08/05/2024 lúc 18:10 (GMT+7)
Breaking News

Xây dựng văn hóa đổi mới trong nhà trường

VNHN-Bài viết đề cập đến nhận diện văn hóa đổi mới trong trường học và xây dựng văn hóa đổi mới với ý nghĩa: Xây dựng văn hóa đổi mới trong nhà trường chính là nuôi dưỡng một môi trường trong đó ý tưởng mới hoặc cách suy nghĩ mới liên tục được đề xuất, sau đó được chuyển thành hành động để giải quyết các vấn đề cụ thể hoặc nắm bắt cơ hội mới. Bài viết cũng đưa ra một số hoạt động quản lý cần thiết của Hiệu trưởng để xây dựng văn hóa đổi mới trong trường học.

VNHN-Bài viết đề cập đến nhận diện văn hóa đổi mới trong trường học và xây dựng văn hóa đổi mới với ý nghĩa: Xây dựng văn hóa đổi mới trong nhà trường chính là nuôi dưỡng một môi trường trong đó ý tưởng mới hoặc cách suy nghĩ mới liên tục được đề xuất, sau đó được chuyển thành hành động để giải quyết các vấn đề cụ thể hoặc nắm bắt cơ hội mới. Bài viết cũng đưa ra một số hoạt động quản lý cần thiết của Hiệu trưởng để  xây dựng văn hóa đổi mới trong trường học.

Từ khóa: văn hóa đổi mới, trường học, Hiệu trưởng

Ảnh minh họa

Văn hóa đổi mới trong trường học là gì?

Văn hoá nhà trường có đầy đủ đặc tính của văn hoá tổ chức song nó có những đặc trưng riêng.

Có ý kiến cho rằng văn hóa tổ chức là “Một dòng chảy ngầm của cảm xúc tổ chức, cá nhân, nhóm theo cách của mình trong các tổ chức ở dạng tầm nhìn và các giá trị, niềm tin và giả định, nghi lễ, lịch sử và biểu tượng. (Deal & Peterson, 1999, tr. 7-8)

Văn hóa không phải chỉ được hình thành từ các chính sách và thực tiễn tạo ra mà còn do những thói quen hàng ngày, giá trị và nhận thức của đội ngũ. Văn hóa cần phải được liên tục xây dựng, nuôi dưỡng, được nhắc đến và được quản lý theo thời gian (Bryan Setser)(1).

Văn hoá  nhà trường là hệ thống niềm tin, giá trị, chuẩn mực, thói quen và truyền thống hình thành trong quá trình phát triển của nhà trường, được các thành viên trong nhà trường thừa nhận, làm theo và được thể hiện trong các hình thái vật chất và tinh thần, từ đó tạo nên bản sắc riêng cho mỗi tổ chức sư phạm.

Văn hoá nhà trường liên quan đến toàn bộ đời sống vật chất, tinh thần của một nhà trường. Nó biểu hiện trước hết trong tầm nhìn, sứ mạng, triết lý, mục tiêu, các giá trị, phong cách lãnh đạo, quản lý... bầu không khí tâm lý; thể hiện thành hệ thống các chuẩn mực, các giá trị, niềm tin, quy tắc ứng xử... được xem là tốt đẹp và được mỗi người trong nhà trường chấp nhận.

Xây dựng văn hóa đổi mới trong nhà trường chính là  nuôi dưỡng một môi trường trong đó ý tưởng mới hoặc cách suy nghĩ mới liên tục được đề xuất, sau đó được chuyển thành hành động để giải quyết các vấn đề cụ thể hoặc nắm bắt cơ hội mới.

Trường học hiệu quả không chỉ tập trung các nỗ lực vào các mục tiêu thành tích học tập, các quyết định về tập trung học tập, triển khai các mô hình giảng dạy, và các kỹ thuật giảng dạy và các công cụ của chương trình mà còn phải thống nhất với xây dựng văn hóa nhà trường. Văn hóa của nhà trường không nên ngầm và giả định. Nó cần phải được phát hiện, một cách công khai và cố ý thảo luận, đánh giá, và phát triển.

