Đây là niềm tự hào, cũng là sự ghi nhận của quốc tế đối với những nỗ lực xuất sắc của Thành phố Hồ Chí Minh trong quá trình thúc đẩy học tập suốt đời cho mọi người dân.
Mục tiêu xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời
Năm 2023 đánh dấu những bước chuyển mạnh mẽ của ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh trong chuyển đổi số giáo dục. Việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành, xác thực với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia đạt 90%, là nền tảng cơ bản cho các giải pháp chuyển đổi số khác. Từ đó, ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh đã áp dụng bản đồ GIS để thực hiện công tác tuyển sinh đầu cấp. Đây là một đổi mới quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyển sinh công bằng, minh bạch, đảm bảo việc bố trí học sinh học ở các trường gần nhà, thuận tiện cho phụ huynh đưa đón.
Ngành cũng triển khai thực hiện mô hình lớp học số, đưa vào sử dụng hệ sinh thái giáo dục thông minh, thư viện thông minh, phòng thí nghiệm thực hành hiện đại, xây dựng và phát triển học liệu số ở tất cả các môn học thuộc Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Ở cấp tiểu học, ngành giáo dục chủ động đổi mới phương pháp dạy học thông qua các hoạt động phong phú, đa dạng, giúp học sinh tiếp thu kiến thức lịch sử một cách nhẹ nhàng, vui tươi. Học sinh cấp THCS của Thành phố đã được miễn học phí từ năm học 2022-2023 và 2023-2024, sớm hơn 2 năm so với lộ trình miễn học phí đối với học sinh THCS của Chính phủ.
Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những đơn vị đầu tiên trên cả nước triển khai thực hiện bộ tiêu chí Trường học hạnh phúc tại 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn. Bộ tiêu chí với 18 tiêu chí được chia làm 3 nhóm tiêu chuẩn: về con người, về dạy học và hoạt động giáo dục, về môi trường; dựa trên nguyên lý trải nghiệm hạnh phúc của con người: kết nối với bản thân - kết nối với người khác - kết nối với thế giới tự nhiên. Mục tiêu của trường học hạnh phúc là góp phần xây dựng hình ảnh con người Thành phố Hồ Chí Minh "sống tử tế, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo". Từ đó, hình thành mối quan hệ tốt đẹp trong mỗi nhà trường, tạo môi trường giáo dục thân thiện, học tập tích cực.
Hiện Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành xây dựng và sử dụng hệ thống dữ liệu dùng chung cho toàn Thành phố phục vụ công tác phổ cập giáo dục - xóa mù chữ. Với chủ đề "Xây dựng năng lực tự học trong kỷ nguyên số", Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2023 (tổ chức vào tháng 10/2023) đã lan tỏa đến các cấp chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và các cấp học. Sự kiện nhằm thúc đẩy và nâng cao vai trò tự học của mỗi người dân Thành phố, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức về ý nghĩa của việc học tập suốt đời.
Năm 2023, toàn Thành phố có 310 hội khuyến học phường, xã; hơn 4.640 chi hội khuyến học với gần 1,5 triệu hội viên, đạt hơn 18% dân số toàn Thành phố. Hội viên khuyến học Thành phố Hồ Chí Minh chiếm 27% số hội viên khuyến học cả nước, đã vượt mốc phấn đấu xây dựng “Thành phố Hồ Chí Minh-Thành phố của triệu hội viên khuyến học”. Ðáng chú ý, trong tổng số gần 1,5 triệu hội viên, có 82,5% hội viên xây dựng quỹ khuyến học gia đình, hơn 98% số đảng viên trên địa bàn dân cư là hội viên khuyến học.
Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng được môi trường học tập trong toàn xã hội. Phong trào học tập phát triển sôi nổi trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị, góp phần ổn định chính trị, tăng năng suất lao động, góp phần giảm nghèo bền vững, xây dựng tình làng nghĩa xóm... Ðể thực hiện mục tiêu khuyến khích học tập suốt đời trong bối cảnh mới, Thành phố tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tích cực tìm kiếm và áp dụng những mô hình có tính đột phá để khuyến khích xã hội học tập trong kỷ nguyên số. Ðồng thời, Thành phố tiếp tục huy động nguồn lực, sức mạnh của toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội hướng đến mục tiêu nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.
