20/01/2025 lúc 19:05 (GMT+7)
Breaking News

Xây dựng khung hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc hiện đại, khai thác thế mạnh của vùng Thủ đô

Khung hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc đang được định hình trên cơ sở kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, phù hợp quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc, quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội và quy hoạch các phân khu. Tỉnh đang gấp rút xây dựng các tuyến giao thông chính liên kết với vùng Thủ đô và các tỉnh lân cận nhằm phát huy tối đa vị trí địa kinh tế để thu hút và khai thông các nguồn lực.

Khung hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc đang được định hình trên cơ sở kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, phù hợp quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc, quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội và quy hoạch các phân khu. Tỉnh đang gấp rút xây dựng các tuyến giao thông chính liên kết với vùng Thủ đô và các tỉnh lân cận nhằm phát huy tối đa vị trí địa kinh tế để thu hút và khai thông các nguồn lực.

Mạng lưới giao thông phủ kín, kết nối trong ngoài

Xác định phát triển hạ tầng giao thông để “đi tắt, đón đầu” thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc luôn ưu tiên nguồn vốn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm hoàn thiện các công trình giao thông trong hệ thống hạ tầng khung đô thị, bảo đảm kết nối thông suốt giữa các địa phương và hình thành các tuyến đường kết nối Vĩnh Phúc với các tỉnh, thành lân cận. Trên cơ sở đánh giá hiện trạng giao thông, ngành Giao thông vận tải (GTVT) Vĩnh Phúc đã chủ động tham mưu với tỉnh phê duyệt và triển khai Quy hoạch phát triển GTVT tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Chỉ lên tấm bản đồ giao thông, Giám đốc Sở GTVT Lê Văn Kiên khoanh 5 tuyến đường vành đai thuộc mạng lưới giao thông của tỉnh Vĩnh Phúc với trung tâm là thành phố Vĩnh Yên. Trong đó vành đai 1, 2 và 3 nằm trong vùng lõi đô thị Vĩnh Phúc nhằm tránh lưu lượng giao thông quá lớn vào trung tâm đô thị, giúp giao thông trong khu vực thông suốt, giải toả, điều phối các luồng xe quá cảnh qua khu vực Vĩnh Yên cũng như giao thông bên trong đô thị ra bên ngoài. Vành đai 4 và 5 vừa có tính chất đối nội vừa đối ngoại, đóng vai trò kết nối các trung tâm đô thị, công nghiệp và du lịch chính của tỉnh. Bên cạnh đó, các đường trục bắc - nam, đông - tây và các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ tạo nên mạng lưới giao thông hợp lý, mật độ cao, kết nối chặt chẽ giao thông đối nội với giao thông đối ngoại.

Gấp rút thi công tuyến đường trục Bắc Nam đô thị Vĩnh Phúc, kết nối với cầu Vân Phúc sang Hà Nội.

Quy hoạch phát triển GTVT chính là xương sống của Quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc, Quy hoạch phân khu đô thị Vĩnh Phúc. Quy mô hệ thống đường tỉnh giữa các đồ án quy hoạch được cập nhật, rà soát để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, quy mô tối thiểu đạt đường cấp III đồng bằng rộng 12m. Một số tuyến đường, công trình giao thông, cầu lớn vượt sông được bổ sung vào quy hoạch như tuyến đường ven chân núi Tam Đảo, đoạn từ Đại Lải đi Tây Thiên với tổng chiều dài khoảng 23,6 km; tuyến đường kết nối trục bắc nam (Vĩnh Phúc) với trục trung tâm khu đô thị mới Mê Linh với tổng chiều dài 16,3 km; nâng cấp mở rộng QL 2B nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh với chiều dài 24,2 km; xây dựng đường song song đường sắt chạy qua địa phận tỉnh với chiều dài trung bình 33 km mỗi bên; xây dựng cầu Vĩnh Phú kết nối tỉnh Vĩnh Phúc với tỉnh Phú Thọ dài khoảng 700 m, rộng 16,5 m; phối hợp TP Hà Nội xây dựng cầu Vân Phúc kết nối với TP Hà Nội với chiều dài cầu khoảng 3.000 m, rộng 20,5 m…

