Quan trọng nhưng chưa được quan tâm đúng mức
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm, công tác truyền thông các chủ trương, đường lối, chính sách luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt coi trọng với phương châm truyền thông phải đi trước để thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội. Hệ thống báo chí, truyền thông cũng góp phần hết sức to lớn vào việc tuyên truyền kịp thời những thông điệp quan trọng trong chính sách của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ.
Tuy nhiên, các kết quả bước đầu của việc đổi mới công tác truyền thông chính sách chủ yếu vẫn tập trung ở các cơ quan đầu não ở Trung ương với nguồn lực ít nhiều cũng được trang bị, đầu tư cơ bản. Ở nhiều địa phương và cá biệt ở một số bộ ngành hiện nay, công tác truyền thông không được quan tâm do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan.
Gần đây, nhiều vụ việc nổi cộm trên báo chí, truyền thông (trong đó, có vụ việc trở thành "sự cố truyền thông", ảnh hưởng lớn đến tâm lý xã hội, sản xuất kinh doanh, thậm chí trật tự an ninh...) có nguyên nhân xuất phát một phần từ sự thiếu kinh nghiệm xử lý truyền thông hiệu quả từ phía các cơ quan hành chính Nhà nước. Nhiều Bộ, ngành, địa phương chưa hình thành được đội ngũ cán bộ làm truyền thông chính sách chuyên trách, chuyên nghiệp, chưa thấy được tầm quan trọng của việc phải bố trí được nguồn lực phù hợp…
Nhận thức được tầm quan trọng của truyền thông chính sách, nhưng mức độ quan tâm đến công tác này chưa được đặt đúng vị trí, chức năng, nhiệm vụ vì những nguyên nhân sau:
Một là, cấp uỷ, chính quyền, nhất là người đứng đầu một số cơ quan, bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm, chưa có nhận thức đúng về vai trò, tầm quan trọng của truyền thông chính sách. Nhận thức của các cấp, các ngành về công tác này còn chưa tương xứng với nhiệm vụ. Chưa chủ động, sáng tạo, linh hoạt cung cấp thông tin, chất liệu cho báo chí, truyền thông đầy đủ, kịp thời. Một số chủ trương, chính sách đúng nhưng chưa truyền thông tốt, người dân chưa hiểu hết nên thực hiện còn khó khăn.
Hai là, vẫn chưa có sự thống nhất trong tư duy tiếp cận về truyền thông chính sách.Vẫn còn có nhận thức chưa đúng rằng "truyền thông chính sách là việc của báo chí", trong khi trên thực tế, truyền thông chính sách thuộc chức năng của chính quyền, là việc của chính quyền. Việc hoạch định, ban hành và thực thi chính sách nhiều lúc, nhiều nơi thiếu hẳn khâu đánh giá tác động truyền thông, dẫn đến không được truyền thông đúng cách và đủ "liều lượng". Một số bộ, ngành và địa phương chưa ban hành kế hoạch tổng thể và cụ thể về truyền thông chính sách, để từ đó có lộ trình, bước đi, đội ngũ và nguồn lực triển khai công tác truyền thông một cách bài bản, chuyên nghiệp.
Ba là, trong quá trình xây dựng dự thảo chính sách, các cơ quan soạn thảo chưa phát huy vai trò chủ động của cơ quan, đơn vị, cá nhân chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm phát luật trong tổ chức truyền thông dự thảo chính sách.Việc chủ động tiếp xúc, cung cấp thông tin cho báo chí vẫn được coi là việc "khó", tâm lý cán bộ ngại tiếp xúc với báo chí khá phổ biến ở nhiều bộ ngành, địa phương, dẫn đến việc báo chí gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn thông tin chính thống để giải thích chính sách. Về nguyên tắc truyền thông chính sách, phải làm truyền thông cả trước, trong và sau ban hành chính sách; tạo cơ chế, điều kiện để người dân, tổ chức, doanh nghiệp góp ý phản biện chính sách.
