23/01/2025 lúc 08:21 (GMT+7)
Breaking News

Vai trò của báo chí, xuất bản đối với việc quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật và xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Sáng 5/7, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức Tọa đàm “Vai trò của báo chí, xuất bản đối với việc quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật và xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh”.

Tham dự tọa đàm có đồng chí Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP; PGS.TS Phan Xuân Biên, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM.

Tham dự chủ trì tọa đàm có các đồng chí: Nguyễn Thọ Truyền, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy; Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP; Nguyễn Tấn Phong, Chủ tịch Hội Nhà báo TP; Tăng Hữu Phong, Tổng biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng; Bùi Anh Tấn, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ TP.

Chủ tịch Hội Nhà báo TP Nguyễn Tấn Phong đọc dẫn tọa đàm

Chủ tịch Hội Nhà báo TP Nguyễn Tấn Phong đọc đề dẫn tọa đàm

Báo cáo đề dẫn tọa đàm, Chủ tịch Hội Nhà báo TP Nguyễn Tấn Phong nhấn mạnh, báo chí, xuất bản đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển của xã hội qua các thời kỳ, có tác động sâu sắc đến mỗi cá nhân cũng như cộng đồng xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay. Đây đều là những phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, đồng thời có mối liên hệ mật thiết với văn hóa, vừa là một bộ phận của văn hóa, vừa là phương tiện chuyển tải, phổ biến văn hóa tới công chúng. Thực tiễn gần 40 năm đổi mới cho thấy, báo chí, xuất bản luôn phát huy vai trò xung kích trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa, tham gia tích cực vào việc quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật.

Tại tọa đàm, Chủ tịch Hội Nhà báo TP Nguyễn Tấn Phong đề nghị các đại biểu, các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, các phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí, xuất bản quan tâm tập trung trao đổi, thảo luận về: Một số quan điểm, nhận thức về vai trò của báo chí, xuất bản đối với việc quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật; Tăng cường và kiên định sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của chính quyền TP đối với lĩnh vực báo chí, xuất bản, văn học, nghệ thuật; Phát huy vai trò của báo chí, truyền thông thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới; Nâng cao mục tiêu, lý tưởng cách mạng trong đội ngũ làm công tác báo chí, xuất bản và đội ngũ sáng tác văn học, nghệ thuật.

Nhìn chung, các tham luận đều đã tập trung phân tích làm rõ vai trò tầm quan trọng của báo chí, xuất bản trong đời sống xã hội; vai trò của báo chí, xuất bản đối với việc tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá, lan tỏa các tác phẩm văn học nghệ thuật và xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong điều kiện của TPHCM hiện nay.

PGS.TS. Trần Luân Kim - Phát biểu trong buổi tọa đàm

PGS.TS. Trần Luân Kim phát biểu trong buổi tọa đàm

VĂN HỌC NGHỆ THUẬT TRONG DIỆN MẠO MỚI CỦA THÀNH PHỐ

Văn hóa, dấu son nổi bật khắc họa nét đặc sắc riêng cùng trình độ phát triển nhiều mặt của quốc gia.  PGS.TS. Trần Luân Kim phát biểu Hiến pháp nước ta ghi rõ:” Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực phát triển của đất nước. Nhà nước và xã hội chăm lo xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhân văn, dân chủ, tiến bộ; bảo tồn, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa của các dân tộc Việt nam, tiếp thu văn hóa nhân loại”. Trong văn hóa, văn học nghệ thuật là địa hạt tối quan trọng, giúp hình thành hệ hình thái ý thức cùng hệ giá trị của dân tộc, của con người cộng đồng. Văn học nghệ thuật chân chính luôn lấy Chân – Thiện – Mỹ làm sứ mệnh và mục tiêu sáng tạo.

Tại Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI đã khẳng định:” Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”, đồng thời đề ra nhiệm vụ tiến hành“ Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế”, nhằm có được một hệ thống chính trị cũng như hệ thống kinh tế trong sạch, bền vững, thực sự vì nhân dân, dân tộc.

