15/01/2025 lúc 20:55 (GMT+7)
Breaking News

Trung Quốc 'siết tay' Iran giữa căng thẳng với Mỹ

VNHN - Thỏa thuận quan trọng giữa Iran và Trung Quốc được thảo luận giữa lúc hai nước đều căng thẳng với Mỹ và giúp đôi bên cùng có lợi.

VNHN - Thỏa thuận quan trọng giữa Iran và Trung Quốc được thảo luận giữa lúc hai nước đều căng thẳng với Mỹ và giúp đôi bên cùng có lợi.

"Hai nền văn hóa châu Á cổ đại, hai đối tác trong các lĩnh vực thương mại, kinh tế, chính trị, văn hóa và an ninh với góc nhìn tương đồng, chung nhiều lợi ích song phương và đa phương sẽ coi nhau là đối tác chiến lược", phần mở đầu bản dự thảo thỏa thuận Iran - Trung Quốc gồm 18 trang do NY Times thu thập được có đoạn.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif hôm 5/7 xác nhận Iran đang đàm phán một thỏa thuận 25 năm với Trung Quốc. Theo bản dự thảo bị rò rỉ, thỏa thuận này sẽ mở đường cho những khoản đầu tư trị giá hàng tỷ USD của Trung Quốc trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông, ngân hàng và an ninh mạng ở Iran.

Dự thảo còn cho thấy khả năng hợp tác giữa Tehran và Bắc Kinh về phát triển vũ khí, chia sẻ tình báo và tập trận quân sự chung, có khả năng thúc đẩy mức đầu tư của Trung Quốc tại Iran lên 400 tỷ USD. Tuy nhiên, thỏa thuận vẫn chưa được quốc hội Iran "bật đèn xanh" hoặc công khai, tính xác thực của tài liệu bị rò rỉ cũng chưa được kiểm chứng. Bắc Kinh từ chối bình luận về bản dự thảo.

Thông tin về "cú bắt tay" giữa Iran và Trung Quốc xuất hiện giữa lúc căng thẳng Mỹ - Trung không ngừng leo thang nghiêm trọng, gần đây nhất là việc hai bên đóng cửa lãnh sự quán của nhau. Trong khi đó, lãnh đạo tối cao Ayatollah Khameini của Iran nhắc lại lời thề trả thù Mỹ thích đáng vì vụ hạ sát tướng Qasem Soleimani, tư lệnh Lực lượng Quds, tại Iraq hồi tháng một.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) bắt tay Tổng thống Iran Hassan Rouhani tại một hội nghị ở Thượng Hải hồi tháng 5/2014. Ảnh: Reuters.

Theo bình luận viên Joseph Hincks của Time, Iran hiện nay muốn đạt thỏa thuận với Trung Quốc do khó khăn tài chính. Sau khi tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hồi năm 2018, Tổng thống Donald Trump tiến hành chiến dịch "gây áp lực tối đa" lên nền kinh tế Iran, đe dọa trừng phạt bất cứ nước nào mua dầu và nhập khẩu hàng hóa từ nước này.

Ông chủ Nhà Trắng cam đoan biện pháp này sẽ giúp "loại bỏ mối đe dọa từ chương trình tên lửa đạn đạo của Iran, ngăn chặn hoạt động khủng bố toàn cầu cùng mối đe dọa từ nước này tại Trung Đông". Hincks đánh giá những mục tiêu này chưa thành hiện thực, nhưng chúng đã đẩy Iran chìm sâu vào suy thoái.

Theo nhà kinh tế học Esfandyar Batmanghelidj, người sáng lập một nhóm cố vấn thúc đẩy thương mại giữa châu Âu và Iran, Tehran coi thỏa thuận mới với Bắc Kinh là cách thúc đẩy thêm lợi ích.

Tuy nhiên, ngay cả khi thương mại giữa hai nước được thúc đẩy như trong bản dự thảo bị rò rỉ, "Trung Quốc không thể bù đắp hoàn toàn cho sự thiếu thốn giao dịch với châu Âu", Batmanghelidj nhận định. Ngoài các lệnh trừng phạt và giá dầu thấp, Iran còn là vùng dịch Covid-19 lớn nhất Trung Đông, chồng chất thêm gánh nặng lên nền kinh tế. Bên cạnh đó, họ còn gặp khó với vụ bắn nhầm máy bay chở khách của Ukraine và làn sóng biểu tình trong nước.

"Chính quyền Tổng thống Hassan Rouhani cần ghi điểm sau 7 năm lãnh đạo", Ariane Tabatabai, tác giả một cuốn sách về chiến lược an ninh của Iran, cho hay. "Người dân đã mệt mỏi. Họ chỉ muốn biết rằng điều tốt đẹp sẽ đến vào thời điểm nào đó. Hợp tác với Trung Quốc có thể là cách để Iran nói rằng: hãy cố cầm cự, chuyện sẽ tốt lên".

