26/04/2024 lúc 22:57 (GMT+7)
Breaking News

Tư tưởng nhân văn dân chủ nhân dân Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945

Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam, người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, đã hiến dâng trọn cuộc đời mình cho cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân, vì sự nghiệp giải phóng nhân loại bị áp bức trên thế giới. Tư tưởng nhân văn dân chủ trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 của Hồ Chí Minh là khẳng định quyền tự do, độc lập dân tộc, dân chủ nhân dân Việt Nam.

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh cách mạng tháng Tám năm 1945 dành thắng lợi, vào ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong Tuyên ngôn Độc lập Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện rất rõ tư tưởng nhân văn dân chủ nhân dân cao cả tỏa ra từ trong con người Hồ Chí Minh đó là tư tưởng độc lập, tự do và mưu cầu hạnh phúc của mỗi con người, đất nước, dân tộc khi được sinh ra.

Tư tưởng nhân văn dân chủ nhân dân Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn độc lập ngày 02/9/1954 - ảnh: Tư liệu

Để chuẩn bị cho ngày độc lập, ngày 28/8/1945, tại số nhà 48 Hàng Ngang (Hà Nội), Hồ Chí Minh đã dự thảo Bản Tuyên ngôn Độc lập, trong bối cảnh quốc tế và Việt Nam sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là lời tuyên bố chung của chế độ thuộc địa dưới mọi hình thức, đồng thời cũng là lời báo hiệu thời đại thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc trên phạm vi toàn thế giới. Mà mỗi người dân Việt Nam càng thấy thấm thía hơn giá trị của độc lập, tự do; ý nghĩa to lớn và sâu sắc của tư tưởng nhân văn dân chủ nhân dân Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập đó là quyền con người và quyền của mỗi dân tộc. Đó cũng là khát vọng, mục tiêu, lý tưởng mà mọi dân tộc, quốc gia trên toàn thế giới đều hướng đến.

