24/11/2024 lúc 16:03 (GMT+7)
Breaking News

Vốn tài nguyên

Vốn tài nguyên tự nhiên bao gồm rừng, đất nông nghiệp, khí quyển, đại dương và tài nguyên khoáng sản. Nó cung cấp một số dịch vụ hệ sinh thái cần thiết cho sự sống còn của con người như thực phẩm, nước, năng lượng và nơi ở. Chiếm 20% -55% tổng tài sản của các quốc gia, vốn tự nhiên là nhân tố đóng góp chính cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Ở Việt Nam, có thể điểm qua ba nguồn lực tài nguyên chủ yếu:

  1. Đất rừng và nông nghiệp: 

Việt Nam là quốc gia có xấp xỉ 70% dân số sống ở nông thôn và gần 90% tổng diện tích đất sử dụng để làm nông, lâm nghiệp. Việt nam và đặc biệt, khu vực Tây Nam Bộ là Trung tâm nông nghiệp của quốc gia nằm trong khu vực Tiểu vùng Sông Mekong Mở rộng (Greater Mekong Subregion - GMS) là khu vực địa lý bao gồm các quốc gia và lãnh thổ nằm trong lưu vực của sông MekongViệt Nam, CampuchiaLào, TháiLanMyanmar và tỉnh Vân Nam và Quảng Tây của Trung Quốc. Từ năm 1992, với sự giúp đỡ của Ngân hàng Phát triển châu Á, các quốc gia và lãnh thổ nói trên đã cùng nhau tiến hành các chương trình hợp tác về kinh tế, bảo vệ môi trường. Khu vực này được xem là một điểm nóng về đa dạng sinh học của Tổ chức Bảo tồn Quốc tế của Liên hợp quốc.

  1. Biển Đông, thềm lục địa:

Vốn tài nguyên được tạo thành từ các nguồn tài nguyên và các dịch vụ hệ sinh thái của thế giới tự nhiên, trong đó, vị trí địa chính trị của đất nước là vốn tài nguyên quý giá. Chính vì vậy, Việt Nam hiện nay với vị trí quan trọng bên biển Đông luôn là đối tác không thể thiếu trong các chương trình nghị sự của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Là một quốc gia ven biển nằm bên bờ Tây của Biển Đông, có địa chính trị và địa kinh tế rất quan trọng không phải bất kỳ quốc gia nào cũng có. Với bờ biển dài trên 3.260 km trải dài từ Bắc xuống Nam và cứ 100 km2 đất liền có 1km bờ biển. Trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước thì 28 tỉnh, thành phố có biển và gần một nửa dân số sinh sống tại các tỉnh, thành ven biển. Đáng chú ý là vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam chiếm diện tích khoảng 1.000.000 km² biển Đông (gấp 3 lần diện tích đất liền) với khoảng 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ và 2 quần đảo xa bờ là Hoàng Sa và Trường Sa, được phân bố khá đều theo chiều dài của bờ biển đất nước, với vị trí đặc biệt quan trọng như một tuyến phòng thủ tiền tiêu để bảo vệ sườn phía Đông của đất nước.

  1. Đất hiếm

Hiện nay, Việt Nam có 4 loại khoáng sản có trữ lượng thuộc top 5 lớn nhất thế giới bao gồm: đất hiếm, bô xít, vonfram, fluorit. Trong đó, công bố năm 2022 của Cục Khảo sát địa chất Mỹ cho thấy trữ lượng và tài nguyên đất hiếm ở Việt Nam đạt khoảng 22 triệu tấn, trị giá hiện khoảng 3.000 tỷ USD đứng thứ 2 thế giới. Đất hiếm là tài nguyên duy nhất có thể tạo ra chất bán dẫn, sản xuất chip.

Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, đất hiếm gồm 17 loại vật chất có từ tính và tính điện hóa đặc biệt. Đất hiếm là một loại khoáng sản đặc biệt, nguyên tố đất hiếm có vai trò rất quan trọng và là vật liệu chiến lược đối với sự phát triển của các ngành kỹ thuật mũi nhọn, công nghệ cao như điện, điện tử, quang học, laser, vật liệu siêu dẫn, chất phát quang. 

