10/01/2025 lúc 13:14 (GMT+7)
Breaking News

Triển khai thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia

VNHN - Ngày 10-9, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

VNHN - Ngày 10-9, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Ảnh minh họa

Tài chính toàn diện (financial inclusion) hay còn gọi là tài chính bao trùm, được hiểu khái quát là các dịch vụ tài chính được cung ứng tới mọi thành viên trong xã hội, đặc biệt là đối với nhóm người dễ bị tổn thương, theo cách thức thuận tiện và phù hợp nhu cầu, thông qua đó góp phần tạo cơ hội sinh kế, luân chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Tài chính toàn diện được coi là một trong những trụ cột quan trọng trong phát triển bền vững.

Đến nay, hơn 60 quốc gia đã xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Việc triển khai thực hiện tài chính toàn diện đã đóng góp không nhỏ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng sinh kế cho người dân và phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ ổn định tài chính và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.

Tại Việt Nam, trong những năm qua, các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam 2011 - 2020, Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững… đã cho thấy một trong những mục tiêu tiên quyết của Chính phủ Việt Nam là nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của nhân dân, nhấn mạnh đến tạo cơ hội bình đẳng cho người dân trong tiếp cận các nguồn lực phát triển và thụ hưởng các dịch vụ cơ bản.

Chính phủ cũng đã xây dựng và triển khai nhiều chính sách cụ thể hướng đến đối tượng của tài chính toàn diện. Đáng chú ý, ngày 22-1, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 149/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là một dấu mốc quan trọng đối với ngành ngân hàng Việt Nam và mang tầm ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước.

Trên cơ sở này, ngày 24-7, Thống đốc NHNN cũng đã ký Quyết định số 1309/QĐ-NHNN ban hành Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh khẳng định, với vai trò là cơ quan chủ trì soạn thảo Chiến lược và là cơ quan giúp việc của Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện, ban lãnh đạo NHNN xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.

“Đại dịch Covid-19 là một thách thức chưa từng có đối với toàn thế giới, trong đó, mặc dù Việt Nam đã có những thành công trong công tác phòng, chống dịch được cả thế giới ghi nhận, nhưng những tác động về mặt kinh tế thì mới chỉ đang dần bộc lộ và sẽ còn diễn tiến phức tạp trong thời gian tới.

Chúng ta cũng đã nhìn nhận rõ những tác động đối với hệ thống ngân hàng trong sáu tháng đầu năm với nhiều nguy cơ tiềm ẩn, đặc biệt là nợ xấu có thể gia tăng...

Vì vậy, để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan thì quan trọng hàng đầu là sự quyết tâm và nỗ lực của toàn ngành ngân hàng”, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh nêu rõ.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cũng yêu cầu tất cả các đơn vị trực thuộc NHNN, các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, tổ chức tài chính vi mô cần quán triệt đầy đủ, sâu sắc các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược.

Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, bảo đảm đúng yêu cầu và lộ trình đề ra.

Ngoài ra, Phó Thống đốc cũng yêu cầu các đơn vị cần lồng ghép nội dung của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược một cách phù hợp, hiệu quả vào Chiến lược, kế hoạch phát triển của đơn vị mình. Nhất là, thường xuyên tự rà soát, đánh giá kết quả thực hiện, xác định khả năng đạt được nhiệm vụ được giao để có giải pháp phù hợp, bảo đảm đạt được mục tiêu đề ra.