27/11/2024 lúc 04:40 (GMT+7)
Breaking News

Triết lý hòa giải trong giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp

VNHN - Hòa giải là nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam, là phương thức giải quyết các tranh chấp, xích mích, mâu thuẫn có hiệu quả. Trong nền kinh tế thị trường, hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp chiếm ưu thế. Để giúp bạn đọc theo dõi có hệ thống những nội dung của chế định hòa giải ở Việt Nam, Tạp chí Việt Nam Hội nhập xin giới thiệu loạt bài viết của PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn.
VNHN  - Hòa giải là nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam, là phương thức giải quyết các tranh chấp, xích mích, mâu thuẫn có hiệu quả. Trong nền kinh tế thị trường, hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp chiếm ưu thế. Để giúp bạn đọc theo dõi có hệ thống những nội dung của chế định hòa giải ở Việt Nam, Tạp chí Việt Nam Hội nhập xin giới thiệu loạt bài viết của PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn.
 
Hòa giải là một truyền thống quý báu của dân tộc. Trong giải quyết các tranh chấp, xích mích, hòa giải luôn được xem là phương thức tối ưu.Ở Việt Nam, mặc dù cách định nghĩa về hòa giải có thể không giống nhau, nhưng nội dung của khái niệm hòa giải được hiểu tương đối thống nhất. Theo Từ điển tiếng Việt, hòa giải là hành vi thuyết phục các bên đồng ý chấm dứt xung đột hoặc xích mích một cách ổn thỏa (1). Từ điển Luật học thì định nghĩa hòa giải “là thuyết phục các bên tranh chấp tự giải quyết tranh chấp của mình một cách ổn thỏa”(2). Hoặc cũng có nhà nghiên cứu coi hòa giải là một phương thức giải quyết tranh chấp với sự giúp đỡ của một bên thứ ba trung lập, các bên tranh chấp tự nguyện thỏa thuận giải quyết các tranh chấp phù hợp với quy định của pháp luật, truyền thống đạo đức xã hội (3). Còn theo Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 thì “hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật”.

Với tư cách là một phương thức giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, hòa giải có những đặc điểm sau:

Thứ nhất,do tính chất đa dạng của mâu thuẫn, tranh chấp trong xã hội nên có nhiều cách tiếp cận giải quyết: a) bằng sự đồng thuận của chính các bên (thông qua thương lượng); b) với sự tham gia của bên trung gian có vai trò thúc đẩy các bên tranh chấp đi tới thỏa thuận (hòa giải); c)  giải quyết bởi cơ quan có thẩm quyền của nhà nước (tòa án) bằng một quyết định có hiệu lực bắt buộc thi hành. Trong số các phương thức đó, hòa giải có nhiều khả năng hóa giải tận gốc nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp, do đó kết quả của hòa giải mang tính bền vững.

Thứ hai, Hòa giải thể hiện rõ tư tưởng “lấy dân làm gốc”.Hoà giải bảo đảm quyền tự định đoạt của các bên, là biểu hiện của dân chủ trực tiếp trong việc giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp vì lấy sức dân làm điểm tựa, với phương châm “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Thứ ba, hòa giải phản ánh tâm lý duy tình của người Việt Nam ưa sống hoà bình, thương yêu nhau, coi trọng tình làng nghĩa xóm, họ hàng,  không thích kiện tụng. Khi có mâu thuẫn luôn giữ phương châm: trong gia đình thì “đóng cửa bảo nhau”, ra bên ngoài xã hội thì “một điều nhịn, chín điều lành”, “nghĩa ăn không bằng nghĩa ở”. Triết lý sống mang đậm chất nhân văn này là cội nguồn, là mảnh đất tốt để hòa giải hình thành, củng cố và phát triển.

Thứ tư, kết quả hòa giải không có kẻ thắng người thua, không dẫn đến tình trạng đối đầu, vì cách giải quyết mang tính thân thiện, dựa vào việc tự định đoạt của các bên. Khi tiến hành hoà giải không chỉ dựa trên các quy định pháp luật, mà còn phải dựa vào những chuẩn mực đạo đức, văn hoá ứng xử để tác động tới tâm tư, tình cảm của các bên, khơi dậy trong họ tình cảm thân thích, ruột thịt hay tình làng nghĩa xóm. Có thể nói hoà giải là biểu hiện của sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa giữa lý và tình, giữa  pháp luật và đạo đức.

