08/09/2024 lúc 08:10 (GMT+7)
Breaking News

Văn Yên (Yên Bái): Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Văn Yên là huyện miền núi phía Bắc của tỉnh Yên Bái với 24 xã, 01 thị trấn, 172 thôn, tổ dân phố; trong đó có 08 xã, 43 thôn đặc biệt khó khăn. Toàn huyện có 35.925 hộ của 12 dân tộc cùng sinh sống, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm gần 50% dân số. Thực tế này đã có tác động không nhỏ đến việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cũng như phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch.
Đồng chí Nguyễn Anh Tiến - Ủy viên BTV, Trưởng ban tuyên giáo huyện ủy Văn Yên, tỉnh Yên Bái.

Từ nhiều năm qua, Đảng bộ huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái luôn xác định Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; của từng địa phương, cơ quan, đơn vị; của từng cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu. Trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, Ban Chỉ đạo 35 huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái đã tăng cường định hướng, nắm bắt tư tưởng của cán bộ, đảng viên, nhân dân để chủ động "phòng ngừa từ sớm, từ xa”, gắn chặt giữa "xây” và "chống”, "lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, "lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”. Tìm hiểu nội dung này, PV Tạp chí Việt Nam Hội nhập có cuộc Phỏng vấn đồng chí Nguyễn Anh Tiến - Ủy viên BTV, Trưởng ban tuyên giáo huyện ủy Văn Yên, tỉnh Yên Bái.

PV : Thưa đồng chí, trong giai đoạn cách mạng hiện nay, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng có ý nghĩa như thế nào?

Đồng chí Nguyễn Anh Tiến - Ủy viên BTV, Trưởng ban tuyên giáo huyện ủy Văn Yên, tỉnh Yên Bái: Ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị khóa XII ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW, về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Nghị quyết khẳng định, đây là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Nhận diện những yếu tố tác động đến việc thực hiện nhiệm vụ này là việc làm cần thiết để thấy rõ hơn những thuận lợi, khó khăn trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.

Các tuyên truyền viên cơ sở giúp nhân dân nhận diện, đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc.

PV: Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác này, thời gian qua huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái đã có cách làm sáng tạo như thế nào trong bo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Đồng chí Nguyễn Anh Tiến - Ủy viên BTV, Trưởng ban tuyên giáo huyện ủy Văn Yên, tỉnh Yên Bái: Ngay từ đầu năm, Ban Chỉ đạo 35 huyện đã chỉ đạo xây dựng chương trình công tác trọng tâm, bổ sung quy chế hoạt động, điều chỉnh phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong ban, tổ thư ký giúp việc và đội ngũ cộng tác viên. Tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy xây dựng, củng cố đội ngũ tuyên truyền, đấu tranh là cán bộ tuyên giáo, báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp, CTV dư luận xã hội để vừa cung cấp thông tin chính thống, vừa bám nắm tình hình cơ sở. Trong đó, công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân được huyện chú trọng thực hiện. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền trên các trang mạng xã hội của cơ quan, đơn vị.

Cùng với đó, Ban Tuyên giáo Huyện ủy hướng dẫn, phối hợp tổ chức, theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện, quán triệt các chỉ thị, kết luận, nghị quyết của trung ương đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn. Thông qua hội nghị báo cáo viên định kỳ hàng tháng, triển khai cập nhật những vấn đề lý luận mới, thông tin về tình hình thực tiễn của đất nước cho đội ngũ báo cáo viên. Trung tâm Chính trị huyện thực hiện việc lồng ghép nội dung Nghị quyết 35 và các nghị quyết, chỉ thị mới của Đảng vào nội dung chương trình giảng dạy. Phối hợp với UBND huyện tổ chức bồi dưỡng lý luận chính trị hè cho trên 2.000 cán bộ, giáo viên các cấp học. Trong đó, tập trung vào nội dung phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, giáo viên trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch trong tình hình mới.

Cấp ủy, chính quyền, MTTQ và đoàn thể các cấp trong huyện thông qua sinh hoạt chi bộ, diễn đàn sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt hội, đoàn thường xuyên cập nhật thông tin, kiến thức mới, nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên.

