23/11/2024 lúc 01:50 (GMT+7)
Breaking News

Trung tâm bảo trợ số 2 tỉnh Thanh Hóa: Ngôi nhà chung của những đứa trẻ yếu thế và người già neo đơn

“Nghe đối tượng bằng trái tim, giúp đối tượng bằng hành động” là mục tiêu hoạt động mà Trung tâm bảo trợ số 2 tỉnh Thanh Hóa đề ra. Từ đây, nhiều hoàn cảnh neo đơn, không nơi nương tựa, nhiều người bị bệnh đã có nơi thứ hai là “nhà” để được điều trị, chăm sóc, hỗ trợ.
Các em tham gia buổi sinh hoạt văn hoá, văn nghệ do Trung tâm tổ chức.

Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2 hiện đang nuôi dưỡng, chăm sóc 135 đối tượng, trong đó trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ mồ côi, khuyết tật, bại não, còn lại là người già cô đơn không nơi nương tựa, người khuyết tật.

Để thực hiện tốt các chỉ tiêu nhiệm vụ, ngay từ đầu năm Trung tâm đã xây dựng và ban hành kế hoạch về thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ năm được Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa giao. Đồng thời, Ban Giám đốc Trung tâm triển khai, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, viên chức, người lao động. Trên cơ sở đó, các bộ phận chuyên môn có các giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình đặc thù để thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra đôn đốc, động viên tập thể viên chức, người lao động của đơn vị đoàn kết phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đơn vị nói riêng và của Sở LĐ-TB&XH tỉnh nói chung.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Trung tâm Bảo trợ số 2 đã thực hiện 255 lượt đối tượng, đối tượng sa sút cần theo dõi là 32 người; khám định kỳ cho đối tượng là 10 người, đối tượng chuyển tuyến 06 người, đối tượng tử vong 03 người. Trong 6 tháng, Y tế duy trì công tác phòng chống dịch bệnh; thăm khám cho đối tượng hàng ngày, cung ứng thuốc đầy đủ, đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe đối tượng trước, trong và sau tết đảm bảo, an toàn. Thực hiện xây dựng quy trình, phân loại đối tượng và điều trị.

Chia sẻ với các em và người già neo đơn tại Trung tâm bảo trợ số 2 tỉnh Thanh Hóa.

Do đặc thù đối tượng là những người có hoàn cảnh éo le, chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống nên cán bộ, viên chức, người lao động làm việc tại đây luôn đặt chữ tâm lên hàng đầu, đoàn kết, chung sức đồng lòng phục vụ, chăm sóc, quản lý, điều trị và phục hồi chức năng cho các đối tượng. Ông Nguyễn Kiều Anh, Giám đốc trung tâm cho biết: Hiện nay, Trung tâm đang chăm sóc, nuôi dưỡng số đối tượng là 135 đối tượng (trong đó có 19 đối tượng tự nguyện). Đối tượng tăng: 19 người (đối tượng xã hội 07; đối tượng tự nguyện 08; đối tượng bảo vệ khẩn cấp 01; đối tượng lang thang 03 người); Đối tượng giảm 13 người, (chết 03 trong đó 02 đối tượng xã hội; 01 bảo vệ khẩn cấp; Về cộng đồng 09 người trong đó 03 đối tượng xã hội; 03 đối tượng tự nguyện; 03 đối tượng lang thang). Với mục tiêu chăm lo, quản lý nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội đầy đủ, đúng quy định trong thời gian qua, Ban giám đốc Trung tâm đã triển khai, tổ chức và thực hiện nghiêm các văn bản, chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên; lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, nhân viên trong toàn đơn vị thực hiện tốt các chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ được giao. Thường xuyên phát động các phong trào thi đua trong cán bộ, viên chức, người lao động theo phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo”. Qua đó đã tạo nên bầu không khí thi đua sôi nổi trong đơn vị, khơi dậy và động viên tính chủ động sáng tạo, lương tâm, trách nhiệm nghề, phát huy kinh nghiệm, sáng kiến của đội ngũ cán bộ, nhân viên, phát huy sức mạnh tập thể trong thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc. Trung tâm triển khai tốt việc tiếp nhận chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng diện bảo trợ xã hội như trẻ em mồ côi, người già neo đơn, trẻ em khuyết tật... Thực hiện kịp thời các chế độ chính sách đối với các diện đối tượng đang nuôi dưỡng tại Trung tâm. Để giúp đối tượng chuyển biến tâm lý theo hướng tích cực, xóa bớt mặc cảm về bệnh tật, phấn đấu tái hòa nhập cộng đồng, Trung tâm đẩy mạnh hoạt động phục hồi chức năng, thể thao, văn hóa - văn nghệ,... tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, nâng cao sức khỏe, tinh thần cho đối tượng. Một số cháu trong độ tuổi đến trường bảo đảm sức khỏe được đi học, được trang sắm quần áo, sách vở, đồ dùng học tập và bố trí phòng học riêng, có người đưa đón, kèm cặp, dạy dỗ. Số cháu là bại não thể co cứng không có khả năng hoạt động được chăm sóc 24/24 giờ. Đối với người già, người tàn tật nặng không tự phục vụ sinh hoạt của bản thân được chăm sóc đầy đủ. Tất cả các đối tượng đều được chăm sóc điều trị bệnh, như: chăm sóc sức khỏe ban đầu; sử dụng thuốc để điều trị bệnh; sơ cứu khi cần thiết; trong trường hợp vượt quá khả năng, thẩm quyền, đơn vị làm các thủ tục cho đi các tuyến bệnh viện để điều trị và cử cán bộ đi cùng quản lý, chăm sóc.

