24/01/2025 lúc 02:42 (GMT+7)
Breaking News

Xác định cơ chế đặc thù của Quỹ phòng chống thiên tai

VNHN - Thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, các đại biểu Quốc hội đề nghị trong trường hợp quy định có Quỹ phòng chống thiên tai ở Trung ương thì cần làm rõ cơ chế đặc thù cho quỹ, đảm bảo tiêu chí minh bạch về nguồn và sử dụng quỹ này.

VNHN - Thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, các đại biểu Quốc hội đề nghị trong trường hợp quy định có Quỹ phòng chống thiên tai ở Trung ương thì cần làm rõ cơ chế đặc thù cho quỹ, đảm bảo tiêu chí minh bạch về nguồn và sử dụng quỹ này.

Sáng 18/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là về Quỹ phòng chống thiên tai. Đại biểu Lưu Văn Long (Vĩnh Phúc) chỉ rõ, đánh giá kết quả hoạt động của các Quỹ phòng chống thiên tai cấp tỉnh cho thấy có nhiều bất cập, chủ yếu sử dụng nguồn dự phòng ngân sách bố trí hàng năm. Nay dự thảo Luật bổ sung quy định về Quỹ phòng chống thiên tại ở Trung ương thì việc sử dụng Quỹ này như nào cần có thêm đánh giá tác động.

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) băn khoăn, liệu có cần thiết phải thành lập thêm quỹ nữa hay không?. Và nếu có quỹ thì cần làm rõ tính công khai, minh bạch và cơ chế huy động như thế nào?.


 Đại biểu Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc). Ảnh: quochoi.vn.

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) cho biết, qua giám sát tình hình quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách cho thấy nội dung chi của Quỹ Phòng, chống thiên tai trùng với nội dung chi của ngân sách nhà nước. Trên cơ sở đó, đề xuất, trong lần sửa đổi này cần xem xét có duy trì quỹ nữa hay để nhiệm vụ phòng chống thiên tai do ngân sách nhà nước thực hiện.

Chỉ ra nguồn lực dành cho công tác này còn bị phân tán, nằm rải rác các nguồn khác nhau, đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) đặt vấn đề, năm nào thiên tai cũng xảy ra, thay vì dùng kinh phí dự phòng, Nhà nước nên chủ động hơn bằng cách kết cấu trong ngân sách nhà nước một mục chi về phòng, chống thiên tai. Ngoài ra sẽ kêu gọi nguồn lực trong nước và quốc tế.

Trước đề xuất bổ sung một số loại hình thiên tai do tác động của nhân tai như sụt lún đất do khai thác nước ngầm, do hoạt động xây dựng, sạt lở bờ sông do khai thác cát quá mức cho phép, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng không thể đưa các loại hình trên vào thiên tai. Đại biểu Nghĩa nhận định, trong trường hợp này phải xem đó là nhân tai, tránh tình trạng lợi dụng vin vào Luật để nhập nhằng trách nhiệm với những hệ lụy do con người gây ra.

Đại biểu Nguyễn Đức Sáu (TP. Hồ Chí Minh) cũng cho rằng cần phải làm rõ việc sạt lở bờ sông do con người khác thác khoáng sản bừa bãi là nhân tai, cần phải nghiêm trị.

Một số ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần thể hiện rõ nét hơn một số nội dung như: Đổi mới nhận thức và ý thức trách nhiệm về chủ động phòng, chống thiên tai; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai đến năm 2030 đạt trình độ ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực; nâng cao năng lực tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; Tập trung đầu tư công trình phòng, chống thiên tai, công trình đê điều; huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực của xã hội, bảo đảm lợi ích hợp lý để thu hút các nhà đầu tư…/.