Trong mọi giai đoạn lịch sử, Việt Nam luôn nhất quán mục tiêu, chính sách tất cả vì con người. Đảng và Nhà nước Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để người dân được thụ hưởng đầy đủ nhất các quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Đồng thời, coi trọng thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nhân quyền trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng và hiểu biết giữa các quốc gia. Những tiến bộ và đóng góp quốc tế của Việt Nam đã được các nước ASEAN ghi nhận, đề cử Việt Nam đại diện ứng cử thành viên Hội đồng nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025.
Ảnh minh họa
* Quyền con người gắn liền với quyền của dân tộc
Ngay trong Tuyên ngôn độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu đậm các quyền cơ bản của con người; gắn quyền con người với quyền của dân tộc: "các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do". Những nỗ lực đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất tổ quốc trong nhiều thập kỷ của Việt Nam không nằm ngoài mục đích bảo đảm cho mọi người dân Việt Nam được thụ hưởng đầy đủ nhất quyền con người, trong đó có quyền được sống trong hòa bình, độc lập, tự do và quyền được quyết định vận mệnh, con đường phát triển của mình.
Vươn lên từ các cuộc chiến tranh, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để xây dựng một nhà nước của dân, do dân và vì dân, mà trước hết là xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải thiện, nâng cao hệ thống pháp luật về quyền con người. Việc thông qua Hiến pháp 2013 với một chương riêng về "Quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân" và sau đó là hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan đến quyền con người, là những nỗ lực hết sức có ý nghĩa, tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng cho việc bảo đảm trên thực tế quyền con người, quyền công dân.
Cùng với những bước tiến đó là việc không ngừng phấn đấu hoàn thiện thể chế và tạo dựng cơ sở vật chất để bảo đảm tốt hơn quyền con người. Mọi chiến lược, chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội đều được xây dựng trên cơ sở lấy người dân làm trung tâm, hướng về người dân và phục vụ người dân.
* Nhiều kết quả tích cực trong việc bảo đảm quyền con người
Sau nhiều nỗ lực, Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trong việc bảo đảm quyền con người, từ quyền về dân sự, chính trị đến quyền về kinh tế, văn hóa, xã hội và quyền của các nhóm dễ bị tổn thương.
Quốc hội Việt Nam đã sửa đổi và ban hành mới nhiều văn bản luật, trong đó có những bộ luật liên quan đến đảm bảo quyền con người, như: Luật Báo chí; Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo; Luật Tiếp cận thông tin; Luật An ninh mạng… Bằng việc tham gia đóng góp ý kiến vào quá trình xây dựng luật pháp, nhân dân đã thực hiện các quyền tự do, dân chủ của mình; và các văn bản pháp luật quan trọng đều thể hiện được ý chí, lợi ích và nguyện vọng của nhân dân.
Quyền làm chủ của người dân Việt Nam được thể hiện rõ ở: quyền bầu cử và ứng cử; quyền tự do ngôn luận, báo chí; quyền tự do tôn giáo… Nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trong điều kiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Nhà nước ta đã thành lập Ủy ban quốc gia, đẩy nhanh tiến độ xây dựng “Chính phủ điện tử”; Cổng thông tin điện tử của các cơ quan Nhà nước, nhằm cung cấp dịch vụ công trực tuyến để cán bộ, cơ quan, tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân, nâng cao hiệu quả tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.
Cùng với đó, trong những năm qua Nhà nước Việt Nam đã thực hiện thắng lợi nhiều chương trình phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền con người trong các lĩnh vực này. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016-2019 đạt khá cao, bình quân 6,8%/năm. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tăng trưởng cả năm vẫn đạt 2,91%; là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới.
Một trong những thành tựu nổi bật nhất của Việt Nam bảo đảm quyền con người là đạt được những tiến bộ vượt bậc về xóa đói giảm nghèo, phát triển con người và chất lượng cuộc sống. Tính đến cuối năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo còn 2,75% (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020). Việt Nam là quốc gia đạt được kết quả ấn tượng trong việc thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ về giảm nghèo, được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Lĩnh vực giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho người dân ngày càng được nâng cao. Đến nay 63 tỉnh, thành phố đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi và phổ cập giáo dục tiểu học. Ngoài sự phát triển các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe trực tiếp, Việt Nam còn thi hành nhiều biện pháp nhằm nâng cao sức khỏe của người dân, ngăn ngừa bệnh tật từ xa như chương trình cung cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch tăng lên qua các năm. Bảo hiểm y tế được phát triển, mở rộng. Số lượng người tham gia bảo hiểm y tế đã tăng từ 3,8 triệu (chiếm 5,4% dân số) năm 1993 lên gần 88 triệu người (gần 91% dân số) năm 2020.
