VNHN - Là người từng giảng dạy 20 năm tại ĐH Sư phạm Hà Nội, TS Vũ Thu Hương cho rằng muốn xã hội chấp nhận bằng tại chức tương đương chính quy, các trường phải thay đổi cách đào tạo.
Từ tháng 7, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học chính thức có hiệu lực. Theo đó, bằng đại học chính quy và tại chức có giá trị ngang nhau. Điều này một lần nữa gây ra sự tranh cãi về bằng cấp.
Trong bài viết của mình, TS Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội - cho rằng luật quy định bằng đại học chính quy và tại chức ngang nhau là hiện đại nhưng rõ ràng xã hội chưa thể chấp nhận ngay, bởi chất lượng đào tạo không đồng đều. Các trường cần phải có nhiều thay đổi về đào tạo để nâng cao chất lượng của hệ tại chức.
Học viên tại chức không đầu tư nhiều thời gian cho học tập
Là giảng viên sư phạm, tôi thường xuyên được cử đi đào tạo học viên hệ tại chức, từ xa, văn bằng 2. Đứng lớp giảng dạy, tôi nhận thấy một sự chênh lệch rất lớn giữa giáo dục đại học chính quy và các chương trình khác.
Một điều dễ nhận ra là thời lượng đào tạo giữa 2 loại hình có sự chênh lệch rất rõ.
Một môn học hệ chính quy thường có thời lượng 30 đến 45 tiết. Mỗi tuần, sinh viên được học từ 2-3 tiết trên lớp, kéo dài 15 tuần (gần 4 tháng).
Ngay trong quy định đã ghi rất rõ thời lượng trên lớp chỉ chiếm từ 30-40% thời gian học của sinh viên. Nghĩa là, nếu môn học có thời lượng 30 tiết, sinh viên sẽ làm việc trên lớp 30 tiết và tự học tại nhà, thư viện 40-60 tiết.
TS Vũ Thu Hương cho rằng học theo cách tại chức hiện nay khó đáp ứng được chất lượng như chính quy.
Vì thế, lượng bài tập mà sinh viên nhận được rất nhiều. Các em sẽ tập trung đọc sách, tìm tài liệu, hoạt động nhóm trong thời gian không có giảng viên kèm cặp để hoàn tất nhiệm vụ được giao. Do vậy, kiến thức và kỹ năng của sinh viên ổn định và đạt chuẩn mực nhất định.
Điều này hoàn toàn khác với học viên tại chức, khi đa số đang đi làm, thời gian dành cho học tập không nhiều.
Chính vì lý do này, thời lượng các môn học được cắt giảm. Các môn chiếm 30 tiết trong chương trình, học viên học trong 2-3 ngày, mỗi ngày 7-9 tiết (tùy cách tính của từng chương trình). Nghĩa là, học viên tại chức sẽ học tập trung dồn dập trong 2-3 ngày/môn, liên tục cả sáng lẫn chiều, sau đó đổi sang môn khác.
Với thời gian như vậy, học viên không thể có thời gian làm bài tập, trao đổi hoạt động nhóm hay nghiên cứu tài liệu. Sáng học, chiều học, tối bận việc gia đình, các bạn gần như chỉ tiếp thu kiến thức tại lớp.
Rõ ràng, khi so sánh thời lượng học tập, chúng ta đã thấy sự chênh lệch lớn giữa đào tạo chính quy và đào tạo tại chức, từ xa.
Một lý do nữa khiến việc đào tạo không chính quy hiện nay khó đảm bảo chất lượng chính là vừa làm vừa học. Do đặc thù công việc, nhiều lúc, học viên buộc phải nghỉ. Nghỉ một buổi đồng nghĩa việc sẽ không tiếp nhận được 1/6 hoặc 1/4 lượng kiến thức môn học.
Trong khi đó, tại các lớp chính quy, sinh viên ít nghỉ học hơn vì đây gần như là nhiệm vụ duy nhất của các em. Thời lượng nghỉ trong một buổi cũng chỉ chiếm 1/15 kiến thức môn học.
Thi cử hệ tại chức đơn giản hơn chính quy
Trực tiếp đứng lớp và giảng dạy, tôi thật sự e ngại cho chất lượng đào tạo tại chức, từ xa, khi học viên đã ngừng học khá lâu. Đa số ngại đọc sách, không có hứng thú khám phá, trau dồi, học hỏi. Vì thế, kiến thức sơ đẳng đã rơi rụng rất nhiều sau nhiều năm đi làm.
Bên cạnh đó, nhiều học viên có ý thức học không tốt. Họ hầu như chỉ cố gắng lấy bằng, thiếu động cơ học tập chính đáng, nên rất dễ chán nản, mệt mỏi, thiếu kiên nhẫn với yêu cầu mà giảng viên đưa ra. Họ rất muốn đến muộn, về sớm, vui mừng khi giảng viên dễ tính và khó chịu với thầy cô nghiêm túc. Chính điều này cũng gây áp lực ngược lại cho các giảng viên tham gia đào tạo.
Ngay việc thi cử, với đào tạo tại chức, mọi thứ đơn giản hơn chính quy rất nhiều. Số lượng giám thị, các quy định cũng nhẹ nhàng hơn. Vì thế, tính nghiêm túc của kỳ thi không thể so sánh được với đại học chính quy.
Hơn nữa, sinh viên chính quy đi học với tâm thế chuẩn bị vào nghề, khao khát kiến thức và kỹ năng, còn học viên tại chức thì chủ quan vì đã làm việc khá lâu trước khi đi học. Vì thế, khi có kiến thức mới, sinh viên đại học sẽ ghi nhớ lời giảng viên và chiêm nghiệm sau khi ra trường, còn học viên tại chức thì tỏ ý nghi ngờ, thậm chí coi thường, vì nghĩ giảng viên thiếu thực tế, toàn nói lý thuyết. Điều này càng khiến cho hiệu quả của giáo dục đại học tại chức yếu kém.