27/04/2024 lúc 05:58 (GMT+7)
Breaking News

Xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, hiện đại, giàu bản sắc ở các tỉnh miền núi phía Bắc

Trong những năm qua, xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, văn minh giàu bản sắc văn hóa dân tộc được Đảng, Nhà nước và nhân dân quan tâm, xây dựng và phát triển. Các Nghị quyết của Đảng, chương trình chiến lược của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển bền vững ở nhiều tỉnh thành đã được triển khai cụ thể, đã đạt được nhiều thành tựu làm thay đổi diện mạo nông thôn trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa dân tộc ở các tỉnh miền núi phía Bắc

Xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa dân tộc là chủ chương đúng đắn và thiết thực đối với xã hội Việt Nam gắn với nông nghiệp, nông dân và nông thôn từ truyền thống đến hiện đại. Nghị quyết trung ương 5 khóa XIII của Đảng đã khẳng định:  “Xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh….phát triển nông nghiệp, nông thôn phải gắn với không gian di sản văn hóa vật thể, phi vật thể; bảo vệ các giá trị của nền văn minh lúa nước, bản sắc văn hóa dân tộc cao đẹp” [1]. Nói cách khác, phát triển nông thôn hiện nay phải theo hướng tiếp cận với xu thế hiện đại của thời đại, tiếp thu những giá trị văn minh của nhân loại, xây dựng nhiều giá trị mới nhưng phải trên cơ sở bản sắc văn hóa truyền thống của lịch sử văn hóa Việt Nam. Giá trị bản sắc văn hóa dân tộc của nông thôn hiện đại là cái làm nên diện mạo, bản chất và chính là cái “nếp nhà”, cái “chân quê” của những giá trị hồn cốt của văn hóa làng-xã của văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta đã triển khai cụ thể hóa chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đã gắn các quan điểm của Đảng, chủ chương của Nhà nước với xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại, giầu bản sắc. Các tỉnh, thành phố trên địa bàn khu vực miền núi phía Bắc đã triển khai, đã hiện thực hóa chương trình mục tiêu quốc gia về cụ thể hóa 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong sự phát triển kinh tế-xã hội của vùng. Với đặc trưng địa bàn khu vực miền núi phía Bắc gồm 14 tỉnh, với trên 30 dân tộc cùng sinh sống. Đây là khu vực có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của cả nước; có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc bộ; có tiềm năng, lợi thế về nông, lâm nghiệp, thuỷ điện, khoáng sản, du lịch và kinh tế cửa khẩu. Đặc biệt, các tỉnh miền núi phía Bắc có sự đa dạng văn hóa tộc người, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế-xã hội và nhiều tiềm năng về vốn văn hóa, di sản văn hóa  góp phần là sức mạnh nội sinh quan trọng để xây dựng nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, giầu bản sắc văn hóa dân tộc.

Nội dung xây dựng nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, giầu bản sắc văn hóa dân tộc ở các tỉnh miền núi phía bắc nước ta được thể hiện ở một số phương diện cụ thể như sau:

Thứ nhất: Sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước với xây dựng nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, giầu bản sắc văn hóa dân tộc ở các tỉnh miền núi phía Bắc

Các tỉnh miền núi phía bắc đã cụ thể hóa Nghị quyết của trung ương, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới vào và các nghị quyết Đảng bộ các tỉnh, huyện, xã nhằm tăng cường công tác chỉ đạo của Đảng, quản lý của nhà nước với xây dựng nông thôn mới. Các tỉnh miền núi phía Bắc đã thành lập các Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới ở cả ba cấp (tỉnh, huyện, xã) với quy chế hoạt động rõ ràng, trong đó phân công nhiệm vụ cho từng thành viên phụ trách, chỉ đạo từng lĩnh vực theo chức năng, nhiệm vụ chuyên ngành cụ thể. Lãnh đạo chủ chốt của một số địa phương đã quan tâm, nhanh chóng vào cuộc để tập trung chỉ đạo thực hiện, cũng như vận động, thu hút doanh nghiệp đầu tư, phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn như Sơn La, Hòa Bình, Bắc Giang; đẩy mạnh xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản của địa phương như Bắc Giang, Hòa Bình, Sơn La… Qua đó, đã tạo nên sự đột phá trong xây dựng nông thôn mới của khu vực miền núi phía Bắc.