Thứ năm, hoạt động hòa giải là “phiên tòa không thẩm phán”, thủ tục đơn giản, không tốn kém, lại giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp, giảm bớt khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện. Mỗi năm hoà giải thành công bao nhiêu vụ việc tức là giảm được bấy nhiêu vụ việc mà các cơ quan nhà nước phải thụ lý giải quyết. Thực tế đã có những vụ án dân sự kéo dài hàng chục năm, trải qua nhiều lần xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm rồi lại quay trở về điểm xuất phát (sơ thẩm lại), bên thắng kiện đôi khi không đủ bù đắp chi phí tố tụng, chưa kể đến công việc bị ảnh hưởng, thu nhập bị giảm sút, tâm lý mệt mỏi căng thẳng do luôn phải lo nghĩ đến chuyện kiện tụng tại pháp đình. Do đó, hòa giải thường được các bên lựa chọn để giải quyết khi có mâu thuẫn tranh chấp xảy ra.

Hiện nay hòa giải ở nước ta bao gồm các loại hình sau:

- Hòa giải ở cơ sở là loại hình phổ biến nhất khi giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật nhỏ trong cộng đồng dân cư (mâu thuẫn trong gia đình, dòng họ, tranh chấp giữa hàng xóm láng giềng với nhau, các vi phạm pháp luật nhỏ);

- Hòa giải trong tố tụng dân sự là loại hình hòa giải các tranh chấp đã được tòa án thụ lý giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự, do thẩm phán tiến hành và là một phần của quá trình tố tụng. Đây là  thủ tục tố tụng bắt buộc đối với việc giải quyết hầu hết các vụ án dân sự tại tòa án cấp sơ thẩm, trừ những vụ việc pháp luật quy định không được hòa giải hoặc không hòa giải được.

- Hòa giải tranh chấp lao động được tiến hành đối với các tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể. Tranh chấp lao động cá nhân do Hoà giải viên lao động và tòa án nhân dân giải quyết. Tranh chấp lao động tập thể về quyền do Hoà giải viên lao động, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, hoặc Toà án nhân dân giải quyết. Các tranh chấp lao động tập thể về lợi ích do Hoà giải viên lao động và Hội đồng trọng tài lao động giải quyết.

- Hòa giải thương mại là hình thức hòa giải đối với các tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại, tranh chấp giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại và tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng hòa giải thương mại.

- Hòa giải trong các vụ án hình sự khi người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự.

Như vậy, hòa giải là một trong những phương thức giải quyết các xung đột xã hội, trong đó có các tranh chấp, xích mích, bất đồng, vi phạm pháp luật diễn ra trong đời sống xã hội. Với tầm quan trọng từ lâu được xã hội thừa nhận, hòa giải đang trở thành phương thức giải quyết tranh chấp chiếm ưu thế trong hệ thống các phương thức giải quyết tranh chấp, là biện pháp giải quyết phù hợp với xu thế chung của thời đại. Thực tế cho thấy nhiều quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ, Ôxtrâylia từ những năm 80 của thế kỷ trước đã thiết lập chế định giải quyết tranh chấp thay thế (Alternative Dispute Resolutions - ADR) dưới hình thức hòa giải (conciliation) hoặc trung gian hòa giải (mediation). Tại Singapore “Phong trào giải quyết tranh chấp thay thế - ADR” chính thức bắt đầu năm 1994 với nhiều loại hình hòa giải khác nhau. Nhiều nước châu Âu đã ban hành các đạo luật về hòa giải để nội luật hóa Luật mẫu UNCITRAL về hòa giải thương mại quốc tế (năm 2002) và Chỉ thị của Liên minh châu Âu về hòa giải các vụ việc dân sự, thương mại (năm 2008). Nhìn chung, việc áp dụng chế định hòa giải trong giải quyết tranh chấp ở các quốc gia nói trên đưa lại những kết quả rất khả quan.