23/11/2024 lúc 23:26 (GMT+7)
Breaking News

Vai trò của blockchain trong phát triển kinh tế số

Công nghệ Blockchain được xem là "chìa khóa" cho chuyển đổi số và xây dựng nền tảng công nghệ thông tin tương lai trong làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0. Ngày 22/12/2022, Trường Đại học Ngoại thương đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Hiệp hội Blockchain Việt Nam, với lễ ký kết này Hiệp hội Blockchain Việt Nam cùng Trường Đại học Ngoại thương sẽ thúc đẩy đào tạo nhân lực cho kinh tế số, mở ra những bước tiến mới cho chuyển đổi số nói chung và cho blockchain nói riêng.

Trong thời kỳ bùng nổ của cuộc Cách mạng 4.0, khái niệm Kinh tế số dần trở nên quan thuộc hơn. Nhằm giúp đào tạo đội ngũ nhân lực đủ khả năng xây dựng nền kinh tế số, Hiệp hội Blockchain Việt Nam phối hợp Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội để giải quyết bài toán này. Blockchain được coi như cuốn sổ cái kế toán hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật số. Blockchain sở hữu rất nhiều nút độc lập có khả năng xác thực thông tin trong truyền tải dữ liệu mà không đòi hỏi bên trung gian để xác nhận thông tin.

Trong nền kinh tế số, các doanh nghiệp sẽ đổi mới quy trình sản xuất, kinh doanh truyền thống sang mô hình theo hệ sinh thái, liên kết từ khâu sản xuất, thương mại đến sử dụng và điều này sẽ làm tăng năng suất, cũng như hiệu quả lao động. Do vậy mà kinh tế số đã và đang trở nên ngày một phổ biến và dường như là xu hướng tất yếu đối với bất cứ quốc gia nào nếu không muốn tụt lại phía sau. Thế nhưng để đạt được sự phát triển tối ưu thì cần có nguồn nhân lực kinh tế số có đủ năng lực để xây dựng và quản lý các mô hình sản xuất, kinh doanh trên nền tảng công nghệ tiên tiến, phát triển chuỗi giá trị công nghệ toàn cầu; trong đó; bao gồm sự đóng góp không nhỏ của công nghệ Blockchain.

PGS.TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương phát biểu tại sự kiện

Hiểu được sự tất yếu này, Trường Đại học Ngoại thương đã phối hợp cùng Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổ chức lễ ký kết hợp tác. Trong khuôn khổ sự kiện là buổi tọa đàm về “Vai trò Blockchain trong phát triển Kinh tế số”, nhằm góp phần cung cấp thông tin tổng quan tới các đại biểu, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, doanh nghiệp, học viên, sinh viên về việc phát triển công nghệ blockchain.
Phát biểu khai mạc sự kiện, PGS.TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương chia sẻ: “Trường ĐH Ngoại thương (FTU) định hướng trở thành ngôi trường đổi mới sáng tạo. Đây là xu hướng tất yếu phù hợp với đặc điểm, truyền thống lịch sử và tương lai của trường, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số và chính phủ số của Đảng và Nhà nước. Chúng tôi nhận thức rất rõ vai trò của kinh tế số, vai trò của blockchain, trong phát triển đại học, trong nghiên cứu và trong đào tạo. Sứ mệnh của FTU là đào tạo nguồn nhân lực để thực hiện những mục tiêu trên, chuẩn bị những hành trang và xây dựng các chương trình đào tạo…”.

GS.TS Hoàng Văn Huân - Chủ tịch Hiệp hội Blockchain phát biểu tại sự kiện

PGS. TS Bùi Anh Tuấn cho biết Trường ĐH Ngoại thương hiện giảng dạy các ngành khoa học xã hội nhưng đang có định hướng trở thành ĐH đa ngành, đa lĩnh vực, cụ thể là mở ra các ngành khoa học kỹ thuật và công nghệ, trong đó có các môn về khoa học dữ liệu, kinh tế số và Fintech, “Trường ĐH Ngoại thương không chỉ phối hợp với Hiệp hội Blockchain Việt Nam mà cùng rất nhiều các tổ chức, doanh nghiệp ở đây đồng hành để đạt được các mục tiêu chung xây dựng kinh tế số vững mạnh”.
Hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới đều đưa ra chiến lược phát triển công nghệ số gắn với tăng trưởng kinh tế. Với dân số gần 100 triệu người, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số ở mức khá trong khu vực ASEAN. Hiện, nền kinh tế số Việt Nam được dự báo sẽ đạt 52 tỷ USD vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Xét về bản chất, kinh tế số là nền kinh tế dựa trên công nghệ số và nền tảng số, với các hoạt động kinh tế về và bằng công nghệ số và nền tảng số với các mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của nền kinh tế dựa trên ứng dụng công nghệ số như: trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud, Computing), chuỗi khối (Blockchain)…

