10/01/2025 lúc 22:23 (GMT+7)
Breaking News

Vị tướng thầy thuốc Anh hùng

VNHN-Nhắc đến cố Thiếu tướng, Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng LLVT - GS.TSKH. Lê Thế Trung (1927-2018), nguyên Giám đốc: Bệnh viện 103, Viện Bỏng Quốc gia và Học viện Quân y, là những thầy thuốc quân dân y Việt Nam đều khâm phục sự phấn đấu bền bỉ, học tập và nghiên cứu miệt mài để phục vụ bệnh nhân của ông. Từ một chiến sĩ cứu thương trong kháng chiến chống Pháp, ông từng bước vượt khó, trưởng thành, xứng đáng là nhà khoa học có vị thế, có uy tín trong lĩnh vực y dược quốc gia và quốc tế.

VNHN-Nhắc đến cố Thiếu tướng, Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng LLVT - GS.TSKH. Lê Thế Trung (1927-2018), nguyên Giám đốc: Bệnh viện 103, Viện Bỏng Quốc gia và Học viện Quân y, là những thầy thuốc quân dân y Việt Nam đều khâm phục sự phấn đấu bền bỉ, học tập và nghiên cứu miệt mài để phục vụ bệnh nhân của ông. Từ một chiến sĩ cứu thương trong kháng chiến chống Pháp, ông từng bước vượt khó, trưởng thành, xứng đáng là nhà khoa học có vị thế, có uy tín trong lĩnh vực y dược quốc gia và quốc tế.

Giáo sư Lê Thế Trung

Giáo sư Lê Thế Trung tham gia Cách mạng năm 1945 và là cán bộ Tiền khởi nghĩa. Ông gia nhập quân đội từ rất sớm, ngay sau ngày Cục Quân y được thành lập (tháng 4/1946). Ông được học lớp đào tạo y tá đầu tiên do Cục Quân y tổ chức và phục vụ ở Trung đoàn 148 (Sơn La). Năm 1949, ông được Cục Quân y cử đi học tại Trường Quân y sĩ Việt Bắc. Trở thành quân y sĩ, ông  được giao làm Trưởng Ban quân y Trung đoàn 209 (Đại đoàn 312 - đơn vị tấn công tiêu diệt cứ điểm Him Lam, mở màn chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, năm 1954). Sau khi hòa bình được lập lại ở miền Bắc, ông là Chủ nhiệm quân y Trung đoàn 254, rồi Trung đoàn 53 (Sư đoàn 350, Quân khu 3). Năm 1956, ông đi học lớp Y sỹ cao cấp khoá I của Bộ Y tế. Sau đó được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm quân y Quân khu Tây Bắc (nay là Quân khu 2) kiêm Viện trưởng đầu tiên của Viện Quân y 6. Năm 1960 ông tốt nghiệp xuất sắc luận văn bác sỹ. Năm 1961, theo đề nghị của bác sĩ Vũ Văn Cẩn, Cục trưởng Cục Quân y, Bộ Quốc phòng cử ông cùng BS Phan Thanh Trà, BS Trịnh Phúc Nguyên đi học chuyên ngành bỏng tại HV Quân y Kirov (Liên-xô cũ). Về nước, ông được bổ nhiệm là Chủ nhiệm Khoa Bỏng, Viện Quân y 103. Từ đó, ông bắt đầu những nghiên cứu khoa học gắn liền với thực tiễn nhiệm vụ phục vụ sức khỏe bộ đội và nhân dân. Ông là người đề xuất chuyên ngành bỏng nước ta sử dụng phương pháp tính diện tích bỏng ở trẻ em, ở người trưởng thành và phương pháp đánh giá mức độ sâu của tổn thương bỏng. Cho đến nay, các phương pháp này vẫn được áp dụng trong chuyên ngành bỏng.

Tháng 7/1965, do yêu cầu kháng chiến, ông cùng một số bác sĩ của Viện Nghiên cứu y học quân sự hành quân vào phục vụ chiến đấu ở chiến trường Khu 5. Sau một thời gian công tác, ông đã kiến nghị Cục Quân y chỉ đạo thành lập bộ phận điều trị bỏng tại các cơ sở quân y ở mặt trận. Đề xuất này đã góp phần giúp các bệnh viện dã chiến, các đội điều trị thuộc chiến trường phía Nam thời điểm đó cứu chữa hiệu quả nhiều thương binh bỏng. Tháng 6/1975, ông bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ tại HV Quân y Kirov, với đề tài “Nhiễm khuẩn mủ xanh trong vết thương bỏng”. Đây là luận án đầu tiên của chuyên ngành bỏng trong quân đội bấy giờ. Cuối năm 1976, ông và cộng sự đã thực hiện thành công đề tài nghiên cứu về một loại thuốc chữa bỏng có tên là B76 - loại thuốc có thành phần dược liệu chính từ cây xoan trà. Công trình đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất và hạng Nhì, được tặng Huy chương vàng tại Triển lãm kinh tế kĩ thuật toàn quốc, Huy chương bạc tại Triển lãm khoa học kĩ thuật Matxcơva (Liên xô cũ). Báo chí nước ngoài ca ngợi viết bài nhan đề “B76 chống lại B52” hàm ý: Đế quốc Mỹ có máy bay B52 rải thảm bom ở VN gây bao thương tổn nhất là gây cháy nổ, gây bỏng cho nhiều bệnh nhân, thì Việt Nam lại có thuốc B76 để điều trị và chống lại hậu quả của B52 đã gây ra. GS. Tôn Thất Tùng khi đến thăm khoa Bỏng đã ghi trong sổ truyền thống: “Rất thành thực khen anh Trung đã xây dựng một khoa chữa bỏng mẫu mực cho đất nước, với các điều vừa khoa học vừa dân tộc. Mong các công việc của khoa sẽ phổ biến rộng rãi”.

