19/12/2024 lúc 22:24 (GMT+7)
Breaking News

Việt Nam đáp ứng các tiêu chí của nền kinh tế thị trường

Để phát triển, hoàn thiện nền kinh tế thị trường đầy đủ và hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, ngày 03/6/2017 Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Cùng với đó là việc xác định các tiêu chí cụ thể đánh giá mức độ phát triển kinh tế thị trường với điều kiện ở Việt Nam; vừa phải đáp ứng các yêu cầu bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, vừa đáp ứng với thông lệ được thừa nhận phổ quát của nền kinh tế thị trường thế giới… Đến nay, Việt Nam đã đáp ứng các tiêu chí của nền kinh tế thị trường.

Ảnh minh họa - TL

Trên thực tế, với mỗi nước, nền kinh tế sẽ có quy định riêng về các tiêu chí xác định kinh tế thị trường. Theo quy định của Mỹ, có 6 tiêu chí để xem xét một nền kinh tế có thị trường hay không, gồm: Mức độ chuyển đổi của đồng tiền; Đàm phán tiền lương, tiền công giữa người lao động và người sử dụng lao động; Mức độ đầu tư nước ngoài vào các hoạt động kinh tế; Vấn đề sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân; Mức độ kiểm soát của Chính phủ với một số nguồn lực và giá cả; Các yếu tố khác. Hay với các nước EU, lại có 5 tiêu chí để xét như: mức độ ảnh hưởng của chính phủ trong phân bổ các nguồn lực và quyết định của doanh nghiệp (Việt Nam đã thực hiện được, theo đánh giá của EU hồi 2015); không có sự can thiệp của nhà nước làm biến dạng hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp; quản trị doanh nghiệp, kế toán và kiểm toán; sự tồn tại và thực thi một số chế độ pháp lý, tôn trọng các quyền sở hữu trí tuệ, phá sản và cạnh tranh cũng như các hệ thống tư pháp; lĩnh vực tài chính...

Vì sao Việt Nam cần được các nước phát triển công nhận là nền kinh tế thị trường

Việc được các nước nhập khẩu lớn như Mỹ, EU xem là "kinh tế thị trường" sẽ giúp Việt Nam có lợi thế trong các cuộc điều tra chống bán phá giá, trợ cấp. Quá trình xuất khẩu hàng hóa vào thị trường các nước và khu vực sẽ có nhiều thuận lợi cũng như mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Theo Bộ Công Thương, đến nay có 72 nước đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, bao gồm các nền kinh tế lớn như Canada, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Vương quốc Anh…  

Hiện Mỹ là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam với tổng kim ngạch năm 2022 gần 109,4 tỷ USD (chiếm tỷ trọng 29,5% - theo số liệu của Tổng cục Hải Quan). Còn EU là thị trường nước ngoài quan trọng thứ ba đối với hàng hóa Việt Nam từ 2020. Số liệu Bộ Công Thương cho biết, kể từ khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam đã xuất sang thị trường này 128 tỷ USD hàng hóa. Còn số liệu cơ quan Hải quan cho thấy, năm 2022, giá trị hàng Việt sang EU là 46,8 tỷ USD, chiếm 12,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, đến nay cả Mỹ và EU chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.  

Thực tế, tất cả các thông tin thị trường của Việt Nam hoàn toàn minh bạch. Bên cạnh Hoa Kỳ, Việt Nam xuất khẩu đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2023 ước đạt 355,5 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 97 tỷ USD. Đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Nếu Hoa Kỳ công nhận quy chế kinh tế thị trường sẽ tăng vị thế của Việt Nam, đây cũng là thắng lợi của Hoa Kỳ, khẳng định việc họ đang làm việc với đối tác làm ăn chân chính. Việc công nhận này sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Từ nhu cầu thực tế đó, ngày 08/9/2023, Bộ Công Thương Việt Nam đã chính thức nộp hồ sơ đề nghị Bộ Thương mại Mỹ xem xét vấn đề kinh tế thị trường của Việt Nam. Ngày 08/5/2024 vừa qua, Bộ thương mại Hoa Kỳ đã tổ chức phiên điều trần về quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, đây có thể coi là một bước quan trọng trong quá trình xem xét hồ sơ công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam…

Đánh giá mức độ phát triển kinh tế thị trường của Việt Nam

Để đánh giá mức độ phát triển kinh tế thị trường nói chung, các nhà nghiên cứu về cơ bản sử dụng hai nhóm yếu tố chủ yếu, đó là chỉ số tự do kinh tế (Economic Freedom - EF) và mức độ can thiệp của chính phủ. Các chỉ số EF bao gồm các mục như bảo đảm quyền tài sản, gánh nặng các quy định và độ mở của thị trường tài chính, cùng nhiều mục khác. Chỉ số này đo lường căn cứ trên 4 trụ cột lớn gồm: Vấn đề pháp quyền; Quy mô tham gia của Chính phủ; Hiệu quả của các quy định và Thị trường mở. 

