25/12/2024 lúc 00:28 (GMT+7)
Breaking News

Xuất khẩu UAE: Nỗ lực khai phá thị trường

VNHN - Kim ngạch xuất khẩu vào thị trường các nước Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) của hàng hóa Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn trong quá trình hợp tác, kinh doanh dù các mặt hàng của Việt Nam rất được ưa chuộng tại đây.

VNHN - Kim ngạch xuất khẩu vào thị trường các nước Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) của hàng hóa Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn trong quá trình hợp tác, kinh doanh dù các mặt hàng của Việt Nam rất được ưa chuộng tại đây.

Ảnh minh họa

Thị trường có tiềm năng lớn

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang UAE năm 2017 đạt hơn 5 tỷ USD, chiếm chưa tới 2% thị phần. Trong 9 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu từ Việt Nam vào UAE tăng trưởng thấp (chưa đến 1%) và nhập khẩu cũng suy giảm.

Tuy nhiên, xét về tiềm năng mở rộng và đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt Nam còn rất lớn, tập trung ở một số mặt hàng như thủy sản, hạt tiêu, hạt điều, cà phê, rau quả, dệt may, giày dép, vật liệu xây dựng. 

Nhóm nông, thủy sản gồm các mặt hàng gạo, chè, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, rau quả, cá tra, cá ba sa, tôm đông lạnh... là những mặt hàng có lợi thế, nhiều tiềm năng xuất khẩu sang UAE. 

Trong thời gian qua, Việt Nam cũng đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến vào thị trường khu vực này, điển hình là TP.HCM.

Bà Cao Thị Phi Vân, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) cho biết, gần đầy TP.HCM đã 2 lần đưa đoàn doanh nghiệp sang tìm hiểu thị trường Dubai, UAE. 

Chính quyền TP.HCM mong muốn, trong thời gian tới, tiếp tục thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác đầu tư với phía Dubai, UAE, nhằm nâng cao giá trị đầu tư của đối tác này tại TP.HCM. 

Hiện tại, các nhà đầu tư UAE đứng thứ 43 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào TP.HCM, đạt giá trị đầu tư chỉ trên 300 triệu USD.

Nỗ lực khai phá thị trường

Ông Ngô Khải Hoàn, Phó Vụ trưởng Vụ Á Phi (Bộ Công Thương) cho biết, các doanh nghiệp UAE vào Việt Nam từ năm 2016 và rất chú trọng phát triển các ngành năng lượng tái tạo. 

Trên thực tế, họ chỉ quan sát và nghiên cứu vẫn chưa ra quyết định "rót" tiền vào đầu tư. Theo đại diện của Dubai – UAE, lĩnh vực mà họ ưu tiên trước mắt khi đầu tư vào Việt Nam là bất động sản, hạ tầng logistics, công nghiệp dầu khí, hệ thống cảng phục vụ...

Tại Diễn đàn giao lưu thương mại Việt Nam - Dubai, UAE năm 2018, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường Dubai Exports, ông Ashraf A.Mahate, cho biết, năm 2017, 1 doanh nghiệp thu mua đến 20% sản lượng tiêu Việt Nam để bán tại các chợ trung tâm của Dubai. Điều đó cho thấy thị trường UAE rất chuộng sản phẩm Việt Nam và nhu cầu thu hút các công ty Việt Nam đến Dubai đầu tư là rất lớn. 

Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc ITPC cho biết, ITPC có thể hỗ trợ sắp xếp các buổi làm việc về việc đưa hàng vào các siêu thị, tìm kiếm cơ hội xuất hàng vào các chuỗi siêu thị lớn nhất của Dubai như Al Maya, Choithrams, Westzones. 

Và tất nhiên, để xuất khẩu vào thị trường UAE, Dubai, tất cả hàng hoá phải có chứng nhận tiêu chuẩn Halal. 

Nền công nghiệp Halal cung cấp các sản phẩm và dịch vụ hợp chuẩn cho người Hồi giáo, dự báo sẽ có doanh thu khoảng 3.600 tỷ USD vào năm 2021, trong đó 2.000 tỷ USD chi tiêu cho ăn uống. 

Đa số, các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác đầu tư kinh doanh với đối tác Dubai đều gặp khó khăn ở khâu logistics, cùng chi phí kho bãi đắt đỏ, giá thuê nhân công cao dẫn đến giá thành đội lên rất nhiều.

Vì vậy, dù đây là thị trường có nhiều triển vọng nhưng thách thức cũng rất nhiều. Dẫn đến việc thúc đẩy đầu tư với đối tác Dubai - UAE vẫn chưa có sự đột phá./