VNHN- Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được đánh giá là khu vực có nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc và truyền thống. Văn hóa cũng là một trụ cột quan trọng giúp ASEAN gắn bó trong mái nhà chung đa văn hóa, đa dân tộc cùng hướng về một tầm nhìn, một bản sắc. Năm 2019 Thái Lan là Chủ tịch luân phiên của ASEAN và năm nay cũng là Năm Văn hóa ASEAN – cơ hội cho các nước cùng quảng bá văn hóa trong toàn khu vực và vươn ra thế giới.
Văn hóa là cầu nối quan trọng
Bà Pariyapa Amornwanichsarn, Thư ký thường trực Ban hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa Thái Lan cho biết: Trong cuộc họp của Bộ trưởng Văn hóa các nước ASEAN có đề cập đến việc quảng bá, giới thiệu các nét văn hóa đa dạng đặc sắc của các nước trong khu vực bởi năm 2019 là Năm Văn hóa ASEAN.
“Viva ASEAN” là một phần của roadshow văn hóa ASEAN cộng hưởng với chủ đề “ASEAN: Đa dạng – sáng tạo – bền vững” do Bộ Văn hóa Thái Lan khởi xướng để kỷ niệm dịp Thái Lan làm Chủ tịch ASEAN và Năm Văn hóa ASEAN 2019. Thái Lan mong muốn “Viva ASEAN” sẽ góp phần thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị giữa các quốc gia trong khối ASEAN mà văn hóa là cầu nối quan trọng.
Gần đây nhất, vào đầu tháng 7/2019, Đại sứ quán Hoàng gia Thái Lan phối hợp với Đại sứ quán của các quốc gia thành viên ASEAN tại Copenhagen (Đan Mạch) gồm Indonesia, Việt Nam và Philippines, Bộ Văn hóa Thái Lan trình diễn “Viva ASEAN” . Các nghệ sỹ ASEAN trong đó có Việt Nam đã biểu diễn tại công viên Tivoli - một trong những công viên giải trí nổi tiếng và lâu đời nhất thế giới.
Đây là lần đầu tiên các buổi biểu diễn văn hóa của 10 quốc gia ASEAN được tập hợp và trình diễn quy mô tại Đan Mạch. Đan Mạch cũng là quốc gia nước ngoài đầu tiên mà các nghệ sỹ của “Viva ASEAN” ghé thăm nhằm quảng bá những nét đặc sắc nhất của văn hóa ASEAN thông qua nghệ thuật. Tiếp theo Đan Mạch, các nghệ sỹ tiếp tục trình diễn tại Hà Lan…
Trong chương trình này, Ban tổ chức tập hợp các nghệ sỹ của 10 nước biểu diễn nghệ thuật. “Viva ASEAN” gồm 3 màn trình diễn. Phần đầu tiên có tên gọi “The ten shades of joy” (tạm dịch: Mười sắc thái vui) với màn múa của nghệ sỹ 10 nước. Việt Nam có 2 nghệ sỹ tham gia trình diễn màn múa “Hóa vàng” ở phần này.
Màn thứ 2 là “All roots lead to one” (tạm dịch: Trăm hoa hướng về 1 cội) giới thiệu phần trình diễn của 3 nhóm nghệ sỹ. Trong đó nhóm nghệ sỹ đến từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Singapore và Thái Lan trình diễn sử thi “Ramayana” cổ xưa của Ấn Độ. Nhóm thứ 2 gồm Philippines, Việt Nam và Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan trình diễn nghệ thuật dân gian có sử dụng cây tre, dừa để tạo ra nhịp điệu…
Màn thứ 3 “Unison for unity” (tạm dịch: Bài ca thống nhất) dành cho tất cả các nghệ sỹ tham gia “Viva ASEAN” trình diễn sáng tác mới hướng tới sự thống nhất và hài hòa trong khối ASEAN…
Điểm đến khám phá văn hóa ASEAN
Trung tâm văn hóa ASEAN tại Thái Lan nằm trọn trên tầng 3 của Trung tâm nghệ thuật đương đại Ratchadamnoen, một điểm đến văn hóa lịch sử nổi tiếng tại quận Phra Nakhon, Bangkok. Mở cửa từ tháng 8/2015, diện tích không quá rộng, khoảng 900 m2 nhưng Trung tâm văn hóa ASEAN đã thực sự hấp dẫn du khách mỗi khi đến Bangkok. Mỗi tháng, trung tâm đón khoảng 2.000 du khách trong nước, quốc tế đến tìm hiểu các nét văn hóa ASEAN.
