22/11/2024 lúc 22:24 (GMT+7)
Breaking News

Văn hóa và công tác quản lý văn hóa hiện nay

Văn hóa bao gồm tất cả những sản phẩm của con người, và như vậy, văn hóa bao gồm cả hai khía cạnh: khía cạnh phi vật chất của xã hội như ngôn ngữ, tư tưởng, giá trị, và các khía cạnh vật chất như nhà cửa, quần áo, các phương tiện, v.v... Cả hai khía cạnh này đều cần thiết để làm ra sản phẩm và đó là một phần của văn hóa.

Ảnh minh họa - TL

Khái niện về Văn hóa

“Văn hóa là tổng thể sống động các hoạt động và sáng tạo trong quá khứ và trong hiện tại. Qua các thế kỷ, hoạt động sáng tạo ấy đã hình thành nên một hệ thống các giá trị, các truyền thống và thị hiếu - những yếu tố xác định đặc tính riêng của mỗi dân tộc” – Đó là khái niệm về văn hóa theo tổ chức UNESCO. Nhưng khái niệm ấy không phải là duy nhất. Còn có một khái niệm chung khác: Văn hóa là tất cả những giá trị vật thể do con người sáng tạo ra trên nền của thế giới tự nhiên. Văn hóa là khái niệm mang nội hàm rộng với rất nhiều cách hiểu khác nhau, liên quan đến mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần của con người. Văn hóa bao gồm tất cả những sản phẩm của con người, và như vậy, văn hóa bao gồm cả hai khía cạnh: khía cạnh phi vật chất của xã hội như ngôn ngữ, tư tưởng, giá trị, và các khía cạnh vật chất như nhà cửa, quần áo, các phương tiện, v.v... Cả hai khía cạnh này đều cần thiết để làm ra sản phẩm và đó là một phần của văn hóa.

Qua đó, cũng có thể hiểu rằng, văn hóa như là một hệ thống các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo, tích lũy trong hoạt động thực tiễn qua quá trình tương tác giữa con người với tự nhiên, xã hội và bản thân. Văn hóa là của con người, do con người sáng tạo và vì lợi ích của con người. Văn hóa được con người giữ gìn, sử dụng để phục vụ đời sống con người và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Trong tiếng Việt, văn hóa được dùng theo nghĩa thông dụng để chỉ học thức, lối sống. Theo nghĩa chuyên biệt để chỉ trình độ phát triển của một giai đoạn. Trong khi theo nghĩa rộng, thì văn hóa bao gồm tất cả, từ những sản phẩm tinh vi, hiện đại, cho đến tín ngưỡng, phong tục, lối sống...

Vai trò của văn hóa

Trong lịch sử dân tộc ta, văn hóa có sức mạnh nội sinh to lớn, đóng vai trò động lực thúc đẩy con người sáng tạo và phát triển. Do đó, việc khai thông nguồn lực văn hóa có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong bối cảnh hiện nay.

Đảng ta, từ Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII, ngày 16-7-1998, đã ra Nghị quyết về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Nghị quyết đã coi các lĩnh vực văn hóa khác nhau “là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”. Nghị quyết khẳng định, “chăm lo văn hóa là chăm lo củng cố nền tảng tinh thần của xã hội. Thiếu nền tảng tinh thần tiến bộ và lành mạnh, không quan tâm giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội thì không có sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững”.

Đến Đại hội XII, Đảng ta khẳng định, phải “xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm cho sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn  hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”… Sự khẳng định nhất quán của Đảng về vấn đề văn hóa là minh chứng cho vai trò hết sức quan trọng của văn hóa đối với tiến trình phát triển đất nước. Chính vì vậy, công tác quản lý văn hóa cũng rất quan trọng, không thể xem nhẹ.

Công tác quản lý văn hóa

Ở nước ta các sản phẩm văn hóa hết sức phong phú và đa dạng. Rất nhiều các kỳ quan thiên nhiên và nhân tạo có giá trị được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, cũng như nhiều di tích văn hóa nổi tiếng khác khắp cả nước, như: Vịnh Hạ Long, đảo Cô Tô, di tích Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh), Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Phố cổ (Hà Nội), Mộc Châu (tỉnh Sơn La), Mai Châu (tỉnh Hòa Bình), Bái Đính, Tràng An (tỉnh Ninh Bình), động Phong Nha  - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình), Kinh thành Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế), Mỹ Sơn, Hội An (tỉnh Quảng Nam), Địa đạo Củ Chi  - Bến Dược (Thành phố Hồ Chí Minh),... Sản phẩm văn hóa hàm chứa những giá trị của văn hóa, do con người tạo nên qua hàng ngàn năm sản sinh, tích tụ và phát triển. Tuy nhiên, để những giá trị ấy được lưu giữ và phát huy vai trò trong tiến trình phát triển, công tác quản lý văn hóa cần được quan tâm, coi trọng thường xuyên và không ngưng nghỉ.  Bởi lẽ, đất nước sẽ không thể phát triển nếu không nâng cao, nâng tầm và sử dụng hiệu quả các yếu tố liên quan đến văn hóa; bao gồm: trình độ văn hóa chính trị, văn hóa lãnh đạo và văn hóa quản lý xã hội; văn hóa kinh doanh; văn hóa giao tiếp; văn hóa ứng xử trong xã hội giữa con người với con người và giữa con người với thiên nhiên. Cũng như vậy, để đất nước phát triển nhanh và bền vững, rất cần phải ứng xử có văn hóa với thiên nhiên và với môi trường tự nhiên, đồng thời cũng phải tạo được môi trường xã hội lành mạnh; phải coi văn hóa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Vậy, quản lý văn hóa là thế nào

