Chính phủ điện tử (CPĐT) là chính phủ ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, tăng cường công khai, minh bạch thông tin, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Chính phủ số (CPS) là Chính phủ có toàn bộ hoạt động an toàn trên môi trường số, có mô hình hoạt động được thiết kế và vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số, để có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn, sử dụng nguồn lực tối ưu hơn, kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế - xã hội.
Nội dung xây dựng Chính phủ số, bao gồm: Thực hiện công tác chỉ đạo điều hành và xây dựng khung chính sách về Chính phủ số; xây dựng, hoàn thiện hạ tầng số; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và các nền tảng ứng dụng của Chính phủ số; hoàn thiện tổ chức bộ máy vận hành Chính phủ số; bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong vận hành Chính phủ số.
Quan điểm và mục tiêu xây dựng chính phủ điện tử ở Việt Nam
Nhận thức được tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), công nghệ số (CNS) vào quá trình vận hành nền kinh tế, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển ứng dụng CNTT, CNS trong các cơ quan quản lý nhà nước. Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến năm 2025; Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển CPĐT hướng tới CPS giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Trong các văn bản đó, quan điểm và mục tiêu phát triển CPĐT hướng tới CPS đã được thể hiện rõ, bao gồm:
Thứ nhất, thực hiện phát triển CPS một cách tổng thể, toàn diện, tập trung nguồn lực, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, có giải pháp, cách làm đột phá, mang tính khác biệt để cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu phát triển CPĐT vào năm 2021 và hình thành CPS vào năm 2025.
Thứ hai, có định hướng mở để người dân, doanh nghiệp và tổ chức khác tham gia một cách phù hợp vào hoạt động của cơ quan nhà nước (CQNN), tăng cường minh bạch, nâng cao chất lượng dịch vụ tạo giá trị cho xã hội.
Thứ ba, CQNN mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; tạo sự kết nối, chia sẻ dữ liệu để người dân chỉ phải khai báo, cung cấp dữ liệu một lần cho cơ quan nhà nước và các đơn vị cung ứng dịch vụ công thiết yếu.
Thứ tư, nền tảng là giải pháp đột phá; phát triển các nền tảng theo hướng cung cấp dịch vụ đồng bộ, thông suốt có thể sử dụng ở mọi lúc, mọi nơi, các nền tảng, quy mô quốc gia phải được làm trước, làm tốt, làm tập trung.
Thứ năm, phát triển thị trường trong nước, phát triển sản phẩm công nghệ số “Make in Việt Nam”, từ đó vươn ra khu vực và thế giới. Chính phủ chủ động điều phối, quy hoạch, triển khai các hoạt động mang tính định hướng, kiến tạo thị trường với mục tiêu kép vừa phát triển CPS, vừa phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam…
Những thành quả đạt được trong xây dựng Chính phủ điện tử
1. Trong những năm qua, Chính phủ thường xuyên quan tâm, chỉ đạo sát sao việc xây dựng Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số. Cùng với đó, môi trường pháp lý cho phá́t triển Chính phủ điện tử đã được hình thành, với việc một số văn bản quan trọng đã được ban hành như: Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, tạo điều kiện tháo gỡ nhiều vướng mắc khi triển khai đầu tư các dự án công nghệ thông tin, quy trình thủ tục giảm khoảng 30%; Nghị định số 45/2020/NĐ-CP về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tạo điều kiện phát triển các dịch vụ công trực tuyến; Quyết định số 102/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 21/01/2021 về việc thay đổi thành viên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử và lãnh đạo Tổ công tác giúp việc Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử; Thông báo số 516/TTg-KSTT của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/04/2021 về việc thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, đổi mới thực hiện cơ chế một cửa và xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ chỉ đạo, điều hành; Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng… và một số văn bản khác nữa.
