25/11/2024 lúc 21:20 (GMT+7)
Breaking News

Trường THPT Đồng Lộc – trưởng thành từ khói lửa chiến tranh

Ra đời sau chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, hòa bình lập lại ở Miền Bắc, nửa thế kỷ qua, các thế hệ thầy và trò của Trường THPT Đồng Lộc đã không ngừng phấn đấu, nỗ lực vượt khó, để Ngã ba Đồng Lộc không chỉ được biết đến là một địa danh lịch sử anh hùng đã đi vào huyền thoại, mà còn là một vườn ươm dạy chữ trồng người.

Tập thể cán bộ giáo viên Trường THPT Đồng Lộc năm học 2023 - 2024

Ra đời nơi Ngã ba Đồng Lộc huyền thoại

Những đợt bom rải thảm, tại Đồng Lộc, Thượng Lộc kết thúc sau khi 34 máy bay B 52 bị bắn hạ trên bầu trời Miền Bắc. Trên Ngã ba Đồng Lộc, xe vẫn qua, đường vẫn thông, sông vẫn chảy, bộ đội và khí tài vẫn vượt đường 15A băng ra tiền tuyến. Đế quốc Mỹ chấp nhận thất bại, Hiệp định Pa ri được ký kết. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chiến thắng. Quân và dân Ngã ba Đồng Lộc đã chiến thắng, nhưng hậu quả chiến tranh để lại vô cùng nặng nề: Hơn 49 nghìn quả bom các laoij nổ và chưa nổ, hàng nghìn đồng bào chiến sỹ đã hy sinh, bị thương tật, hạng vạn ha đồng ruộng bị hoang hóa, nhà cửa bị tàn phá và trên hết, hàng vạn học sinh vất vả, cực nhọc đến trường, những em học lên cấp 3 (mõi xã chỉ có vài ba em) phải đi học xa nhà hàng chục cây số.

Đầu năm 1973, nhân dịp Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên vào thăm Hà Tĩnh. Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh lúc đó là ông Trần Quang Đạt đã đề xuất với Bộ trưởng cho đặc cách mở thêm Trường phổ thông cấp 3 Đồng Lộc để con em các xã vùng Trà Sơn, Can Lộc có điều kiện học hết cấp ba. Đây cũng là một việc làm để đền ơn, đáp nghĩa đối với các anh hùng liệt sỹ và ghi nhận những đóng góp, hy sinh to lớn vì miền Nam yêu thương “xe chưa qua, nhà không tiếc” của quân và dân xung quan Ngã ba Đồng Lộc. Trước nguyện vọng đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên đã đồng ý. Thời gian chỉ có mấy tháng ngắn ngủi với sự vào cuộc quyết liệt của Ty Giáo dục, của cấp ủy, chính quyền huyện Can Lộc và các xã trong vùng, ngày 05/9/1973, trên đồi Khiêm Ích, xã Đồng Lộc tiếng trống khai trường lần đầu tiên vang lên trong niềm vui khôn tả, xen lẫn bồi hồi xúc động của thầy, trò và cán bộ, nhân dân 9 xã vùng Trà Sơn, Can Lộc.

Sự ra đời của Trường cấp 3 Đồng Lộc, không thể không kể đến thế hệ thầy cô giáo đầu tiên về xây dựng Trường. Họ là những thầy giáo đa phần rất trẻ, thông minh và nhiệt huyết. Thầy giáo Thái Kim Quý, người hiệu trưởng đầu tiên của trưởng Trường phổ thông cấp 3 Cẩm Xuyên “Anh làm hiệu trưởng trường ba lớp. hủ tịch Hội đồng chín giáo viên. Giã từ đất học Cẩm Xuyên. từ Trong khói lửa dựng nên Trường Đồng”- (Thơ Hoàng Long) được điều động, bổ nhiệm làm Hiệu trưởng (Sau này Thầy Quý cũng chính là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường THPH Nghèn, Can Lộc). Thầy Quý là một người tài hoa, tận tâm, nhiệt huyết, không chỉ quan tâm xây dựng cơ sở vật chất, Thầy đã liên hệ vận động tập hợp được nhiều thầy cô giáo giỏi, tâm huyết về giảng dạy tại trường.