Một nền văn hóa trường học mạnh mẽ tích cực bao gồm những yếu tố sau đây:

Cải thiện hoạt động tập thể và hợp tác thông qua thúc đẩy giao tiếp, truyền thông.

Hỗ trợ các nỗ lực thay đổi và cải tiến thành công.

Nhà trường xây dựng cam kết và giúp đỡ học sinh và giáo viên để dạy học thành công.

Tăng cường động lực của giáo viên, nhân viên và học sinh.

Tập trung sự chú ý và hành vi hàng ngày vào những điều quan trọng và có giá trị.

Xây dựng văn hóa trường học là mọi hoạt động, suy nghĩ, hành động để tạo dựng một văn hóa cam kết và thúc đẩy như: thân thiện, đảm bảo các điều kiện cho việc học tập, cách thức xem xét hành vi của các thành viên trong nhà trường và ảnh hưởng đến bản thân và người khác; niềm tin về nhà trường; tạo điều kiện cho niềm tự hào cá nhân; sự tham gia của mọi thành viên.

Văn hóa phải tạo thuận lợi cho chất lượng

Nhiệm vụ hàng đầu của nhà trường là thúc đẩy, cải thiện thành tích học tập của học sinh. Tuy nhiên sự đa dạng của học sinh, giáo viên dẫn đến cần phải có một văn hóa trường học nuôi dưỡng sự phát triển đa dạng. Trên thực tế, những người khác nhau đã được tập trung vào những thứ khác nhau sẽ khó khăn để đạt được thỏa thuận về việc thực hiện các ý tưởng chất lượng. Khi có thỏa thuận về trọng tâm, công việc được hướng vào trọng tâm đó.

Hiệu trưởng cần làm gì để xây dựng văn hóa nhà trường?(1)

Có nhiều cách để Hiệu trưởng lãnh đạo xây dựng văn hóa đổi mới trong nhà trường. Dưới đây là một số hoạt động quan trọng:

1. Tổ chức phát triển hoặc xem xét lại sứ mệnh và tầm nhìn của nhà trường

Để có thể thay đổi văn hóa nhà trường một cách có định hướng và hữu ích, các nhà trường cần bắt đầu bằng việc xem xét lại mục tiêu hoạt động và vị thế của nhà trường trong bối cảnh môi trường hiện tại và các xu hướng trong tương lai.

Trước tiên, Hiệu trưởng  phải nhận ra và xác định các vấn đề cần được giải quyết và sự cần thiết phải đổi mới hướng tới các giải pháp triệt để, tốt hơn cho học sinh. Công việc này có thể được thực hiện bởi một nhóm các thành viên chủ chốt của nhà trường và đại diện các bên liên quan như Ban đại diện cha mẹ học sinh, đại diện các tổ chức xã hội, địa phương…Hiệu trưởng cần xác định mục đích trong từng giai đoạn/năm học một cách rõ ràng, theo các định hướng chiến lược.

Bên cạnh đó, cần đưa ra được một tuyên bố chính thức về triết lí hành động của nhà trường.

Triết lí hành động của nhà trường cần đảm bảo một số yêu cầu như: súc tích, ấn tượng, có tính chiến lược, làm lay động lòng người.

Triết lí của nhà trường Việt Nam qua nhiều thập kỉ được nhấn mạnh là “Dạy tốt, Học tốt”, “Tiên học lễ, Hậu học văn”, “Học đi đôi với hành”, “Tất cả vì học sinh thân yêu”. Các triết lí đó được cụ thể hóa thành các phương châm hòa nhịp với tư duy thời đại như triết lí “Học để biết, Học để làm, Học để làm người và Học để cùng chung sống” do UNESCO khởi xướng.

Đó là câu trả lời cho câu hỏi “đổi mới cái gì?”. Cần ban hành các văn bản cho phép rõ ràng để khuyến khích các thành viên trong nhà trường thử các cách tiếp cận mới, có thể thu được các bài học từ thất bại. Để làm cho các hoạt đông đổi mới thường xuyên và tạo lập vào văn hóa một cách nhanh chóng cần hình thành thói quen đổi mới: Thiết lập một chu kỳ hoặc lịch trình cho những nỗ lực đổi mới. Bản thân Hiệu trưởng phải tiếp cận công việc với tinh thần tích cực và khẩn trương.

