Hiện nay, trên cơ sở 9 giá trị cơ bản là: hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc(2) đã được nêu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc (ngày 24-11-2021), có thể tiếp tục hoàn thiện hệ giá trị quốc gia trong thời kỳ Việt Nam phấn đấu “trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI” như Đại hội XIII của Đảng đã xác định. Bài viết khái quát vị trí, vai trò, chức năng của hệ giá trị quốc gia; thực tiễn xây dựng và các giá trị cấu thành hệ giá trị Việt Nam hiện nay.
1. Vị trí, yêu cầu và chức năng của hệ giá trị quốc gia trong thời kỳ Việt Nam phấn đấu trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa
Hệ giá trị quốc gia là kết quả tổng hợp các giá trị, nhu cầu và yêu cầu phát triển theo hướng tiến bộ của đất nước. Hệ giá trị đó bao gồm những giá trị liên kết với nhau theo một hệ thống thứ bậc, đảm nhiệm các chức năng xã hội nhất định. Đây là hệ thống các giá trị hay chuẩn mực có tính nền tảng, cốt lõi và tổng quát, bao trùm, chi phối tất cả các lĩnh vực, hoạt động khác nhau của đời sống quốc gia. Nó bao gồm các giá trị truyền thống tiêu biểu và các giá trị đương thời phản ánh tổng quát lợi ích chung của quốc gia và của mọi người dân trong xã hội. Do đó, nó đóng vai trò định hướng, phấn đấu và thực hành có tính nền tảng, cốt lõi, bao trùm của quốc gia.
Hệ giá trị quốc gia tuy không đồng nhất, nhưng liên quan mật thiết với xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người mới Việt Nam. Việc xây dựng hệ giá trị, chuẩn mực này sẽ tạo ra cơ sở có tính định hướng để định hình và phát triển nền tảng tinh thần xã hội, trở thành nguồn lực nội sinh nền tảng, cốt lõi, tổng quát của Việt Nam trong thời kỳ phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, trở thành một nước phát triển, theo định hướng XHCN. Khi được cả quốc gia thấm nhuần, khơi dậy, phấn đấu và thực hành trong thực tế thì hệ giá trị quốc gia sẽ “soi đường cho quốc dân đi” và tạo nên “sĩ khí quốc dân”.
Thực ra, quốc gia nào cũng có một số giá trị quốc gia được thể hiện dưới hình thức chuẩn mực xã hội, là bộ điều chỉnh, định hướng của xã hội, nhất là đối với những đức tính cơ bản của toàn xã hội và của mỗi người dân phù hợp với từng thời kỳ phát triển. Ngay cả các khu vực cũng đề ra các giá trị của nó, chẳng hạn, năm 2012, Ủy ban châu Âu đưa ra 5 giá trị được người dân châu Âu đề cao là: (i) Hòa bình; (ii) Dân chủ; (iii) Nhân quyền; (iv) Tuân thủ pháp luật; (v) Tinh thần đoàn kết(3).
Tại châu Á, trong thập niên 1980, Thủ tướng Mahathia Môhamét (Malaixia) đã cùng Thủ tướng Lý Quang Diệu (Xinhgapo) nhiều lần đề cao các chuẩn mực xã hội của châu Á. Đầu thập niên 1990, ông cho rằng, các giá trị người Đông Á tâm đắc nhất là: (i) Xã hội trật tự; (ii) Sự hài hòa trong xã hội; (iii) Bảo đảm tính trách nhiệm của các cơ quan chính phủ; (iv) Cởi mở đón nhận những tư tưởng mới; (v) Tự do ngôn luận; (vi) Tôn trọng chính quyền. Những giá trị nền tảng nói trên góp phần làm cho xã hội châu Á giữ được môi trường khá cân bằng cho phát triển bền vững.
Nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Inđônêxia, Malaixia, Xinhgapo,... đã dành sự quan tâm sâu sắc cho việc giáo dục giá trị xã hội. Thí dụ, Inđônêxia đã đưa ra năm nguyên tắc Pancasila với tính cách là triết lý dân tộc nhằm bảo đảm duy trì được sự thống nhất của quốc gia quần đảo này, đó là: (i) Niềm tin tôn giáo; (ii) Chủ nghĩa nhân đạo và văn minh; (iii) Thống nhất trong một đất nước (chủ nghĩa dân tộc); (iv) Chủ nghĩa dân chủ; (v) Công bằng xã hội(4).
