10/01/2025 lúc 15:05 (GMT+7)
Breaking News

Y đức Đại gia đình thầy thuốc Quân y Việt Nam

VNHN - Trong rất nhiều những bút ký chân dung, những điển hình tiêu biểu về hình ảnh người thầy thuốc, bác sỹ đang ngày đêm miệt mài với sự nghiệp chữa bệnh cứu người cao quý mà chúng tôi từng có dịp thực hiện, tấm gương đại gia đình với ba thế hệ đều cống hiến cho ngành y của Thiếu tướng, GS.TS Lê Trung Hải luôn thật đặc biệt.

VNHN - Trong rất nhiều những bút ký chân dung, những điển hình tiêu biểu về hình ảnh người thầy thuốc, bác sỹ đang ngày đêm miệt mài với sự nghiệp chữa bệnh cứu người cao quý mà chúng tôi từng có dịp thực hiện, tấm gương đại gia đình với ba thế hệ đều cống hiến cho ngành y của Thiếu tướng, GS.TS Lê Trung Hải luôn thật đặc biệt.

 

Từng có dịp viết bài về ông, và qua những cuộc trò chuyện với vị Thiếu tướng quân y, người thầy thuốc nhiệt thành ấy, tôi càng như cảm nhận rõ hơn được những đóng góp, tận hiến thầm lặng mà rất đỗi vinh quang của Đại gia đình - Ba thế hệ thầy thuốc với sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Đại gia đình Thầy thuốc Quân Y Thiếu tướng, AHLLVT, GSTSKH Lê Thế Trung

-  Thiếu tướng,GSTS Lê Trung Hải

Đại gia đình của GS.TS Lê Trung Hải đã có 3 đời làm nghề y và hiện có 2 vị tướng, nhiều người là Giáo sư, Tiến sỹ, Thạc sỹ; họ đã miệt mài cống hiến giúp mang lại niềm vui, hạnh phúc cho bao người bệnh …Từng có dịp trò chuyện cùng người cha thân sinh của ông, Thiếu tướng, Anh hùng LLVT, GS.TSKH.TTND Lê Thế Trung tự hào chia sẻ : “Cả 8 đứa cháu của tớ đều học hành tiến bộ. Thằng cháu đích tôn sắp tốt nghiệp Học viện Quân y!”. Người cháu đó - Lê Trung Hiếu, nay đã là một Thượng úy, ThS.CK1 của Khoa Phẫu thuật Gan mật tuỵ, Bệnh viện TƯQĐ 108, hiện BS Hiếu đang theo học Bác sĩ nội trú ở CH Pháp. Vợ của BS Hiếu là BS Đỗ Thị Hải Linh hiện công tác tại Khoa Tim mạch, Bệnh viện Hữu nghị. Người con trai thứ 2 của GS Hải là Thiếu uý, BS Lê Trung Đức hiện đang công tác tại Khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện QY 103…Và Thiếu tướng, GS.TS.NGƯT.BSCC Lê Trung Hải - nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện 103, nay đã đảm nhiệm cương vị Phó Cục trưởng Cục Quân y, Bộ Quốc phòng. 

Trong tâm trí của những bệnh nhân, học trò và đồng nghiệp về Thiếu tướng GS.TSKH Lê Thế Trung gắn với hình ảnh về người thầy, nhà khoa học tâm huyết, tận tâm, tận lực phục vụ Đảng, nhân dân, bộ đội với tinh thần học tập và làm theo lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu!”. Nhìn lại chặng đường sự nghiệp vẻ vang của GS. Trung, chúng tôi thầm cảm phục tinh thần, nỗ lực và ý chí bất khuất của ông. Xuất thân từ ngành in, trước hoàn cảnh đất nước chiến tranh, ông đã gia nhập chiến sĩ Vệ quốc đoàn và theo học khóa 1 y tá Vệ quốc đoàn, sau đó ông theo học lớp y sỹ khóa 1 của Trường Quân y sỹ Việt Nam. Trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp, ông đã tham gia nhiều chiến dịch ở cương vị Chủ nhiệm Quân y trung đoàn. Cảm nhận rõ sự mất mát, hy sinh lớn lao của bộ đội, thương binh bệnh binh, ông luôn trăn trở làm thế nào góp sức mình giúp bộ đội có sức khỏe tốt nhất, thương bệnh binh được điều trị nhanh khỏi bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ thương vong… 