Nhằm bảo đảm an toàn giao thông tại các nút giao, đáp ứng nhu cầu phát triển mạng lưới đường bộ, tỉnh cũng bổ sung quy hoạch xây dựng 10 nút giao khác mức tại các tuyến đường trục chính và một số cầu vượt bộ hành dành cho người đi bộ tại các thành phố Vĩnh Yên và Phúc Yên. Bên cạnh đó, ngành GTVT đã cập nhật, đặt số hiệu đường bộ cho 17 tuyến đường tỉnh để phục vụ công tác quản lý nhà nước với tổng chiều dài 371,3 km. Ước tính tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các nội dung điều chỉnh Quy hoạch phát triển GTVT tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 khoảng 30 nghìn tỷ đồng, gồm nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, nguồn vốn xã hội hóa và các nguồn vốn khác.

Với tầm nhìn đó, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ có mạng lưới giao thông hợp lý, thống nhất, hình thành những trục giao thông kết nối các khu vực phát triển kinh tế của tỉnh. Từ đó, khai thác tối đa thế mạnh của từng phương thức vận tải như đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Mở rộng hướng phát triển về phía Thủ đô

Sự phát triển của Vĩnh Phúc gắn liền với Vùng thủ đô, nói cách khác, Vĩnh Phúc phải tìm cách khai thác, tận dụng các cơ hội của một tỉnh giáp ranh Hà Nội, thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ để vươn lên. Trong đó, huyết mạch giao thông đóng vai trò trọng yếu để thu hút đầu tư, lưu thông hàng hóa. Nhận thức rõ điều này, tỉnh đang tích cực đầu tư, nâng cấp các tuyến đường sẵn có kết nối với Thủ đô Hà Nội như cao tốc Hà Nội - Lào Cai, QL 2, QL 2C. Bên cạnh đó, tỉnh đã xin ý kiến và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương để tỉnh xây dựng thêm hai nút giao kết nối mạng lưới giao thông của tỉnh với cao tốc Hà Nội - Lào Cai là IC2 và IC5 bằng nguồn ngân sách địa phương. Ngoài ra tỉnh đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và phối hợp UBND TP Hà Nội triển khai đầu tư dự án mở rộng đường trục trung tâm khu đô thị mới Mê Linh kết nối với Thành phố Hà Nội, với nền đường rộng tới 100 m.

Kiểm tra độ chặt nền đường trên trục Đông Tây đô thị Vĩnh Phúc.

Theo quy hoạch được phê duyệt, QL 2 đi qua địa bàn tỉnh dài 37,68 km, tỉnh đã có báo cáo đề nghị Bộ GTVT bàn giao lại đoạn QL 2 đi qua đô thị Vĩnh Yên để tỉnh quản lý, chủ động đầu tư bằng nguồn ngân sách địa phương, hướng tuyến QL 2 sẽ đi theo tuyến QL 2 tránh thành phố Vĩnh Yên. Đoạn ngoài vành đai 3 được quy hoạch bảo đảm bốn làn xe với bề rộng mặt cắt ngang tối thiểu 42 m. Đường vành đai 5 Thủ đô Hà Nội đoạn qua địa phận Vĩnh Phúc dài 51,5 km được quy hoạch đạt đường cấp II đồng bằng, từ 4 - 6 làn xe. Tỉnh đang triển khai xây dựng đường vành đai 5 Hà Nội thuộc địa phận tỉnh Vĩnh Phúc, Trục bắc - nam đô thị Vĩnh Phúc kết nối với trục bắc - nam TP Hà Nội. Sở GTVT Vĩnh Phúc đã chủ động làm việc với các cơ quan của TP Hà Nội bàn việc triển khai xây dựng cầu Vân Phúc vượt sông Hồng kết nối tỉnh với TP Hà Nội và thông tuyến với các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Phía đông và phía nam, các tuyến đường kết nối với Hà Nội như đường trục bắc - nam đoạn từ Vĩnh Yên đến cầu Vân Phúc và tuyến kết nối từ đường trục bắc - nam đến đường trục Mê Linh đang được triển khai góp phần phát triển công nghiệp, du lịch dịch vụ, đô thị sinh thái khu vực Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên. Về phía tây, tuyến giao thông mới đang được gấp rút hoàn thiện là đường song song hai bên đường sắt từ cầu Hạc Trì (TP Việt Trì) đến Phúc Yên nhằm thúc đẩy giao thương, hỗ trợ phát triển vận tải logistisc, tạo động lực thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, đồng thời mở ra quỹ đất phát triển đô thị, nhà ở dọc tuyến.

