05/12/2024 lúc 09:11 (GMT+7)
Breaking News

Vinamilk: Xem “Dẫn đầu” là lợi thế cho doanh nghiệp để bền bỉ hơn với mục tiêu Net Zero

Net Zero không phải là một cuộc chơi xa xỉ của những “người giàu”. Đây là trách nhiệm và cả quyền lợi của từng cá nhân, doanh nghiệp, đi từ nhận thức về một tương lai xanh và bền vững hơn.
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc điều hành Nghiên cứu và Phát triển (R&D) – Ban chỉ đạo dự án Net Zero của Vinamilk khi được hỏi về “Net Zero – Cuộc chơi của những người giàu?” tại Hội thảo quốc tế Net Zero - Chuyển dịch Xanh: Cơ hội cho người dẫn đầu do VTV tổ chức vừa qua tại Hà Nội.
Net Zero – Cuộc chơi của người giàu?
Nhiều vấn đề liên quan đến phát triển bền vững, Net Zero đã được đưa ra bàn luận tại Hội thảo. Trong đó, câu hỏi đầu tiên mở màn cho hội nghị: “Net Zero có phải là cuộc chơi của những giàu?” đã được nhiều khán giả đặc biệt quan tâm. Theo khảo sát nhanh tại Hội nghị, chi phí đầu tư liên quan đến phát triển bền vững, chuyển dịch xanh được đánh giá là không nhỏ và “người giàu” ở đây không chỉ là cá nhân, mà hiểu rộng hơn là các doanh nghiệp, quốc gia có tiềm lực kinh tế hùng hậu.
Khi được hỏi về quan điểm này, ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc điều hành R&D, đại diện công ty Vinamilk tham gia tọa đàm cho biết, không phân biệt giàu hay nghèo, biến đổi khí hậu đã và đang tác động lên tất cả mọi thành phần trong xã hội, trực tiếp đến từng bữa cơm, cuộc sống hàng ngày của chúng ta. 
"Tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng tiêu cực. Bữa cơm hàng ngày đã bắt đầu có sự hiện diện tiêu cực này. Tôi nghĩ Net Zero không phải là cuộc chơi xa xỉ của người giàu mà là nghĩa vụ, trách nhiệm và quan trọng là cả quyền lợi về một cuộc sống tốt đẹp hơn và an toàn hơn cho tất cả mọi người", ông Khánh khẳng định.
Ông Nguyễn Quốc Khánh – Giám đốc điều hành R&D Vinamilk phát biểu tại Hội thảo Net Zero - Chuyển dịch Xanh: Cơ hội cho người dẫn đầu
Ông Khánh lấy dẫn chứng khi thực hiện dự án phát triển bền vững, cũng như bất cứ dự án nào khác đều phải tính chi phí đầu tư và tỷ suất lợi nhuận, nhưng theo kinh nghiệm của Vinamilk đã bắt đầu từ hơn 10 năm trước, nếu đầu tư từ sớm, chi phí sẽ thấp hơn và lợi ích thu lại lớn hơn rất nhiều. 
Vinamilk đầu tư các công nghệ giảm thải, thân thiện với môi trường, có thể kể đến phần mềm quản lý vận hành để tăng hiệu suất, tối ưu năng lượng cho máy móc thiết bị, sử dụng robot LGV thay thế xe nâng cũ giúp giảm tới 62% khí thải phát ra, hay hệ thống thu hồi nhiệt giúp thu hồi tới 92% lượng nhiệt dư thừa và tái sử dụng giúp tiết kiệm điện. Doanh nghiệp này ước tính khoản tiền từ việc tiết kiệm tài nguyên ở hiện tại và tương lai sẽ mang đến lợi ích cao hơn chi phí đầu tư ban đầu, đặc biệt khi giá của nguyên/nhiên liệu ngày càng đắt đỏ.
Robot LGV hiện đại giúp giảm 62% khí thải phát ra so với xe nâng truyền thống
Chia sẻ bên lề sự kiện, ông Khánh cho biết, đối với những doanh nghiệp nhỏ và vừa, không có vốn đầu tư các dự án chuyển đổi lớn, cần nguồn lực lớn, vẫn có thể tham gia chuyển dịch xanh trong những hoạt động đầu tư phù hợp với đặc thù mô hình sản xuất và quy mô doanh nghiệp. Từ một góc nhìn khác, những hành động bảo vệ môi trường như giảm thiểu rác thải nhựa, tiết kiệm nước, điện… gần như không tốn kém chi phí, có thể làm được ngay và làm hàng ngày. Do đó, theo ông Khánh, điểm quan trọng ở đây chính là nhận thức của ban lãnh đạo, người lao động và toàn thể cộng đồng sẽ tác động đến các hành động chuyển dịch xanh.