Ở nước ta, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) và Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 đã xác định mô hình xã hội XHCN với 8 đặc trưng mà nhân dân ta xây dựng. Các đặc trưng đó là sự thể hiện các giá trị quốc gia chủ yếu. Năm 2021, Hội nghị văn hóa toàn quốc đã hệ thống hóa, khái quát và định hướng khá rõ những nội dung cơ bản của hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Qua hơn 35 năm đổi mới, từ nhận thức lý luận đến hoạt động thực tiễn; từ đổi mới về kinh tế, chính trị, xã hội đến đổi mới về văn hóa, giáo dục, quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế để có thể phấn đấu “cất cánh” từ một nước đang phát triển trở thành một nước phát triển, theo định hướng XHCN vào giữa thế kỷ XXI.
Chủ thể công cuộc đổi mới toàn diện đó không chỉ là Đảng, Nhà nước mà là tất cả người dân Việt Nam, nhằm bảo đảm sự thống nhất quốc gia giữa lợi ích của Nhà nước, lợi ích của xã hội, lợi ích của gia đình và lợi ích của cá nhân. Tất cả tạo thành lợi ích chung được phản ánh trong và thông qua hệ giá trị quốc gia. Hệ giá trị này phải xuất phát, cơ bản dựa vào hệ giá trị văn hóa Việt Nam, đồng thời là kết quả tổng hợp các giá trị và yêu cầu phát triển theo hướng tiến bộ.
Hệ giá trị quốc gia vừa phản ánh sâu sắc, nền tảng, cốt lõi và tổng quát hiện thực sinh động, vừa phản ánh ý chí, khát vọng của quốc gia để cùng tạo mục đích chung phấn đấu trở thành một nước phát triển vào giữa thế kỷ XXI. Sự phản ánh đó, trước tiên, cơ bản được thể hiện trong tư tưởng Hồ Chí Minh, ở đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của ý Đảng lòng dân.
Qua đó, hệ giá trị quốc gia có thể thực hiện được các chức năng: (a) Định hướng: định hình, phát triển, xác lập các giá trị nền tảng, cốt lõi, tổng quát trong suy nghĩ, hành động; khơi dậy, hướng dẫn niềm tin, khích lệ và cổ vũ các cá nhân, cộng đồng trong xã hội thực hiện và noi theo. (b) Đánh giá: thông qua sự phán xét của các cá nhân và cộng đồng trong xã hội về các mức độ thực hiện, khuynh hướng diễn biến khác nhau trong quá trình phấn đấu trở thành một nước phát triển vào giữa thế kỷ XXI. (c) Điều chỉnh: điều chỉnh hành vi của cá nhân và hành động của cộng đồng trong xã hội nhằm phát huy, biểu dương các hành động, hành vi đúng; điều tiết các hành động, hành vi lệch chuẩn với các định hướng giá trị quốc gia bằng các hình thức “tự ý thức”, tự phê bình, phê bình hay bằng pháp luật.
2. Thực tiễn xây dựng hệ giá trị quốc gia trong công cuộc đổi mới
Tiền đề cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ giá trị quốc gia là xây dựng, hoàn thiện hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người mới Việt Nam. Trong thời kỳ đổi mới, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, lần đầu tiên yêu cầu: “Bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa tốt đẹp của dân tộc, sáng tạo nên những giá trị văn hóa mới, xã hội chủ nghĩa, làm cho những giá trị ấy thấm sâu vào cuộc sống toàn xã hội và mỗi con người, trở thành tâm lý và tập quán tiến bộ, văn minh...”(5).
Tiếp đó, Đại hội X của Đảng (năm 2006) nhấn mạnh: “Xây dựng và hoàn thiện giá trị, nhân cách con người Việt Nam, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”(6). Đại hội XI yêu cầu: “Đúc kết và xây dựng hệ giá trị chung của người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”(7).
Kế thừa và phát triển các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo về lĩnh vực văn hóa qua các kỳ Đại hội và các Hội nghị Trung ương, Đại hội XIII của Đảng đặt vấn đề xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người mới Việt Nam. Qua đó, góp phần “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”(8).
Khi tiến hành xây dựng, hoàn thiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người mới Việt Nam cần phải quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đời sống mới, văn hóa mới, con người mới. Để từ đó khẳng định, phát huy bản chất nhân văn của con người, của dân tộc, nhất là trong quá trình vận động, phát triển theo hướng tiến bộ XHCN.
Trong đó, hệ giá trị văn hóa là những giá trị cơ bản nhất của hệ giá trị quốc gia, trước tiên và cơ bản được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình, góp phần tạo nên một nền văn hóa hiện đại, văn minh, thấm đẫm tính nhân văn, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, dân chủ và khoa học. Nó là bộ phận căn cốt trong hệ giá trị quốc gia và là thuộc tính nền tảng, cốt lõi bồi đắp, bồi dưỡng, khơi dậy, phát huy, phát triển văn hóa gia đình và chuẩn mực của con người mới Việt Nam.