Thường xuyên theo dõi việc sử dụng mạng xã hội của cán bộ, đảng viên và Nhân dân để kịp thời phát hiện những trường hợp đăng tải, chia sẻ, bình luận các nội dung, quan điểm sai trái, tiêu cực. Đối với những trường hợp này, Ban Chỉ đạo 35 huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái làm việc với cấp ủy, chính quyền nơi các đối tượng cư trú, sinh hoạt để nắm bắt tâm tư, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh; chỉ đạo công an tiếp tục theo dõi, củng cố hồ sơ làm cơ sở cho việc xử lý.

Chỉ đạo các đơn vị, địa phương… Đa dạng hóa hoạt động tuyên truyền trên cơ sở phát huy thế mạnh của từng kênh truyền thông, kết hợp giữa truyền thông truyền thống và truyền thông hiện đại, giữa truyền thông chính thống và phi chính thống. Các hoạt động tuyên truyền trên sách, báo, tạp chí tiếp tục được đẩy mạnh. Đài truyền thanh của huyện và các địa phương đã tiếp sóng và phát các chương trình chính luận về có nội dung liên quan trực tiếp đến bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng như: Đài Tiếng nói Việt Nam; Đài phát thanh truyền hình tỉnh Yên Bái

Lãnh đạo xã An Thịnh hướng dẫn nhân dân nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng.

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo 35 huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái cũng đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền trên internet và mạng xã hội. Đến nay, nhiều địa phương cơ sở, ban, ngành đã sử dụng các kênh truyền thông hiện đại với nhiều hình thức đa dạng như: trang thông tin điện tử, website, fanpage, facebook, youtube, zalo… Để đăng tải thông tin tích cực, phản bác những thông tin xấu độc, đăng tải những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; lan tỏa các gương điển hình, tiên tiến, người tốt, việc tốt. Trang fanpage “Hương Quế Văn Yên” của Ban Chỉ đạo 35 huyện thường xuyên đăng tải, chia sẻ thông tin về kết quả, thành tựu trên các lĩnh vực của đất nước; thông tin, vạch trần các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị; cung cấp thông tin chính thống về các vấn đề dư luận quan tâm... Kịp thời định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhiều kênh truyền thông có lượng người theo dõi, tương tác lớn; có tính lan tỏa rộng trong cộng đồng và đóng vai trò tích cực trong việc tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Tham gia tích cực Cuộc thi viết chính luận khoa học về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” của tỉnh Yên Bái, năm 2024 có trên 230 tác phẩm tham gia dự thi… Qua đó hình thành nguồn sản phẩm có chất lượng, tính chiến đấu cao phục vụ công tác tuyên truyền của các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường thông tin tích cực, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội.

PV : Được biết, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái hiện có 08 xã, 43 thôn đặc biệt khó khăn. Toàn huyện có 35.925 hộ dân của 12 dân tộc cùng sinh sống, trong đó tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm gần 50% dân số.  Vậy Văn Yên có khó khăn gì trong tuyên truyền ở vùng dân tộc?

Đồng chí Nguyễn Anh Tiến - Ủy viên BTV, Trưởng ban tuyên giáo huyện ủy Văn Yên, tỉnh Yên Bái: Huyện Văn Yên là huyện miền núi của tỉnh Yên Bái, có 12 dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 50%. Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Văn Yên luôn đặc biệt coi trọng vấn đề tư tưởng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xem đây là nhiệm vụ hàng đầu nhằm nâng cao nhận thức của đồng bào; vạch trần âm mưu, thủ đoạn chống phá thâm độc của các tổ chức phản động; tuyên tuyền, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động xây dựng lực lượng nòng cốt, xây dựng các tổ chức chính trị - xã hội đủ mạnh để đấu tranh làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định an ninh, chính trị trong vùng đồng bào; đưa kinh tế- xã hội trên địa bàn tiếp tục phát triển…

Tuy nhiên bên cạnh đó, công tác tuyên truyền tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp một số khó khăn như: một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể chưa thật sự coi trọng công tác tuyên truyền trong vùng đồng bào DTTS; nội dung, hình thức chưa thật sự đổi mới, còn dàn trải, cứng nhắc, nặng về lý thuyết, chưa gắn với thực tiễn, nhu cầu thông tin và tâm lý tiếp nhận thông tin của đồng bào; chưa phát huy tốt vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng tham gia tuyên truyền, vận động ở cơ sở; một số cán bộ làm công tác tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số không nói thông thạo tiếng đồng bào…

Anh Lý Văn Quyết - Bí thư chi bộ thôn Ngòi Cài, xã Lâm Giang hướng dẫn nhân dân bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng.

