22/11/2024 lúc 11:22 (GMT+7)
Breaking News

Tuyên Quang: Ứng dụng công nghệ cao trong các hợp tác xã nông nghiệp

Những năm gần đây, tại tỉnh Tuyên Quang nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp cùng nông dân trong tỉnh đã không ngừng học hỏi, bắt kịp với xu hướng sản xuất hiện đại, chuyển đổi sản xuất ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ và đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao vào các quy trình sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó góp phần nâng cao hiệu quả vào sự phát triển kinh tế tập thể địa bàn tỉnh, thúc đẩy nền sản xuất xanh.

Hiện nay, toàn tỉnh có 533 HTX, tổ hợp tác. Trong đó có 433 HTX trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, 43 tổ hợp tác đang hoạt động trong lĩnh vực nông lâm sản và thủy sản. Thời gian qua, tỉnh Tuyên Quang đã đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào hoạt động sản xuất của các HTX, tổ hợp tác; hỗ trợ HTX, tổ hợp tác tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật công nghệ, đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ, phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh.

Khoa học và công nghệ được xem là giải pháp tác động trực tiếp đến năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa nông sản và dịch vụ trên thị trường. Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học trong thời gian qua được chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp như giống mới, quy trình công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới đã góp phần giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận và mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp. 

HTX Dịch vụ sản xuất, chế biến chè Ngân Sơn - Trung Long, xã Trung Yên (Sơn Dương) đã ứng dụng công nghệ tưới phun mưa cho chè giúp cây chè phát triển tốt, ổn định, năng suất, chất lượng chè tăng, cây chè cho thu hoạch quanh năm.

Một trong những HTX đi đầu trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất là HTX Dịch vụ sản xuất, chế biến chè Ngân Sơn - Trung Long, xã Trung Yên (Sơn Dương). Từ năm 2017 đến nay, HTX đã ứng dụng công nghệ tưới phun mưa cho chè giúp cây chè phát triển tốt, ổn định, năng suất, chất lượng chè tăng, cây chè cho thu hoạch quanh năm. Với vùng nguyên liệu chè rộng hơn 20 ha, nhờ được tưới phun mưa cho năng suất tăng 35% năng suất; tiết kiệm 30% lượng nước tưới; giảm 30% chi phí chăm sóc, chủ động được thời gian bón phân, phun thuốc; chất lượng chè tốt và ổn định, cây chè cho thu hoạch quanh năm. Theo đó, bình quân mỗi năm, sản lượng chè búp tươi của HTX đạt hơn 50 tấn, doanh thu bình quân đạt 3 tỷ đồng/năm, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho các thành viên HTX.

Từ năm 2020 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ đã quản lý tổ chức thực hiện 11 đề tài, dự án có sự tham gia của các HTX, tổ hợp tác. Tiêu biểu như: xây dựng mô hình chuỗi liên kết từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn hữu cơ đối với một số giống chè mới, giống chè bản địa tại xã Hồng Thái (Na Hang); ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất, nâng cao năng suất chất lượng Hồng ngâm Xuân Vân, Na dai Lực Hành huyện Yên Sơn, sản xuất giống Lê nâu bản địa huyện Na Hang; ứng dụng công nghệ tưới phun mưa cho chè trên địa bàn huyện Sơn Dương; xây dựng và phát triển thương hiệu “Mật ong Sơn Phú”; nghiên cứu giá trị dinh dưỡng, công thức phối trộn, chế biến sản phẩm bột rắc cơm từ các nguyên liệu sẵn có tại địa phương, tạo sinh kế cho người dân, phục vụ phát triển du lịch.

Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học còn đóng góp quan trọng trong việc xây dựng nhãn hiệu và phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc sản của tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 291 sản phẩm, dịch vụ được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Trong đó có 74 sản phẩm nông sản chủ lực, đặc sản được cấp Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu; 4 sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Một số nhãn hiệu tập thể sau khi được cấp văn bằng bảo hộ đã được các hợp tác xã quản lý và phát triển có hiệu quả như: Cam sành Hàm Yên, hồng Xuân Vân, vịt bầu Minh Hương, gà thiến Bình Xa, mật ong Tuyên Quang, cá chiên đặc sản Thái Hòa...

Thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục phối hợp với các cơ quan, ban, ngành có liên quan tiếp tục hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ về giống, công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản, chế biến, tiêu thụ. Đồng thời, các HTX, tổ hợp tác tích cực, chủ động ứng dụng khoa học công nghệ để đa dạng hóa sản phẩm, hạ giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, hàng hóa từng bước nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.