Các em thường xuyên được thăm khám và điều trị kịp thời khi có biểu hiện ốm đau.

Trung tâm có cán bộ y tế, trang thiết bị, dụng cụ y tế phù hợp, tủ thuốc bảo đảm chăm sóc sức khỏe ban đầu, sơ cấp cứu khi cần thiết; điều trị và mở sổ theo dõi; kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng và hàng năm cho từng đối tượng. Trung tâm tổ chức tư vấn đồng cảnh cho các diện đối tượng nhằm hỗ trợ về mặt tâm lý giữa những người đồng cảnh với nhau để họ lắng nghe nhau cùng nhau chia sẻ và vơi bớt mặc cảm; Một số đối tượng có sức khỏe được tổ chức cho lao động liệu pháp, như: trồng rau, quét dọn vệ sinh...

Thực hiện tốt công tác quản lý đối tượng trong và ngoài giờ, đảm bảo an toàn cho đối tượng và tài sản của đơn vị. Vào các dịp lễ, tết, Tết Thiếu nhi (1/6), Tết Trung thu…, Trung tâm tổ chức các hoạt động vui chơi, văn nghệ cho các em và được đón nhiều tổ chức, đoàn thể trong, ngoài tỉnh đến thăm, tặng quà bánh kẹo, đồ chơi, quần áo, giầy dép...

Bên cạnh đó, Trung tâm chủ động rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung một số cơ chế chính sách cũng như các chế độ tiêu chuẩn, định mức, quy định không còn phù hợp với tình hình thực tế. Công khai, đơn giản hoá thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, tăng cường đầu tư trang thiết bị, dụng cụ đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác của cán bộ trong đơn vị.

Mặc dù gặp không ít những khó khăn, song với sự quyết tâm, nỗ lực của tập thể cán bộ, viên chức, người lao động, Trung tâm Bảo trợ số 2 đã hoàn thành nhiệm vụ. Trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ được nâng lên. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Trung tâm còn gặp một số khó khăn như: Đối tượng phục vụ, trợ giúp của Trung tâm đa dạng thành phần, lứa tuổi; trong đó người già cô đơn không nơi nương tựa do tuổi cao, sức yếu nên dễ xảy ra những tai biến, trí nhớ giảm sút.

Vì vậy, trong thời gian tới trung tâm sẽ tiếp tục quan tâm đến đời sống tinh thần, nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, đảm bảo kịp thời các chế độ chính sách, hỗ trợ đối tượng hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, sẽ tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa nhằm tăng thêm nguồn lực phục vụ đối tượng, nâng cao chất lượng dịch vụ công tác xã hội đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ công tác xã hội của người dân hướng tới mục tiêu phát triển xã hội công bằng và hiệu quả./.

Ngọc Thể - Đỗ Thanh