Tại tọa đàm PGS.TS. Trần Luân Kim phát biểu, cần định kỳ tổ chức các Tọa đàm, Hội thảo nghề nghiệp nhằm kịp thời xử lý thông suốt các vướng mắc trong nghiệp vụ. Tăng cường các biện pháp quản lý mạng xã hội hiệu quả. Tổ chức đội ngũ nòng cốt, sẵn sàng phản bác các luận điệu sai trái, hiện tượng phản văn hóa, trái với đường lối của Đảng. Thường xuyên mở các lớp Tập huấn chuyên đề nhằm định hường quan điểm và phương pháp sáng tác cụ thể, như đề tài, nhân vật, tình huống, cấu trúc và hình tượng tác phẩm, giúp sáng tác chuẩn xác theo yêu cầu khách quan của ngôn ngữ chuyên ngành, nâng cao chất lượng tác phẩm.

Quang cảnh buổi tọa đàm
Quang cảnh buổi tọa đàm

Tại buổi Tọa đàm đã nhận được 37 tham luận từ các các cơ quan báo chí, xuất bản, các địa phương, đơn vị, một số nhà nghiên cứu. Mỗi tham luận là mỗi góc nhìn khác nhau về mối quan hệ giữa báo chí, xuất bản với văn học nghệ thuật nói chung, việc tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật nói riêng.

Nhà báo Đức Hiển phát biểu trong tọa đàm
Nhà báo Đức Hiển phát biểu trong tọa đàm

TỪ MẠNG XÃ HỘI ĐẾN BÁO CHÍ ĐA NỀN TẢNG TRONG PHÁT TRIỂN KHÔNG GIAN VĂN HÓA HỒ CHÍ MINH

Theo thảo luận từ tọa đàm Nhà báo Đức Hiển phát biểu, với khả năng tạo ra dòng thời sự hay tạo ra dòng sự kiện thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng (setting agenda) và khả năng định hướng dư luận thông qua việc sàng lọc thông tin (framing news content), vô số các nghiên cứu về truyền thông đã chỉ ra rằng báo chí có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy bản sắc văn hóa (cultural identity). Nói cách khác, báo chí có khả năng làm lan tỏa và giáo dục, tăng cường nhận thức đối với người dân về những nét riêng, độc đáo của một nhóm người, một tổ chức, một tập thể hay một dân tộc.

Đặt biệt trong bối cảnh “không gian văn hóa Hồ Chí Minh”, Nhà báo Đức Hiển cho rằng nếu bỏ qua những cách diễn giải khô khan thì một trong những nhiệm vụ của báo chí nhà nước đó là “làm lan tỏa các giá trị tử tế, tốt đẹp trong cuộc đời và sự nghiệp của chủ tịch Hồ Chí Minh”. Một mặt, báo chí giúp chính người dân Việt Nam hoặc người nước ngoài (ở những khu vực cụ thể, ví dụ tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội… hay thậm chí ở một trường đại học ở nước ngoài có ngành Việt Nam học) nắm bắt những thông tin rõ ràng, cụ thể, khách quan về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mặt khác, báo chí giải pháp có thể giúp phản biện, đóng góp ý kiến xây dựng để chính quyền hoàn thiện chính sách xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh.

Nguyễn Thái Giao Thuỷ Trường Đại học Sài Gòn phát biểu
Bà Nguyễn Thái Giao Thuỷ Trường Đại học Sài Gòn phát biểu

PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA TRUYỀN THÔNG, BÁO CHÍ ĐỂ XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN VĂN HOÁ, NGHỆ THUẬT TRONG THỜI KỲ MỚI

Bà Nguyễn Thái Giao Thuỷ phát biểu, cần xây dựng các chuyên mục, các chương trình phát sóng định kỳ hằng tuần, hằng tháng để giới thiệu tác giả, tác phẩm văn học, nghệ thuật tiêu biểu. Nâng cao chất lượng, số lượng chương trình, tin, bài thông tin về các hoạt động văn học, nghệ thuật. Không ngừng cải tiến nội dung, hình thức, chất lượng tác phẩm văn học, nghệ thuật đáp ứng nhu cầu cho mọi người dân ở mọi miền đất nước.

