Ia Khươl là xã vùng II, loại I của huyện Chư Păh, cách trung tâm huyện Chư Păh 20 km và cách trung tâm thành phố Pleiku 38 km về hướng Bắc. Xã có 12 thôn làng (gồm 07 làng đồng bào dân tộc thiểu số Gia Rai, 02 làng đồng bào dân tộc thiểu số Ba Na và 03 thôn người Kinh) với tổng diện tích tự nhiên toàn xã là 9.055,83 ha. Dân số trên địa bàn xã phân bố không đồng đều, chủ yếu tập trung dọc Quốc lộ 14, Quốc lộ 19D và các trục lộ giao thông chính trong xã với mật độ dân số là 83 người/km².
Các đơn vị trao bảng tượng trưng 20 mô hình sinh kế cho hộ nghèo xã Ia Khươl (29/9/2024). Ảnh: Quốc Cường
Là xã thuần nông, xuất phát điểm thấp nên Ia Khươl xác định giải pháp lâu dài là tập trung phát triển sản xuất theo hướng đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Đồng thời, xã quan tâm hướng dẫn người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với đặc điểm địa phương và nhu cầu thị trường; chú trọng thâm canh, tăng vụ gắn với việc khai thác hiệu quả nguồn nước sông suối tự nhiên phục vụ sản xuất; chủ động phòng-chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn.
Triển khai công tác giảm nghèo bền vững, xã tăng cường tuyên truyền các chủ trương, chính sách giảm nghèo, sử dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng. Các trường học trên địa bàn thực hiện miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Trạm Y tế xã hướng dẫn các thôn, làng hỗ trợ hộ nghèo và cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, xây dựng nhà vệ sinh… Các ban, ngành, đoàn thể vận động nguồn lực để duy trì các mô hình sinh kế cùng các chương trình giúp hộ dân tộc thiểu số ở các làng.
Trên địa bàn xã Ia Khươl có tổng số lao động là 4.901 người (chiếm 62.5% dân số). Tổng số hộ nghèo trên địa bàn xã là 127 hộ, 483 khẩu, chiếm 6,60 %. Tổng số hộ cận nghèo là 192 hộ, 937 khẩu, chiếm 9,98 %. Hằng năm, Ủy ban nhân xã đã xây dựng kế hoạch thực hiện công tác giảm nghèo và giao chỉ tiêu giảm nghèo cụ thể cho từng thôn, làng thực hiện; phân công thành viên Ban chỉ đạo rà soát hộ nghèo phụ trách các thôn, làng; hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời, ưu tiên tạo điều kiện cho 04 làng đặc biệt khó khăn (Klên, Tơ Ver, Tơ Vơn 2, Rơ Vai), 01 làng (Grut) phấn đấu đạt chuẩn chương trình xây dựng nông thôn mới và những thôn, làng có tỷ lệ hộ nghèo cao.
Ủy ban nhân dân xã đã chỉ đạo công chức Văn hóa -Thông tin và các thôn, làng tuyên truyền cho nhân dân nhận thức rõ ý nghĩa, yêu cầu, mục tiêu giảm nghèo trong chiến lược kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tích cực, chủ động triển khai thực hiện chương trình, thực hiện việc phân công các thành viên, hội viên của cơ quan, đơn vị giúp đỡ các thôn, làng nghèo, hộ nghèo, gắn kết công tác kết nghĩa thôn, làng với công tác giảm nghèo. Thông qua hoạt động triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm, vai trò, nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn xã.
Nâng cao nhận thức của người dân trong việc chủ động vươn lên thoát nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số: việc đẩy mạnh thực hiện các hoạt động tuyên truyền, vận động đã góp phần nâng cao nhận thức cho người nghèo về ý thức tự lực trong lao động sản xuất, thay đổi tư duy, thói quen canh tác áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật cho người nghèo. Từ đó giúp cho người nghèo có nhận thức tích cực, tư duy tự phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững có sự chung tay giúp sức của Đảng, Nhà nước, của cộng đồng, của các tổ chức, cá nhân có điều kiện, khả năng về kinh tế.
Lễ bàn giao bò giống tại xã Ia Khươl. Ảnh: ĐVCC
Năm 2024, Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Chư Păh đã cho vay vốn các loại trên địa bàn xã gần 37 tỷ đồng. Nhìn chung, người dân sử dụng vốn vay có hiệu quả, đúng mục đích, góp phần giảm đáng kể số lượng hộ nghèo. Đối với chính sách bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, Ủy ban nhân dân xã đã triển khai lập danh sách và cấp 7.940 thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng Người thuộc hộ nghèo, Người thuộc hộ cận nghèo, Người đồng bào dân tộc thiểu số, Người Kinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn và Người thuộc hộ gia đình có mức sống trung bình. Bên cạnh đó, công tác chăm lo sức khỏe cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số cũng được quan tâm và thực hiện tốt. Chính sách hỗ trợ nhà ở cho người nghèo; Chính sách hỗ trợ giáo dục; Chính sách trợ giúp pháp lý; Chương trình hỗ trợ các mặt hàng chính sách; Chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo; Chương trình mục tiêu quốc gia đã và đang được xã Ia Khươl thực hiện với nhiều khởi sắc mang lại hiệu quả thiết thực.
Trong thời gian qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã và các hội, đoàn thể xã đã luôn coi trọng công tác xóa đói giảm nghèo nên đã vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách nhận thức về xóa đói giảm nghèo đây là một nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Tuyên truyền phổ biến Nghị quyết của đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác giảm nghèo, làm cho hộ nghèo biết được chủ trương và quyết tâm vươn lên thoát nghèo, tạo thành phong trào rộng rãi trong nhân dân. Đồng thời, hướng dẫn các hộ nghèo vay vốn ưu đãi tín dụng, phương thức làm ăn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống.
Mặc dù còn những khó khăn, hạn chế trong công tác giảm nghèo tại địa phương nhưng Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân trong 12 thôn làng xã Ia Khươl, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai đã và đang đồng lòng chung sức phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Minh Phong