18/11/2024 lúc 22:44 (GMT+7)
Breaking News

Văn chương Việt 2018, từ góc nhìn văn hóa

VNHN- Nhìn nhận sâu về giá trị của văn chương những năm gần đây, đặc biệt là năm 2018, do thiếu hàm lượng văn hóa cần thiết và vốn sống trải nghiệm sâu sắc cho nên văn chương Việt hầu như không có lực đẩy mạnh mẽ, thiếu đà để thăng hoa. Nhìn lại một năm, với nhiều tiếc nuối vì chưa có những tác phẩm xứng tầm, được đông đảo bạn đọc đón nhận.

VNHN- Nhìn nhận sâu về giá trị của văn chương những năm gần đây, đặc biệt là năm 2018, do thiếu hàm lượng văn hóa cần thiết và vốn sống trải nghiệm sâu sắc cho nên văn chương Việt hầu như không có lực đẩy mạnh mẽ, thiếu đà để thăng hoa. Nhìn lại một năm, với nhiều tiếc nuối vì chưa có những tác phẩm xứng tầm, được đông đảo bạn đọc đón nhận.

Ảnh minh họa

Tiếp cận văn chương từ văn hóa

Trong truyền thống Á Ðông văn chương luôn được xem là trụ cột, thậm chí là trung tâm của văn hóa. Nhưng thời thị trường - văn chương đang bị đẩy xa khỏi vị trí vốn có của mình trong nhu cầu về “thức ăn tinh thần” của con người. Cũng dễ hiểu, thời của hiện sinh và tốc độ nên văn chương vốn dành cung tiến cho người sống chậm, ngẫm ngợi, chiêm nghiệm nay đã không còn hợp thời như trước. Văn chương thời nay đang bị cuốn vào văn hóa đại chúng với đặc trưng phổ cập đến từng nhà, từng người, kịp thời và mau lẹ nhưng không cần thiết phải lưu giữ nhiều đời trong các bảo tàng ký ức. Ðâu đó vang lên tiếng kêu bi quan “văn chương lâm nguy”, không phải không có lý. Nếu nhìn ngược thời gian sẽ thấy, sở dĩ phong trào Thơ mới (1932-1945) được coi như một cuộc cách mạng trong thơ ca vì nó là một chiến thắng của văn hóa. Nếu xác tín “văn chương là nghệ thuật ngôn từ” thì công lao của các thi sĩ lãng mạn là ở chỗ góp phần làm giàu có và phát triển tiếng Việt, văn hóa Việt.

Lâu nay đôi khi chúng ta thường đánh giá tác phẩm theo các tiêu chí ngoài văn chương (tiêu chí xã hội học, chẳng hạn), thậm chí so đo “văn chương có phản ánh đời sống như nó vốn có”... Văn chương ít khi được nhìn nhận, tiếp cận từ văn hóa. Nếu thảng hoặc có, thì ta lại dựa vào các “số đo” văn hóa phương Tây mà bỏ quên hoặc chối từ văn hóa truyền thống dân tộc. Tương tự, không ít nhà văn (nhất là người viết trẻ) ở ta đang lên “cơn sốt nhẹ” về hậu hiện đại khi sáng tác, còn các nhà lý luận phê bình thì đắm đuối với cấu trúc học, ký hiệu học, sinh thái học, phân tâm học... coi đó là kim chỉ nam tác nghiệp. Xu hướng vọng ngoại đang tỏ ra có hấp lực, bành trướng trong khi văn hóa dân tộc (từ truyền thống đến hiện đại) thường bị xem nhẹ. Ða số nhà văn không mặn mà với văn hóa dân gian (folklore) Việt với kho tàng tục ngữ, ca dao, dân ca, truyện cổ tích, thần thoại, truyền thuyết giàu có, phong phú, phát tiết rực rỡ hàng nghìn năm vô tình hay cố tình bị lãng quên.

Nói tiếp cận văn chương từ phương diện văn hóa, thiết nghĩ, cần dựa vào ba thành tố: giá trị - bản sắc - ứng xử. Xét từ phạm trù giá trị, văn chương đương thời chưa tạo ra được các giá trị mới nếu so sánh với những thời kỳ rực rỡ, sôi động như 1930-1945 (hướng tới con người cá nhân bình thường, khẳng định cá tính sáng tạo, làm giàu tiếng Việt), 1945-1975 (đề cao sức mạnh văn hóa cộng đồng, chính nghĩa, lương tri), chặng đường đầu Ðổi mới, 1986-1996 (từ sự quan tâm con người tập thể đến khai phóng cá thể/ bản thể; nhận thức lại thực tại theo tinh thần phát triển biện chứng). Nhiều nhà văn hiện nay tỏ ra lúng túng trước thực trạng hỗn loạn giá trị. Về bản chất, đó là một cuộc khủng hoảng phát triển theo phép biện chứng. Người viết văn không thường xuyên được nạp năng lượng sống mới, hiểu sâu về thế giới ảo (facebook chẳng hạn). Phương châm “sống đã rồi hãy viết” bị xem nhẹ (thậm chí không ít nhà văn lại thực hành “viết đã rồi hãy sống”) trong khi đó là một hành xử/ ứng xử văn hóa. Bản sắc, cá tính sáng tác bị mờ nhạt theo thời gian vì hàm lượng/ căn cốt văn hóa của chủ thể sáng tạo hao hụt, mai một dần dần, ít cao vọng tìm tòi, sáng tạo. Những tấm gương lao động nghệ thuật và nạp năng lượng văn hóa kiên trì cho ngòi bút như Nguyễn Xuân Khánh, Ma Văn Kháng chẳng hạn, trở nên ngày càng hiếm hoi. Nhà văn quen tác phong “ăn xổi ở thì” nên tác phẩm in ra nhẹ bẫng, mất tăm mất tích trong không - thời gian (hẹp và ngắn nhất).

