25/04/2024 lúc 08:27 (GMT+7)
Breaking News

Xuất khẩu nông sản hai tháng đầu năm đạt 8 tỷ USD

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết trong hai tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt hơn 14 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó xuất khẩu ước đạt 8 tỷ USD, tăng gần 21%; nhập khẩu ước đạt trên 6 tỷ USD, tăng 10%; xuất siêu gần 1,8 tỷ USD, tăng 86,7% so với cùng kì năm trước.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết trong hai tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt hơn 14 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó xuất khẩu ước đạt 8 tỷ USD, tăng gần 21%; nhập khẩu ước đạt trên 6 tỷ USD, tăng 10%; xuất siêu gần 1,8 tỷ USD, tăng 86,7% so với cùng kì năm trước.

Tháng 2/2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 3,3 tỷ USD, tăng 21,8% so với tháng 2/2021 nhưng giảm 31,4% so với tháng 1/2022. Lũy kế 2 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt khoảng 8,0 tỷ USD, tăng 20,9% so với cùng kì năm trước.

Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt trên 3,2 tỷ USD, tăng 10,2%; thủy sản đạt gần 1,5 tỷ USD, tăng 47,2%; lâm sản chính đạt gần 2,9 tỷ USD, tăng 17%... Riêng nhóm sản phẩm chăn nuôi đạt 54,1 triệu USD, giảm 3,5%.

Một số sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng như càphê tăng gần 36%, cao su 6,6%, gạo trên 22%, hồ tiêu gần 44%, sữa và sản phẩm sữa trên 11%, cá tra trên 83%, tôm trên 34%; gỗ và sản phẩm gỗ hơn 15%…

Những mặt hàng có giá trị xuất khẩu giảm như chè gần 11%, rau quả trên 12%, sắn và sản phẩm sắn gần 13%...

Về thị trường xuất khẩu, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tới các thị trường thuộc khu vực châu Á chiếm 39,5% thị phần; châu Mỹ 30,8%; châu Âu gần 14% còn lại là châu Đại Dương và châu Phi.

Hoa Kỳ tiếp tục duy trì là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam với trên 2,3 tỷ USD, chiếm hơn 28% thị phần. Riêng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới gần 70% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường này.

Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc với gần 1,3 tỷ USD, chiếm hơn 16% thị phần; riêng giá trị xuất khẩu nhóm cao su chiếm tới trên 33% tỷ trọng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Đứng thứ 3 là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt gần 586 triệu USD, chiếm 7,3% và giá trị xuất khẩu nhóm sản phẩm gỗ chiếm tỷ trọng lớn nhất với 44,8% tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường này.

Trong hai tháng đầu năm, kinh ngạch xuất khẩu ước đạt 8 tỷ USD

Kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản 2 tháng ước trên 6,2 tỷ USD, tăng 10,0% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt gần 4 tỷ USD, tăng 17,6%; nhóm sản phẩm chăn nuôi đạt khoảng 470,2 triệu USD, giảm 14,3%; nhóm hàng thủy sản ước khoảng 332,8 triệu USD, tăng 11,1%; nhóm lâm sản chính khoảng 466,4 triệu USD, giảm 3,1%; nhóm đầu vào sản xuất khoảng 982,6 triệu USD, tăng 2,8%.

Đứng đầu là thị trường Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam đạt 607 triệu USD, chiếm 9,7% thị phần (trong đó mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm 29,1% giá trị); tiếp theo là Argentina đạt khoảng 564 triệu USD, chiếm 9,0% (mặt hàng ngô chiếm 61,6%).

Thời gian vừa qua, nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản một số địa phương như Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Đắk Nông... Bộ NN-PTNT đã có văn bản triển khai thực hiện các giải pháp tăng cường tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước; thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin nhanh về giá cả, sản lượng và tình hình sản xuất, cung ứng các sản phẩm nông sản có thể gặp khó khăn trong tiêu thụ trước tình hình dịch bệnh; tham mưu Chính phủ các giải pháp tháo gỡ ùn tắc hàng hóa nông sản tại cửa khẩu.

Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT đã tiếp tục thúc đẩy mở cửa thị trường nông sản với các nước Peru, Úc, Brazil, Trung Quốc, Hoa Kỳ, ASEAN, Nga, Séc…; tổ chức Tuần lễ Nông sản Việt Nam tại EXPO 2022 Dubai và làm việc với một số đối tác song phương với Ấn Độ, Argentina, UAE; Hội đàm với đoàn Phó Chủ tịch điều hành EU nhằm thúc đẩy hợp tác về lĩnh vực biến đổi khí hậu trong khuôn khổ triển khai kết quả Hội nghị COP26 và chống khai thác IUU, đề xuất các giải pháp và kiến nghị EU gỡ bỏ thẻ vàng cho ngành thuỷ sản Việt Nam; tổ chức "Diễn đàn kết nối doanh nhân kiều bào, thúc đẩy thương mại và đầu tư ngành nông nghiệp".

Đồng thời tiếp tục hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện quy định Lệnh 248, 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc; Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện Lệnh 248, 249. Tính đến 25/2, đã tổng hợp được 119 thông báo dự thảo về quy định về SPS của các nước thành viên thuộc tổ chức Thương mại thế giới (WTO) có thể ảnh hưởng tới mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam; gửi cho các cơ quan liên quan xem xét góp ý. Xử lý 7 cảnh báo của EU về sản phẩm nông sản, thực phẩm của Việt Nam vi phạm quy định của EU.