Tháng 7/1971, ông cùng luật sư Phạm Văn Bạch (Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Chủ nhiệm Ủy ban tố cáo tội ác chiến tranh) được Chính phủ Việt Nam cử đi dự hội nghị quốc tế ở Oslo (Na Uy) nhằm tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ đối với nhân dân VN. Là chuyên viên y học và vũ khí của Đoàn đại biểu Việt Nam, ông cùng các thành viên trong đoàn mang đến hội nghị những bằng chứng “biết nói” về sự hủy diệt của các loại vũ khí mà quân đội Mỹ đã và đang sử dụng ở Việt Nam bấy giờ. Những hình ảnh chân thực được thu thập, nghiên cứu, minh chứng sự hủy diệt của các loại bom phốt pho, bom napalm… mà quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh tại VN đã làm nhiều đại biểu thực sự kinh hoàng và hiểu rõ hơn về tội ác không thể chối cãi của quân đội Mỹ… Những minh chứng đó đã gây được tiếng vang lớn trước dư luận quốc tế, góp phần quan trọng vào việc đẩy mạnh phong trào nhân loại tiến bộ trên thế giới ủng hộ quân và dân ta, phản đối chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam.

Tháng 11/1978, trên cương vị là Viện phó Ngoại khoa Viện Quân y 103, hoàn thành hơn 50 đề tài NCKH, biên soạn 18 đầu sách chuyên ngành bỏng, ông được Nhà nước tuyên dương danh hiệu cao quý Anh hùng LLVT nhân dân. Tháng 5/1980, ông được phong học hàm Phó Giáo sư đợt đầu tiên và năm 1984, được phong học hàm Giáo sư. Tháng 3/1986, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ y học (nay là tiến sĩ khoa học) tại Học viện Quân y Kirov với đề tài “Tổ chức và điều trị bỏng chiến tranh ở Việt Nam”. Tháng 8/1986, ông được bổ nhiệm chức vụ GĐ Học viện Quân y và năm 1988, được thăng quân hàm Thiếu tướng. Năm 1989, GS. Lê Thế Trung được Chính phủ tặng danh hiệu TTND và Bộ Y tế công nhận là Chuyên viên đầu ngành bỏng quốc gia.

Đất nước trên đà phát triển, GS. Lê Thế Trung nhận thấy ở các nhà máy, công trường, ở các thành phố, đô thị lớn luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy nổ, dễ gây ra tình trạng thương vong hàng loạt do bỏng. Ông đã cùng lãnh đạo, chỉ huy HV Quân y bàn bạc và mạnh dạn đề xuất các cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Y tế trình Chính phủ đề án thành lập một bệnh viện bỏng kết hợp quân dân y, có đủ năng lực thu dung, điều trị những trường hợp bỏng nặng và rất nặng; tham gia đào tạo đội ngũ thầy thuốc có trình độ chuyên khoa sâu về lĩnh vực bỏng thời chiến và bỏng thời bình cho cả ngành Y tế quân đội và ngành Y tế nhân dân. Xét thấy dự án khả thi, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã ký Quyết định số 142/CT, ngày 25/4/1991, thành lập Viện Bỏng quốc gia, mang tên đại danh y Lê Hữu Trác. Ngày 24/8/1991, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký Quyết định số 170/QĐ-QP bổ nhiệm GS.TSKH Lê Thế Trung, Giám đốc Học viện Quân y kiêm Giám đốc Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác.