Trung tâm văn hóa được chia thành 6 khu vực gồm: “Văn hóa ASEAN hòa nhập”, “Chúng ta là ASEAN”, “Những con phố ASEAN”, “Triển lãm văn hóa và nghệ thuật đương đại”, “Công viên điện tử ASEAN”, “Kiến thức văn hóa ASEAN”. Cách thức trưng bày đơn giản nhưng thông minh, ấn tượng nhờ sự trợ giúp đắc lực của công nghệ, tạo ra tương tác thú vị cho công chúng.
Điểm đầu tiên trong hành trình khám phá ASEAN là khu vực chiếu phim về lịch sử hình thành ASEAN từ những bước đi đầu tiên cho đến ngày nay. Phim được dựng rất sáng tạo, sinh động, không khô cứng, dễ nhớ các mốc thời gian với các nét văn hóa đặc trưng nhất của các nước thành viên. Ngoài phim còn có pano minh họa các thời điểm lịch sử thành viên gia nhập, các hình ảnh hợp tác trong khối.
Ngay ở khu vực thứ hai, các bạn trẻ sẽ hiểu hơn về ý nghĩa biểu tượng chung của ASAEN - một cộng đồng ổn định, hòa bình, thống nhất và năng động. Bốn màu xanh da trời, đỏ, trắng và vàng thể hiện các màu chủ đạo trên quốc kỳ cùa các nước thành viên ASEAN. Màu xanh da trời biểu hiện cho hòa bình và ổn định. Bó lúa là tượng trưng cho uớc mơ của các thành viên sáng lập về một ASEAN bao gồm tất cà các nước ở Đông Nam Á trong tình hữu nghị và đoàn kết. Vòng tròn là biếu tượng cho sự thống nhất của ASEAN.
Khu vực hấp dẫn du khách nhất có lẽ ở phần trực tiếp tương tác thông qua công nghệ để du khách nắm rõ hơn về văn hóa, nghệ thuật của khối ASEAN, trong đó có ngôn ngữ, ẩm thực đường phố, trang phục truyền thống, nghệ thuật và cả những
hình ảnh phố phường đặc trưng. Với Việt Nam, du khách có thể thấy được hình ảnh bờ hồ Hoàn Kiếm tấp nập người qua lại, đồ vật đặc trưng của môn nghệ thuật múa rối nước, mặt nạ của nghệ thuật chèo truyền thống.
Để thử mặc trang phục truyền thống của mỗi nước, du khách chỉ cần đứng vào khu vực có hỗ trợ công nghệ, làm các động tác theo yêu cầu là trên màn hình sẽ xuất hiện hình ảnh của du khách trong 1 bộ trang phục dân tộc truyền thống ngẫu nhiên như áo dài Việt Nam, Sampot của Campuchia, Baju Kurung của Malaysia, Nyonya kebaya của Singapore…
Ẩm thực là phần không thể thiếu trong mỗi hành trình khám phá các miền đất mới. Thức ăn đường phố khu vực Đông Nam Á được đông đảo du khách quốc tế biết đến bởi thể sự hấp dẫn với các loại gia vị với các thành phần đặc biệt, rất riêng có. Ở Trung tâm Văn hóa ASEAN tại Bangkok có hẳn một khu vực riêng để du khách trải nghiệm thực hiện các món ăn đường phố. Trong đó, món ăn của Việt Nam được lựa chọn để du khách trải nghiệm là bún chả. Du khách có thể chọn một món ăn, ngay sau đó sẽ là hình ảnh đầu bếp 3D với các nguyên liệu, gia vị, cách chế biến cho đến món ăn hoàn chỉnh được dọn lên đĩa…
Sinh viên Paradorn Kanpong đến từ Đại học Suandusit, Thái Lan cho hay đã trải nghiệm mặc trang phục áo dài của Việt Nam. Em biết rằng áo dài không chỉ là trang phục truyền thống của dân tộc mà qua tà áo dài còn thể hiện những giá trị về thẩm mỹ của người Việt Nam… Paradorn Kanpong cũng rất háo hức khi tự trải nghiệm để tự tạo ra một trong những món ăn truyền thống của các nước ASEAN.
Giáo sư Supapom Sompaiboon - Bộ môn Quản lý Khoa học, Đại học Suandusit, Thái Lan chia sẻ: Đến với Trung tâm Văn hóa ASEAN, sinh viên có thể trực tiếp lắng nghe, tự mình tìm hiểu, trải nghiệm mọi thông tin về các nước ASEAN. Điều này có ý nghĩa hơn nhiều so với việc sinh viên chỉ ngồi nghe các bài giảng trên giảng đường đại học…/.