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa các bên

Vì vậy, vấn đề xây dựng nền kinh tế số được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số Việt Nam sẽ chiếm khoảng 20% GDP. Ngày 31/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 411/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Nhiệm vụ phát triển kinh tế số và xã hội số được đặt ở mức ưu tiên cao trong các chiến lược phát triển quốc gia.
Đại diện Hiệp hội Blockchain Việt Nam, GS.TS Hoàng Văn Huân - Chủ tịch Hiệp hội khẳng định “Blockchain là cơ sở dữ liệu công khai mà không ai có thể thay đổi được về nội dung hay về lịch sử, có thể được ứng dụng vào thương mại quốc tế, các ngành kinh tế, kỹ thuật, thậm chí giáo dục đào tạo, quản lý tài nguyên, đất đai và quản lý nhân sự…

Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam nêu bật ba mục tiêu của buổi ký kết, đầu tiên là phối hợp đào tạo nguồn nhân lực liên quan đến công nghệ blockchain và kinh tế số, xây dựng chương trình giảng dạy và tham khảo các môn học chuyên ngành và các môn học có liên quan đến công nghệ blockchain. Thứ hai là nguồn nhân lực ấy phải thực sự có chuyên môn, trình độ cao, biết cách ứng dụng những gì đã học vào phát triển kinh tế số. Thứ ba là hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng blockchain để phát triển kinh tế xã hội tại Việt Nam, nhất là trong thương mại quốc tế.
Cũng tại sự kiện này, các chuyên gia đã cùng trao đổi về vai trò của Blockchain trong phát triển kinh tế số. Blockchain là công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin dữ liệu bằng các khối (block) được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian. Từng khối chứa đựng các thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết với các khối trước đó. Công nghệ Blockchain được xem là phương pháp cắt giảm chi phí và thời gian thanh toán bù trừ giao dịch liên ngân hàng cũng như tạo ra hệ thống an toàn hơn. Blockchain là kho tàng quý giá hay chỉ là phế phẩm tùy thuộc vào cách sử dụng của mỗi doanh nghiệp. Tận dụng tốt, doanh nghiệp sẽ nhanh chóng vươn lên dẫn đầu trong cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thi trường.
Các bài tham luận của các tác giả tại Tọa đàm cũng chỉ ra được toàn ảnh của Blockchain hiện nay, những tác động và ứng dụng của công nghệ này với xã hội. Bên cạnh đó, Tọa đàm cũng cho thấy tầm quan trọng của Blockchain với kinh tế số, định hướng xã hội tiếp cận với nền kinh tế kỹ thuật số một cách nhanh và hiệu quả hơn cả.

Hội nghị đã kết thức thành công tốt đẹp, các đại biểu cùng chụp ảnh lưu niệm

Tại buổi Tọa đàm, các chuyên gia cùng các diễn giả đã có thời gian để đối thoại về vấn đề đưa blockchain vào giáo dục để làm chìa khóa tăng trưởng kinh tế số bền vững trong tương lai và phiên thảo luận về cơ hội và thách thức ứng dụng công nghệ Blockchain trong phát triển kinh tế số. PGS, TS Hoàng Xuân Bình, Trưởng Khoa Kinh tế Quốc tế, cho biết đơn vị đã đưa nhiều môn học liên quan đến kinh tế số vào giảng dạy ở bậc đại học và sau đại học trong các chương trình đào tạo tại Trường Đại học Ngoại thương nhấn mạnh quyết tâm của Lãnh đạo Nhà trường và Khoa muốn trang bị cho người học những kỹ năng, kiến thức số để bắt kịp sự phát triển của nền Kinh tế số, góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam.
Buổi Tọa đàm nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các bạn sinh viên, đặt ra những băn khoăn cho diễn giả và các khách mời. Điều này cho thấy sự quan tâm của các bạn trẻ đến ứng dụng công nghệ Blockchain và định hướng phát triển trong tương lai./.

Huyền Trang