23/11/2024 lúc 23:40 (GMT+7)
Breaking News

Trưởng Đại diện UNDP: Việt Nam vẫn tăng trưởng vững trong năm 2022

Bà Caitlin Wiesen, Quyền Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc (LHQ) tại Việt Nam, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển của LHQ (UNDP) tại Việt Nam nhìn nhận kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng vững và đạt được như mức kỳ vọng trong năm nay. Đồng thời, khuyến nghị, phục hồi kinh tế của Việt Nam cần hướng đến tăng trưởng xanh và bao trùm.

Bà Caitlin Wiesen, Quyền Điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển của LHQ (UNDP) tại Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên, bà Caitlin Wiesen cho rằng, mặc dù Ngân hàng Thế giới đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng như các quốc gia khác trong năm 2022, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng vững và đạt được như mức kỳ vọng khi mà du lịch, vận tải và các ngành dịch vụ khác đã phục hồi.

Theo bà Caitlin Wiesen, phục hồi kinh tế của Việt Nam cần hướng đến tăng trưởng xanh và bao trùm để đạt được mục tiêu kép, bao gồm kích thích tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ các hộ gia đình dễ bị tổn thương, những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch. Trong đó, Chính phủ có vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt tăng trưởng bền vững và nâng cao năng lực của khu vực kinh tế trong nước.

Đối với tăng trưởng xanh, bà Caitlin Wiesen kỳ vọng Chính phủ sẽ đầu tư vào các dự án chuyển đổi năng lượng và kích hoạt các hoạt động thích ứng với khí hậu.

Đối với tăng trưởng bao trùm, Chính phủ cần đề ra một cách tiếp cận toàn diện để cải thiện việc phân bổ nguồn lực tài chính dựa trên tình hình phát triển kinh tế-xã hội và tăng nguồn cung tài chính trong nước.

Theo bà Caitlin Wiesen, Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tăng trưởng bền vững trong năm nay, bao gồm tăng nguồn cung tài chính dài hạn; tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng giữa các doanh nghiệp trong nước thông qua nâng cấp công nghệ và đầu tư công; tăng tài chính cho ứng phó biến đổi khí hậu, và các hoạt động khác.

Bà Caitlin Wiesen cho rằng, thay vì đề cập tới việc quay lại cuộc sống bình thường sau đại dịch COVID-19 hay "bình thường mới", cần tìm kiếm một hình thức tăng trưởng mới phù hợp với bối cảnh hiện tại.

Theo đó, Chính phủ cần chú trọng tăng cường sự chống chọi của nền kinh tế qua việc nâng cao khả năng ứng phó với các tác động do con người gây ra cũng như tác động do thiên tai.

Ảnh minh họa

Ngoài ra, Việt Nam cần thúc đẩy phát triển thị trường nội địa bằng việc cung cấp các khoản tài chính dài hạn cũng như khuyến khích và nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước thông qua đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ và đổi mới.

Những yếu tố trên vô cùng cần thiết giúp cho Việt Nam trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045.

Không chỉ đồng hành với Việt Nam trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu, UNDP sẽ hỗ trợ Việt Nam trong các hoạt động phân tích cũng như nghiên cứu cách thức để nâng cao năng lực cho doanh nghiệp trong nước nhằm tham gia vào một sân chơi bình đẳng hơn với các chuỗi giá trị toàn cầu.

UNDP mong muốn được hợp tác chặt chẽ với Chính phủ và các đối tác phát triển để đẩy nhanh các hành động nhằm đạt được các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng, hướng đến xây dựng Việt Nam xanh, hòa nhập và thịnh vượng./.

Xuân Hòa Theo Cổng TTĐT Chính Phủ