Hệ giá trị gia đình là sự tích hợp, tổng hợp giá trị của cộng đồng tự nhiên duy nhất trong các cộng đồng xã hội. Gia đình mang dấu ấn cốt lõi của tồn tại xã hội. Chức năng kinh tế, chức năng giáo dục của gia đình có thể được chuyển giao phần lớn cho xã hội, có thể xã hội hóa ở mức rất cao, còn về tình cảm của gia đình thì rất khó xã hội hóa hoàn toàn được. Làm thế nào để hệ giá trị gia đình đóng vai trò là màng lọc tự nhiên điều tiết và chuyển hóa tích cực thuộc tính nhân văn của hệ giá trị quốc gia tùy thuộc rất nhiều vào quá trình xã hội hóa các giá trị gia đình. Hệ giá trị gia đình đang được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xây dựng, hoàn thiện theo các giá trị cốt lõi, nền tảng là: ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh.
Chuẩn mực con người mới là kết quả tổng hợp của 3 hệ giá trị quốc gia, văn hóa và gia đình, đồng thời con người với tư cách là chủ thể cũng tạo ra 3 giá trị này. Chuẩn mực này là sự kết hợp những giá trị truyền thống được đúc kết cho đến nay, với những giá trị mới hình thành trong quá trình phát triển đất nước, đặc biệt trong công cuộc đổi mới như yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo(9). Những chuẩn mực này của con người thực chất cũng là giá trị văn hóa và cơ bản được nuôi dưỡng, thể hiện trong hệ giá trị gia đình. Những chuẩn mực này, GS Trần Văn Giàu đã tổng kết là: (i) yêu nước; (ii) cần cù; (iii) anh hùng; (iv) sáng tạo; (v) lạc quan; (vi) thương người; (vii) vì nghĩa(10).
Hệ chuẩn mực con người mới và hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình Việt Nam, nhìn chung tương đồng với 5 giá trị bền vững, được vun đắp trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, đã được tổng kết trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” là: (i) Lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc; (ii) Tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng (gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc); (iii) Lòng nhân ái, khoan dung; trọng nghĩa tình, đạo lý; (iv) Đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; (v) Sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống, được thể hiện rất rõ qua 7 đặc tính (hay đặc trưng) của văn hóa và con người Việt Nam được nêu trong Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” là: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo(11).
Trên cơ sở những giá trị này có thể lựa chọn những giá trị nền tảng, nòng cốt, bao quát được lợi ích của Nhà nước, xã hội, gia đình và con người Việt Nam để xây dựng, hoàn thiện hệ giá trị quốc gia với các tính chất hiện đại, văn minh, thấm đẫm tính nhân văn, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, dân chủ và khoa học của nền văn hóa nước nhà. Chính vì thế, từ thực tiễn xây dựng, hoàn thiện hệ giá trị văn hóa, gia đình, chuẩn mực con người mới, Đại hội XIII của Đảng có cơ sở đề ra yêu cầu xây dựng hệ giá trị quốc gia, không tách rời hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người mới Việt Nam.
3. Các giá trị cấu thành hệ giá trị quốc gia trong thời kỳ Việt Nam trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa
Hiện nay, trên cơ sở 9 giá trị cơ bản và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta là: hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc được hình thành từ sau Hội nghị văn hóa toàn quốc (ngày 24-11-2021), ngoài ra có thể bổ sung thêm hai giá trị là yêu nước và đoàn kết, để hoàn thiện một bước hệ giá trị quốc gia gồm 11 giá trị. Cụ thể:
Yêu nước: Là truyền thống quý báu của dân tộc ta trong dựng nước và giữ nước. Nó vừa là giá trị có tính độc lập, vừa là giá trị thẩm thấu, xuyên suốt và chi phối các giá trị khác trong hệ giá trị quốc gia. Yêu nước gắn với độc lập, tự cường, anh hùng, đoàn kết, thống nhất, mà sâu xa là gắn với lòng nhân ái, tính cần cù, linh hoạt, sáng tạo trong dựng nước và giữ nước.
Hòa bình: Là ý chí, nguyện vọng (khát vọng) và là giá trị tối ưu của sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Hòa bình cũng là điều kiện tối ưu để khơi dậy, phát huy, phát triển hệ giá trị quốc gia.
Đoàn kết: là truyền thống quý báu của dân tộc trong dựng nước và giữ nước. Yêu nước, thống nhất, lòng nhân ái, tính cần cù, linh hoạt, sáng tạo,... và hệ giá trị quốc gia nói chung được khơi dậy, phát huy, phát triển từ đoàn kết.