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời Việt Nam đân chủ cộng hòa trịnh trọng tuyên bố với quốc dân và thế giới. Người nói: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập”(1). Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh chứa đựng tư tưởng nhân văn dân chủ nhân dân sâu sắc, nó không chỉ có ý nghĩa đối với nền độc lập của dân tộc Việt Nam, mà còn là sự mở đầu kỷ nguyên độc lập, tự do của các dân tộc thuộc địa, bị áp bức, bóc lột trên toàn thế giới. Bản Tuyên ngôn Độc lập đã đánh dấu một mốc son lịch sử chói lọi của dân tộc Việt Nam, độc lập, tự do, dân chủ nhân dân. Mọi người được bình đẳng, được sống cuộc sống tự do, độc lập và tìm được hạnh phúc cho mình. Điều đó thể hiện tư tưởng nhân văn dân chủ nhân dân cao cả của Người đối với hàng triệu triệu người đang khát khao và mong đợi. Mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những chân lý về quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của con người khi được sinh ra. Người khẳng định: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”(2). Những quyền ấy đã được Người trích dẫn trong bản Tuyên ngôn Độc lập nỗi tiến năm 1776 của nước Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1791 của cách mạng Pháp xác nhận. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở rộng quyền của con người thành quyền của dân tộc. Quyền lợi của mỗi cá nhân được coi là cơ sở cho quyền lợi của cách mạng, của dân tộc. Tất cả mọi dân tộc đều có quyền tự quyết định lấy vận mệnh của mình. Đó là sự thống nhất giữa quyền sống của mỗi con người với quyền độc lập của dân tộc và quyền tự do dân chủ của nhân dân. Bản Tuyên ngôn Độc lập Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu một câu bất hủ trong bản “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền” của cách mạng Pháp sau khi nhân dân Pháp giành thắng lợi trong cuộc cách mạng năm 1791 xóa bỏ chế độ phong kiến Pháp, thực hiện nền dân chủ tư sản: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”(3). Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là kết quả tuyệt vời của trí tuệ, hội tụ tư tưởng nhân văn dân chủ thời đại, tư tưởng nhân văn dân chủ cách mạng tư sản cận đại châu Âu và châu Mỹ, tư tưởng nhân văn dân chủ truyền thống phương Đông và tư tưởng nhân văn dân chủ Mác - Lê-nin hiện đại. Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cao ý nghĩa nhân văn to lớn trong hai bản Tuyên ngôn của nước Mỹ và nước Pháp chính là nêu lên một nguyên lý cơ bản, khẳng định nền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam là một lẽ đương nhiên, một điều tất yếu, không ai chối cãi được. Đồng thời Người cũng đặt cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của Việt Nam sánh ngang với hai cuộc cách mạng tiến bộ điển hình của thế giới, là cách mạng giải phóng dân tộc của nước Mỹ năm 1776 và cách mạng dân chủ tư sản của nước Pháp năm 1791. Đây cũng là điều thể hiện niềm tự hào và tự tôn dân tộc có cơ sở khoa học lịch sử và rất chính đáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 đã khẳng định: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phía Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!... Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”(4). Tư tưởng nhân văn dân chủ nhân dân cao cả của Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945 đó là quyền con người, tất cả vì con người, con người có quyền bình đẳng, được hưởng tự do và độc lập, bất khả xâm phạm, quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Tư tưởng nhân văn dân chủ nhân dân đó còn được thể hiện rất rõ cho cả những quốc gia và những người đang bị mất nước, bị chế độ hà khắc của đế quốc và phong kiến áp bức bóc lột giã man. Người viết: “Suy rộng ra câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”(5). Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn nói lên tính nhân văn dân chủ nhân dân của hai Bản tuyên ngôn của nước Mỹ và Bản nhân quyền và dân quyền của nước Pháp, nhưng nước Mỹ và nước Pháp không thực hiện quyền tự do, độc lập và bình đẳng trong truyên ngôn. Hai nước này đang tự cho mình cái quyền đưa quân đi xâm chiếm các nước khác, cướp đi quyền tự do, độc lập và bình đẳng của họ, biến họ thành những nước thuộc địa, bị áp bức bóc lột. Vì vậy; Tư tưởng nhân văn dân chủ nhân dân cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ cho các nước thuộc địa đang bị áp bức bóc lột thấy rõ quyền độc lập, tự do và quyền bình đẳng của mọi dân tộc. Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 bắt đầu bằng một định đề triết học nhân văn dẫn từ Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ năm 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của nước Pháp năm 1791 với những nguyên lý không thế nào chối cãi được. Sau đó, bằng những liệt kê tóm lược về tội trạng ăn cướp, tước đoạt mà bất cứ người nào khi nghe, khi đọc đều thấy sự phi lý của nó. Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh như lời tuyên án đối với chế độ thực dân vào ngày 02/9/1945. “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng”. Quyền bình đẳng đó không chỉ đối người Việt Nam, mà đối với tất các nước đang bị áp bức lột, bị đọa đày, đang đấu tranh cho lẽ sống của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn câu nói từ bản Tuyên ngôn của nước Mỹ năm 1776 “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi…”. Đó là nguyện vọng của quần chúng bình dân trong cuộc cách mạng Pháp đấu tranh vì lẽ sống của mình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thu triết lý nhân văn, tinh hoa trí tuệ từ Tuyên ngôn Pháp và Mỹ, đó cũng là lẽ tự nhiên. Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 toát lên sự gặp gỡ của dòng triết học phương Đông và phương Tây. Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 với tư tưởng nhân văn như dòng quy tụ triết học Á - Âu - Mỹ, dòng hợp lưu trí tuệ của nhân văn nhân loại với Việt Nam, đã trở thành sức mạnh trí tuệ đầy sức thuyết phục, thành vũ khí đấu tranh, buộc ngay cả kẻ thù chỉ cần một chút lương tri cũng phải thừa nhận. Thật kỳ diệu, chỉ với 1.120 từ với nội dung cô đọng, súc tích, nhân văn, Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh chứa đựng giá trị thời đại to lớn. Trong các quyền dân tộc cơ bản trong Tuyên ngôn không phải chỉ riêng cho Việt Nam mà là một xu thế tất yếu của thời đại. Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 còn hàm chứa nhiều nội dung có ý nghĩa to lớn. Đó là bản hùng văn của dân tộc, vừa hào khí bừng bừng, vừa lập luận chặt chẽ, vừa đanh thép về pháp lý quốc tế, vừa nung nấu tình cảm dân tộc nồng nàn, vừa kế thừa khí phách của cha ông, vừa thâu tóm được tinh thần thời đại. Trải qua ba 3/4 thế kỷ, Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn khắc sâu vào tâm khảm bao thế hệ người Việt Nam và những người yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới.

