19/01/2025 lúc 02:30 (GMT+7)
Breaking News

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu

Theo dự kiến chương trình họp, chiều ngày 23/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận và thông qua Nghị quyết về việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn áp dụng từ ngày 1/4 đến hết ngày 31/12/2022.

Văn phòng Quốc hội vừa có thông báo về chương trình điều chỉnh phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo đó, từ ngày 22/3 đến 25/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét thông qua một số nghị quyết quan trọng. 

Cụ thể, ngày 23/3, Ủy ban Thường vụ xem xét, thông qua nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022. Theo dự kiến, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc sẽ trình bày tờ trình của Chính phủ báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra. Các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận.

Cuối phiên họp về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết.

Trước đó, ngày 13/3, Chính phủ đã thông qua dự thảo về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12 để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét. 

Theo đó, Chính phủ đề xuất giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu so với hiện hành, tức giảm 2.000 đồng mỗi lít với xăng. Mức giảm với dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng mỗi lít, mỡ nhờn là 1.000 đồng mỗi kg, dầu hỏa 700 đồng mỗi lít. Thời gian áp dụng theo đề xuất của Bộ Tài chính là từ ngày 1/4 đến ngày 31/12/2022.

Nếu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, sau giảm thuế này, mỗi lít xăng dự kiến giảm tương ứng 2.200 đồng (gồm VAT) và giá dầu cũng được điều chỉnh 1.100 đồng.

Bộ Tài chính tính toán, số thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn (tính trên cơ sở sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2019) sẽ giảm cả năm khoảng 29.035 tỷ đồng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu

Đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường được đặt ra trong bối cảnh giá xăng dầu trong nước đã có mức tăng mạnh nhất trong lịch sử dù liên bộ: Công Thương - Tài chính đã chi từ 500-1.500 đồng từ Quỹ Bình ổn cho mỗi lít xăng, dầu.

Đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường được đặt ra trong bối cảnh giá xăng dầu trong nước đã có mức tăng mạnh nhất trong lịch sử dù liên bộ: Công Thương - Tài chính đã chi từ 500-1.500 đồng từ Quỹ Bình ổn cho mỗi lít xăng, dầu.

Vấn đề cung ứng, giá xăng dầu cũng được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra cho Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và các thành viên Chính phủ liên quan tại phiên chất vấn Bộ trưởng Công Thương ngày 16/3 vừa qua.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khi trả lời đại biểu Quốc hội về vấn đề giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu đã khẳng định, Bộ Công Thương "đã rất cân nhắc", bàn trong ngành và báo cáo với Chính phủ về vấn đề này.

"Chúng tôi thấy rằng tình hình rất căng khi giá thế giới biến động như thế. Để xử lý được nhanh nhất tình huống bây giờ chỉ có giảm thuế bảo vệ môi trường", ông Diên nói và cho biết, hiện Quỹ bình ổn giá xăng dầu chỉ còn khoảng 600 tỷ đồng - mức thấp để đảm bảo duy trì giá xăng dầu trong tình hình hiện nay.

Trong phát biểu kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ sớm trình cơ quan Quốc hội để thẩm tra, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết giảm thuế môi trường đối với xăng dầu trong phiên họp tháng 3 để áp dụng từ tháng 4.

Theo Văn phòng Quốc hội, ngay sau phiên chất vấn, Chính phủ đã có tờ trình sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội đã họp thẩm tra đề xuất của Chính phủ để trình ra phiên họp thứ 9 (đợt 2), tháng 3/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Anh Phạm