29/12/2024 lúc 08:35 (GMT+7)
Breaking News

Xây dựng chính phủ điện tử cần bắt đầu từ “lấy dân làm gốc”

VNHN-Chính phủ điện tử (CPĐT) không phải là một khái niệm vĩ mô, hoặc “khô cứng” thuần công nghệ, mà đã, đang và sẽ gắn cụ thể với chất lượng sống của từng công dân thông qua việc cung cấp các dịch vụ hành chính công một cách liền lạc, minh bạch, thuận tiện… Chia sẻ với Doanh Nhân Sài Gòn, ông Lê Văn Thành - Giám đốc công nghệ của Dell Technologies Vietnam - cho rằng, với sự “cởi mở” từ các cơ quan quản lý như hiện nay, việc xây dựng, vận hành CPĐT sẽ tác động ngày càng tích cực đến việc điều hà

VNHN-Chính phủ điện tử (CPĐT) không phải là một khái niệm vĩ mô, hoặc “khô cứng” thuần công nghệ, mà đã, đang và sẽ gắn cụ thể với chất lượng sống của từng công dân thông qua việc cung cấp các dịch vụ hành chính công một cách liền lạc, minh bạch, thuận tiện… Chia sẻ với Doanh Nhân Sài Gòn, ông Lê Văn Thành - Giám đốc công nghệ của Dell Technologies Vietnam - cho rằng, với sự “cởi mở” từ các cơ quan quản lý như hiện nay, việc xây dựng, vận hành CPĐT sẽ tác động ngày càng tích cực đến việc điều hành, quản lý đất nước cũng như đời sống người dân. 

Hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2019 vừa diễn ra ngày 26/7/2019 tại Huế, với chủ đề “Phát triển Cổng dịch vụ công quốc gia và giải pháp tích hợp Hệ thống một cửa điện tử góp phần nâng cao khả năng phục vụ người dân và doanh nghiệp”. Tại sự kiện này, phần phát biểu của Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhận được rất nhiều sự quan tâm, khi một lần nữa đưa ra lời kêu gọi các doanh nghiệp (DN) CNTT tham gia trực tiếp cùng địa phương trong việc xây dựng chính quyền điện tử theo Khung kiến trúc CPĐT sắp được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) công bố, với phương châm “doanh nghiệp đầu tư, nhà nước thuê lại”.

Để DN công nghệ tham gia tích cực hơn vào xây dựng CPĐT

Theo báo cáo mới nhất của Văn phòng Chính phủ, việc xây dựng hạ tầng CPĐT tại Việt Nam trong năm 2019 đã có nhiều bước tiến quan trọng. Bộ TT&TT đã xây dựng dự thảo Khung  kiến trúc CPĐT Việt Nam phiên bản 2.0 và đưa ra dự thảo Quyết định ban hành “mã định danh điện tử” của các cơ quan, tổ chức thống nhất theo tiêu chuẩn quốc tế phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu của tất cả các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương. Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia đã được triển khai tích cực, tiêu biểu như cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư, Bảo hiểm xã hội, Tài chính, Tài nguyên môi trường… tạo nền tảng dữ liệu đồng nhất cho hệ thống CPĐT vận hành.

“Nếu ví thành phố thông minh là 1 cái máy tính thì chính phủ điện tử chính là hệ điều hành của nó; 2 thành phần này không thể tách rời nhau”. 

Bộ TT&TT cũng đã triển khai kết nối Mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước đến 100% các bộ, ngành, tỉnh, thành phố và 93,4% quận, huyện, thị xã; nâng cấp băng thông, đảm bảo lưu lượng truyền tải không sử dụng vượt ngưỡng 50%, kết nối đường trục hai mặt phẳng tốc độ 1,2Gbps, kết nối liên tỉnh 50-400Mbps; và sẵn sàng cung cấp dịch vụ IPv6 song song với việc từng bước tăng cường an ninh bảo mật cho hệ thống.

Cùng với đó, các hệ thống thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp cũng có nhiều bước tiến. Đơn cử, Cổng Dịch vụ công quốc gia đang dần hoàn thiện với 4 nội dung chính: nâng cấp cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; tích hợp dịch vụ công trực tuyến bảo đảm phục vụ người dân, doanh nghiệp; cung cấp nền tảng đăng nhập, thanh toán trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến; nâng cấp hệ thống phản ánh, kiến nghị.