Công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới đã được các địa phương chú trọng với những đổi mới về phương pháp, cách thức nhằm tạo chuyển biến về nhận thức và hành động của cán bộ và các tầng lớp nhân dân về xây dựng nông thôn mới. Nhiều địa phương đã sáng tạo, chủ động lồng ghép các hoạt động tuyên truyền về nông thôn mới trong các hoạt động sinh hoạt cộng đồng; phổ biến cách làm hay, mô hình hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới thông qua các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền, bản tin, phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Các địa phương căn cứ vào tình hình thực tiễn, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù trong hỗ trợ thực hiện Chương trình, như cơ chế hỗ trợ Quỹ phát triển cộng đồng của tỉnh Hà Giang; cơ chế hỗ trợ xi măng để phát triển hạ tầng nông thôn (Tuyên Quang, Bắc Giang); cơ chế hỗ trợ đội văn nghệ thôn, bản (Sơn La). Một số địa phương đã sớm ban hành cơ chế hỗ trợ xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản (Hà Giang, Lào Cai, Thái Nguyên…) làm cơ sở để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ các thôn, bản khó khăn xây dựng nông thôn mới.

Nhờ đó, các mục tiêu cơ bản của Chương trình đã đạt nhiều kết quả tích cực. Cả vùng đã có 6 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Theo báo cáo của các địa phương, một số tỉnh khó khăn như Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên… đã có đơn vị cấp huyện hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ xem xét công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nông thôn mới trong năm 2019.

Thứ 2: Xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại ở các tỉnh miền núi phía Bắc

Trong xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại, các tỉnh đã thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng kinh tế nông thôn, ưu tiên các nguồn lực, thực hiện đồng bộ các chính sách nhằm giúp người dân cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo như: Chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ sản xuất nông nghiệp…..Các tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành và địa phương tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực của các tỉnh, của địa phương. Cả vùng đã có 6 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ; huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên; thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình; thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn). - nếu xét riêng từng tiêu chí thì toàn vùng còn có 7/19 tiêu chí đạt thấp, dưới 50% chỉ tiêu như 41,9% đạt tiêu chí giao thông nông thôn, 44,7% xã hoàn thành tiêu chí trường học, 39,6% đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, 40,2% xã đạt tiêu chí thu nhập, 42,3% số xã đạt tiêu chuẩn về thoát nghèo, 34,5% xã đạt tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm. giai đoạn 2021- 2025, có ít nhất 1 tỉnh trong vùng được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới;100% các tỉnh có ít nhất 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó, khuyến khích các huyện đã được công nhận trong giai đoạn 2016-2020 tiếp tục phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu; 56% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 80% số thôn, bản thuộc phạm vi Đề án 1385 được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 90% số thôn, bản thuộc các xã khác trên địa bàn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo các tiêu chí thôn nông thôn mới do các địa phương quy định; thu nhập bình quân tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020.

Về xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đã được đáp ứng: sau hơn 9 năm thực hiện, toàn vùng đã xây dựng được trên 28.000 km đường giao thông nông thôn, bằng toàn bộ kết quả thực hiện giao thông nông thôn của các giai đoạn trước. Đến nay, tất cả các xã có đường giao thông kết nối với trung tâm huyện và chợ huyện được trải nhựa/hoặc bê tông hóa, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân.

Về thực hiện các chính sách xã hội, an sinh xã hội đảm bảo: Khi thực hiện xây dựng nông thôn mới tại các tỉnh miền núi phía bắc thì tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (áp dụng đạt cho cả nam và nữ) cao; anh sinh xã hội và giảm nghèo bền vững tại các vùng xây dưng nông thôn văn minh hiện đại đang là những điểm sáng trong sự phát triển bền vững hiện nay. Có nhiều xã nông thôn mới đạt tiêu chí quốc gia về y tế, tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn ngày được nâng lên.

Đặc biệt, các địa phương thực hiện xây dựng nông thôn mới đã thực hiện tốt phát triển kinh tế xã hội với bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái. Các tỉnh miền núi phái Bắc với đặc điểm thiên nhiên và khí hậu ưu đãi, có nhiều tiềm năng lợi thế phát triển kinh tế nông-lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cho sự phát triển bền vững.

Như vậy, thự hiện xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại, văn minh ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã là nguồn lực, là mục tiêu cho sự phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường gắn với sự phát triển bền vững của vùng.