Thống nhất: Là ý chí, nguyện vọng quốc gia và là kết quả trực tiếp ở mức cao của đoàn kết giữa các giai tầng xã hội, các dân tộc, tôn giáo, vùng miền. Thống nhất, đoàn kết là nguồn lực nội sinh của độc lập, tự chủ, tự cường và hệ giá trị quốc gia nói chung.
Độc lập: Là ý chí, nguyện vọng quốc gia về chính trị, kinh tế, công nghệ, văn hóa, quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế và đường hướng phát triển của quốc gia. Độc lập là nguồn lực nội sinh của tự chủ, tự cường,... và hệ giá trị quốc gia nói chung.
Dân giàu: Là cả quốc gia cùng phát triển và trở nên giàu có, theo tư tưởng Hồ Chí Minh là: Người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì trở nên giàu có, người giàu có rồi thì giàu hơn nữa, không một ai bị bỏ rơi vào cảnh đói nghèo, đồng thời phát triển tầng lớp trung lưu. Dân giàu là giàu cả về vật chất và tinh thần. Dân giàu phải gắn với nước mạnh.
Nước mạnh: Là do sự lớn mạnh của cộng đồng xã hội và sự đóng góp của họ vào sự phát triển của cả quốc gia, đồng thời được thụ hưởng xứng đáng những thành quả chung của sự phát triển quốc gia. Nước mạnh phải gắn với dân giàu, mạnh cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế. Dân giàu, nước mạnh phải dựa trên nền tảng của hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc của người dân; phản ánh đúng bản chất và tính ưu việt của chế độ XHCN, đồng thời tiếp cận với trình độ văn minh cao của khu vực và thế giới.
Dân chủ: Dân là chủ và quyền làm chủ thực sự của mọi người dân đối với đất nước, với quê hương; là được bảo đảm các quyền con người, quyền công dân và quyền được phát triển của mỗi người trên các phương diện kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa.
Công bằng: Thể hiện mối quan hệ xã hội tiến bộ giữa các cá nhân, cộng đồng theo giá trị nhân văn “mình vì mọi người, mọi người vì mình” và công bằng về nghĩa vụ và quyền lợi.
Văn minh: Là các quan hệ nhân văn tốt đẹp phù hợp bản sắc văn hóa dân tộc và giá trị tinh hoa nhân loại trong phát triển theo hướng hiện đại.
Hạnh phúc: Là thước đo cao nhất về trạng thái hài lòng của con người, của các cộng đồng người đối với sự phát triển của quốc gia.
Những giá trị nêu trên có thể hợp thành hệ giá trị quốc gia. Đồng thời, từ các giá trị quốc gia đó, cần cụ thể hóa thành các tiêu chí, chuẩn mực cụ thể, phù hợp với từng địa phương, từng đối tượng nhằm xây dựng các cộng đồng văn hóa ngay từ cơ sở.
Các tiêu chí, chuẩn mực cụ thể về hệ giá trị quốc gia là để các làng, cơ quan, trường học, doanh nghiệp,... thực hiện phù hợp với từng địa phương. Những tiêu chí, chuẩn mực đó nếu được thực hiện nền nếp sẽ từng bước hình thành các khuôn mẫu ứng xử văn hóa mới. Đó là con đường cơ bản định hình chuẩn mực con người mới, ngay từ các “tế bào” xã hội để mỗi người và mọi người chủ động, tích cực phấn đấu góp phần cho Việt Nam trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI.
_________________
(1), (8) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nôi, 2021, tr.143, 35-36.
(2) https://dangcongsan.vn/multimedia/mega-story/dua-he-gia-tri-quoc-gia-van-hoa-gia-dinh-va-chuan-muc-con-nguoi-viet-nam-vao-cuoc-song-623779.html.
(3) Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam: Hệ giá trị văn hóa và con người Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2018, tr.25-26.
(4) Huỳnh Khái Vinh (chủ biên): Một số vấn đề về lối sống, đạo đức, chuẩn giá trị xã hội, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2001, tr.182-183.
(5) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1998, tr.58.
(6) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2006, tr.106.
(7) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.222.
(9) https://sotttt.sonla.gov.vn/1229/27531/6131/628795/thong-tin-tuyen-truyen/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-hoi-nghi-van-hoa-toan-quoc.
(10) Trần Văn Giàu: Giá trị tinh thần của dân tộc Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1980.
(11) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2014, tr.47-49.
PGS, TS NGUYỄN THANH TUẤN