18/09/2024 lúc 15:52 (GMT+7)
Breaking News

Khơi dậy tinh thần yêu nước, phát huy sức mạnh vĩ đại của khối đại đoàn kết dân tộc

Là một trong những bộ phận quan trọng cấu thành nên hệ thống chính trị Việt Nam, kể từ khi được thành lập đến nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh và có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; cũng như góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

Nơi hội tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Lịch sử ra đời, hoạt động, phát triển và trưởng thành của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gắn liền với lịch sử oai hùng của dân tộc và của Đảng ta.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có tiền thân là Hội Phản đế đồng minh, được thành lập ngày 18/11/1930. Và ngày 18/11 hằng năm đã trở thành Ngày truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và là "Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc".

Trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc (1930-1945), do yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng, tổ chức Mặt trận mang nhiều tên gọi khác nhau, như: Hội Phản đế đồng minh (11/1930), Mặt trận Thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương (11/1936), Mặt trận Dân chủ Đông Dương (3/1938) và Việt Nam Độc lập Đồng Minh (5/1941), gọi tắt là Việt Minh. Mặt trận Việt Minh đã động viên, tổ chức mọi tầng lớp nhân dân đoàn kết, vùng lên Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, giành độc lập dân tộc, lập nên Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.

Bước vào giai đoạn chống Mỹ, cứu nước, ngày 10/9/1955, Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất họp tại Hà Nội đã quyết định thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thông qua Cương lĩnh nhằm đoàn kết mọi lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình trong cả nước để đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Dự và nói chuyện tại buổi lễ bế mạc Đại hội thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng: "Ai cũng phải nhận rằng: Cương lĩnh của Mặt trận rất vững chắc, rất rộng rãi và rất thiết thực. Thiết thực, vì nó hoàn toàn phù hợp với nguyện vọng thiết tha của toàn thể đồng bào từ Bắc đến Nam… Rộng rãi, vì Cương lĩnh đã nói rõ rằng: Mặt trận sẵn sàng hoan nghênh tất cả những người thật thà phản đối âm mưu của Mỹ - Diệm chia cắt đất nước, thật thà tán thành thống nhất nước nhà. Mặt trận sẵn sàng đoàn kết tất cả những người yêu nước, không phân biệt xu hướng chính trị, tín ngưỡng tôn giáo... Vững chắc, vì Mặt trận dựa trên nền tảng tối đại đa số nhân dân trong nước là đồng bào công nhân và đồng bào nông dân; đồng thời chú trọng đến tất cả các tầng lớp xã hội trong nước ta, không bỏ sót ai”. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra sức vận động các tầng lớp nhân dân thi đua yêu nước, tham gia khôi phục kinh tế và phát triển văn hóa, hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa. 

Ở miền Nam, từ cao trào đấu tranh của nhân dân miền Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời với bản Tuyên ngôn và Chương trình hành động 10 điểm, nội dung cơ bản là đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, đấu tranh đánh đổ chế độ độc tài tay sai của đế quốc Mỹ. Ngày 20/4/1968, trên cơ sở thắng lợi và khí thế của Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968, Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hoà bình Việt Nam ra đời, nhằm đoàn kết, tranh thủ thêm tầng lớp trí thức, tư sản dân tộc tiến bộ ở thành thị, mở rộng thêm lực lượng trên mặt trận chống Mỹ và các thế lực tay sai.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất họp từ ngày 31/1/1977 đến ngày 4/2/1977 đã quyết định thống nhất ba tổ chức: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, lấy tên chung là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đại hội thông qua Chương trình hoạt động và Điều lệ nhằm đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân cả nước, cùng nhau xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh, vững bước đi lên CNXH.