Thứ 3: Xây dựng nông thôn giầu bản sắc văn hóa dân tộc ở các tỉnh miền núi phía Bắc

Trong xây dựng nông thôn mới ở các tỉnh miền núi phía Bắc cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội nâng cao đời sống vật chất cho đồng bào dân tộc thì đời sống văn hóa tinh thần người dân, vùng đồng bào dân tộc miền núi ngày càng được nâng lên phong phú, đa dạng. Với hơn 30 dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn đã tạo nên sự đa màu sắc và phong phú về văn hóa tinh thần của người dân các tỉnh miền núi phía Bắc. Nhiều địa phương đã phát triển các loại hình văn hóa, văn nghệ dân tộc truyền thống như hát Then của dân tộc Tày, Nùng, Thái; văn hóa cồng chiêng của dân tộc Mường; múa khèn của dân tộc Mông, múa Xòe của dân tộc Thái,.... Hát Then là loại hình nghệ thuật diễn xướng phục vụ đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc Tày. Trong tiếng Tày, Then có nghĩa là Thiên, tức là Trời, vì thế hát then được người Tày coi là điệu hát của thần tiên, lời hát giúp gửi những lời ước mong của dân làng đến nhà trời. Hát then không chỉ là một làn điệu dân ca mà còn là sự tổng hòa của nhiều hoạt động nghệ thuật như múa, đàn, hát…Lời hát Then được chắt lọc từ đời sống tinh thần, nhân sinh quan và cũng là những câu hát trữ tình với giai điệu dễ nghe, hấp dẫn;  Múa Khèn của đồng bào Mông được truyền qua nhiều thế hệ. Đối với người Mông, khi múa khèn phải múa bằng nhạc cụ cho họ làm ra đó là khèn Mông. Người Mông đã sáng tạo ra cây khèn có cấu tạo phù hợp với dáng khung người và các thế quây, nhảy. Nghệ nhân múa hèn với những bước nhún, bước đảo, bước quay hoặc vừa ôm khèn, vừa lăng mình trên đất tạo nên vũ đạo rất đẹp. Với cộng đồng người Mông, tiếng khèn dường như là phương thức để chuyển tải, thổ lộ tâm tư, nguyện vọng của mình....

Gắn phát triển du lịch văn hóa với xây dựng nông thôn mới: phát triển du lịch văn hóa là quá trình gia tăng hoạt động du lịch trên cơ sở những giá trị văn hóa dân tộc, đảm bảo lợi ích kinh tế, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của xã hội nói chung trong đó có cư dân địa phương ở các điểm du lịch. Phát triển du lịch văn hóa vùng đồng bào dân tộc miền núi phía Bắc là sự kết hợp phát triển du lịch và các giá trị văn hóa tộc người, bản sắc văn hóa tộc người nhằm mục tiêu phát triển kinh tế và góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc. Các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta với nhiều tiềm năng, lợi thế cho sự phát triển du lịch văn hóa như sự đa dạng hóa của nhiều tộc người, có nhiều vùng biên giới và cửa khẩu, có nhiều mô hình phát triển du lịch văn hóa... đã cho thấy được vai trò của du lịch văn hóa là ngành kinh tế mũi nhọn trong các ngành kinh tế gắn với nông nghiệp và nông thôn vùng núi. Phát triển du lịch văn hóa thực chất là sự phát triển kinh tế trong văn hóa và văn hóa trong kinh tế với mục tiêu nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc. Phát triển du lịch văn hóa là điều kiện tăng trưởng kinh tế của địa phương và thông qua đó phát huy được nhiều giá trị văn hóa, xây dựng và nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân các dân tộc. Trong xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương đã biết tận dụng và phát huy lợi thế để phát triển kinh tế du lịch, nhất là mô hình du lịch cộng đồng, thu hút một lượng lớn khách du lịch trong nước và nước ngoài đến thăm quan như Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang...

Xây dựng thiết chế văn hóa:  Xã có nhà văn hóa hoặc hội trường đa năng và sân thể thao phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể thao của toàn xã xã có điểm vui chơi, giải trí và thể thao cho trẻ em và người cao tuổi theo quy định; Tỷ lệ thôn, bản, ấp có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng. Tỷ lệ thôn, bản, ấp đạt tiêu chuẩn văn hoá theo quy định, có kế hoạch và thực hiện kế hoạch xây dựng nông thôn mới.