Từ tâm huyết đó, ông đã tập trung nghiên cứu những vấn đề lớn về Ngoại khoa dã chiến, đem lại cho chuyên ngành này của Quân y Việt Nam những thành công trong xử trí vết thương chiến tranh, đặc biệt là những vết thương do bỏng. Năm 1968, ông đã trực tiếp vào chiến trường Khe Sanh để nghiên cứu về Ngoại khoa trong chiến tranh và đã hoàn thành công trình “Nghiên cứu về tổn thương do sóng nổ, xử trí ngoại khoa và bỏng chấn thương, ghép da tự thân tại chiến trường”. Đến năm 1972, GS. Trung tiếp tục hoàn thành công trình “Bỏng và phẫu thuật tiếp da”. Trên cơ sở khoa Bỏng của Bệnh viện 103, cũng chính ông đã đề xuất thành lập và là Giám đốc đầu tiên của Viện Bỏng Quốc gia cũng như là Chủ tịch của Hội Bỏng Việt Nam. 

Trong những bệnh nhân may mắn được cứu chữa bởi “đôi bàn tay vàng” của GS. Lê Thế Trung, có một bệnh nhân đặc biệt từng được ông hai lần cứu mạng, là nhạc sĩ tài hoa Văn Cao. Cuối năm 1958, một đoàn văn nghệ sĩ đi thực tế Tây Bắc gồm những tên tuổi như nhà văn Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, nhà viết kịch Lưu Quang Thuận và nhạc sĩ Văn Cao. Khi tới thị trấn Hát Lót (tỉnh Sơn La), Văn Cao bị bục dạ dày. Ông được chuyển tới Thuận Châu, nơi có phòng mổ của Bệnh viện Khu tự trị Tây Bắc mới khánh thành.  Thể trạng ông đã rất yếu khiến Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi đứng ngồi không yên... Ca cấp cứu do BS. Lê Thế Trung chủ trì đã thắp đèn măng-sông để mổ; một y tá dùng đèn pin rọi vào ổ bụng giúp các bác sĩ thao tác. Nhạc sĩ Văn Cao đã thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. Gần 30 năm sau, khi GS Lê Thế Trung là Viện trưởng Quân Y viện 103, thêm một lần Văn Cao được ông cứu chữa qua cơn nguy kịch. Năm đó, Văn Cao bị căn bệnh lệch cột sống, rất đau đớn. Ông đã được chữa trị ở một bệnh viện lớn nhưng không khỏi. Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp biết chuyện tới thăm, liền gợi ý chuyển đến Viện 103 chữa trị. Cố Đại tướng đã tận tình viết thư tay gửi gắm GS Lê Thế Trung và chỉ đạo đưa Văn Cao vào Viện 103. Sau nửa tháng được vị ân nhân năm xưa chữa trị, Văn Cao bình phục gần như hoàn toàn, có thể đi lại được. GS. Lê Thế Trung và các Bác sĩ Viện 103 đã điều trị theo phương châm Đông - Tây y kết hợp giúp Văn Cao không phải mổ. Ngày ra viện, NS. Văn Cao đã tổ chức một đêm nhạc ấm cúng phục vụ các thầy thuốc và bệnh nhân để tri ân những người đã cứu mình qua cơn hoạn nạn…

Sau này, với cương vị là Giám đốc Học viện Quân y, GS. Trung đã khởi xướng việc ghép thận. Đến năm 1992, HVQY đã tổ chức ca ghép thận đầu tiên tại Việt Nam. Từ thành công của ca ghép thận đó, nhiều bệnh viện trong cả nước đã ghép được thận. Năm 2004, ở cương vị đồng Chủ tịch Hội đồng chuyên môn ghép tạng Việt Nam, ông cùng GS. Phạm Gia Khánh và các đồng nghiệp lại tổ chức thành công ca ghép gan đầu tiên tại Việt Nam. Đến nay, việc ghép tạng cũng được nhân rộng ra ở nhiều bệnh viện khác trong cả nước, với những thể loại phức tạp hơn, như: ghép tim, ghép đa tạng... Chính điều đó đã nói lên vai trò nổi bật của GS.TSKH. Lê Thế Trung là người khởi xướng, vừa là người đi đầu một lĩnh vực của Y học hiện đại tiên tiến. Năm 2015, khi Hội Ghép tạng Việt Nam được thành lập, Thiếu tướng GS.TSKH Lê Thế Trung được suy tôn là Chủ tịch danh dự đầu tiên của Hội. 