Đồng thời đảm bảo những điều kiện hoạt động tốt nhất cho báo chí, truyền thông, đầu tư về hạ tầng công nghệ thông tin. Một trong những nội dung được Đại hội XIII đề cập trong phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn 2021-2025 là: “Xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, hình thành hệ thống trung tâm dữ liệu quốc gia, các trung tâm dữ liệu vùng và địa phương kết nối đồng bộ và thống nhất; phát triển hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN; internet băng thông rộng phủ 100% các xã; xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật an toàn, an ninh thông tin”

TS Quách Thu Nguyệt - Nguyên TBT Nhà xuất bản Trẻ phát biểu
TS Quách Thu Nguyệt - Nguyên TBT Nhà xuất bản Trẻ phát biểu

LÀM GÌ ĐỂ THẾ HỆ TRẺ YÊU QUÝ, GÌN GIỮ &PHÁT HUY NHỮNG GIÁ TRỊ LỊCH SỬ -VĂN HÓA CỦA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH?

TS Quách Thu Nguyệt phát biểu, riêng tôi còn nhớ ngay khi hoàn thành xong công trình nghiên cứu Địa Chí Văn Hóa Thành phố Hồ Chí Minh, và vào dịp công bố công trình này, Ban Chủ Biên với hai nhà nghiên cứu, hai cán bộ lão thành cách mạng  là GS Trần Văn Giàu và Trần Bạch Đằng, đã có lời “ phi lộ “ rằng :” Vào việc, thấy càng rõ là có nhiều điều mình chưa biết, biết chưa chắc đã đúng. Sót, lệch, có thể sai, vậy thì sao cứ in sách ? Vì nếu không in ra sách để trưng cầu, quảng kiến của bạn đọc thì sẽ không bao giờ hết sai sót, hết lệch lạc. Khoa học là sự liên tục tiếp cận với cái đúng, cái đủ hoàn toàn mà mỗi chúng ta hướng đến, nhưng chưa phải qua nhiều thời giờ và tranh luận .

Nhân dịp này, Nhà xuất bản Trẻ đã thực hiện một chương trình sách với hơn ba mươi tựa sách thuộc Tủ Sách “ Sài Gòn- Thành Phố Hồ Chí Minh 300 năm “, nội dung giới thiệu các công trình nghiên cứu về Nam Bộ, Sài Gòn-Bến Nghé- Gia Định – Chợ Lớn xưa của các tác giả như : Trương Vĩnh Ký, Sơn Nam, Vương Hồng Sển, Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Đình Đầu...Ngoài ra , còn có Công trình Từ điển Sài Gòn- Thành phố Hồ Chí Minh , chủ biên là hai nhà nghiên cứu Thạch Phương và Lê Trung Hoa, cùng Bộ Sách “ Hỏi đáp Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh “ được giới trẻ săn tìm đọc và hào hứng với cuộc thi “ Tìm hiểu về Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh 300 năm “ do Thành Đoàn TP Hồ Chí Minh tổ chức trong hệ thống các cơ sở của Đoàn thành phố.

Đồng chí Nguyễn Thọ Truyền, PTB.TG Thành ủy phát biểu cuối buổi tọa đàm
Đồng chí Nguyễn Thọ Truyền, P.Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy phát biểu tại buổi tọa đàm

Cuối buổi Tọa đàm, đồng chí Nguyễn Thọ Truyền, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy phát biểu: Báo chí, xuất bản đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển của xã hội qua các thời kỳ, có tác động sâu sắc đến mỗi cá nhân cũng như cộng đồng xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay. Đây đều là những phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, đồng thời có mối liên hệ mật thiết với văn hóa, vừa là một bộ phận của văn hóa, vừa là phương tiện chuyển tải, phổ biến văn hóa tới công chúng.

Nhằm tiếp tục phát huy vai trò quan trọng của hoạt động báo chí, xuất bản trong việc định hướng, tuyên truyền, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, xây dựng và phát triển những giá trị đặc trưng về văn hóa, con người thành phố, góp phần hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại thành phố mang tên Bác, Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức Tọa đàm “Vai trò của báo chí, xuất bản đối với việc quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật và xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh”. Tọa đàm hôm nay là dịp để lãnh đạo thành phố tiếp tục trao đổi, lắng nghe các phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí, xuất bản, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ, các cán bộ tuyên giáo các cấp... đóng góp các giải pháp nhằm phát huy tích cực hơn nữa vai trò của báo chí, xuất bản đối với đời sống xã hội, nhất là tham gia quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, góp phần xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh.

Văn Lịch - Trọng Tín - Phương Nhi