chỉ vài km nhưng không có động thái ngăn chặn.

Trước đó sau khi tiếp nhận phản ánh của người dân, PV Việt Nam Hội nhập đã vào cuộc và phản ánh bài viết: “Huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc): Ai bảo kê cho 'cát tặc' vô tư lộng hành?” và truyền tải thông tin đã ghi nhận đến các cơ quan chính quyền cũng như lực lượng chức năng sở tại. 

Tuy nhiên, thay vì vào cuộc thực hiện ngăn chặn tình trạng trộm cắp tài nguyên và lấn chiếm hành lang bảo vệ đê điều thì tất cả những cơ quan kể trên lại chọn giải pháp im lặng. Đáng nói, trực tiếp UBND xã Cao Đại cũng xác nhận việc khai thác cát đang diễn ra trên địa bàn là không phép và đã có văn bản báo cáo gửi UBND huyện Vĩnh Tường, cũng như phối hợp với lực lượng chức năng sở tại kiểm tra thực địa nhưng không lập biên bản(?).

Hoạt động của “cát tặc” tại thôn Đại Địch, xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường diễn ra ngày một rầm rộ hơn thách thức pháp luật

Ngày 27/9, PV tiếp tục trở lại thôn Đại Địch, xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường nơi “cát tặc” đang hoành hành ngày một ngang nhiên hơn và có dấu hiệu bất chấp pháp luật. Theo ghi nhận: “Tình trạng khai thác kể trên vẫn diễn ra rầm rộ, những chiếc tàu cuốc vẫn thản nhiên “hút máu” tài nguyên mà không gặp phải sự can thiệp hay xử lý của lực lượng chức năng cũng như chính quyền sở tại. Thậm chí, hoạt động trên còn ngày một công khai hơn, quy mô hơn trước đó. Khu vực hành lang bảo vệ đê điều, những cơ sở kinh doanh bến bãi cũng táo tợn hơn trong việc lấn chiếm, mở rộng bãi tập kết vật liệu xây dựng. Trong khi đó, mặt đê bao quanh khu vực đang có dấu hiệu sụt lún và xuống cấp trầm trọng trước sự hoạt động rầm rộ của các xe trọng tải lớn chuyên chở”.

Theo người dân địa phương cho biết: “Hoạt động bến bãi và khai thác cát quanh khu vực thôn Đại Địch, xã Cao Đại hầu hết đều là dân anh chị có máu mặt, có quan hệ nên chẳng ai ở địa phương dám ý kiến hay phản ánh bởi sợ bị trả thù. Nhiều lúc nhìn vào thực tế đang diễn ra như bờ bãi bị sạt lở, rạn nứt hay mặt đê sụt lún cũng cảm thấy bất an nhưng biết kêu ai, ở cạnh lũ thì đành sống chung với lũ thôi…”.

Cùng ngày, PV tiếp tục quay trở lại UBND huyện Vĩnh Tường với mong muốn có một câu trả lời minh bạch trước thực trạng xâm lấn “hút máu” tài nguyên đang ngày một rầm rộ. Tuy nhiên, câu trả lời PV nhận được vẫn đơn giản là: “Lãnh đạo đi vắng, nội dung phản ánh các anh cứ để lại chúng tôi sẽ sắp xếp lịch làm việc và có câu trả lời cho cơ quan báo chí(?)”. Có hay không việc né tránh trách nhiệm đang được UBND huyện Vĩnh Tường dàn dựng?

Không chỉ để “cát tặc” lộng hành, UBND huyện Vĩnh Tường còn để tình trạng lấn chiếm hành lang bảo vệ đê điều diễn ra ngày một công khai đe dọa cuộc sống của người dân

Cũng liên quan đến thông tin vụ việc, PV đã gửi ghi nhận cũng như phản ánh hiện trạng thực tại đến UBND tỉnh Vĩnh Phúc, đơn vị này đã tiếp nhận thông tin và hứa sẽ cho các đơn vị liên quan rà soát lại nội dung PV đã nêu.

Thực trạng trên khiến dư luận không khỏi hoài nghi về việc đang có một sự “bảo kê” tuyệt đối cho doanh nghiệp “hút máu” tài nguyên? Việc khai thác kể trên nếu không có những biện pháp ngăn chặn kịp thời thì hậu quả phía sau đó thật khó lường, đặc biệt nhiều năm trở lại đây tình trạng thiên tai, bão lũ lại diễn biến ngày một phức tạp. Vậy nếu xảy ra hậu quả nghiêm trọng ai sẽ là người đứng ra chịu trách nhiệm?

Xin được nhắc lại, hoạt động khai thác cát trái phép đang diễn ra tại thôn Đại Địch, xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường chỉ cách trụ sở tuần tra kiểm soát của Đội Cảnh sát giao thông đường thủy chỉ vài km. Trong khi đó, UBND xã Cao Đại cũng có báo cáo gửi UBND huyện Vĩnh Tường từ ngày 22/8/2018 nhưng cho tới nay đã hơn 1 tháng trôi qua việc quản lý địa bàn vẫn đang bị buông lỏng.

Việt Nam Hội nhập điện tử sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc!

Điều 17, Nghị định số: 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 quy định: Trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác của Ủy ban nhân dân các cấp

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:

a) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện đề xuất kế hoạch; giao Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, lập, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn địa phương theo định mức chi ngân sách do Bộ Tài chính hướng dẫn;

b) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã; các cơ quan chuyên môn; phối hợp với các lực lượng Quốc phòng, Công an ngăn chặn, giải tỏa hoạt động khai thác khoáng sản không có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (dưới đây gọi chung là hoạt động khai thác khoáng sản trái phép) trên địa bàn;

c) Tổng kết, đánh giá công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn và đưa vào Báo cáo tình hình quản lý nhà nước về khoáng sản hàng năm;

d) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ khi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn địa phương mà không xử lý hoặc xử lý không dứt điểm để diễn ra kéo dài.

2. Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) có trách nhiệm:

a) Chủ trì phổ biến và triển khai Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn;

b) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) thực hiện các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác;

c) Tiến hành giải tỏa, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ngay sau khi phát hiện hoặc được báo tin xảy ra trên địa bàn. Kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để chỉ đạo xử lý trong trường hợp không ngăn chặn được hoạt động khai thác khoáng sản trái phép;

d) Trước ngày 15 tháng 12 hàng năm gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo về tình hình bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại địa phương;

đ) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không xử lý hoặc để diễn ra kéo dài.

3. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm:

a) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản đến thôn/bản/xóm; vận động nhân dân địa phương không khai thác, thu mua, tàng trữ, vận chuyển khoáng sản trái phép, phát hiện và tố giác tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép; thực hiện Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn;

b) Phát hiện và thực hiện các giải pháp ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ngay sau khi phát hiện; trường hợp vượt thẩm quyền kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh cấp huyện để chỉ đạo công tác giải tỏa;

c) Định kỳ 6 tháng báo cáo tình hình bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại địa phương cho Ủy ban nhân dân cấp huyện.