Bên cạnh những thành công về lĩnh vực Ngoại khoa dã chiến - Bỏng và Ghép tạng, GS.TSKH. Lê Thế Trung còn thành công ở một số lĩnh vực khác như: Xây dựng chuyên ngành Y học Thảm họa - một vấn đề hết sức mới mẻ đối với ngành Y tế nước ta. Ông đã hoàn thành cuốn sách “Y học thảm họa” - tài liệu quan trọng với các nhà chuyên môn và đầy giá trị với người làm công tác quản lý, hoạch định chính sách về phòng chống thảm họa. Ông cũng đặc biệt quan tâm việc kết hợp giữa Y học hiện đại với Y học cổ truyền trong phòng và điều trị bệnh tật. Một loạt các công trình ở lĩnh vực này đã được đưa vào điều trị bỏng, làm lành vết thương, hỗ trợ điều trị ung thư... Xuân Đinh Dậu 2017 qua, Thiếu tướng GS.TSKH Lê Thế Trung tròn 90 tuổi, ông đã vinh dự được trao tặng Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng cho những cống hiến nổi bật của mình. Cũng thật bất ngờ và tự hào khi được biết thêm rằng trong đại gia đình con cháu, dâu rể của GS Lê Thế Trung có đến 12 thành viên đã và đang công tác, cống hiến trong lực lượng vũ trang nói chung và trong ngành Quân y nói riêng. 

Tiếp nối truyền thống gia đình, GS.TS Lê Trung Hải cũng là một chuyên gia hàng đầu về ghép tạng. Từng thực hiện bài viết về riêng ông, tôi có dịp trò chuyện và cảm nhận sự say mê, yêu nghề và y đức của vị thiếu tướng quân y. Lắng đọng, chiêm nghiệm lại chặng đường với những dấu son đã qua với ngành y, ông chia sẻ lại cơ duyên đặc biệt của mình: “Năm mình thi vào Học viện Quân y, cụ Trung đang làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô. Thực ra, cụ chẳng định hướng mình vào ngành, nghề nào cả. Nhưng nếu một đứa trẻ sinh trưởng trong gia đình có truyền thống âm nhạc, sẽ được tiếp xúc với đàn ca sáo nhị từ rất sớm; thì mình được tiếp xúc với dao mổ, kim khâu, bột bó… Mẹ mình cũng là y sỹ trưởng của Khoa Bỏng Viện 103, nên từ nhỏ mình đã theo mẹ vào cơ quan, rồi đi sơ tán cùng bệnh viện. Mình đã dần hình thành ý thức theo nghề Y”.

GS.TS Lê Thế Trung và GS.TS Lê Trung Hải nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học Công nghệ năm 2005

Xuyên suốt sự nghiệp vẻ vang,  GS.TS Lê Trung Hải không ngừng nỗ lực trau dồi y đức, y lý. Ông đã có nhiều năm tháng tu nghiệp ở các nước tiên tiến như Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản, Đài Loan… trở thành một trong những chuyên gia ghép tạng hàng đầu của cả nước. Với hàng trăm ca ghép tạng trong những năm qua, GS Lê Trung Hải và các đồng nghiệp đã góp phần tái sinh nhiều  người. Bên cạnh đó, GS Lê Thế Trung và GS Lê Trung Hải cùng các GS, BS ở Viện 103 còn “chuyển giao công nghệ” và đến nay các bệnh viện lớn ở Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh... đã tiến hành ghép tạng thành công nhiều ca. Một trong những bệnh nhân từng được ghép thận năm 1993, là ông Lê Thanh Nghiêm (SN 1960), hiện đang là Bí thư Huyện uỷ Đông Hoà, tỉnh Phú Yên. Cuối năm 1992, trong lần đi khám tại Bệnh viện tỉnh Phú Yên, ông Nghiêm điếng người khi các bác sĩ chẩn đoán bị suy thận giai đoạn cuối. Với quyết tâm còn nước còn tát, ông được gia đình đưa ra Viện 103 chữa trị… Ngày 20/7/1993, ông Nghiêm được GS. Tôn Thất Bách, GS. Lê Thế Trung và GS. Lê Trung Hải cùng nhiều GS, BS đầu ngành ghép tạng tiến hành mổ ghép và ca đại phẫu đã thành công mĩ mãn. Đến nay, sức khoẻ của ông Nghiêm vẫn tốt, công việc và cuộc sống ổn định. Niềm vui nhân lên khi sau đó gia đình ông đón thêm một bé gái kháu khỉnh. Một trường hợp nữa là ca ghép gan cho bệnh nhi đầu tiên ở Việt Nam là cháu Nguyễn Thị Diệp diễn ra ngày 31/1/2004. Ca mổ có sự tham gia của  GS. Lê Thế Trung và GS. Lê Trung Hải đã thành công tốt đẹp sau 16 giờ đồng hồ căng thẳng. Khi GS. Lê Thế Trung (năm đó 77 tuổi) bước ra từ phòng mổ và thông báo kết quả mĩ mãn thì mọi người đều òa lên chúc mừng các thầy thuốc và gia đình bé Diệp… Sau hơn 10 năm, bé Diệp năm xưa đã tốt nghiệp hệ trung cấp dược dân của HVQY. Người cho gan là bố đẻ của Diệp sức khỏe cũng ổn định. Một điều thật đặc biệt của Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ năm 2005 đó là cả hai cha con GS Lê Thế Trung - GS Lê Trung Hải đều được vinh danh với vai trò đồng tác giả Cụm công trình Ghép tạng. Người con trai út của GS Trung, Đại tá, ThS Lê Trung Thắng - Phó Trưởng phòng Khoa học Quân sự kiêm Trưởng ban Công nghệ thông tin của HVQY cũng vinh dự nhận được Giải thưởng Hồ Chí Minh 2010 với vai trò là đồng tác giả của Cụm công trình Kết hợp Quân dân y. Đây là một điều vô cùng hy hữu và đặc biệt khi có 3 cha con cùng nhận được giải thưởng cao quý này. 

