VNHN - Khi đăng tải hay chia sẻ thông tin, người dùng phải biết thông tin đó ở đâu. Dù cố ý hay vô tình chia sẻ thông tin thất thiệt thì đều vi phạm luật.
Ngành chức năng làm việc với đối tượng thông tin sai sự thật về dịch bệnh Covid-19 - Ảnh: anninhthudo.vn
Những ngày qua, thông tin về dịch bệnh Covid-19 xuất hiện với mật độ dày đặc, đã thực sự tác động đến ý thức cộng đồng trong việc nhìn nhận, đánh giá, ứng xử với dịch bệnh quy mô toàn cầu. Song bên cạnh đó, có rất nhiều nguồn thông tin thất thiệt không được kiểm chứng xuất hiện đã và đang tác động tiêu cực đến việc phòng chống dịch bệnh của toàn xã hội.
Tham gia mạng xã hội, người dùng được trao quyền sử dụng nút đăng bài, chia sẻ, thích (post, share). Tuy nhiên, cũng từ đây dẫn tới tin giả, tin thất thiệt nở rộ và tác động tiêu cực tới đời sống. Nếu không cẩn thận khi sử dụng quyền nhấn nút này, người dùng sẽ góp phần khiến nhiều cá nhân, gia đình, cộng đồng hoang mang, còn bản thân thì phạm luật.
Về vấn đề này, phóng viên phỏng vấn luật sư Trần Xuân Tiền - Văn phòng Luật sư Đồng Đội.
PV: Câu chuyện về post, like, share có trách nhiệm được nhắc đến không ít lần, nhưng hình như ý thức cho việc sử dụng dường như chưa được cải thiện. Bằng chứng là tin giả, tin thất thiệt và cả vu khống với sự chia sẻ của cộng đồng mạng, khiến cho thông tin trở nên hỗn loạn. Ông có thể lý giải về điều này?
Luật sư Trần Xuân Tiền: Dù đã nói rất nhiều nhưng nhận thức của người dân vẫn chưa đầy đủ. Luật An ninh mạng có hiệu lực từ tháng 1/2019 quy định rất rõ quyền và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức, song mọi người vẫn chưa hình dung và thấy được việc này, dẫn đến việc tự do, tùy tiện, không nhìn thấy hậu quả, nên thời gian qua đã có nhiều người bị xử phạt.
Theo dõi việc xử phạt vừa qua cho thấy chủ yếu là xử phạt hành chính, chưa có vụ nào xử lý hình sự. Vừa qua khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện ở nước ta, nhiều tin làm cho người dân hoang mang, có thể làm mất ăn, mất ngủ.
PV: Chế tài xử lý trong việc đưa thông tin không chính xác, cụ thể là trong trường hợp đưa thông tin về dịch bệnh không chính xác thì sẽ xử phạt ra sao? Xin ông phân tích cụ thể?
Luật sư Trần Xuân Tiền: Nếu mức vi phạm nhẹ thì xử lý hành chính, tùy theo mức độ lỗi. Nếu mắc lỗi nặng thì sẽ xử lý hình sự.
Đối với xử lý hình sự có quy định ở các điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” có thể phạt đến 3 năm tù. Tội “Làm nhục người khác” được quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015, mức xử phạt đến 2 năm tù; tại khoản 3 phạt đến 5 năm tù.
Tội “Vu khống” quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định tại khoản 2 phạt tù đến 3 năm; tại khoản 3 bị phạt đến 7 năm tù.
PV: Nhiều người cho rằng, họ chỉ đọc thông tin thấy hữu ích cho cộng đồng thì chia sẻ và cho rằng không thể kết tội họ trong trường hợp này. Điều này có đúng không thưa ông?
Luật sư Trần Xuân Tiền: Luật An ninh mạng quy định rất rõ, khi đăng tải hay chia sẻ thì phải nghiên cứu, trích rõ nguồn gốc, phải biết thông tin đó ở đâu, chứ không thể nói như vậy được. Có nghĩa, có thể cố ý hoặc vô ý nhưng anh đã vi phạm Luật an ninh mạng, thì đều phải xử lý.
Tuy nhiên, trong trường hợp không biết, vô tình thì tùy thuộc vào tính chất, mức độ hậu quả, cơ quan chức năng sẽ xem xét để áp dụng hình phạt.
PV: Ông có lời khuyên nào đối với người dùng mạng xã hội để đảm bảo an toàn cho cá nhân và cộng đồng, đặc biệt khi diễn biến của đại dịch Covid-19 đang hết sức phức tạp như hiện nay?
Luật sư Trần Xuân Tiền: Thời đại hiện nay đang bùng nổ thông tin. Nếu thông tin không chính xác thì hậu quả sẽ khôn lường, ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức và ảnh hưởng rất lớn đến xã hội. Chúng ta cần xử lý thật nghiêm, làm sao loại được những tin giả, tin bịa đặt.
Bên cạnh đó, mọi người cần hết sức thận trọng khi lên mạng xã hội đăng tin, chia sẻ, bình luận, tránh việc vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến gia đình, xã hội.
Chúng ta cần hết sức nghiêm túc trong việc nâng cao hiểu biết và thực hiện trách nhiệm của công dân trong việc đăng tin, chia sẻ thông tin.