Thi công với tinh thần quyết liệt, khẩn trương

Sở GTVT đã xây dựng danh mục các dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trong đó tập trung ưu tiên đầu tư các dự án trọng điểm có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, tạo sự lan tỏa kết nối vùng miền. Ông Lê Ngọc Minh, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cho biết: Ban đang triển khai thi công tám dự án giao thông lớn của tỉnh, phấn đấu đến cuối năm 2021 sẽ đưa vào khai thác sử dụng khoảng năm dự án. Ban cũng phấn đấu hoàn thiện thủ tục khởi công một số dự án có tính kết nối liên vùng như cầu Vĩnh Phú qua Sông Lô; đường Tây Thiên - Tam Sơn, Đường vành đai 5 vùng thủ đô và đường ven chân núi…

Không khí thi công trên các công trường giao thông hiện rất khẩn trương. Dưới cái nóng oi ả của mùa hè, các nhà thầu huy động hàng chục phương tiện máy móc thiết bị gấp rút thi công tuyến đường trục bắc - nam, trục đông - tây đô thị Vĩnh Phúc, đường song song đường sắt tuyến phía Bắc, đoạn QL 2C đến đường Hợp Thịnh - Đạo Tú. Dự kiến các tuyến đường này hoàn thành vào cuối năm 2022 tạo điều kiện phát triển kinh tế của tỉnh và kết nối liên vùng. Ông Văn Hoàng Long, Phó Giám đốc Công ty KeHin, đơn vị thi công đường trục bắc - nam cho biết: Đơn vị đang tranh thủ thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thi công trước mùa bão đang đến, mặt bằng bàn giao đến đâu công ty bố trí máy móc đến ngay vị trí đó để đắp bờ, xác định ranh giới và tổ chức thi công ngay.

Để bảo đảm tiến độ thi công các dự án giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Vĩnh Phúc cần đẩy nhanh công tác lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, các cấp, các ngành và các chủ đầu tư cần phối hợp nhịp nhàng với chính quyền địa phương thực hiện quản lý tốt việc người dân xây dựng, tạo lập tài sản trong phạm vi các tuyến đường được quy hoạch; quyết liệt giải quyết các nút thắt trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cho cả giai đoạn.

Khẳng định vai trò “xương sống” của giao thông, đồng chí Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh, tỉnh sẽ tập trung hoàn thiện khung hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc, phát triển các tuyến giao thông kết nối với vùng Thủ đô và các tỉnh lân cận, coi đó là một nhiệm vụ trọng tâm trong suốt nhiệm kỳ 2020 - 2025 của Đảng bộ tỉnh. Trước hết, tỉnh tập trung nguồn lực cho một số công trình giao thông trọng điểm, có tác động lớn đến thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề để phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ, công nghiệp, khai thác tối đa lợi thế vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của tỉnh, đưa Vĩnh Phúc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai gần.