Tư tưởng nhân văn dân chủ nhân dân cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ cho các nước thuộc địa đang bị áp bức bóc lột thấy rõ quyền độc lập, tự do và quyền bình đẳng của mọi dân tộc - ảnh: tư liệu. 

Tư tưởng nhân văn dân chủ nhân dân Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập là Nhà nước ra đời, trước hết phải đảm bảo tính lập hiến và tính lập pháp, cho nên ngày 2/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, đặt nền móng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Để đảm bảo tinh lập hiến, lập pháp của một nhà nước, như nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vừa mới ra đời. Vì vậy, ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ Lâm thời, ngày 3/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên một trong sáu vấn đề cấp bách hơn cả của chính quyền cách mạng lúc này là phải có ngay một “bản Hiến pháp dân chủ”. Người nói: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự tự do dân chủ. Chúng ta phải có một bản Hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội với chế độ phổ thông đầu phiếu”(6). Ngày 06/01/1946, tất cả công dân Việt Nam, không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo, chính kiến... từ 18 tuổi trở lên đã tham gia cuộc Tổng tuyển cử tự do lựa chọn người đại diện cho mình vào Quốc hội - cơ quan quyền lực tối cao có quyền lập hiến, lập pháp. Ngày 9/11/1946, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá I, đã thảo luận dân chủ và thông qua bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử Việt Nam và đầu tiên ở Đông Nam Á, làm nền tảng pháp lý vững chắc, luật cơ bản của Nhà nước dân chủ nhân dân. Đó là thể hiện tư tưởng nhân văn dân chủ nhân dân cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quyền tự do, dân chủ và bình đẵng để đảm bảo các quyền đó thì phải được thể hiện bằng pháp lý các quyền đó với nhà nước và nhân dân, nhằm xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Chúng ta càng thấy thấm thía hơn tư tưởng nhân văn dân chủ nhân dân cao cả, tư tưởng lớn trong Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện rõ nét.

Năm 1945, Cuộc chiến tranh thế giới thứ hai là sự đòi chia lại thuộc địa của các nước đế quốc lớn. Cả nhân loại chìm trong bóng tối của Chủ nghĩa thực dân. Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1945 đã chặt đứt mắt xích xung yêu của chủ nghĩa thực dân. Từ đây, phong trào giải phóng dân tộc phát triển mạnh mẽ. Chúng ta có thể thấy, tư tưởng nhân văn dân chủ nhân dân Hồ Chí Minh thể hiện trong Tuyên ngôn độc lập năm 1945 thật sự khác biệt với nền dân chủ của nước Pháp, nước Mỹ và nhiều nước đế quốc khác. Nhân văn dân chủ nhân dân Hồ Chí Minh xuyên suốt trong Tuyên ngôn độc lập và trong thực tiễn cách mạng Việt Nam, đang tiếp diễn tới hôm nay.

Tư tưởng nhân văn dân chủ nhân dân trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Người đã vượt lên tư tưởng nhân quyền, dân quyền của Tuyên ngôn nước Mỹ năm 1776, Tuyên ngôn của cách mạng Pháp năm 1791. Nội dung bản tuyên ngôn đã chỉ rõ: con người sinh ra có quyền được mưu cầu hạnh phúc, được sung sướng. Nhưng Chủ nghĩa đế quốc viết nên những điều đó để nhằm bảo vệ chủ nghĩa cá nhân, bảo vệ quyền xâm lược thuộc địa, xâm hại các quyền khác của các dân tộc. Còn nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trong bản Tuyên ngôn Độc lập Chủ tịch Hồ Chí Minh viết ra và đọc vào ngày 2/9/1945 mang tư tưởng nhân văn dân chủ nhân dân, nhân dân đứng lên làm chủ đất nước, dân ta giải phóng cho ta. Cả dân tộc tổng khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân, mong muốn và thực tế đã là một nước độc lập tự do. Có thể thấy rằng, Tư tưởng nhân văn dân chủ trong các bản Tuyên ngôn Độc lập về nội hàm giống nhau, nhưng về mục đích và hành động khác nhau. Tư tưởng nhân văn dân chủ trong Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ và pháp hoàn toàn mang tính cá nhân tự cho mình cái quyền đi xâm chiếm nước khác, cướp đi quyền sống, quyền tự do và độc lập của nước khác. Tư tưởng nhân văn dân chủ Hồ Chí Minh là quyền cá nhân được tôn trọng và pháp luật được thực hiện.