Bốn là, công tác truyền thông là một chức năng của chính quyền các cấp, cần có ngân sách dành riêng cho truyền thông, cả chi thường xuyên và chi đầu tư. Tuy nhiên trên thực tế chưa có hoạt động chi ngân sách riêng cho hoạt động truyền thông chính sách. Việc đặt hàng truyền thông chính sách trên thực tế đã có, nhưng chưa đủ, hoặc chưa đáp ứng được yêu cầu do ngân sách Nhà nước còn eo hẹp. Hiện chưa thể thống kê kinh phí dành cho truyền thông chính sách là bao nhiêu vì chưa có danh mục các công việc, nhiệm vụ cụ thể được coi là thuộc nhiệm vụ truyền thông chính sách, nhưng nhìn chung các đơn vị chưa được cấp kinh phí để thực hiện.
Năm là, báo chí chính thống vẫn là kênh chủ lực trong việc hỗ trợ tuyên truyền chủ trương chính sách nhưng đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn.Kinh tế báo chí khó khăn do nguồn thu quảng cáo, dịch vụ giảm. Về thu hút quảng cáo, báo chí chính thống đang mất dần ưu thế so với các nền tảng mạng xã hội. Toàn bộ hệ thống báo, đài và trang tin trong nước chỉ thu hút khoảng 40% tổng doanh thu quảng cáo trên toàn thị trường, còn lại 60% doanh thu thuộc về các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới. Với nguồn thu từ dịch vụ quảng cáo giảm sút nêu trên, các cơ quan báo chí tự đảm bảo kinh phí hoạt động đang gặp khó khăn cho việc đảm bảo nguồn kinh phí cho hoạt động truyền thông chính sách. Cùng với đó, báo chí truyền thống đang gặp khó khăn về nguồn lực đầu tư để thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để sản xuất và đưa nội dung báo chí lên chiếm lĩnh, lan tỏa rộng trên không gian mạng…
Kinh tế báo chí chưa được chú trọng đúng mức để cơ quan báo chí có thêm nguồn lực tham gia vào quá trình truyền thông chính sách một cách hiệu quả. Công tác quản lý "báo, đài" chủ yếu được coi là việc của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, trong khi nhiều cơ quan chủ quản gần như buông lỏng, chưa giao nhiệm vụ tương xứng và chưa quan tâm đến việc phải đảm bảo đủ điều kiện, nguồn lực cho cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ và chủ động truyền thông chính sách từ cơ quan Nhà nước.
Mọi chính sách phải hướng đến người dân
Từ thực trạng và bài học kinh nghiệm thực tiễn, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất một số giải pháp, kiến nghị: Cần cấp bách thay đổi nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác truyền thông chính sách như là một nhiệm vụ, một chức năng của cơ quan hành chính nhà nước, từ đó, định hình bộ máy chuyên trách và hình thành vị trí việc làm phù hợp cho công tác truyền thông của cơ quan nhà nước. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị tăng cường công tác truyền thông chính sách để làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương hình thành bộ phận/đơn vị thực hiện chức năng nhiệm vụ tham mưu truyền thông chính sách chuyên trách, chuyên nghiệp, cũng như tăng cường bố trí kinh phí cho công tác này.
Nhà nước có chính sách và nguồn lực hỗ trợ các cơ quan báo chí đổi mới công nghệ, chuyển đổi số để chiếm lĩnh và dẫn dắt thông tin trên không gian mạng, trở thành dòng chảy chính, tích cực để dẫn dắt dư luận, truyền thông chính sách hiệu quả. Các bộ, ngành, địa phương ban hành quy tắc ứng xử, quy trình truyền thông chính sách; bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ truyền thông của các bộ, ngành và địa phương; bố trí kinh phí cho hoạt động truyền thông trọng điểm…
Để công tác truyền thông thực sự hướng đến người dân, lấy người dân làm chủ thể, chính sách phục vụ lợi ích của nhân dân, công tác truyền thông chính sách cần tập trung làm tốt một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, phải đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm về truyền thông chính sách.Để làm tốt công tác truyền thông chính sách thì không chỉ có quyết tâm, mà phải có phương pháp, cách làm khoa học và phù hợp với tình hình, điều kiện, bối cảnh từng cơ quan, đơn vị, phù hợp với nội dung thực hiện, vừa có tính khoa học, vừa có tính nghệ thuật. Khuyến khích sáng tạo, đổi mới nội dung và hình thức truyền thông chính sách, làm sao truyền tải thông tin đơn giản, dễ hiểu, dễ nghe, dễ nghe, dễ thực hiện, dễ giám sát, kiểm tra, đánh giá, dễ đi vào lòng dân, từ đó, người dân tự giác thực hiện.