Bắc Kinh cũng được cho là sẽ hưởng lợi nhờ thỏa thuận với Tehran. Giá dầu thấp hơn từ Iran sẽ cung cấp thêm nguồn năng lượng hữu ích cho họ, trong bối cảnh Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới hồi năm 2017 và từ lâu đã tìm cách đa dạng nguồn cung.

Vị trí địa lý của Iran còn giúp bổ sung một tuyến đường bộ cho sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng trải rộng khắp toàn cầu mà Bắc Kinh bắt đầu thực hiện từ năm 2013.

Mặc dù vậy, Jon Alterman, giám đốc Chương trình Trung Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) của Mỹ, chỉ ra rằng Iran không phải nút thắt quan trọng đối với BRI, cũng không phải nhà cung cấp dầu quan trọng cho Trung Quốc. "Bắc Kinh coi Tehran là một nguồn có thể mua với giá rẻ...Tehran có lợi ích với họ", chuyên gia nhận định.

Quan hệ thù địch giữa Tehran và Washington cũng có thể là một lý do. Căng thẳng gia tăng có nguy cơ thúc đẩy Mỹ dồn lực cho vùng biển quanh vịnh Ba Tư, rút bớt nguồn lực khỏi phía tây Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc được cho là đang tìm cách tăng cường hiện diện. Thêm vào đó, những bất đồng xung quanh cách giải quyết chương trình hạt nhân Iran khiến Mỹ và các đồng minh bị chia rẽ, tạo "khoảng trống" cho Trung Quốc.

Bằng cách đàm phán với Iran giữa chiến tranh thương mại với Mỹ, Trung Quốc cho thấy họ không e ngại nỗ lực cô lập Iran của Mỹ và ngày càng "miễn dịch" với các lệnh trừng phạt.

Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo Trung Quốc "sẽ gây suy yếu mục tiêu mà chính họ tuyên bố về thúc đẩy ổn định và hòa bình", nếu thách thức các lệnh trừng phạt của Mỹ và làm ăn với Iran.

Giới chuyên gia cho rằng hợp tác giữa Iran và Trung Quốc cho thấy những giới hạn trong chiến dịch "gây áp lực tối đa" của Trump. Theo Alterman, chính sách này dựa trên quan điểm rằng "Iran và thế giới không còn lựa chọn tốt nào khác ngoài tuân thủ mong muốn của Mỹ".

Tuy nhiên, trong 40 năm qua, giới lãnh đạo Iran đã đầu tư vào một loạt công cụ nhằm thoát khỏi áp lực từ nước ngoài. "Quan điểm rằng các lãnh đạo Iran sẽ chỉ đơn giản là chịu đựng áp lực từ Mỹ luôn là một ảo tưởng nguy hiểm", Alterman cảnh báo.

Với hàng nghìn tỷ USD dành cho các cuộc chiến kể từ năm 2001, hơn 800.000 người chết và tình trạng bất ổn không ngừng, Mỹ dường như đã trả giá đắt cho cuộc phiêu lưu tại Trung Đông. Mục tiêu giảm hiện diện quân sự trong khu vực của Mỹ được hướng tới trước cả khi Trump đắc cử và dự kiến tiếp tục được thúc đẩy, bất kể ai chiến thắng vào tháng 11.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Trung Quốc muốn lấp đầy khoảng trống. Một loạt thỏa thuận song phương với các nước Trung Đông cho thấy chính sách đối ngoại của Bắc Kinh tại khu vực tập trung vào đầu tư, thay vì thiết lập mạng lưới đồng minh dựa trên cơ sở chung lập trường.

Điểm mấu chốt của chính sách này là đảm bảo chiến lược tại một quốc gia không làm tổn hại chiến lược ở quốc gia khác. Do đó, "làn gió mới" trong quan hệ giữa Iran với Trung Quốc có nguy cơ khiến những đồng minh với Mỹ như Israel lo ngại.

Trong khi đó, một số người Iran không ủng hộ thỏa thuận với Trung Quốc. Trên mạng xã hội, một số bày tỏ hoài nghi về Bắc Kinh, thậm chí lan truyền tin đồn vô căn cứ rằng thỏa thuận đòi hỏi Tehran giao đất cho họ, hoặc cho phép họ triển khai quân đội tại nước này.

"Iran từng trông cậy vào Trung Quốc nhằm giảm bớt áp lực kinh tế", nhưng chưa có kết quả, tác giả Tabatabai nhận định về nguồn gốc của sự hoài nghi. "Thỏa thuận bao gồm rất nhiều hứa hẹn, nhưng tôi nghĩ nó sẽ không giúp hiện thực hóa những kỳ vọng của chính phủ Iran".

Ánh Ngọc (Theo Time)