2. Hạ tầng số cung cấp dịch vụ công trực tuyến được từng bước xây dựng. Tính đến ngày 28/6/2022, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện đưa lên mức độ 4 là 97,3% (chiếm 53,56% tổng số thủ tục hành chính). Một số lĩnh vực cung cấp dịch vụ công trực tuyến rất hiệu quả, như thuế, hải quan. Các bộ, ngành, địa phương đã có cách làm mới, dựa trên các nền tảng, để phát triển dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, nên tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí triển khai…
3. Quá trình xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu phục vụ phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số được triển khai tích cực; bao gồm việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; xây dựng Cơ sở dữ liệu về bảo hiểm; xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc…
4. Tổ chức bộ máy vận hành Chính phủ số được hoàn thiện; bao gồm: Trục liên thông văn bản quốc gia; Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ; Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ...
5. ông tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng được cải thiện đáng kể và đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu thực tiễn phát triển của đất nước.
Bên cạnh những lợi thế về phát triển CPĐT hướng tới CPS, chỉ số phát triển CPĐT, Việt Nam đang gặp phải một số khó khăn, hạn chế khi phát triển CPĐT hướng tới CPS; cụ thể là: Việc thay đổi nhận thức và tư duy còn hạn chế: Con người thực hiện công cuộc này phải đáp ứng được những yêu cầu cả về trình độ và về tư duy, nhận thức. Quá trình đó phải được vận hành bởi những công chức, viên chức và công dân 4.0; nghĩa là song song với thực hiện CPS phải thực hiện công dân số, văn hóa số và kinh tế số. Vấn đề đề an toàn, an ninh mạng chưa thích ứng với quá trình CĐS: Khi chính phủ chuyển các hoạt động lên môi trường số, nghĩa là vấn đề an toàn, an ninh mạng là vấn đề sống còn; còn đối với mỗi cá nhân, rủi ro lớn nhất là lọt dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư, những rủi ro đó là một trong những rào cản khiến cho tư duy ngại thay đổi khi tham gia xây dựng, phát triển CPS. Việc hoạch định, tổ chức thực thi chính sách về phát triển CPĐT hướng tới CPS chưa tốt. Trên thực tế, cơ chế hỗ trợ xây dựng CPĐT hướng tới CPS chưa có quy định rõ ràng, đồng bộ về kết nối, chia sẻ dữ liệu trong hoạt động của CQNN; thiếu sự đồng bộ trong quy định cụ thể về công tác văn thư, lưu trữ điện tử, những giá trị pháp lý của văn bản điện tử… Hạ tầng công nghệ và cơ sở dữ liệu hiện còn bất cập, chưa đồng bộ…
Giải pháp tăng cường xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số ở Việt Nam
Những giải pháp được nêu ra dưới đây là xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn phát triển, do các chuyên gia tổng hợp và đề xuất nhằm khắc phục hạn chế, bất cập để tiến tới hoàn thành đầy đủ các mục tiêu xây dựng CPĐT hướng tới CPS ở nước ta.
1. Cần hoàn thiện thể chế để tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai, xây dựng phát triển Chính phủ điện tử. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ về xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, xây dựng nền tảng công nghệ phát triển Chính phủ điện tử.
2. Tích cực đầu tư xây dựng nền tảng công nghệ phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số phù hợp với xu thế phát triển trên thế giới. Việc xây dựng nền tảng công nghệ phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số cần tập trung vào xây dựng và ban hành Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, làm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương ban hành kiến trúc Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử các bộ, ngành, địa phương.
3. Xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số gắn kết chặt chẽ việc ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính, nhằm chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương; đổi mới phương thức phục vụ người dân, doanh nghiệp.
4. Ưu tiên sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và huy động các nguồn vốn khác theo quy định của pháp luật để phát triển Chính phủ số. Bên cạnh đó, ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư công để thực hiện các dự án phát triển hạ tầng, Trung tâm dữ liệu, cơ sở dữ liệu quốc gia, nền tảng quốc gia, các ứng dụng, dịch vụ quốc gia sử dụng vốn đầu tư công.
5. Cần thiết lập cơ chế cụ thể bảo đảm quá trình thực thi các nhiệm vụ, kế hoạch xây dựng Chính phủ điện tử tiến tới Chính phủ số; có biện pháp xử lý kịp thời những vướng mắc và tổ chức nguồn lực về tài chính, con người để bảo đảm thực thi một cách hiệu quả…/.
ThS Phạm Quang Thận