Nhìn lại hành trình đã qua, GS Lê Trung Hải khiêm nhường cho rằng đó là sự may mắn bởi ông đã được học tập và làm việc trong một mô hình Viện - Trường Quân đội có tính tổ chức, tính tập thể cao mà ở đó người thầy thuốc, thầy giáo cũng đồng thời là người lính. Dưới sự lãnh đạo của ông và các đồng nghiệp, Bệnh viện Quân y 103 đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc, trở thành bệnh viện giữ Kỷ lục Việt Nam về Ghép tạng với bốn lần “lĩnh ấn tiên phong” trong ghép thận, ghép gan, ghép tim và ghép tụy - thận ở nước ta. Với vai trò Phó Cục trưởng Cục Quân y, Bộ Quốc phòng, Thiếu tướng, GS.TS Lê Trung Hải đã có nhiều chuyến công tác đến với các bệnh viện, các cơ sở quân y và các cán bộ chiến sỹ ở các đơn vị trong toàn quân để chỉ đạo làm tốt nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của bộ đội và người dân… Mặc dù công việc bận rộn vậy, song ông luôn say sưa với khoa học, đào tạo và điều trị. Trong những năm gần đây, Thiếu tướng GS.TS Lê Trung Hải đã có những báo cáo khoa học về ghép tạng, về phẫu thuật nội soi và các vấn đề khác được đánh giá cao tại các hội nghị quốc tế ở Anh, Đức, Thái Lan, Malaysia, chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu khoa khọc cấp Bộ về ứng dụng sinh học phân tử trong chẩn đoán và theo dõi điều trị ung thư, nghiên cứu dinh dưỡng tăng cường sức khỏe cho bộ đội, trực tiếp giảng dạy ngoại khoa bằng tiếng Anh cho nhiều lớp sinh viên y khoa của CHLB Đức, Singapore, Myanmar, đào tạo hàng chục nghiên cứu sinh của HVQY, ĐH Y Huế, ĐH Y Dược Tp. Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu khoa học Y Dược lâm sàng 108, giúp phát triển chuyên môn và kỹ thuật cao cho một số bệnh viện lớn của quân đội và của Hà Nội...    

Đằng sau người đàn ông thành đạt luôn có bóng dáng của người phụ nữ chu toàn, người vợ hiền, dâu thảo và người mẹ đảm đang. Hậu phương vững chắc của GS.TS Lê Trung Hải, - Đại tá, PGS.TS.TTƯT.BSCC Phan Việt Nga, Chủ nhiệm Bộ môn Nội Thần kinh, Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y, người luôn kề vai sát cánh, động viên và cảm thông, tạo mọi điều kiện để ông có thể cống hiến hết mình cho sự nghiệp. Truyền thống y đức luôn được gia đình ông phát huy, kế thừa với những người con trai, con dâu đang nối nghiệp y đức quý báu, vẫn đang miệt mài phấn đấu với sự nghiệp trở thành những bác sĩ quân dân y vừa hồng vừa chuyên, đóng góp cho ngành y cao quý nước nhà. Khép lại một bài viết lắng đọng nhưng đầy ý nghĩa bằng hai câu thơ của GS John Le Van Hoa - ĐH Y khoa Chicago, Hoa Kỳ - Chủ tịch của Quỹ Hỗ trợ Mỹ Việt và cũng là một người bạn thân thiết dành tặng cho gia đình của GS. Lê Thế Trung : 

Tài đức song toàn, nhất gia nhị tướng
Nhân nghĩa hà sa, tam đại tứ y

Đến đây, chúng tôi cũng thầm cảm phục và hiểu thêm câu chuyện về một đại gia đình thầy thuốc với y đức vẹn toàn, sự tận hiến, tận tâm đóng góp cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cộng đồng vinh quang.