Tính chung 10 tháng năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu kỷ lục 18,72 tỷ USD.
Thông tin vừa được Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/10.
Theo cơ quan thống kê, mặc dù dịch COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp trên thế giới nhưng hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn giữ được mức tăng dương, trong đó điểm sáng là đóng góp của khu vực kinh tế trong nước.
Ước tính tháng 10/2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 26,7 tỷ USD, giảm 1,7% so với tháng trước và tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 10 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 229,27 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong 10 tháng có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong đó có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 59,9%).
Ước tính tháng 10/2020, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 24,5 tỷ USD, tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2020, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 210,55 tỷ USD, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong 10 tháng năm 2020 có 34 mặt hàng đạt kim ngạch nhập khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 89,4% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 9/2020 xuất siêu 3 tỷ USD; 9 tháng xuất siêu 16,52 tỷ USD; tháng Mười ước tính xuất siêu 2,2 tỷ USD. Tính chung 10 tháng năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu kỷ lục 18,72 tỷ USD.
Trong tháng 10/2020, thương mại trong nước tiếp tục xu hướng tăng, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 450,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 4.123 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 3% (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,7%).
Cũng trong tháng, khách quốc tế đến nước ta tăng 7,6% so với tháng trước nhưng vẫn giảm 99,1% so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam chưa mở cửa du lịch quốc tế.
Ảnh minh họa
Sản xuất công nghiệp, đăng ký doanh nghiệp tiếp tục khởi sắc
Trước tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, các lĩnh vực của nền kinh tế đang bước vào trạng thái hoạt động trong điều kiện bình thường mới, sản xuất công nghiệp tháng 10/2020 tiếp tục khởi sắc, đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo với mức tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10/2020 ước tính tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2020, IIP ước tính tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019.
Tính chung 10 tháng năm 2020, cả nước có gần 111,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tuy giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước, nhưng quy mô vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 14,3 tỷ đồng, tăng 14,4%.
Trong tháng 10/2020, cả nước có 12,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 165,6 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 72,4 nghìn lao động, tăng 18,4% về số doanh nghiệp, giảm 18,5% về vốn đăng ký và giảm 12,7% về số lao động so với tháng trước.
Trong tháng, cả nước còn có 5.044 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 10,4% so với tháng trước. Tuy nhiên, trong 10 tháng có gần 85,6 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 10/2020 ước tính đạt 52 nghìn tỷ đồng, tăng 42,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2020, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 354,6 nghìn tỷ đồng, bằng 69,8% kế hoạch năm và tăng 34,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/10/2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 23,5 tỷ USD, giảm 19,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung vào chăm sóc, thu hoạch lúa mùa, lúa thu đông trên cả nước và gieo trồng cây màu vụ đông ở phía Bắc. Điều kiện thời tiết không thuận lợi đã gây ngập lụt làm một số diện tích lúa và hoa màu bị mất trắng hoặc không thể gieo trồng; nhiều gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, giá cá tra trong tháng đã tăng sau 9 tháng liên tiếp ở mức thấp, giá tôm ổn định trở lại do thị trường xuất khẩu đang dần được khôi phục.
Chăn nuôi lợn đang dần được khôi phục, tổng số lợn trong tháng tăng 7,6% so với cùng thời điểm năm trước; tổng số bò tăng 2,5%; tổng số gia cầm tăng 4,3%; tổng số trâu giảm 2%.
Tính chung 10 tháng năm 2020, sản lượng thủy sản ước tính đạt 6.914,6 nghìn tấn, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá tiêu dùng thấp nhất trong 5 năm
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10/2020 cùng mức tăng 0,09% so với tháng trước và so với tháng 12 năm trước – đều là mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020.
Các yếu tố chủ yếu tác động tới chỉ số giá tiêu dùng là giá dịch vụ giáo dục được điều chỉnh tăng theo lộ trình nhằm tiệm cận với giá thị trường và ảnh hưởng của mưa bão, lũ lụt tại các tỉnh miền Trung. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng năm 2020 tăng 3,71% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng trong 10 tháng năm nay, cả nước có 16,5 nghìn lượt hộ thiếu đói, tương ứng với 66,5 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 75,7% về số lượt hộ thiếu đói và giảm 75,9% về số lượt nhân khẩu thiếu đói so với cùng kỳ năm trước. Để khắc phục tình trạng thiếu đói, từ đầu năm, các cấp, các ngành, các tổ chức từ Trung ương đến địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 733,6 tấn gạo.
Hà Chính