Từ đó, ông lại cùng Đảng ủy, Ban chỉ huy Viện tích cực nghiên cứu, tổ chức tốt công tác cứu chữa, điều trị những thương binh, người dân bị bỏng từ các đơn vị quân y và trên cả nước gửi về. Viện cũng chủ động phối hợp tổ chức, triển khai nhiệm vụ đào tạo chuyên khoa bỏng cho y bác sĩ các đơn vị trong và ngoài quân đội. Nhiều chiến công thầm lặng, cứu sống hàng nghìn nạn nhân bỏng nặng, tham gia chỉ đạo và tổ chức cứu chữa nạn nhân trong các tai nạn bỏng hàng loạt được Viện Bỏng quốc gia thực hiện. Cũng từ đây, ý tưởng về một mạng lưới phòng chống và điều trị nạn nhân bỏng hàng loạt trên cả nước xuất hiện. Tháng 4/1994, ông dẫn đầu đoàn cán bộ khoa học, đến hơn 10 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên khảo sát tình hình phòng, chữa bỏng và đề xuất thành lập Hội Bỏng Việt Nam. Ngày 30/11/1994, Hội Bỏng Việt Nam thành lập theo Quyết định số 728/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hội có 229 hội viên, với Ban chấp hành Hội gồm 23 ủy viên, do GS.Lê Thế Trung làm Chủ tịch. Tháng 10/1996, Hội Bỏng thế giới công nhận ông là chuyên gia quốc tế về bỏng. Bộ Y tế cũng ra quyết định thành lập Hội đồng tư vấn chuyên môn về y học thảm họa và bỏng (gồm 30 thành viên, GS. Lê Thế Trung là Chủ tịch Hội đồng).

Giáo sư Tôn Thát Tùng và Giáo sư Lê Thế Trung

Không chỉ là một chuyên gia nổi tiếng trong chuyên ngành bỏng, ông còn là nhà khoa học xuất sắc, có nhiều cống hiến trong chuyên ngành ghép tạng, y học thảm họa, ngoại khoa dã chiễn, ung thư và kết hợp 2 nền y học của Việt Nam. Ở nước ta, từ năm 1978, GS. Tôn Thất Tùng đã từng nghĩ đến việc ghép tạng và bước đầu nghiên cứu kĩ thuật ghép tạng trên động vật. Do hoàn cảnh đất nước lúc đó vô vàn khó khăn, GS. Tùng và các nhà khoa học chỉ thực hiện được kĩ thuật ghép tạng trên động vật thực nghiệm. Năm 1990, Bộ Y tế tổ chức hội nghị kết hợp quân dân y bàn về việc chuẩn bị cho ghép tạng, mà trước hết là ghép thận ở nước ta. Sau hội nghị này, Bộ Y tế đã thành lập Ban Chỉ đạo ghép thận Việt Nam, do GS. Phạm Song, Bộ trưởng Bộ Y tế làm Trưởng ban và GS. Lê Thế Trung làm Phó trưởng ban. Đồng thời, Bộ KH&CN giao cho HV Quân y chủ trì một đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước về ghép thận; HV Quân y cử một số bác sĩ các chuyên ngành phẫu thuật, gây mê hồi sức và miễn dịch… sang Cu Ba học về ghép thận. Sau hơn hai năm chuẩn bị mọi yếu tố cần thiết, ngày 4/6/1992, ca ghép thận đầu tiên được thực hiện thành công tại BV Quân y 103, mở ra trang sử cho chuyên ngành ghép tạng ở Việt Nam. Sự thành công này có đóng góp không nhỏ của GS. Lê Thế Trung. Ông được ngành Y tế nước ta ghi nhận là nhà khoa học tiên phong trong lĩnh vực ghép thận. Năm 2005 GS. Lê Thế Trung được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học Công nghệ (là Đồng tác giả Cụm công trình Ghép tạng). Năm 2012, Trung tâm sách Kỉ lục VN (Vietnam Book of Records) đã vinh danh và trao tặng BV Quân y 103 Cúp Kỉ lục Việt Nam vì đã tổ chức, thực hiện ca ghép thận đầu tiên, hai ca ghép gan và ghép tim đầu tiên ở Việt Nam. Năm 2017, Trung tâm sách Kỉ lục VN tiếp tục vinh danh 2 kỉ lục tập thể và 5 kỉ lục cá nhân lĩnh vực ghép tạng, trong đó, có tên GS. Lê Thế Trung. Năm 2015, Hội Ghép tạng VN được thành lập, GS. Lê Thế Trung đã được vinh danh là Chủ tịch Danh dự đầu tiên của Hội Ghép tạng VN. Ngoài ra, ông đã là Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam và Chủ tịch Hội Ung thư Hà Nội với nhiều đóng góp to lớn cho chuyên ngành ung thư, trong đó có công trình nổi tiếng về thuốc Phylamin, thuốc Xạ đen hỗ trợ điều trị ung thư.

Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm Viện bỏng Quốc gia

Có thể nói, GS. Lê Thế Trung là người khởi tạo, xây dựng và phát triển chuyên ngành Bỏng ở Việt Nam, ông cũng là nhà khoa học đặt nền móng và xây dựng chuyên ngành ghép tạng ở nước ta, ngoài ra GS Trung còn là người khởi đầu xây dựng chuyên ngành y học thảm hoạ ở Việt Nam. Tên tuổi và những công trình khoa học của Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Thầy thuốc Nhân dân Lê Thế Trung sẽ còn mãi với thời gian, với các thế hệ cán bộ, thầy thuốc quân dân y các chuyên ngành bỏng, y học thảm họa, ghép tạng, ung thư, ngoại khoa dã chiến… của nền y tế Việt Nam và Thế giới.

Việt Xuân