Tổ chức phát triển hoặc xem xét lại sứ mệnh và tầm nhìn của nhà trường là công việc phức tạp, do đó, Hiệu trưởng cần tạo cho mọi thành viên nhà trường tinh thân khiêm tốn học hỏi về những điều không biết và chưa biết.

2. Tăng cường giao tiếp, truyền thông hiệu quả

Hiệu trưởng cần làm cho mọi thành viên trong nhà trường hiểu rõ định nghĩa, mục tiêu và kết quả mong muốn cho sự đổi mới, các mục tiêu này là hiển nhiên cho tất cả các thành viên trong nhà trường. Truyền thông hiệu quả không chỉ giải thích và mô tả các mục tiêu của đổi mới, mà còn chỉ ra trọng tâm của đổi mới. Điều quan trọng là tạo môi trường cho các cá nhân và tổ nhóm trong trường cảm thấy yên tâm, thoải mái để thử những điều mới, công khai để ủng hộ cả cho những đổi mới cụ thể. Hiệu trưởng cần cam kết, hỗ trợ mọi thành viên thực hiện đổi mới: thông qua các phương pháp như chủ động lắng nghe và đối thoại hai chiều với các bên liên quan thường xuyên và chân thực nhất có thể.  Bằng cách chia sẻ những bài học một cách trung thực, ngay cả những thất bại để thúc đẩy, khen thưởng và giá trị. Chia sẻ những câu chuyện về công việc của bản thân thường xuyên để tăng tốc độ học tập cho nhà trường.

Để thống nhất nhận thức về văn hóa nhà trường, làm cơ sở cho sự thống nhất hành động xây dựng và thay đổi văn hóa nhà trường, có thể có nhiều lựa chọn. Các bài tham khảo được cung cấp cho cá nhân đọc, sau đó thảo luận nhóm để tăng cường chia sẻ và thống nhất ý kiến. Lãnh đạo nhà trường hoặc một diễn giả (là nhà nghiên cứu hoặc một nhà hoạt động thực tiễn) chia sẻ với toàn thể cán bộ, giáo viên trong trường về những vấn đề về văn hóa nhà trường.

Thực hiện tốt các kĩ thuật nhân sự như kèm cặp, chỉ bảo cũng là một kĩ thuật quan trọng giúp lan truyền, quán triệt về kiểu văn hóa cần có của tổ chức. Trong đó, các nhân viên mới hoặc trẻ hơn được “tuyên truyền” về văn hóa của tổ chức. Và sự giao thoa giữa cách tư duy và hành động của các thành viên thuộc các thế hệ khác nhau cũng có thể là một biện pháp để khuyến khích tinh thần học hỏi của những người có thâm niên hay tuổi đời cao hơn.

3. Xây dựng quy tắc ứng xử trong nhà trường

Hiệu trưởng cần lãnh đạo nhà trường xây dựng quy định về sử dụng ngôn ngữ, hành vi, thói quen thân thiện, đảm bảo học sinh/sinh viên và các bên liên quan khác hiểu rõ, thoải mái, cảm thấy được chào đón.

Hình thành các chuẩn hành vi trong giao tiếp liên cá nhân

Cần hình thành quy tắc xử sự giữa các thành viên trong nhà trường (ở các vị trí công việc và thẩm quyền cụ thể) và giữa các thành viên trong nhà trường với bên ngoài.

Cần tạo ra nhiều kênh hiệu quả cho giao tiếp, cập nhật như có địa chỉ email của giáo viên, lãnh đạo nhà trường...

Bên cạnh đó, cần tiến hành giáo dục đạo đức nghề nghiệp một cách thường xuyên, hiệu quả và thực chất.