Sắp tới đây, Bộ TT&TT sẽ sớm công bố Khung kiến trúc CPĐT Việt Nam phiên bản 2.0. Đây là yếu tố quan trọng để các bộ, ngành, địa phương thiết kế những nội dung CPĐT/Chính quyền điện tử theo chuẩn, tiến tới có nền tảng tích hợp, có hạ tầng và dữ liệu.

Đề cập đến hình thức đầu tư, người đứng đầu Văn phòng Chính phủ mong rằng trên cơ sở Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 2.0 sẽ được Bộ TT&TT, tới đây các doanh nghiệp, tập đoàn sẽ tham gia trực tiếp cùng địa phương trong các vấn đề như xây dựng đô thị thông minh, trung tâm giám sát, hay Cổng dịch vụ công… hỗ trợ các địa phương với phương châm “Doanh nghiệp đầu tư, Nhà nước thuê lại” để phát huy tối đa nguồn lực thu hút từ các doanh nghiệp, từ khối tư nhân.

Khi mọi việc đều lấy công dân làm trung tâm

“Đề cập đến khái niệm CPĐT một cách giản dị nhất, chúng ta chỉ cần nhìn từ góc độ người dân - họ có thể tiếp cận các dịch vụ công một cách thuận lợi không? hiệu quả của vấn đề này đo đếm bằng thời gian, chi phí và sự hài lòng như thế nào? Hay nói rộng hơn, công nghệ giải quyết được những bài toán gì trong giao tiếp giữa người dân với chính quyền và ngược lại?”, ông Lê Văn Thành - Giám đốc công nghệ, Dell EMC Vietnam chia sẻ quan điểm.

Theo ông, để xây dựng CPĐT cần có cách tiếp cận đúng đắn và nhất quán: đó là lấy người dân làm trọng tâm; nâng cao chất lượng cuộc sống công dân làm đích đến và bắt đầu bằng một kiến trúc công nghệ phù hợp.

Với góc nhìn trên, ông có thể phác thảo vài nét về CPĐT trong tương lai sẽ như thế nào? Theo ông, đâu là thách thức và đâu là giải pháp?

Từ điểm tiếp cận là “chất lượng cuộc sống người dân”, chúng ta sẽ thấy song song với việc có CPĐT, cần phải xây dựng được các thành phố/đô thị thông minh – nơi ứng dụng CNTT để nâng cao chất lượng cuộc sống, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng và tài nguyên thiên nhiên.

Mỗi thành phố lại có cách lựa chọn các thành phần thông minh khác nhau như: công dân thông minh, năng lượng thông minh, giáo dục thông minh, y tế thông minh, giao thông thông minh... và nhiều thành phần khác được kết nối, liên thông với nhau. Nhưng trong đó, không thể thiếu vai trò điều hành hành thông minh của chính quyền. CPĐT chính là nền tảng cho sự điều hành thông minh đó.

Khi triển khai thành phố thông minh và CPĐT, thách thức thường đến từ con người và quy trình. Tôi xin nêu một ví dụ, từ nhiều năm trước công nghệ hoàn toàn có thể làm được để cho phép người vi phạm giao thông có thể nộp phạt ngay lập tức mà không cần phải tới Ngân hàng hay Kho bạc nộp phạt. Nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa triển khai được gây khó khăn cho người dân.

Giải pháp tôi đề xuất là trong quá trình xây dựng thành phố thông minh và CPĐT, ngoài các tư vấn về công nghệ, Chính phủ cần có những tư vấn hoạch định chính sách, những chương trình đào tạo nâng cao năng lực của đội ngũ. Chỉ khi đó chúng ta mới khai thác hết được sức mạnh mà công nghệ mang lại, đem lại trải nghiệm dịch vụ công tốt hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Vậy, các cơ quan quản lý cần làm gì để các mô hình thành phố thông minh kể trên sớm trở thành hiện thực?

Trong mô hình thành phố thông minh thì việc chia sẻ, liên thông dữ liệu giữa các thành phố, các bộ - ban - nghành là hết sức quan trọng. Về công nghệ, không khó để thực hiện điều đó. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện ở các quốc gia khác trên thế giới, khó khăn thường tới từ các yếu tố như chính sách, con người chứ không phải công nghệ. Do đó, theo chúng tôi, Chính phủ nên sớm ban hành một khung kiến trúc chung để đảm bảo tính đồng bộ, liên thông kết nối giữa các thành phố; có những chính sách thúc đẩy sự chia sẻ thông tin dữ liệu giữa các bộ ban ngành và các thành phố. Có như vậy mô hình thành phố thông minh mới sớm trở thành hiện thực, tiến tới trở thành quốc gia thông minh.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!