Đó là công việc thực thi công tác quản lý của bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương trong lĩnh vực văn hóa, nhằm xây dựng và phát triển nền văn hóa, góp phần phát triển bền vững kinh tế, xã hội của địa phương nói riêng, đất nước nói chung. Ngoài ra, quản lý văn hóa ở Việt Nam còn được hiểu là:  “sự  tác động  chủ quan bằng nhiều hình  thức, phương pháp của chủ thể quản lý (các cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể, các cơ cấu dân sự, các cá nhân được  trao quyền và  trách nhiệm quản  lý) đối với khách thể (là mọi thành tố tham gia và làm nên đời sống văn hóa) nhằm đạt được mục tiêu mong muốn, nghĩa là bảo đảm văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, nâng cao vị thế quốc gia, cải thiện chất lượng sống của người dân…

Trên thực tế, ở nước ta đã có một mô hình quản lý văn hóa được xác lập cả trên hai phương diện: nhận thức và thực tiễn.  Chúng ta đã và đang có một hệ thống các yếu tố cơ bản, cần thiết của quản lý văn hóa, được vận hành, quản lý tương đối ổn định thông qua hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp. Dựa trên yêu cầu thực tiễn của các giai đoạn, cơ chế hoạt động và mối quan hệ giữa các yếu tố, trong mô hình này thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung trên phương diện lý luận thông qua các kỳ Đại hội của Đảng. Chỉ tính từ Đại hội VI đến nay, Đảng ta đã ban hành 31 nghị quyết, kết luận, chỉ thị về văn hóa nói chung. Trong đó, đã xác định rõ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa, đề ra chiến lược phát triển văn hóa và các nhiệm vụ trọng tâm của công tác quản lý văn hóa qua các thời kỳ cụ thể… Đến Đại hội XIII, Đảng xác định mục tiêu, nhiệm vụ văn hóa là: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế”. Công tác quản lý văn hóa phải đảm bảo được những yêu cầu đó dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Tuy nhiên, quản lý văn hóa là một hoạt động liên quan đến một lĩnh vực rộng lớn và phức tạp. Trong đó, nhiều khía cạnh cụ thể của văn hóa rất khó định lượng và sự tác động của chủ thể quản lý vào nó, vì thế cũng khó đo đếm được. Chẳng hạn, những lĩnh vực cụ thể như: Tư tưởng, đạo đức, lối sống; Môi trường văn hóa… hoặc các chiều cạnh của văn hóa trong phát triển như văn hóa trong chính trị và văn hóa trong kinh tế… là những vấn đề khó đánh giá chính xác về thực trạng cũng như dự báo về sự phát triển. Vì vậy, công tác quản lý văn hóa là lĩnh vực đòi hỏi nhiều thời gian, tâm sức để tìm ra những phương thức tác động thích hợp nhất của các chủ thể quản lý.

Hoạt động quản lý nhà nước về văn hóa bao hàm những nội dung sau:

Trong quản lý văn hóa, chủ thể quản lý nhà nước về văn hóa chính là Nhà nước, được tổ chức thống nhất từ trung ương đến địa phương; trong đó quyền quản lý được phân cấp gồm: cấp trung ương, cấp tỉnh (tỉnh và các thành phố trực thuộc trung ương), cấp huyện (huyện thuộc tỉnh, quận thuộc thành phố), cấp xã (xã thuộc huyện, phường thuộc quận). Quản lý nhà nước về văn hóa ở cấp nào thì cơ quan nhà nước cấp ấy là chủ thể quản lý.  Còn khách thể quản lý nhà nước về văn hóa được hiểu là chính văn hóa và các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa hoặc có liên quan đến lĩnh vực văn hóa. Bên cạnh đó là mục đích quản lý nhà nước về văn hóa, bao gồm việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Trong quá trình quản lý, cơ sở pháp lý của quản lý nhà nước về văn hóa là hiến pháp, luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác. Đồng thời phải chú ý đến cách thức quản lý,  là sự tác động liên tục, có tổ chức, có chủ đích chứ, thường xuyên, không thụ động của nhà quản lý…

