10/01/2025 lúc 03:49 (GMT+7)
Breaking News

Hội nghị an ninh quốc tế Moscow lần thứ 10

Hội nghị có sự tham dự của 700 đại biểu đến từ 70 quốc gia và 6 tổ chức quốc tế gồm các phiên họp toàn thể, tập trung vào nhiều chủ đề.
Bộ trưởng Phan Văn Giang phát biểu qua video tại hội nghị

Tích cực thúc đẩy sự phát triển của quan hệ đối tác và đối thoại

Ngày 16/8 (theo giờ địa phương), Hội nghị an ninh quốc tế Moscow lần thứ 10 (MCIS-10) khai mạc tại công viên Patriot, ngoại ô Moscow (LB Nga).

Hội nghị có sự tham dự của 700 đại biểu đến từ 70 quốc gia và 6 tổ chức quốc tế. Đoàn đại biểu cấp cao QĐND Việt Nam do Thượng tướng Ngô Minh Tiến, Phó Tổng tham mưu trưởng dẫn đầu tham dự hội nghị. Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã có bài phát biểu được ghi hình gửi tới hội nghị.

MCIS-10 gồm các phiên họp toàn thể, tập trung vào các chủ đề: "An ninh toàn cầu trong điều kiện hình thành một thế giới đa cực", "Các vấn đề khu vực trong bối cảnh an ninh toàn cầu: Khu vực châu Á-Thái Bình Dương", "Các vấn đề khu vực trong bối cảnh an ninh toàn cầu: Châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ Latin".

Trong thông điệp chào mừng qua video, Tổng thống LB Nga Vladimir Putin nhấn mạnh, hội nghị được tổ chức lần này tại Moscow tiếp tục đóng góp vào việc củng cố hòa bình và ổn định trên thế giới, đồng thời sẽ tích cực thúc đẩy sự phát triển của quan hệ đối tác và đối thoại mang tính xây dựng.

Xây dựng lòng tin chính trị

Trong bài phát biểu được ghi hình và phát tại phiên họp toàn thể thứ hai, Bộ trưởng Phan Văn Giang đánh giá, MCIS là diễn đàn đa phương quan trọng để các nước trao đổi, chia sẻ quan điểm về những chủ đề chiến lược liên quan trực tiếp đến môi trường an ninh quốc tế và khu vực, qua đó thúc đẩy đối thoại, tăng cường hợp tác giữa các quốc gia vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển chung của khu vực và thế giới.

Bộ trưởng Phan Văn Giang cho rằng, những năm gần đây, cục diện khu vực có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, khó dự báo, tác động trực tiếp đến cấu trúc an ninh khu vực. Trong bối cảnh đó, khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã xuất hiện những cơ chế, diễn đàn do ASEAN thiết lập và nắm giữ vai trò chủ đạo, như Diễn đàn khu vực ASEAN, Hội nghị cấp cao Đông Á, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng và Diễn đàn biển ASEAN... 

Các cơ chế, diễn đàn này, cùng với các diễn đàn đa phương khác như Đối thoại Shangri-La, Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh, hay Hội nghị an ninh quốc tế Moscow, đã thúc đẩy sự hiểu biết, tăng cường đối thoại, tiến tới cùng hợp tác, giải quyết mâu thuẫn, xung đột, bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình.

"Cùng với các cơ chế hợp tác nêu trên, một điều rất quan trọng mà các quốc gia trong khu vực cần thúc đẩy để có thể hợp tác thực chất và chân thành trong hóa giải các thách thức an ninh khu vực, đó là xây dựng lòng tin chính trị. Quá trình đó đòi hỏi thời gian, sự kiên nhẫn và phải được vun đắp thường xuyên trên cơ sở những nguyên tắc, hành động cụ thể như: Thống nhất giữa lời nói và hành động, minh bạch trong hoạch định và thực hiện chính sách, hài hòa lợi ích giữa các quốc gia và lợi ích chung của khu vực và đặc biệt mọi hành động phải là phù hợp với các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế và các cam kết khu vực", Bộ trưởng Phan Văn Giang nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định, những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực cùng các quốc gia trong khu vực và quốc tế xây dựng và triển khai các cơ chế hợp tác, tham gia đầy đủ các diễn đàn đa phương trong khu vực. Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động, tích cực đóng góp cho các cơ chế hợp tác đa phương, thúc đẩy hòa bình, hòa giải, ngăn ngừa xung đột.

Về vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Phan Văn Giang nhấn mạnh, Việt Nam kiên trì nguyên tắc giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, cam kết thực thi nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và mong muốn hướng tới xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất và có tính pháp lý rõ ràng hơn.

... Theo Cổng TTĐT Chính Phủ