Cần thiết lập mối quan hệ chiến lược với các cơ quan, doanh nghiệp, các khu công nghiệp... để đảm bảo đầu ra là những người lao động đáp ứng nhu cầu của xã hội. Trong mối quan hệ đó, doanh nghiệp có thể tài trợ (cho nghiên cứu, giảng dạy, cho học bổng sinh viên), đặt hàng, cung cấp đầu vào thông tin để nhà trường định hướng và xác định nhu cầu.

Cần tổ chức tham vấn/ tư vấn tâm lí cho một số nhóm trong tổ chức như nhóm nữ (nữ công), thanh niên, cha mẹ trẻ...

Về cơ bản, trong giao tiếp ứng xử nội bộ và với bên ngoài cần đảm bảo thực hiện  8 nguyên tắc cơ bản là :Tôn trọng, Bình đẳng, Công khai, Tin cậy, Phù hợp với đối tượng, Cộng tác, Hài hòa lợi ích, Phù hợp quy luật tâm, sinh lí, và Thẩm mĩ hành vi.

- Các quy tắc xử sự cần được đưa ra dưới những dạng thức khác nhau, không nhất thiết chỉ nằm trong một văn bản duy nhất là Quy chế văn hóa nhà trường.

Rà soát, hoàn chỉnh hệ thống quy trình, thủ tục làm việc

- Phát triển và duy trì hệ thống quy trình, thủ tục làm việc trên cơ sở thường xuyên rà soát và điều chỉnh kịp thời các quy trình, thủ tục làm việc. Đây là điều kiện tiên quyết trong nỗ lực xây dựng văn hóa nhà trường.

- Hoàn thiện quy chế hoạt động của nhà trường

- Chuẩn hóa hệ thống chương trình, giáo dục

- Chuẩn hóa hệ thống thủ tục làm việc:

+ Các thủ tục quản lý, điều hành, như: các thủ tục giao quyền, ủy quyền, phân công nhiệm vụ, phân cấp quản lý, cách thức phối hợp Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, trưởng - phó các cấp (Hiệu trưởng và các Trưởng khối...), đóng góp ý kiến và đề xuất sáng kiến, kiểm tra, dự giờ, thu thập, xử lý thông tin...

+ Các thủ tục hành chính, như: Thống kê giờ giảng, kiến nghị, đề nghị trợ cấp, họp lớp, họp phụ huynh, thu tục tiến hành các hoạt động phong trào.

+ Các thủ tục chuyên môn, như: quy trình và các loại giấy tờ cần thiết, các bên liên quan và trách nhiệm kèm theo về các hoạt động như: đề xuất ý kiến, thông qua bài giange, dự giờ, chia sẻ sáng kiến kinh nghiệm, lựa chọn điển hình...

+ Các thủ tục giải quyết công việc đến các bên liên quan như chính quyền địa phương, Sở Giáo dục, phụ huynh học sinh, các nhà tài trợ...

Lấy ví dụ, một trong những nội dung cụ thể nữa là thống nhất thể thức các văn bản trong nội bộ và văn bản ra bên ngoài theo quy định hiện hành. Trên cơ sở các quy định của Nhà nước, của chính phủ, nhà trường có thể hình thành các bộ văn bản mẫu, cung cấp cho mọi đơn vị để thống nhất về thể thức văn bản. Dưới đây là mẫu về cách bố trí các yếu tố thể thức của văn bản quản lý hành chính Nhà nước theo quy định hiện hành:

4) Hoàn thiện quy định về phân công công việc và các tiêu chuẩn đánh giá thực thi đối với cả các nhà quản lý, giáo dục và học sinh.

Thường xuyên đánh giá văn hóa nhà trường và thiết lập các chuẩn mực mới, những giá trị mới mang tính thời đại; đặc biệt là các giá trị học tập không ngừng và thay đổi thường xuyên. Việc truyền bá các giá trị mới cho mọi thành viên trong nhà trường cần được coi trọng song song với việc duy trì những giá trị, chuẩn mực tốt đã xây dựng được là lọc bỏ những chuẩn mực, giá trị cũ lỗi thời hoặc gây ra ảnh hưởng tiêu cưc cho tiến trình phát triển của văn hóa nhà trường.