Xây dựng nông thôn mới gắn với sự phát triển của Làng nghề truyền thống: trên địa bàn các tỉnh miền núi phái Bắc rất đa dạng về nghề truyền thống; các làng nghề truyền thống chủ yếu gồm các nghề về: Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, dệt may, sợi, thêu ren; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh... Các sản phẩm nông nghiệp đang trở thành hướng phát triển du lịch mới của các tỉnh miền núi phía Bắc. Sự kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp đã mang lại hiệu quả kinh tế cho nông nghiệp, gây dựng được thương hiệu cho du lịch nông nghiệp. Ngoài ra, các tỉnh còn nhiều sản phẩm từ các làng nghề khác có thể kết hợp một cách sáng tạo để tạo ra các sản phẩm du lịch du lịch văn hóa đặc trưng. Đặc biệt, trong xây dựng nông thôn mới các tỉnh miền núi đều  xây dựng kế hoạch và triển khai kế hoạch bảo tồn, phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với hạ tầng về bảo vệ môi trường.

Bảo tồn, phát huy văn hóa tộc người trong xây dựng nông thôn giầu bản sắc văn hóa dân tộc. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới hiện nay tại các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta nhiều cộng đồng đã nhận thức, đã biết phát huy giá trị văn hóa của dân tộc mình cho sự phát triển kinh tế nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc. Các cộng đồng nhìn chung có ý thức tốt trong bảo vệ giá trị văn hóa mang tính bản sắc của dân tộc mình.

Thứ 4, Một số vấn đề đặt ra trong xây dựng nông thôn văn minh, hiên đại, giầu bản sắc văn hóa dân tộc ở các tỉnh miền núi phía Bắc hiện nay

- Một là: kết quả xây dựng nông thôn mới mặc dù đã có những chuyển biến tích cực nhưng nhiều địa phương còn khó khăn, đặc biệt là các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới nên nhìn chung kết quả xây dựng nông thôn mới còn khoảng cách chênh lệch khá lớn, có xu hướng nới rộng khoảng cách so với các vùng, miền của cả nước.

- Hai là, Bên cạnh đó, khả năng huy động nguồn lực còn rất hạn chế; doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn ít, quy mô sản xuất nông hộ còn chiếm đa số; nhiều địa phương mới quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng mà chưa chú trọng bố trí nguồn lực tương xứng cho các lĩnh vực trọng yếu khác; năng lực của bộ phận cán bộ cơ sở, nhất là ở xã miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế nên ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ triển khai và chất lượng của Chương trình... Chương trình xây dựng nông thôn mới ở khu vực vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, tính đến tháng 6/2019, khu vực miền núi phía Bắc đã có 603/2.280 xã (đạt 26%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, dự kiến đến hết năm 2019 có khả năng có 28% số xã đạt chuẩn, hoàn thành sớm hơn 1 năm so với mục tiêu Chính phủ giao (28% là mục tiêu đặt ra đến năm 2020). với con số 603 xã đạt chuẩn, mặc dù tăng 18% so với cuối năm 2015, nhưng mức độ tăng thấp hơn so với bình quân cả nước - là 32%. Bình quân tiêu chí/xã đạt 12,28 tiêu chí, tuy tăng 8,32 tiêu chí so với năm 2011 và tăng 2,9 tiêu chí so với năm 2015, nhưng vẫn thấp hơn so với bình quân chung của cả nước là 15,26 tiêu chí/xã…

-Ba là: Gắn với xây dựng nông thôn hiện đại, văn minh giầu bản sắc là sự  phát triển của kinh tế thị trường, sự hội nhập trong nước và quốc tế, sự giao lưu và tiếp biến văn hóa... thì các cộng đồng dân tộc miền núi phía Bắc rất khó khăn trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa của cộng đồng trong quá trình phát triển hiện nay. Nhiều giá trị bản sắc của văn hóa có nguy cơ mai một, nhiều di sản văn hóa không được bảo tồn và phát huy, môi trường văn hóa bị xuống cấp...

Tóm lại, Xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại, văn minh là chủ chương đúng đắn có ý nghĩa chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân của Đảng và nhà nước. Nội dung xây dựng nông thôn mới ở các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta trong những năm qua đã đạt nhiều thành tựu quan trọng làm thay đổi diện mạo đời sống vật chất và tinh thần cho vùng đồng bào dân tộc miền núi phía Bắc. Kết cấu hạ tầng được cải thiện, cơ cấu kinh tế nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy gắn với xây dựng nông thôn mới.

Tạ Khánh Trường 

Học viện Chính trị Khu vực I

[1]   Các văn kiện Hội nghị lần thứ năm BCHTW khóa XIII, NXB Quốc gia sự thật, tr 39

...