23/12/2024 lúc 09:42 (GMT+7)
Breaking News

Xây dựng văn hóa số từ đề án trang bị sách cho xã, phường, thị trấn

Xây dựng, phát triển hệ sinh thái công dân số phải là một nền tảng quan trọng của chuyển đổi số quốc gia. Kinh tế số là động lực quan trọng phát triển kinh tế Việt Nam, xã hội số là một trong những nền tảng của xã hội Việt Nam. Bên cạnh đó, gần đây khái niệm văn hóa số đang dần được phổ cập, là một phần quan trọng của nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam trong thời đại 4.0.

 

 

Qua 15 năm triển khai, Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn cũng đang hướng đến việc tiếp cận độc giả bằng những phương thức hiện đại và hiệu quả hơn.

Qua 15 năm triển khai, Đề án trang bị sách cho xã, phường, thị trấn đã phát huy hiệu quả thiết thực đối với việc đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cấp xã; nâng cao dân trí và cung cấp thông tin hữu ích cho nhân dân trong xây dựng đời sống văn hóa mới, làm giàu trên chính quê hương mình...

Theo đó, từ năm 2009 đến nay, thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương triển khai thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn nhằm góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng của hệ thống chính trị cấp cơ sở, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới và nâng cao dân trí cho các tầng lớp nhân dân.

Trong giai đoạn 2009 - 2023, đề án đã cung cấp gần 593 đầu sách (kể cả đĩa CD-ROM và CD Audio) với tổng số gần 14,5 triệu bản in về cơ sở. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã tiến hành số hóa trên 500 đầu sách của đề án xuất bản từ năm 2009 đến năm 2022 và sách văn kiện Đảng, tài liệu nghiên cứu, học tập các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, sách lý luận chính trị phổ thông...

Các đề tài sách phong phú, thiết thực, tập trung vào những mảng sách: Sách tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh và tư tưởng Hồ Chí Minh; sách phục vụ công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đoàn thể ở cơ sở; sách đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; sách bảo vệ chủ quyền biên giới, hải đảo; sách về kỹ năng lãnh đạo, điều hành cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ cấp xã; sách phổ biến kỹ thuật nông, lâm, ngư nghiệp, kiến thức chăm sóc sức khỏe, phòng và chữa bệnh…; kinh nghiệm làm giàu, những tấm gương nông dân điển hình trong sản xuất, kinh doanh giỏi…

Sau khi thư viện điện tử sách xã, phường, thị trấn ra mắt phục vụ bạn đọc từ đầu năm 2020, đến nay đã có hơn 729.000 lượt độc giả truy cập để đọc, tra cứu, học tập trực tiếp và miễn phí.

Kết quả khảo sát tháng 10-2023 của Ban Tuyên giáo Trung ương cho thấy, có tới 72,18% số cán bộ đã tiếp cận sách điện tử của Đề án; 52,52% muốn tiếp tục sử dụng hình thức sách này.

Việc nghiên cứu, học tập sách thuộc đề án đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Có đến 75,41% số người được hỏi cho rằng sách của Đề án trang bị đã giúp cập nhật, bổ sung kiến thức nói chung; 43,14% cho rằng các loại sách trên giúp tìm hiểu, tra cứu các kiến thức, kỹ năng cần thiết cho phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tại Gia Lai, đề án được triển khai rộng rãi đến các xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Đề án trang bị sách cho xã, phường, thị trấn đã phát huy hiệu quả, sách cấp về đều được tiếp nhận, bảo quản cẩn thận, cung cấp nguồn kiến thức cần thiết cho cán bộ và Nhân dân theo đúng tinh thần của đề án.

Tuy nhiên, việc đọc sách giấy theo lối truyền thống đang dần bị thay thế bởi cách tiếp nhận thông tin nhanh nhạy hơn trên môi trường internet, do vậy khó đánh giá đầy đủ hiệu quả của đề án trên. Qua đó, hướng độc giả tiếp cận các đầu sách đã được số hóa thì hiệu quả sẽ cao hơn, giúp cán bộ, Nhân dân có thể tìm hiểu mọi lúc, mọi nơi.

Một yếu tố khác không kém phần quan trọng đó là nơi đọc sách. Thư viện phải thay đổi khi nhiều thiết chế khác đang cạnh tranh mạnh mẽ với thiết chế thư viện. Trong đó, cần chú trọng đẩy mạnh việc đọc sách trên không gian mạng Đây không chỉ là nơi đọc sách mà còn là không gian sáng tạo, hưởng thụ giá trị văn hóa, tổ chức các hoạt động văn hóa, vì vậy cần được tổ chức thành một không gian hấp dẫn.

Cách mạng công nghiệp 4.0 còn tiếp tục và sẽ không ngừng ghi dấu những sáng kiến, phát minh công nghệ. Đây vừa là thời cơ, cũng vừa là thách thức đối với hệ thống văn hóa số của Việt Nam, tuyên truyền, vận động thực hiện đề án cập nhật xu hướng mới, số hóa tài liệu, hiện đại hóa phương thức hoạt động, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, hiệu quả phục vụ. Xây dựng văn hóa số không chỉ là đáp ứng xu thế chung của thời đại mà còn là yêu cầu tự thân của hoạt động ngành thư viện, nhằm đưa thiết chế văn hóa này phát triển bền vững, luôn bảo đảm chức năng là nguồn cung cấp tri thức căn bản, phục vụ nhu cầu nhiều đối tượng độc giả đương đại, và lưu giữ tài liệu cho các thế hệ mai sau.