Tuy nhiên, trong quá trình quản trị vốn tài nguyên của Việt Nam vẫn còn ba hạn chế lớn cần lưu ý:

Thứ Nhất là, nông nghiệp chỉ đóng góp khoảng 20% GDP do năng suất lao động thấp, thiếu đầu tư… Trong khi đó, ở các quốc gia phát triển như Anh, Pháp, Mỹ, …, chỉ có gần 5% dân số của họ làm nông nghiệp nhưng lại đóng góp đến khoảng 40% GDP, không chỉ đảm bảo nhu cầu lương thực của đất nước mà còn có thể xuất khẩu với giá cao. Công nghệ phát triển theo mô hình logistics hiện đại là một trong những yếu tố quan trọng làm nên thành công đó.

Thứ Hai là, cách tiếp cận vốn tự nhiên của đại đa số dân chúng với nhận thức phổ biến rằng tài nguyên thiên nhiên là vô giá trị hoặc vô hạn chỉ vì chúng có sẵn miễn phí. Bên cạnh đó, dường như vẫn có quan niệm sai lầm của chính quyền và doanh nghiệp rằng việc bảo vệ và đầu tư vào vốn tự nhiên là quá tốn kém và không góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, khu vực nông , lâm nghiệp rất dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu, đặc biệt là ở các vùng ven biển trũng thấp có vai trò quan trọng đối với nông nghiệp và thủy sản. Tất cả những hạn chế đã dẫn đến tình trạng khai thác quá mức tài nguyên và suy thoái môi trường trong dài hạn.

Thứ Ba là, do trình độ công nghệ và hạn chế về đầu tư cũng như nguồn nhân lực chất lượng cho công nghiệp chế biến khoáng sản và công nghệ cao nên Việt Nam trong quá khứ chủ yếu xuất khẩu khoáng sản thô đối với nhiều loại khoáng sản quý như than đá, dầu mỏ… Hiện nay, ngành bán dẫn của Việt Nam chưa phát triển mạnh mẽ và chưa thể là điểm tựa cơ bản cho việc tạo giá trị gia tăng tốt nhất cho việc khai thác đất hiếm. Do đó, Nhà nước cần nghiêm túc kiểm soát quá trình khai thác đất hiếm.

Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững trong Chương trình Agenda 21 của quốc gia,Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn vào việc bảo vệ và tăng cường trữ lượng vốn tự nhiên của mình thông qua việc đầu tư mạnh mẽ nghiên cứu sâu sắc thêm bốn lĩnh vực lớn:

a. Hợp tác GMS: Cần chủ động hợp tác với các nước GMS nhằm hợp tác và khai thác hiệu quả khu vực GMS vì lợi ích chung của toàn khu vực. Trước mắt, cần phối hợp với các nước Thái Lan, Lào, Căm Pu Chia và Trung Quốc trong việc phát triển các dự án đập thủy điện lớn trên sông Mê Kông, Kênh Kra và kênh Phù Nam

b. Zero carbon:  Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải khí nhà kính ròng bằng "0" (gọi tắt là Net Zero) vào năm 2050. Cam kết này đã được tái khẳng định tại Hội nghị COP28 vào đầu tháng 12/2023 vừa qua, thể hiện Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam cần sớm có chiến lược và kế hoạch cụ thể nhằm hiện thực hóa tham vọng Net-Zero vào năm 2050. Ngoài ra, cần quy hoạch, quản lý tốt sử dụng đất và cấu trúc lại mô hình sản xuất kinh doanh trong ngành nông lâm nghiệp để nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai.

Áp lực gia tăng từ các quy định liên quan đến môi trường ngày càng khắt khe của các nước phát triển đang hối thúc Chính phủ cũng như doanh nghiệp Việt Nam phải nhập cuộc nhanh, mạnh mẽ hơn nữa trong chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Việc giảm lượng khí thải giờ đây đã trở thành mệnh lệnh của cả quốc gia.

c. Biển đông và kinh tế biển: Cần ứng dụng công nghệ cao để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 36-NQ/TW về  “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” để tài nguyên “mặt tiền Biển Đông” thật sự trở thành nguồn lực phát triển đất nước

d. Chất bán dẫn: Xây dựng chiến lược phù hợp để phát triển các ngành công nghiệp bán dẫn trong bối cảnh hội nhập quốc tế tập trung vào hai lĩnh vực cốt lõi: (1) đào tạo nguồn nhân lực cao cho ngành bán dẫn; (2)xây dựng cơ sở hạ tầng về bán dẫn để thúc đẩy sự phát triển và thu hút đầu tư.

TS Đoàn Duy Khương

...