Thứ hai, phải quán triệt Nghị quyết số 25-NQ/TW về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”.Thúc đẩy, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức chấp hành, tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật, xây dựng lối sống và làm việc theo pháp luật; đồng thời, bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền được thông tin về pháp luật của công dân. Cần chủ động cung cấp thông tin trung thực, khách quan. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhằm phát huy vai trò của các cơ quan thông tin, báo chí trong truyền thông chính sách. Không nên chỉ coi truyền thông chính sách là công việc của các cơ quan báo chí, truyền thông.
Thứ ba, cần đẩy mạnh truyền thông chính sách trên các phương thức truyền thông mới.Bên cạnh việc chủ động thông tin trên các kênh báo chí chính thống, cần tận dụng mạng xã hội, các phương tiện truyền thông mới để góp phần lan tỏa, quảng bá truyền thông chính sách, tiếp tục hoàn thiện chính sách, đánh giá chính sách và giám sát việc thực hiện chính sách theo nhiều chiều, khía cạnh khác nhau.
Thứ tư, đào tạo, bồi dưỡng, giao việc và xây dựng hệ thống nhân lực truyền thông chuyên nghiệp ở các Bộ, ban, ngành và các cấp chính quyền địa phương; đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc, phần mềm. Đồng thời, bố trí ngân sách chi thường xuyên cho các hoạt động truyền thông chính sách; xây dựng cơ chế đặt hàng với các cơ quan báo chí trong việc tuyên truyền chính sách theo từng lĩnh vực, theo kế hoạch từng quý, từng năm và từng giai đoạn.
Thứ năm, xây dựng môi trường pháp lý cho truyền thông chính sách trong bối cảnh chuyển đổi số.Phát triển kinh tế truyền thông chính sách dựa trên quy luật và thực trạng quan hệ cung - cầu và đặc thù công chúng truyền thông chính sách của quốc gia và địa phương. Đồng thời, sử dụng trí tuệ nhân tạo và phần mềm cảm biến, nhận diện, giúp phân tích dữ liệu người dùng, tự động tạo và “nhảy ra” các pop-up quảng cáo phù hợp... giúp tối ưu hóa phân tích cạnh tranh, xây dựng chiến lược truyền thông chính sách tiếp thị tích hợp, quảng cáo sản phẩm truyền thông chính sách, “cá nhân hóa” sản phẩm truyền thông chính sách...
Thứ sáu, truyền thông chính sách trong bối cảnh mới phải gắn với đấu tranh tư tưởng, lý luận, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch;nâng cao chất lượng định hướng và hiệu quả quản lý mạng xã hội, củng cố thái độ kiên quyết, nâng tầm trình độ đấu tranh, phê phán của mỗi chủ thể, mỗi con người.Cần chủ động cung cấp thông tin trung thực khách quan, sát thực; đấu tranh với các quan điểm, thông tin sai trái. Cần tạo động lực, tạo cảm hứng cho người dân tham gia công tác truyền thông chính sách chủ động, tích cực. Đánh giá chính sách và giám sát thực hiện thi hành chính sách theo nhiều chiều, nhiều hướng, ý kiến khác nhau, để từ đó thấy được điều gì đi vào thực tiễn, điều gì cần bổ sung.
Thứ bảy, cần đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm nêu gương trong lãnh đạo, chỉ đạo công việc,thường xuyên tổ chức họp báo cung cấp thông tin cho báo chí theo đúng quy chế hoạt động của các bộ, ban, ngành và UBND các cấp; tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan; phối hợp cung cấp chất liệu, thông tin để truyền thông.
Thứ tám, phải tuân thủ nguyên tắc “mọi chính sách phải đến được với người dân với tinh thần lấy dân làm gốc, với phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Truyền thông chính sách góp phần nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý, điều hành của Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành, địa phương, góp phần thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, truyền thông chính sách phải để “Dân biết - Dân hiểu - Dân tin - Dân theo - Dân làm - Dân thụ hưởng”./.
Truyền thông chính sách góp phần nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý, điều hành của Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành, địa phương, góp phần thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, truyền thông chính sách phải để “Dân biết - Dân hiểu - Dân tin - Dân theo - Dân làm - Dân thụ hưởng”. /.
TS Nguyễn Thị Thanh Thủy
Học viện Phụ nữ Việt Nam