Trên lĩnh vực văn hóa, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được đẩy mạnh; Chính phủ đã ban hành Nghị định mới về công nhận các danh hiệu văn hóa; Việt Nam có nhiều di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại...
Nói đến thành tựu bảo đảm quyền con người không thể không nói tới những nỗ lực của Nhà nước Việt Nam trong chăm sóc, bảo đảm quyền của nhóm xã hội dễ bị tổn thương, bao gồm phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật. Trong đó, trẻ em ngày càng được chăm sóc và bảo vệ tốt hơn để phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần; Tỷ lệ nữ giới được giáo dục ở mọi cấp tăng cao. Các chính sách đổi mới của Việt Nam đã tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động kinh tế-xã hội của đất nước. Lao động nữ được quan tâm nhiều hơn trong thời kỳ thai sản và tuổi nghỉ hưu. Người khuyết tật được quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để được học văn hóa, được ưu tiên bố trí việc làm...
Mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” là xuyên suốt, nhất quán, được Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị thực hiện triệt để, hiệu quả ngay từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện. Hơn thế, Đảng, Nhà nước ta luôn xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, “lấy người dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng, chống dịch”, “chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân”. Không chỉ trong thiên tai, thảm họa, dịch bệnh mà bất luận trong hoàn cảnh nào, người dân luôn được cấp ủy, chính quyền và các lực lượng chức năng bảo vệ, bảo đảm cả về tính mạng, tài sản và điều kiện sống.
* Đóng góp vào những giá trị chung, tích cực và tiến bộ của nhân loại về quyền con người
Đến nay, Việt Nam đã tham gia hầu hết các công ước của Liên hợp quốc về quyền con người, như: “Công ước quốc tế về xóa bỏ các hình thức phân biệt chủng tộc”; “Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ”; “Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội”; “Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị”; “Công ước về quyền trẻ em”; “Công ước về quyền của người khuyết tật”…
Việt Nam cũng luôn nỗ lực đóng góp tích cực vào những giá trị chung, tích cực và tiến bộ của nhân loại về quyền con người thông qua việc tham gia tích cực vào các diễn đàn liên quan đến quyền con người của Liên hợp quốc, ASEAN và các cơ chế khác. Tại các diễn đàn này, Việt Nam đã chủ động đưa ra và được cộng đồng quốc tế hoan nghênh các sáng kiến về quyền con người, đặc biệt về nội dung liên quan đến bảo đảm quyền phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, những người chịu tác động của biến đổi khí hậu…
Việt Nam từng được bầu là thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2014-2016. Năm 2016 và 2018, Việt Nam đã chủ trì giới thiệu và được Hội đồng nhân quyền thông qua 2 nghị quyết về tác động của biến đổi khí hậu đối với quyền trẻ em và đối với quyền phụ nữ. Việt Nam cũng tích cực tham gia đối thoại về quyền con người với nhiều quốc gia, như: Mỹ, Australia, Thụy Sỹ và EU, nhằm nâng cao hơn sự hưởng thụ quyền của người dân ở mỗi quốc gia...
Không chỉ là một trong những nước đã thực hiện thành công trước thời hạn nhiều Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, Việt Nam hiện còn được biết đến là quốc gia trong thực hiện mục tiêu phát triển bao trùm, không ai bị ở lại phía sau của Liên hợp quốc.
Những thành tựu của công cuộc đổi mới, phát triển đất nước cùng những tiến bộ không ngừng trong sự nghiệp bảo đảm và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Với mong muốn đóng góp nhiều và hiệu quả hơn nữa vào các nỗ lực chung của thế giới nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, Việt Nam đã ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Trong lần ứng cử này, Việt Nam vinh dự được các nước ASEAN đồng thuận đề cử là ứng cử viên của ASEAN./.