Có thể nói, hiếm có địa phương nào trong cả nước được sự quan tâm sâu sát, toàn diện của Trung ương như TPHCM. Từ năm 1982 đến nay, Bộ Chính trị đã ban hành 3 Nghị quyết rất quan trọng đối với TPHCM. Đó là Nghị quyết số 01- NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác của TPHCM; Nghị quyết 20-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2010 và Nghị quyết số 16-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020. Ngày 30/12/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ngoài ra, Bộ Chính trị còn ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mà trong đó TPHCM là điểm nhấn, đầu tàu cho cả khu vực Đông Nam Bộ phát triển.
Trong hơn 40 năm qua, điểm lại một số kết quả nổi bật sau khi TPHCM thực hiện 3 Nghị quyết nêu trên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố đã nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng trên các lĩnh vực. Thành phố tiếp tục là động lực, đầu tàu, dẫn dắt trong vai trò của một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, là cửa ngõ quan trọng kết nối với khu vực và thế giới. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, từng bước phát triển theo chiều sâu dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển văn hóa, xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng nâng lên.
Năm 2023 là năm bản lề có ý nghĩa rất quan trọng, năm tăng tốc và tạo đà phát triển cho hai năm còn lại của nhiệm kỳ, do vậy, để sớm triển khai thực hiện Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị, đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ Chủ đề năm 2023 “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội”..., TPHCM đã nhanh chóng xây dựng chương trình hành động và triển khai các kế hoạch thực hiện Nghị quyết phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện cụ thể của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, với nội dung cụ thể, phân công trách nhiệm và lộ trình thực hiện rõ ràng; chọn việc, chọn điểm làm rõ và nhân rộng; kịp thời cụ thể hóa, thể chế hóa Nghị quyết thành các văn bản quy phạm pháp luật.
TPHCM xây dựng Dự thảo chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 31, nêu rõ mục đích quan trọng nhất là tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức, phát huy ý thức trách nhiệm, quyết tâm chính trị, tinh thần tự giác, gương mẫu của các cấp ủy, tổ chức Đảng, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở, đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP về vai trò, vị trí và các chủ trương, định hướng lãnh đạo của Bộ Chính trị đối với TPHCM. Trong đó, nhấn mạnh 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như sau:
Một là, nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất, đồng thuận của toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân Thành phố trong triển khai thực hiện Nghị quyết 31. Quán triệt nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí của Thành phố là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, có vị trí chính trị quan trọng trên cả nước, có sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam bộ thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; luôn hướng đến xây dựng thành phố là trung tâm kinh tế tài chính, dịch vụ, văn hóa, giáo dục, đào tạo, công nghệ, đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á và châu Á, có năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Hai là, tập trung phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc tế, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực. Trong đó, có cơ cấu lại tổng thể kinh tế TP đặt trong mối quan hệ với vùng, cả nước và quốc tế; gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và năng suất lao động cao; phát triển đồng bộ các khu vực kinh tế; thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Cùng với đó, phát triển thành phố Thủ Đức dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, ứng dụng khoa học công nghệ, năng suất lao động cao.
Ba là, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch; phát triển đô thị bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng quy hoạch với tư duy đột phá, tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị. Tập trung đầu tư phát triển, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Chủ động thúc đẩy liên kết vùng, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 24 về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phát huy vai trò nòng cốt, đầu tàu của TPHCM.
Bốn là, phát triển mạnh mẽ văn hoá, xã hội, giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng con người Thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, xứng đáng với Thành phố mang tên lãnh tụ Hồ Chí Minh. Cụ thể, phát triển văn hoá, xây dựng con người Thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Tiếp tục đầu tư xây dựng Thành phố thành trung tâm lớn về giáo dục và đào tạo. Quan tâm công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện.
Năm là, bảo đảm quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Sáu là, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Trong đó, tăng cường, kiên quyết, kiên trì công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị Thành phố về mọi mặt; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu các cấp. Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình hiện nay. Tạo môi trường thuận lợi và khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung theo tinh thần Kết luận số 14 của Bộ Chính trị.
Bảy là, triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả các chính sách vượt trội khi được Bộ Chính trị đồng thuận chủ trương, Quốc hội thông qua Nghị quyết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép để phát huy tính năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, đáp ứng yêu cầu phát triển Thành phố trong giai đoạn mới. Trong đó, thực hiện có hiệu quả việc phân cấp, phân quyền cho Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố. Thực hiện tốt các chính sách thí điểm mang tính đột phá để Thành phố chủ động huy động nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển. Triển khai các cơ chế, chính sách thúc đẩy hình thành và phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế Thành phố. Tổ chức thực hiện cơ chế đột phá thu hút nguồn lực đầu tư phát triển và thúc đẩy xã hội hoá trong các lĩnh vực.
Trên cơ sở nhận thức và đồng thuận về 7 nhóm nhiệm vụ thực hiện hiệu quả Nghị quyết 31, Đảng bộ, chính quyền, cả hệ thống chính trị TPHCM hạ quyết tâm, nỗ lực hơn nữa, tăng tốc hơn nữa, đồng thời thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XI và 4 chương trình phát triển TPHCM gắn với 51 đề án, chương trình thành phần; kế hoạch phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội 5 năm (2021 - 2026). Từ đó, nhằm thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống cho nhân dân, quan tâm đến người lao động khó khăn, mất việc làm, đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội, củng cố hệ thống an sinh xã hội, bổ sung đảm bảo nguồn vốn cho chương trình giảm nghèo bền vững trong thời gian tới; gấp rút giải quyết những vấn đề liên quan đến đời sống của người dân như vấn đề nhà ở xã hội, bố trí lại dân cư trong bối cảnh hiện nay.
Đặc biệt, việc xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của người dân cần phải được quan tâm vì đây là một phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Thành phố; đồng thời, đồng lòng cùng nhau xây dựng tốt các phong trào thi đua yêu nước, xây đời sống văn hóa tại địa phương. Bên cạnh đó, TPHCM tiếp tục phát huy tốt các lợi thế tự nhiên, các nguồn lực trong nhân dân, trong hệ thống chính trị và các nhà đầu tư, đối tác quốc tế, người Việt Nam ở nước ngoài nhằm tạo thế và lực để TPHCM ngày càng phát triển nhanh và bền vững.
Đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị và đầu tư xây dựng mới các công trình, dự án trọng điểm quốc gia về hạ tầng giao thông, thủy lợi, môi trường, đô thị trên địa bàn TPHCM. Ưu tiên hơn nữa nguồn lực đầu tư cho phát triển, bảo đảm kinh phí thực hiện các dự án lớn, quan trọng, nhất là các dự án đường Vành đai 3, Vành đai 4 TPHCM, đường sắt TPHCM - Cần Thơ, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Đẩy mạnh việc liên kết, hợp tác với các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước cùng phát triển, đồng thời tích cực mở rộng quan hệ với các đối tác nước ngoài, tạo sự thống nhất và sức mạnh tổng hợp về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh cho Thành phố, cho mỗi địa phương, cho toàn vùng và cả nước./.
Nghị quyết 31 đặt ra mục tiêu đến năm 2030, TPHCM trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao; là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á. Tăng trưởng bình quân đạt khoảng 8-8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người khoảng 14.500 USD; kinh tế số đóng góp 40% vào GRDP. |
Trọng Đạt/tuyengiao.vn