Trường Cấp 3 Đồng Lộc những ngày đầu mới thành lập (1973)

Trường THPT Đồng Lộc hôm nay

Từ phòng tranh mái lá đến trường chuẩn quốc gia

Trường cấp 3 Đồng Lộc khi thành lập chưa có bất kỳ cơ sở vật chất nào. Phụ huynh, thầy cô giáo và học sinh san lấp hố bom, dựng nên những phòng học, phòng ở nứa tranh tạm bợ. Không thể kể hết những vất vả, gian truân của những ngày đầu gian khó. Năm học đầu tiên (1973-1974) trường có 9 lớp (4 lớp 8, 3 lớp 9 và 2 lớp 10). Hội đồng nhà trường có 26 giáo viên, nhân viên phục vụ. Nhà trường tự tuyển sinh khối 8 theo quy chế chung, khối 9 và khối 10 chuyển số học sinh là con em các xã Trung Lộc, Đồng Lộc, Thượng Lộc, Khánh Lộc, Xuân Lộc, Tiến Lộc và thị trấn Nghèn đang học tại Trường phổ thông cấp III Can Lộc (đóng ở xã Thanh Lộc) và một số học sinh các xã Quang Lộc, Sơn Lộc, Mỹ Lộc.

Trong khóa học đầu tiên 1973-1976, đất nước vẫn chưa thống nhất. Hướng về miền Nam thân yêu, phong trào thi đua “Dù khó khăn đến đâu cũng thi đua dạy tốt, học tốt” đã diễn ra sôi nổi, hào hứng trong toàn trường.Nhiều học sinh của nhà trường đã “xếp bút nghiên” lên đường ra trận trong đó một số người đã vĩnh viễn nằm lại ở chiến trường. Nhiều học sinh nhập ngũ đã được đào tạo, trở thành sỹ quan cao cấp, cán bộ ưu tú của quân đội, những em trở về lại bắt tiếp tục cầm bút học tập, lác đác có những mái đầu “giáo viên tóc bạc như học viên”.

Đi qua thời gian, cùng quá trình đổi mới của đất nước, từ những lớp học tranh tre nứa lá ban đầu,đến 16 phòng học cấp 4 được xây dựng bằng tường gạch vào những năm 80 thế kỷ trước, đến nay Cơ sở vật chất của nhà trường ngày một khang trang, bề thế: Khu phòng học 3 tầng;  khu nhà hiệu bộ 2 tầng, có đủ phòng làm việc cho Ban Giám hiệu, các đoàn thể và khu làm việc của Hội đồng giáo viên; 5 phòng thực hành đạt chuẩn quốc gia… Từ năm học 2011 - 2012 Trường THPT Đồng Lộc được công nhận Trường chuẩn Quốc gia.Giai đoạn này quy mô nhà trường đạt đến 45 lớp có 2218 học sinh;111 cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Anh hùng LLVT La Thị Tám nói chuyện với giáo viên, học sinh Trường THPT Đồng Lộc

Trường huyện nhưng chất lượng không thua trường thành phố

Nửa thế kỷ đã đi qua, trên mảnh đất Ngã ba Đồng Lộc huyền thoại, các thế hệ cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường đã tiếp nối truyền thống hiếu học của vùng đất địa linh nhân kiệt Núi Hồng – Sông La viết nên những trang sử vàng trong sự nghiệp dạy chữ, trồng người. Hàng chục ngàn học sinh đã tung cánh muôn phương, lập thân, lập nghiệp trên mọi miền Tổ quốc và ở nước ngoài. Rất nhiều học sinh đã trở thành GS, TS, nhà khoa học, nhà quản lý, tướng lĩnh, sỹ quan cấp cao trong quân đội, công an, doanh nhân, kỹ sư, nhà giáo, nhà báo… là niềm tự hào của nhà trường, của quê hương trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đổi mới đi lên hội nhập quốc tế sâu rộng. Tiêu biểu như Trần Đình Hòa học sinh khóa 1984-1987, giáo sư trẻ nhất được nhà nước phong tặng đợt năm 2013, hiện là Viên trưởng Viện Khoa học Thủy Lợi. Thái Văn Minh, học sinh khóa 1980-1983, hiện là Trung tướng, Cục trưởng Cục Quân huấn, Bộ Tổng Tham mưu…