Các chuyên gia đến từ những tổ chức quốc tế tham dự Hội nghị cũng cho rằng bên cạnh việc “tự chuyển dịch”, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng chuẩn bị về chiến lược, nhận thức - kiến thức nhờ đó tận dụng được những nguồn vốn xanh, hỗ trợ về đầu tư và không bỏ lỡ các cơ hội trong giai đoạn này. 
Chuyển dịch xanh – cơ hội cho người dẫn đầu
Trên thực tế, chuyển đổi xanh thực sự là chặng đường dài với nhiều khó khăn. Theo thống kê, 37 tỷ tấn CO2 phát thải toàn cầu năm 2022 - mức cao nhất kể từ năm 1900. Ước tính của Ngân hàng Thế giới (năm 2022), Việt Nam có thể cần đầu tư thêm khoảng 368 tỷ USD cho đến năm 2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm khi theo đuổi lộ trình phát triển kết hợp khả năng chống chịu và phát thải ròng bằng "0". Trong đó, hành trình khử carbon nhằm đáp ứng các cam kết quốc tế chiếm khoảng 30% nhu cầu nguồn lực.
"Tuy nhiên, khu vực công sẽ chỉ có thể đáp ứng khoảng 1/3 nguồn lực yêu cầu; trong khi thị trường tài chính xanh hiện mới ở giai đoạn đầu phát triển nguồn lực, huy động qua thị trường tài chính xanh ở mức rất nhỏ bé so với nhu cầu đặt ra", Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh khi phát biểu tại Hội thảo.
Giám đốc AFD Việt Nam, ông Hervé Conan cho biết trên khắp toàn cầu, biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng chất lượng cuộc sống và nền kinh tế. Nếu nhiệt độ tăng 3 độ C sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới hơn 10% GDP toàn cầu. Chỉ trong vòng 1 năm, chi phí kinh tế của các thảm họa thiên nhiên đã tăng lên 3 lần, đạt mức 830 triệu USD trong năm 2022.
Trong khi đó, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu và cũng đang là 1 trong 20 quốc gia phát thải nhiều nhất thế giới với lượng phát thải khí CO2 gấp 2 trong 10 năm qua. “Với tốc độ tăng trưởng kinh tế 6-7% mỗi năm, Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia phát thải nhiều nhất thế giới”, đại diện AFD Việt Nam nhấn mạnh.
"Chúng ta phải thay đổi ngay bây giờ. Mục tiêu Net Zero vào năm 2050 cần sự chuyển dịch về năng lượng và sự đồng hành của người dân. Phải có chiến lược chuyển đổi năng lượng sang các nguồn năng lượng thay thế. ", ông Hervé Conan nhấn mạnh.
Liên quan đến khía cạnh này, cuối tháng 5 vừa qua, Vinamilk đã công bố nhà máy và trang trại đầu tiên đạt trung hòa carbon theo tiêu chuẩn PAS 2060:2014, được chứng nhận bởi các tổ chức quốc tế độc lập. Ông Nguyễn Quốc Khánh cho biết kết quả này đến từ hành động kép khi Vinamilk vừa áp dụng các giải pháp giảm phát thải đặc biệt là chuyển đổi sử dụng năng lượng xanh, sử dụng công nghệ carbon thấp… song song doanh nghiệp duy trì quỹ cây xanh để hấp thụ carbon trong nhiều năm qua.  
Vinamilk nhận chứng nhận Nhà máy và trang trại đạt trung hòa carbon theo tiêu chuẩn PAS 2060:2014
Chọn hashtag là #DẫnĐầu, đại diện Vinamilk cũng cho rằng, nếu nói về lợi thế khi dẫn đầu, thì các sản phẩm xanh sẽ giúp xây dựng niềm tin của người tiêu dùng, cộng đồng đối với sản phẩm và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ, điều này sẽ cho phép các doanh nghiệp chủ động hơn khi thế giới thiết lập những “hàng rào xanh” về mảng xuất nhập khẩu, đầu tư…
Chuyển dịch xanh không chỉ là xu hướng mà đã trở thành cam kết của nhiều nền kinh tế và các doanh nghiệp. Không một quốc gia nào có thể đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 - "Net Zero" nếu không có sự chuyển dịch toàn diện. " Mục tiêu tăng trưởng xanh là bình đẳng, bao trùm, không ai bị bỏ lại phía sau”, “Đây là những lợi ích mang tính dài hạn. Chúng ta càng làm sớm, càng hiệu quả và rủi ro càng thấp”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, nhấn mạnh tại tọa đàm.
Phương Uyên