Vấn đề thiết chế văn hóa

Ở bất kỳ một giai đoạn lịch sử nào cũng cần có những thiết chế văn hoá để truyền tải các vấn đề văn hoá - xã hội một cách chính thống của Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân. Thiết chế văn hoá ở nước ta bao gồm một số đơn vị như: trung tâm văn hoá - thông tin, trung tâm văn hoá - thể thao, thư viện, nhà văn hoá, nhà truyền thống, bảo tàng, cung văn hoá, cung thanh thiếu nhi, nhà hát, rạp xiếc, rạp chiếu phim, công viên, vườn hoa… Trong các yếu tố xây dựng và nâng cao đời sống văn hoá thì nâng cao hiệu quả và giá trị của hệ thống thiết chế văn hoá đóng vai trò quan trọng, luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm.  Thiết chế văn hoá là địa điểm tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, là công cụ trực tiếp và đắc lực của cấp uỷ, chính quyền trong lãnh đạo quần chúng thực hiện các nhiệm vụ chính trị. 

Thiết chế văn hoá có vai trò giáo dục về nhiều mặt, về nhân cách con người, về đức, trí, thể, mỹ và năng lực thực tế; là nơi nâng cao đời sống tinh thần và hiểu biết pháp luật của nhân dân, giảm thiểu các tệ nạn xã hội, xây dựng và duy trì nếp sống, lối sống văn minh, góp phần cho sự nghiệp xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh. Thiết chế văn hoá còn góp phần phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh đất nước, văn hoá, con người địa phương, đặc biệt là các thiết chế văn hoá bảo tàng…

Hiện ở hầu hết các địa phương trên phạm vi cả nước đều có thiết chế văn hoá; đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hoá của người dân. Nhiều địa phương đã hoàn thiện các thiết chế văn hoá cơ sở, xây dựng quy chế hoạt động, quy chế quản lý thiết chế văn hoá theo quy định của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và phù hợp với đặc điểm của từng địa phương.

Tuy vậy, vẫn còn những hạn chế trong hệ thống thiết chế văn hóa, như: Cơ sở vật chất, các trang thiết bị trong các thiết chế văn hoá, đặc biệt là thiết chế nhà văn hóa còn đơn giản, chủ yếu do nhân dân đóng góp, mua sắm nên chưa có sự đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động; còn có những nơi thiếu nhà văn hóa, hoặc có nhưng không sử dụng thiết chế văn hóa gây nên sự lãng phí.  Các hoạt động tại một số thiết chế văn hoá còn đơn điệu, chủ yếu dừng lại ở hoạt động hội họp, chưa thu hút được sự quan tâm của đông đảo quần chúng nhân dân. Bên cạnh đó, một số thiết chế văn hoá chưa được nhìn nhận đúng đắn về vị trí, chức năng. Công tác lãnh đạo, quản lý thiết chế văn hoá còn chậm đổi mới. Ở một số địa phương, công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện còn chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ. Một số thiết chế văn hoá còn thiếu những cán bộ văn hoá có chuyên môn chuyên sâu và tâm huyết với nghề… Đó là những tồn tại cần khắc phục nhằm khai thác và phát huy giá trị của thiết chế văn hóa.

Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý và sử dụng thiết chế văn hoá

Trước hết, cần có cơ chế, chính sách cụ thể hơn trong việc quan tâm đầu tư, xây dựng, tu sửa các thiết chế văn hoá, trên cơ sở có lộ trình, có trọng tâm, trọng điểm; đồng thời tăng cường lồng ghép quan điểm văn hóa (đặc biệt là văn hóa - với tư cách là các giá trị tốt đẹp) trong các chính sách nói chung, trong các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội cụ thể của Nhà nước, nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Một việc cần thiết nữa là hoàn thiện chính sách, chế độ phù hợp về đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ tại các thiết chế văn hoá; nhất là cán bộ cơ sở (thôn, bản) nơi trực tiếp tổ chức người dân tham gia các hoạt động văn hóa thông qua các thiết chế văn hóa.

Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hoá ở cơ sở cũng rất cần được thực hiện, trong đó cơ quan quản lý văn hóa cũng nên có sự tư vấn, hỗ trợ tổ chức giúp cơ sở… Nên chăng, cơ quan là chủ thể quản lý cần bao quát sâu, rộng hơn nữa các lĩnh vực văn hóa, các chiều cạnh của văn hóa trong quá trình phát triển để có những tác động phù hợp, kịp thời.

Có giải pháp nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hoá tại các thiết chế văn hoá theo phương thức “nhà nước và nhân dân cùng làm”, đảm bảo cho cơ chế đó được thực hiện thoải mái, không gò bó, trên cơ sở của tinh thần tự nguyện vì cộng đồng.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động của các thiết chế văn hoá, hướng các hoạt động tại các thiết chế văn hóa thực hiện đúng mục tiêu của Đảng và Nhà nước đã đề ra; phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc…/.

TS. Lê Diệu Châu

...