Việt Nam tự do hóa kinh tế bắt đầu vào năm 1986 với chủ trương đổi mới, chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Đến nay, những cải cách theo hướng tự do kinh tế, phát triển kinh tế thị trường đã đạt được nhiều kết quả, thể hiện mức độ phát triển kinh tế thị trường của Việt Nam thông qua các chỉ số tự do kinh tế. Cụ thể:

Về Hệ thống pháp quyền (Rule of Law): Ở Việt Nam, đất đai thuộc sở hữu toàn dân và do Nhà nước thống nhất quản lý. Tính đến tháng 9-2018, Chính phủ đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 96,9% diện tích đất. Tuy còn một số hạn chế, nhưng quyền tài sản và các quyền khác trong kinh doanh đã được thiết lập cơ bản và vẫn tiếp tục cải thiện.

Về quy mô Chính phủ: Mức độ tham gia của Chính phủ tới nền kinh tế tại Việt Nam ở mức vừa phải. Trong đó, tổng gánh nặng thuế tương đương 18,6% tổng thu nhập trong nước; Chi tiêu của Chính phủ đã lên tới 28,3% sản lượng (GDP) của quốc gia trong 3 năm qua (tính đến năm 2018) và thâm hụt ngân sách trung bình là 4,7% GDP; Nợ công tương đương 57,5% GDP.

Về Hiệu quả thi hành pháp luật doanh nghiệp:  Việc khởi nghiệp ngày càng trở nên dễ dàng hơn và chi phí đăng ký kinh doanh cũng được cắt giảm. Các biện pháp kiểm soát bình ổn giá vẫn có hiệu lực đối với nhiên liệu, năng lượng, nước, tài nguyên thiên nhiên và dược phẩm.

Đối với độ mở cửa của thị trường: Tổng giá trị xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ bằng 187,5% GDP. Mức thuế trung bình được áp dụng là 2,7% và 80 biện pháp phi thuế quan đang có hiệu lực. Khuôn khổ đầu tư tổng thể đã được hiện đại hóa và tạo thuận lợi cho đầu tư nước ngoài. Khu vực tài chính tiếp tục phát triển và việc cho vay theo chỉ đạo của các ngân hàng thương mại nhà nước đã được thu hẹp trong những năm gần đây…

Bên cạnh đó, chỉ số EF ở Việt Nam không ngừng được được cải thiện: Năm 2020 chỉ số EF là 58,8 so với 41,7 năm 1995; tốc độ tăng trung bình khoảng 1,4%/năm. Tiêu chí đánh giá của bộ chỉ số EF gồm 12 khía cạnh. Mặc dù còn ở mức thấp, nhưng nhìn chung, hầu hết các khía cạnh đều có sự cải thiện đáng kể do các nguyên nhân khác nhau, trong đó, sự hỗ trợ của Chính phủ đóng vai trò quan trọng.

Có thể nhận thấy, phát triển kinh tế thị trường (theo tiêu chí tự do kinh tế) của Việt Nam có nhiều cải thiện đáng kể. Trong 12 khía cạnh quan trọng, chỉ tiêu hội nhập quốc tế đang được thực hành tốt nhất và đem lại những kết quả khả quan. Ngược lại, tự do đầu tư và nâng cao mức độ liêm chính của các cơ quan hành chính Nhà nước cần tiếp tục được cải thiện trong thời gian tới. Việt Nam chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, lấy việc nâng cao đời sống người dân làm nền tảng. Mối quan tâm không chỉ về kinh tế mà còn về đời sống và sự phát triển bền vững, như giải quyết các vấn đề nghèo đói, bất bình đẳng, biến đổi khí hậu... Do đó, cần xem xét thêm các yếu tố đặc thù của Việt Nam để đánh giá mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thực tiễn phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta thời gian qua đã đạt được những thành tựu quan trọng, thể hiện ở các nội dung: (1) Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục phát triển; kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm, tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức khá cao; quy mô và tiềm lực nền kinh tế tăng lên, chất lượng tăng trưởng được cải thiện. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách tiếp tục được hoàn thiện phù hợp với yêu cầu xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế. Các thành tố cơ bản của thị trường tài chính, như thị trường tín dụng ngân hàng, thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm cùng nhiều loại công cụ tài chính, giấy tờ có giá đã được hình thành tương đối hoàn chỉnh và đang được đưa vào vận hành, góp phần tạo điều kiện thu hút, tạo ra nguồn vốn cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với phát triển các yếu tố thị trường, các loại thị trường ngày càng được nâng cao, thủ tục hành chính từng bước được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển các loại thị trường. Doanh nghiệp nhà nước từng bước được sắp xếp, tổ chức lại có hiệu quả hơn; kinh tế tư nhân ngày càng khẳng định là một động lực quan trọng của nền kinh tế; kinh tế tập thể từng bước được đổi mới gắn với cơ chế thị trường; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển nhanh, là bộ phận quan trọng của nền kinh tế. Hội nhập kinh tế quốc tế phát triển sâu, rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương thế hệ mới; kim ngạch xuất, nhập khẩu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và sự phát triển của đất nước. (2) Quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đem lại những thay đổi rất to lớn cho Việt Nam trong những năm qua. Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008. Quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2022 ước đạt 9,513 triệu tỷ đồng, tương đương 409 tỷ USD. GDP bình quân đầu người năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD. Cơ cấu tổng sản phẩm quốc nội xét trên phương diện quan hệ sở hữu, gồm khoảng 27% từ kinh tế nhà nước, 4% từ kinh tế tập thể, 30% từ kinh tế hộ, 10% từ kinh tế tư nhân trong nước và 20% từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. An sinh xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng...

ThS Nguyễn Hoàng Tuân

...