Tạo nên sức mạnh to lớn thúc đẩy sự phát triển của đất nước

Kể từ ngày thành lập đến nay, ở bất kỳ thời kỳ nào, tổ chức Mặt trận cũng thể hiện rất rõ và thực hiện rất tốt vai trò, vị trí của mình, luôn trung thành với tôn chỉ, mục đích tập hợp các tầng lớp nhân dân thành một khối đoàn kết thống nhất về ý chí và hành động, tinh thần và lực lượng, tạo thành sức mạnh to lớn của cả dân tộc để hoàn thành những mục tiêu cách mạng cao cả do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

Trong công cuộc đổi mới, với nhiều hình thức tổ chức và vận động nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã góp phần quan trọng cùng với Đảng và Nhà nước thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; giải quyết những khó khăn về đời sống, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, bảo đảm quốc phòng-an ninh, khơi dậy khát vọng phát triển, phát huy ý chí, sức mạnh văn hoá và con người Việt Nam.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức trong hệ thống chính trị tuyên truyền, vận động, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân, tạo sự thống nhất và đồng thuận trong xã hội; tích cực tham gia góp ý kiến vào dự thảo Hiến pháp, các dự án luật, pháp lệnh và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; các văn kiện trình đại hội đảng các cấp; kiến nghị với Đảng và Nhà nước nhiều nội dung quan trọng, góp phần hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên đã chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, triển khai sâu rộng và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, phát huy tinh thần thi đua sáng tạo và huy động các nguồn lực trong xã hội, tham gia thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Đó là các phong trào: Xoá đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa; Ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền; xây dựng và sửa chữa Nhà Đại đoàn kết; Tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; Chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; ủng hộ, giúp đỡ nhân dân các vùng thiên tai lũ lụt...

Đáng chú ý, hai cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư" (phát động từ năm 1995, từ năm 2015 đổi tên là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”) và cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” (phát động từ năm 2000) do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, đã được nhân rộng ra cả nước, có ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội to lớn, góp phần cải thiện đáng kể đời sống vật chất, tinh thần của nhiều hộ gia đình và người dân.

Trong đó, cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” là một trong những cuộc vận động có đóng góp to lớn và trở thành điểm sáng trong phong trào thi đua yêu nước. Từ khi phát động đến nay, Quỹ “Vì người nghèo” từ cấp địa phương đến trung ương đã thu được hàng nghìn tỷ đồng; xây dựng mới và sửa chữa hàng trăm nghìn nhà đại đoàn kết... đem lại niềm vui cho hàng triệu người nghèo và tiếp tục khẳng định tính xã hội nhân văn sâu sắc của cuộc vận động, làm phong phú, sâu sắc thêm truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc. Tính riêng năm 2023, cuộc vận động Quỹ "Vì người nghèo" và an sinh xã hội đã thu được trên 2.750 tỷ đồng, qua đó giúp xây mới và sửa chữa được hơn 19.600 căn nhà Đại đoàn kết; hỗ trợ trên 1,2 triệu lượt người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về khám chữa bệnh…

Bên cạnh đó, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng nhận được sự quan tâm vào cuộc của đông đảo các tầng lớp nhân dân, từng bước hình thành văn hóa tiêu dùng hàng Việt trong các cộng đồng dân cư. Nhận thức của bộ phận lớn người tiêu dùng, các doanh nghiệp, các cơ quan về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng sản phẩm và ưu tiên tiêu dùng hàng Việt Nam, mở rộng thị trường nội địa, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam được nâng lên…

Đặc biệt khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra Lời kêu gọi “Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19” và phát động các phong trào để kết nối sự chung tay, huy động sự vào cuộc của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia phòng, chống dịch. Những tấm gương của đội ngũ y, bác sĩ, chiến sĩ quân đội, công an cùng với sự góp sức của mỗi người dân trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 chính là biểu hiện sinh động của truyền thống yêu nước, sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc với vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Nêu cao vai trò, trách nhiệm đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ “tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tăng cường xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; thực hiện dân chủ, giám sát và phản biện xã hội, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; tăng cường đồng thuận xã hội, thúc đẩy tinh thần thi đua sáng tạo, phát triển kinh tế-xã hội, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, giữ vững hòa bình, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” (1)./.

Thông tấn xã Việt Nam

(1): trích Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VIII tại Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024.

...