Phóng viên: Trước thực trạng đó, thời gian tới, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái cần phải đổi mới như thế nào trong tuyên truyền?

Đồng chí Nguyễn Anh Tiến - Ủy viên BTV, Trưởng ban tuyên giáo huyện ủy Văn Yên, tỉnh Yên Bái: Công tác tuyên truyền là một vũ khí sắc bén trong đấu tranh bảo vệ chân lý, chống lại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch. Đổi mới công tác tuyên truyền đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái là tính tất yếu khách quan, nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới trong thời gian tới Huyện Văn Yên cần chú trọng thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là: Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền phù hợp, đảm bảo tính định hướng, phong phú hấp dẫn; thực hiện tốt chủ trương hướng về cơ sở. Đổi mới nội dung tuyên truyền trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng an ninh… Trong đó, chú trọng tuyên truyền, giáo dục truyền thống, bồi dưỡng bản sắc văn hóa dân tộc... Qua đó nâng cao khả năng đề kháng và phản bác của người dân trước những thông tin sai trái, thù địch.

Hai là: Đẩy mạnh và đa dạng hóa hình thức thông tin, tuyên truyền; Lựa chọn đúng nội dung và luôn có những thông tin mới trong tuyên truyền. Phải hướng mạnh về cơ sở, tăng cường thông tin 2 chiều; Tiến hành điều tra dư luận xã hội để nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm cơ sở để xây dựng nội dung tuyên truyền, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của kẻ địch.

Ba là: Công tác tuyên truyền phải được tiến hành bằng nhiều phương pháp, phương thức phù hợp với các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, chú trọng tuyên truyền nhằm giúp đồng bào dân tộc hiểu và đồng thuận trong việc thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; do đó phải lựa chọn phương thức triển khai công tác tuyên truyền phù hợp. Đặc biệt chú trọng đến phương thức tuyên truyền qua hệ thống cụm loa truyền thanh của các thôn, tổ dân phố; tăng thời lượng các buổi phát thanh tiếp sóng Đài phát thanh của tỉnh bằng tiếng dân tộc vào thời gian phù hợp với đời sống sản xuất của đồng bào, với nội dung đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu. Có sự đầu tư trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, nâng cấp, sửa chữa các cụm loa truyền thanh để đảm bảo luôn hoạt động thông suốt. Tuyên truyền, vận động bằng những việc làm cụ thể, thiết thực thông qua hình thức “cầm tay chỉ việc”, lấy thực tế của những điển hình người thật, việc thật để hướng dẫn cho đồng bào cách nghĩ, cách làm phù hợp; tuyên truyền trực quan bằng hình ảnh, biểu ngữ, áp phích… Để tạo ấn tượng dễ nhớ, dễ hiểu đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Bốn là: Chú trọng xây dựng đội ngũ tuyên truyền là những người có uy tín trong cộng đồng (như già làng, trưởng bản…), đặc biệt là người dân tộc thiểu số có uy tín trong cộng đồng và các đoàn viên, hội viên của các tổ chức đoàn thể ở cơ sở. Cấp uỷ, chính quyền cơ sở phải quan tâm đến việc bồi dưỡng, gặp gỡ những người có uy tín trong cộng đồng, nhất là tập hợp lực lượng thanh niên các, chọn lựa những thanh niên tốt tham gia lớp tập huấn nâng cao nhận thức chính trị, đường lối chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, khơi dậy ý chí thanh niên lập nghiệp xây dựng cuộc sống mới. Đội ngũ này sẽ góp phần vận động đồng bào tham gia thực hiện các phong trào phát triển kinh tế gia đình, giữ vững an ninh trật tự, phòng chống các tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng quê hương Văn Yên phát triển theo hướng xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc./.

Phóng viên: Vâng xin cảm ơn đồng chí đã trả lời phỏng vấn !

Đoàn Tuấn - Thu Nhài