Theo chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu xây dựng nền giáo dục tiên tiến, hiện đại, hội nhập, bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển giáo dục và chất lượng giáo dục. Thành phố quyết tâm xây dựng xã hội học tập, khuyến khích, tạo điều kiện công bằng và thuận lợi để mọi người dân được học tập suốt đời. Xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và hội nhập quốc tế, hướng đến mục tiêu đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á vào năm 2030, trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045, trở thành trung tâm giáo dục đào tạo chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Ghi danh thành phố học tập toàn cầu
Thành phố Hồ Chí Minh, cùng với thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La nằm trong danh sách 64 thành phố của 35 quốc gia được UNESCO công nhận là thành viên “Mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu” ngày 14/2/2024. Vào năm 2020, thành phố Sa Đéc tỉnh Đồng Tháp, và thành phố Vinh tỉnh Nghệ An đã được công nhận là thành viên mạng lưới. Năm 2022 có thêm thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp gia nhập mạng lưới này. Như vậy cho tới nay, Việt Nam có tổng số 5 thành phố được công nhận là thành viên "Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu".
Ông Đào Quyền Trưởng, Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO - Bộ Ngoại giao, Ủy viên Thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam đánh giá, đây là kết quả của việc thực hiện Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII, Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương. Thành quả này có được nhờ vào sự quyết tâm, nỗ lực và phối hợp chặt chẽ trong thời gian qua của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La với Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO, các chuyên gia, nhà khoa học của Việt Nam và quốc tế và người dân địa phương.
Để trở thành thành viên “Mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu”, các thành phố cần cam kết tạo điều kiện cho mọi người dân học tập suốt đời. Căn cứ trên 42 tiêu chí liên quan đến việc xây dựng thành phố học tập suốt đời, quá trình xét duyệt hồ sơ được UNESCO tiến hành hết sức chặt chẽ, do các chuyên gia độc lập hàng đầu về giáo dục tiến hành.
Đổi lại, việc tham gia "Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu" sẽ giúp cho các thành phố và người dân địa phương có điều kiện thuận lợi hơn trong việc trao đổi ý tưởng, tri thức và kinh nghiệm thông qua một mạng lưới năng động gồm 356 thành phố trên toàn thế giới. Các thành phố cũng nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật trong suốt quá trình xây dựng thành phố học tập, được ứng cử Giải thưởng thành phố học tập của UNESCO... Những điều này mang lại cơ hội hết sức to lớn cho các thành phố trong tăng cường hợp tác quốc tế, thúc đẩy quan hệ đối tác và các mạng lưới kết nối của mình nhằm thúc đẩy việc học tập suốt đời của người dân, nâng cao uy tín quốc tế, tăng khả năng thu hút đầu tư... qua đó đóng góp thiết thực vào sự phát triển bền vững của các thành phố nói riêng và của đất nước nói chung.
Đại sứ Nguyễn Thị Vân Anh, đại diện thường trực của Việt Nam bên cạnh UNESCO cho biết, đây không chỉ là niềm tự hào đối với Việt Nam mà còn là sự ghi nhận của quốc tế đối với những nỗ lực xuất sắc của các thành phố trong quá trình thúc đẩy học tập suốt đời cho mọi người dân ở địa phương.
Sự kiện cũng thể hiện những bước triển khai cụ thể chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về hội nhập quốc tế, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, nâng cao chất lượng nền giáo dục và nguồn nhân lực.
Ra mắt lần đầu tiên vào năm 2013 tại Hội nghị quốc tế lần thứ nhất về thành phố học tập được tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc), Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO là nơi tập hợp những điểm sáng trong hợp tác quốc tế, đoàn kết các thành phố ủng hộ các sáng kiến học tập suốt đời. Cho tới nay, mạng lưới đã trở thành động lực thúc đẩy phát triển bền vững trên khắp thế giới thông qua học tập suốt đời ở cấp địa phương.
Với sự xuất hiện của những thành viên mới lần này, mạng lưới hiện có 356 thành phố tại 79 quốc gia với hơn 390 triệu dân được hưởng lợi từ các cơ hội học tập suốt đời. Cùng nhau, các thành phố này chia sẻ nguồn cảm hứng, trao đổi kiến thức chuyên môn và các phương pháp hay nhất, vạch ra con đường hướng tới một tương lai tươi sáng hơn, toàn diện và hòa nhập hơn cho tất cả mọi người.