Cựu HS Trần Đình Hòa - Tân GS trẻ nhất Việt Nam năm 2013: "Trong nghiên cứu khoa học phải hết sức trung thực, khách quan và kiên trì"

Cựu HS - Trung Tướng Thái Văn Minh, Cục trưởng Cục Quân huấn, Bộ Tổng Tham mưu QĐNDVN

Hòa cùng dòng chảy của cách mạng công nghệp 4.0, nhà trường đã từng bước thực hiện chuyển đổi số, đổi mới phương pháp dạy và học, đảm bảo tiến độ chương trình với chất lượng cao. Thầy Nguyễn Huy Tuấn, Bí thư Đảng ủy - Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Lộc cho biết: “Những năm gần đây, tỉ lệ học sinh đậu tốt nghiệp hằng năm trên 99%, số học sinh có tổng số điểm xét tuyển tổ hợp 3 môn vào đại học ngày càng cao, riêng năm học 2021-2022 số học sinh có tổng 3 môn xét tuyển đại học từ 27 điểm trở lên nằm trong tốp năm toàn tỉnh; số lượng học sinh đạt học sinh giỏi tỉnh luôn xếp trong tốp 10 toàn tỉnh, năm học 2021-2022 xếp thứ 2, đặc biệt có 3 học sinh đạt học sinh giỏi Quốc gia. Công tác nghiên cứu khoa học tiếp tục được chú trọng, phát huy. Từ năm học 2013-2014 đến nay có 140 sáng kiến kinh nghiệm cấp ngành, trong đó có 43sáng kiến kinh nghiệm được bảo lưu 11sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh. Về cán bô, giáo viên, có 14 giáo viên đạt giáo viên giỏi tỉnh, 75 lượt được tặng giấy khen, 30 lượt được tặng bằng khen,187 chiến sỹ thi đua cấp cơ sở,4cán bộ, giáo viên chiến sỹ thi đua cấp tỉnh.

Vinh dự và tự hào, Trường THPT Đồng Lộc đã được Thủ Tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh tặng Bằng khen, nhiều năm liền được Chủ tịch UBND tỉnh tặng danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, đặc biệt năm học 2018-2019 được UBND tỉnh tặng Danh hiệu “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua”,“Đơn vị điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016-2020”. Ngày 27/10/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã ký Quyết định số 1285/Đ-CTN tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho Trường Trung học phổ thông Đồng Lộc vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục và đào tạo. Ngoài việc giảng dạy, xây dựng trường lớp, nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực đã truyền đi, lan tỏa thông điệp “uống nước nhớ nguồn”, “tôn sư trọng đạo”. Trường không chỉ là nơi dạy chữ, mà cao quý hơn đó là sự nghiệp trồng người.

Năm mươi năm, một quãng thời gian không dài so với tiến trình lịch sử, nhưng đã hơn nửa đời người. Trường xưa giờ đã khang trang, những cây xà cừ các thế hệ đầu tiên trong trước sân còn đó. Những Ông Đồ già thế hệ đầu tiên của trường nay tóc bạc da mồi nhưng nụ cười vẫn trìu mến yêu thương khi nhắc đến những cậu học trò nhất quỷ, nhì ma một thuở. Bao bạn bè mừng vui, ngày gặp mặt.Nhiều thầy cô giáo như Thầy Thái Kim Quý, Thầy Bùi Ngạn, Thầy Nguyễn Trí Tơ…đã về chốn bồng lai, vui tiếng hạc, nhiều học sinh hoặc đã nằm lại chiến trường, hoặc đã lên đường theo tổ tiên. Buồn, vui lẫn lộn nhưng rất đỗi tự hào là học sinh của mái trường THPT Đồng Lộc anh hùng./.

Ngày 27/10/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã ký Quyết định số 1285/Đ-CTN tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho Trường Trung học phổ thông Đồng Lộc vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục và đào tạo.

Lê Công Lương (Cựu học sinh khoá 1978 – 1981)

...