Thực tiễn cho thấy, dân ta ngày càng sáng tạo, đạt nhiều thành tựu lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu như chiến thắng thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, gột rửa, hàn gắn vết thương chiến tranh kẻ thù gây ra, khôi phục kinh tế... Để làm những việc đó, chắc chắn là nhờ có động lực dân chủ Hồ Chí Minh. Mỗi quốc gia có một nền dân chủ. Trong tất cả các nước dân chủ trên thế giới này, có lẽ nền dân chủ Hồ Chí Minh là tiến bộ hơn cả. Từ khi có sự lãnh đạo sáng suốt tài tình của Đảng cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo cách mạng Tháng Tám năm 1945 dành thắng lợi, Người đã viết và đọc bản Tuyên ngôn Độc lập vào ngày 2/9/1945, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Với bản Tuyên ngôn Độc lập mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại quảng trường Ba Đình Lịch sử, Người giành nhiều tâm huyết, trí tuệ viết nên, đã khẳng định quyền tự do, độc lập, dân chủ nhân dân, đó không chỉ là mong muốn của Người, của nhân dân Việt Nam, mà còn đối với tất cả những người yêu chuộng hòa bình, độc lập, tự do và công lý trên thế giới, thể hiện đầy ắp tính nhân văn cao cả của Người. Tư tưởng nhân văn cao cả trong Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhắc nhở chúng ta: Giành được độc lập đã khó, nhưng giữ vững được độc lập, để đất nước phát triển bền vững, nhân dân được hạnh phúc và tự do còn khó khăn gấp bội phần. Muốn thực hiện được điều lớn lao đó, phải tiến hành cuộc cách mạng triệt để, dựa vào sức mạnh đoàn kết của toàn dân và phải luôn luôn vì quyền lợi của nhân dân. Đấy cũng là ý nghĩa sâu xa của Tuyên ngôn độc lập. Tuyên ngôn độc lập thể hiện sáng ngời tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh về quyền dân tộc, quyền con người, tinh thần nhân văn và chính nghĩa Việt Nam, tỏ rõ ý chí của dân tộc ta quyết tâm bảo vệ nền độc lập, quyền tự do. Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố trước thế giới về quyền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Đấy cũng chính là tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” mà Người đã kêu gọi nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược. Tuyên ngôn độc lập khích lệ nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc trên thế giới anh dũng đứng lên chống chủ nghĩa thực dân, “đem sức ta mà giải phóng cho ta”! Cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc điển hình và triệt để đầu tiên ở Đông Nam Á. Từ đây, nhân dân nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á, châu Phi và Mỹ La-tinh noi gương Việt Nam, đã nổi dậy tiến hành cuộc cách mạng dân tộc và dân chủ của nước mình, làm suy yếu chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới.

Từ khi Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập đến nay, vị thế đất nước Việt Nam đã có nhiều đổi thay, lời thề lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh với bản Tuyên ngôn Độc lập của Người luôn soi sáng, hun đúc tinh thần người Việt Nam yêu nước quyết tâm giữ vững nền độc lập, tự do của Tổ quốc, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ trên cơ sở tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam thì nhân quyền mới được giữ vững, đồng thời, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là nhân tố nền tảng cho sự phát triển không ngừng về quyền con người, nhằm xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt nam XHCN./.

____________

Nhân dịp kỷ niệm 77 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (2/9/1945-2/9/2022)

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, HN, 2000, t.4, Tr.4

(2) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, HN, 2000, t.4, Tr.1

(3) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, HN, 2000, t.4, Tr.1

(4) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, HN, 2000, t.4, Tr.3-4

(5) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, HN, 2000, t.4, Tr.1

(6) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, HN, 2000, t.4, Tr.8

Nguyễn Văn Công - Nguyên Giám đốc

Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch