28/04/2024 lúc 07:15 (GMT+7)
Breaking News

“Xã hội 5.0″: Đỉnh cao mới của sự phát triển

VNHN - Cách đây gần 3 thế kỷ, với sự ra đời của động cơ hơi nước, nhân loại đã chính thức bước vào một kỷ nguyên phát triển mới của loài người – kỷ nguyên của một nền đại công nghiệp.

VNHN - Cách đây gần 3 thế kỷ, với sự ra đời của động cơ hơi nước, nhân loại đã chính thức bước vào một kỷ nguyên phát triển mới của loài người – kỷ nguyên của một nền đại công nghiệp.

Qua hàng trăm năm phát triển với nhiều bước tiến, giờ đây một lần nữa thế giới lại chuẩn bị trở mình, vươn lên tầm cao mới với cuộc “Cách mạng công nghiệp lần 4.0”, hứa hẹn tạo ra một nền tảng vật chất to lớn cho đời sống. Thế nhưng đỉnh cao của cuộc cách mạng này, một “Xã hội 5.0” – mô hình về xã hội tiến bộ vượt trội trên nền tảng cách mạng công nghiệp mới, lại chưa được nhiều người biết đến.

“Xã hội 5.0”: Vượt lên cả “cách mạng công nghiệp 4.0″

Kể từ khi thuật ngữ mới “cách mạng công nghiệp 4.0” (industry 4.0) lần đầu tiên được người Đức công bố trong báo cáo năm 2013 của chính phủ nước này. Dự báo về một cuộc cách mạng mới trong nền sản xuất đại công nghiệp của thế giới, vốn đang là xương sống của cả nền văn minh hiện nay, đã được định hình. Ngay lập tức, không chỉ riêng các chuyên gia về kinh tế hàng đầu, mà cả các quốc gia và tập đoàn công nghiệp khác nhau cũng bắt tay vào cuộc nghiên cứu của mình. Không ai muốn bị bỏ lại phía sau trong một cuộc chơi quá lớn. Kết quả dù còn rất nhiều tranh cãi, tuy nhiên những dấu hiệu về một cuộc cách mạng mới trong công nghiệp với “phiên bản 4.0” đã chính thức được công nhận.

Thực chất, nguồn gốc của một “cơn bão mới” trong nền kinh tế, vốn được dự đoán trở thành trọng tâm phát triển trong thế kỷ này, lại bắt nguồn từ một chương trình nghiên cứu do chính phủ Đức phát động tại hội chợ công nghiệp Hannover Messe vào năm 2011. Mục tiêu ban đầu của dự án chính là nghiên cứu và đưa ra các giải pháp ứng dụng số hóa các dữ liệu, tạo ra cơ sở đồng bộ ban đầu vào trong sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao tối đa công suất. Nói cách khác, người Đức chỉ muốn chú trọng tới việc tạo ra một giải pháp mang tính kỹ thuật nhằm cải tiến dây chuyền sản xuất công nghiệp trong các nhà máy của mình. Thế nhưng cả các viện nghiên cứu, các chuyên gia cũng như những người đứng đầu ngành công nghiệp của Đức lại không biết rằng, việc họ đang bắt tay vào tìm kiếm không còn đơn thuần là một “giải pháp”, mà kết quả chính là cả một “cuộc cách mạng mới”.

Một cách nhanh chóng, các nước phát triển nhận thấy những đòi hỏi mạnh mẽ của việc tự động hóa sản xuất công nghiệp với sự tham gia của máy móc thay con người để tạo sự bức phá mới. Đồng thời, sự hình thành nhiều kết nối trung gian qua không gian internet của nhiều thiết bị điện tử và cả sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, dần trở thành điều không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Điển hình là kế hoạch xây dựng một mô hình nhà máy sản xuất được kết nối bằng internet, tự động và điều khiển bởi một trí tuệ nhân tạo (AI) từ các khâu khai thác, sản xuất đến tiêu dùng. Bên cạnh đó, các hướng phát triển mới trong các lĩnh vực kết nối thông tin, trí tuệ nhân tạo, xây dựng bằng phương pháp 3D… đã vượt lên trên cả “xu thế” – vốn có tính nhất thời và dễ bị thay thế, hình thành một “định hướng” phát triển mạnh mẽ. Và giờ đây chúng ta biết tới với khái niệm cuộc “cách mạng công nghiệp 4.0”.

Tuy nhiên ngay khi chúng ta vừa dần chấp nhận bước đầu về một cuộc cách mạng trong lĩnh vực sản xuất đang dần diễn ra, thì người Nhật lại khiến thế giới một lần nữa phải ngỡ ngàng khi đưa ra một bước tiến mới, một “xã hội thế hệ 5.0” – đỉnh cao của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Mặc dù trong con mắt của các chuyên gia, “ý tưởng” này ban đầu chỉ được đánh giá là một hành động nhằm chứng minh một Nhật Bản không bị bỏ rơi trong cuộc chơi “dẫn đầu trong phát triển”. Thế nhưng, cùng với nhiều nghiên cứu, chúng ta dường như không còn có thể phủ nhận về một hình mẫu xã hội mới đang dần xuất hiện trong mọi lĩnh vực của đời sống.

Một xã hội tiến bộ ở “phiên bản” 5.0

Thực tế mà nói, sau khi trải qua hàng nghìn năm tồn tại, loài người đã trải qua hơn 4 hình mẫu xã hội khác nhau, từ thấp cho đến cao. Từ một xã hội sơ khai hình thành trên phương thức “săn bắt – hái lượm” buổi đầu, cho đến một xã hội của công nghệ thông tin với sự ra đời và phát triển của máy tính và internet. Và giờ đây, chúng ta lại một lần nữa đứng trước ngưỡng cửa của một xã hội ưu việt mới với nền tảng ban đầu là một cuộc cách mạng lớn trong sản xuất công nghiệp.

Đơn giản mà nói, xã hội 5.0 chính là một xã hội “siêu thông minh”. Sự thông minh thể hiện ở chỗ tất cả các vật thông dụng trước đây, đã dần hình thành nên sự liên kết thông qua internet nhằm phục vụ cuối cùng cho con người một cách tối ưu. Chính sự phát triển quá nhanh của máy tính, các thiết bị thông minh như điện thoại, xe hơi thông minh… đã sinh ra một lượng “khổng lồ” các thông tin dữ liệu mà nếu không phân tích, chúng ta khó có thể mà đạt được những bước phát triển mới trong các sáng chế, phát minh cũng như cải thiện đời sống của mình. Đấy chính là lý do mà các chuyên gia cho rằng, xã hội mà chúng ta đang sống thuộc về thế hệ 4.0 – một xã hội của thông tin. Tuy nhiên với lượng thông tin được thu thập mỗi ngày, cho tới hiện tại, đã vượt quá khả năng của con người và đây chính là cơ sở ra đời thành công của một “trí tuệ nhân tạo” (còn gọi là AI). Với khả năng của mình và sự phát triển công nghệ trong tương lai, “trí tuệ nhân tạo” này không chỉ dừng lại ở việc đánh bại các siêu kiện tướng trong trên các bàn cờ hiện nay, mà còn trở thành một hệ thống quản lý trung gian “ảo”, tác động hầu hết các lĩnh vực trong đời sống của con người.

Nói đơn giản, trong tương lai gần, sự xuất hiện: các nhà máy tự động hoàn toàn trong sản xuất, các xe vận tải không người lái, các sân bay, bến cảng sẽ có những nhân viên “ảo”, bệnh viện hoạt động bằng những robot bác sĩ … được kết nối và điều khiển thông qua một “trí tuệ nhân tạo AI”, sẽ ngày càng trở nên phổ biến. Các viễn cảnh trong một bộ phim khoa học không còn quá xa lạ.

Xã hội 5.0 là một xã hội hướng tới mục đích phục vụ cho con người. Ở đó, loài người, các robot và một trí tuệ nhân tạo sẽ cùng tồn tại và lao động phục vụ chính mình. Nơi mà các nhu cầu cơ bản về vật chất như nhà cửa, đường sá, giao thông… và cả những nhu cầu cao hơn trong giải trí, nghệ thuật, sức khỏe… sẽ được đáp ứng một cách đầy đủ nhất. Các bất đồng về ngôn ngữ, về khoảng cách địa lý, giới tính sẽ dần bị xóa nhòa bằng sự phát triển của khoa học. Với nền tảng ban đầu là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, một lượng lớn vật chất sẽ được tạo ra trong xã hội hiện đại này. Tất cả nhằm đáp ứng mục tiêu một xã hội tràn đầy sức sống và viên mãn.

Mục tiêu mới cho sự phát triển của Việt Nam

Để có thể phát triển một xã hội “siêu thông minh” như trên, thì đòi hỏi đầu tiên đó chính là trình độ phát triển của quốc gia đã đạt ở một mức nhất định, điều này là phù hợp các nước phát triển cao như Nhật Bản, EU, Mỹ… Nói cách khác, muốn xây dựng một “xã hội 5.0” thì phải thực hiện thành công cuộc “cách mạng công nghiệp 4.0”. Vì cách mạng trong sản xuất công nghiệp, suy cho cùng, chỉ là cách mà chúng ta chuẩn bị để hướng tới cao nhất phục vụ lợi ích cho con người, vì vậy “đỉnh cao” của cuộc cách mạng công nghiệp đó, chính là sự ra đời của một “xã hội mới”. Đây cũng chính là thách thức vô cùng lớn cho các nước đang và kém phát triển trên thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam nói riêng và nhiều nước nói chung, không hẳn là không có cơ hội.

Theo thống kê năm 2017 của Bộ thông tin và truyền thông, Việt Nam có đến trên 50 triệu người dùng internet, đạt trên 53% tổng dân số, trong khi con số trung bình của thế giới chỉ là 46,64%. Đây là tiền đề hết sức thuận lợi cho Việt Nam, vì một xã hội “thông minh” thì các cơ sở cho sự kết nối đặc biệt là internet, phải phát triển ở mức độ cao. Và trong cuộc cách mạng 4.0, thì internet lại là một trong những trụ cột tối quan trọng trong nội dung phát triển của mình, vì vậy có thể nói, đây là một thuận lợi đầy “may mắn” cho Việt Nam tại thời điểm này.

Trong thời gian gần đây, chúng ta đã có một sự đầu tư rất lớn cho một mạng lưới viễn thông hiện đại với mức độ bao phủ hầu như toàn lãnh thổ (điển hình mạng 4G đã phủ sóng 99% quận huyện và Việt Nam là một trong những nước triển khai quy phủ sóng mô lớn sớm nhất), các nguồn năng lượng như mạng lưới điện quốc gia, hệ thống các nhà máy thủy và nhiệt điện… cũng đảm bảo được an ninh năng lượng cho các nhu cầu sản xuất ngày càng lớn của đất nước. Cơ sở giao thông có sự phát triển vượt bậc và ngày càng hiện đại, đồng bộ… Toàn bộ các yếu tố trên, sẽ là cơ sở để chúng ta thực hiện một cuộc “cách mạng” mới trong sản xuất và cả bộ mặt xã hội.

Đặc biệt, Việt Nam rất nhạy bén trong việc nắm bắt hướng phát triển mới. Từ chính phủ cho đến các doanh nghiệp, từ viện nghiên cứu cho đến các giảng đường đại học. Khái niệm của một cuộc cách mạng mới đang nổ ra và song hành với đó là thành quả về một “xã hội tiến bộ”, đang được phổ biến một cách rộng rãi. Chúng ta cũng bắt đầu đưa ra những chiến lược phát triển mà trọng tâm là các chính sách thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất bằng công nghệ cao, các lĩnh vực của một nền kinh tế tri thức như công nghệ điện tử, vật liệu mới,… đây là một ưu thế “tiên phong” lớn so với nhiều nước khác. Điều này thể hiện rất rõ ở việc thu hút đầu tư vào trong lĩnh vực giá trị lớn và khó khăn như công nghiệp chế tạo ô tô, hàng điện tử, điện thoại, phần mềm máy tính…

Sự quyết tâm của Việt Nam thể hiện rõ trong việc đẩy mạnh thực hiện song song chiến lược công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, đồng thời “đi tắt đón đầu” những hướng phát triển có tính thời đại để tự tạo ra cơ hội phát triển cho chính mình. Mặc dù còn nhiều khó khăn to lớn, đặc biệt là trong trình độ phát triển còn tương đối lạc hậu so với nhiều nước, tuy nhiên nếu chúng ta nắm bắt một cách hiệu quả và nhanh nhạy. Đất nước sẽ thực hiện thành công cuộc cách mạng 4.0 trong niềm tự hào và thành quả mà nhân dân thụ hưởng chính là “xã hội 5.0” – đỉnh cao của sự nỗ lực to lớn đó.