Những nốt thăng thưa thớt

Nền văn chương vẫn có sự kiện, đầu việc như một năm bình thường, nhưng nhìn kỹ thì tính chất phong trào vẫn nổi trội, tính chuyên nghiệp chưa được quan tâm thấu đáo, bền vững. Các cuộc thi thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết được tổ chức đều đặn, các giải thưởng vẫn được trao nhưng “hậu giải thưởng” lại ít tiếng vang, ít hấp lực, ít lan tỏa và ít phát huy hiệu quả nghệ thuật.

Nhưng “đầu việc” quan trọng nhất của Hội Nhà văn Việt Nam và các hội văn học nghệ thuật địa phương là phát hiện, chăm sóc bồi dưỡng các nhân tố mới/trẻ, chuẩn bị lực lượng hậu bị, kế cận thì xem ra còn thiếu hụt nhiều bề, bởi rất nhiều lý do khách quan và chủ quan (người trẻ thì có vẻ chưa thật mặn mà với văn chương, không có tâm thế lập nghiệp bằng ngòi bút, sẵn sàng bỏ cuộc chơi chữ nghĩa, thả sức cho những đam mê và trải nghiệm sống khác).

Vẫn có một số tác phẩm được quan tâm (theo dư luận/ tiếp nhận hai chiều). Theo chiều đồng thuận: Nhật ký Nguyên Hồng, Nhốt con chim bắt cô (tiểu thuyết của Phạm Hoa), Thời của Ðực (tiểu thuyết của Nguyễn Ðình Lễ), Gió Thượng Phùng (tiểu thuyết của Võ Bá Cường), Vọng đất trời Ðồng Lộc (tiểu thuyết của Ðào Thắng), Vườn mộng (truyện ngắn của Nguyễn Văn Thọ), Tôi đã trở về trên núi cao (tản văn của Ðỗ Bích Thúy), Cuộc cờ (tiểu thuyết của Phạm Quang Long), Ðinh Tiên Hoàng (tiểu thuyết lịch sử của Vũ Xuân Tửu), Chuyện lính Tây Nam (hồi ức của Trung Sỹ), Ta còn em (thơ của Phan Vũ), Liễu biếc (thơ của Nguyễn Trác), Khép vội gió heo may (thơ của Nguyễn Thị Ngọc Hà), Thời tái chế (trường ca của Mai Văn Phấn), Hai phía phù sinh (thơ của Nguyễn Thúy Quỳnh), Những sinh thể văn chương Việt (tiểu luận phê bình của Lý Hoài Thu), Phê bình văn học và ý thức cái khác (tiểu luận phê bình của Hoàng Thụy Anh)... Nói theo chiều đồng thuận hàm nghĩa tác phẩm được viết theo thi pháp truyền thống, cảm hứng nhân văn là giá đỡ sáng tác, ít bứt phá về phong cách và bút pháp, tránh được lối học đòi nước ngoài một cách thiếu chọn lọc. Nhưng không có nghĩa là cũ kỹ, lạc hậu, vì nghệ thuật trong bản chất của nó không có “thời” hay “mốt”.

Những tác phẩm chia đôi dư luận: Phê bình ký hiệu học của Lã Nguyên, Mùa khát (tiểu thuyết của Nguyễn Việt Chiến), Lưng Rồng (truyện ngắn của Ðỗ Hoàng Diệu)... Chính những tác phẩm này đôi khi lại có sức gây “sốt/ nóng” văn đàn trong cơ chế đọc mới. Nói chúng chia đôi dư luận vì thực tế cách đọc văn hiện nay rất mở dựa trên mỹ cảm và năng lực tri nhận mang tính cá thể cao độ và ít nhiều chi phối của thị trường.

Sẽ nhiều người phân vân một năm sao ít tác phẩm hay?! Quý hồ tinh bất quý hồ đa là quy luật của sáng tạo nghệ thuật như cổ nhân đã tổng kết. Quang cảnh và sinh khí văn chương 2018, như đã nói ở trên, là nốt trầm. Niềm hy vọng nếu được nhen nhóm và củng cố thì chủ yếu trông đợi lớp măng non/nhân tố mới theo quy luật “tre già măng mọc”. Những ý kiến của chúng tôi cũng chỉ là một góc nhìn cá nhân của người quan sát văn chương nước nhà trong vòng quay 365 ngày. Năm 2018 là năm của bóng đá Việt Nam thăng hoa. Phải chăng có một bài học quý giá từ bóng đá mà văn chương có thể vận dụng, phát huy: Cần kíp có một thế hệ trẻ hóa tài năng?

PV/NDO