Hình thành các tổ nhóm chức chính thức và không chính thức: Các tổ nhóm  chính thức đã được hình thành, thực hiện và truyền đạt một cách nhất quán trong toàn trường để hỗ trợ đổi mới theo thời gian. Bên cạnh đó các nhóm không chính thức  hỗ trợ và cho phép liên tục thông báo những thay đổi đang diễn ra bằng nhiều hình thức đa dạng.

Củng cố quá trình đổi mới: Nhà trường cần có quy trình nhất quán rõ ràng về thăng tiến, hỗ trợ và khen thưởng các thành viên, tổ nhóm và các quá trình này phải không ngừng được củng cố để đổi mới. Hiệu trưởng và lãnh đạo tổ nhóm các cấp có trách nhiệm tôn trọng các quy trình.

Hình thành thói quen đổi mới: Với cấu trúc và quy trình tại chỗ, các thành viên trong nhóm có thể bắt đầu phát triển “thói quen của tâm trí” – bắt nhịp và quen với đổi mới. Hiệu trưởng đã xác nhận một cách rõ ràng chiến lược cụ thể để thúc đẩy thói quen mong muốn đồng thời khuyến khích việc liên tục phát triển các phương pháp mới để hỗ trợ một văn hóa đổi mới mạnh mẽ.

Tăng cường năng lực thực hiện: Hiệu trưởng cần nhận thức được sự đổi mới là một phần trong công việc của mọi giáo viên, nhân viên trong nhà trường. Nếu không có năng lực cần thiết để thực hiện, tác động từ đổi mới sẽ được giới hạn và chỉ tạm thời.

Thành công  của văn hóa đổi mới trường học thường liên quan đến việc thực hiện “lãnh đạo phân quyền”, nơi mà tất cả giáo viên, nhân viên trong nhà trường có khả năng hành động cho sự thành công của nhà trường. Những cá nhân thể hiện hiệu quả làm việc cao  được tăng các cơ hội, trong khi những người có hiệu quả hạn chế hơn được hỗ trợ và bồi dưỡng phát triển năng lực.

Hỗ trợ giáo viên, nhân viên: Các giáo viên, nhân viên, tổ nhóm cần được bồi dưỡng liên tục, hỗ trợ và có cơ hội thực hành cách tiếp cận mới. Nhà trường cần có chiến lược hỗ trợ rõ ràng. Có kinh phí bồi dưỡng cho tất cả giáo viên, nhân viên để hỗ trợ họ tiếp tục phát triển những kỹ năng sáng tạo và kiến thức vào đổi mới.

5. Liên tục phát triển sự nhiệt tình và khả năng của đội ngũ giáo viên, nhân viên trong  thực hiện xây dựng văn hóa đổi mới nhà trường.

Tư duy đổi mới: Hiệu trưởng cần nhận ra tầm quan trọng của một tư duy phát triển và sẵn sàng dũng cảm để chấp nhận rủi ro như một nét văn hóa của nhà trường. Mọi thành viên trong nhà trường cần được phát triển khả năng chịu đựng rủi ro, không sợ hãi khi thất bại trong quá trình đổi mới .

Kiến thức & Kỹ năng: Mọi giáo viên, nhân viên trong trường phải phát triển kiến thức và kỹ năng, là nhà cải cách có hiệu quả, liên tục nâng cao nhận thức và làm chủ kiến thức và kỹ năng cần thiết để thực hiện đổi mới.

NGUYỄN THỊ NGỌC TÚ

HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ KHU VỰC I

Bài được đăng trên số 61 tháng 7/2018 - Tạp chí Việt Nam Hội nhập

Tài liệu tham khảo

1. Jerome G. Delaney , 1999, What are the Learner-centered  school 

2. Bryan Setser,2015,Building a Culture of Innovation in Higher Education: Design & Practice for Leaders/.

(1) Bryan Setser,2015,Building a Culture of Innovation in Higher Education: Design & Practice for Leaders

(1) How to Create a Culture of Achievement in Your School and Classroom,by Douglas Fisher, Nancy Frey and Ian Pumpian