21/01/2025 lúc 00:04 (GMT+7)
Breaking News

Triển khai Đề án Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh đến năm 2025

UBND TP Hồ Chí Minh vừa phê duyệt Chương trình triển khai Đề án Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh đến năm 2025. Theo đề án, tầm nhìn về đô thị thông minh của TPHCM đến năm 2025 là “TPHCM sẽ phát triển kinh tế tương đối cao, bền vững, trên nền tảng khai thác tốt nhất các nguồn lực, với người dân là trung tâm của đô thị”. Trong đó, người dân được phục vụ tốt hơn, có chất lượng sống và làm việc tốt hơn; tương tác và giám sát chính quyền hiệu quả hơn.

UBND TP Hồ Chí Minh vừa phê duyệt Chương trình triển khai Đề án Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh đến năm 2025.

Theo đề án, tầm nhìn về đô thị thông minh của TPHCM đến năm 2025 là “TPHCM sẽ phát triển kinh tế tương đối cao, bền vững, trên nền tảng khai thác tốt nhất các nguồn lực, với người dân là trung tâm của đô thị”. Trong đó, người dân được phục vụ tốt hơn, có chất lượng sống và làm việc tốt hơn; tương tác và giám sát chính quyền hiệu quả hơn.

Chương trình triển khai Đề án Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh đến năm 2025 đề ra 4 mục tiêu tổng quát, gồm: Đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững, hướng đến kinh tế tri thức, kinh tế số; quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở dự báo; nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc; tăng cường sự tham gia quản lý của người dân, tổ chức.

TP HCM sẽ chuyển đổi dần chính quyền điện tử sang chính quyền số để phù hợp với vai trò của chính quyền quản lý đô thị thông minh. (Ảnh: Internet)

Mục tiêu tổng quát của đề án phải đảm bảo 4 chủ thể của đô thị: Chính quyền thành phố, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội.

Cụ thể, đối với chính quyền thành phố, đô thị thông minh sẽ đáp ứng nhu cầu dự báo phát triển chính xác hơn và thông qua xây dựng chính quyền điện tử, kết nối chia sẻ thông tin dữ liệu nhằm gia tăng hiệu quả điều hành trên các mặt và lĩnh vực hoạt động.

Đối với người dân, đô thị thông minh giúp cung cấp các tiện ích hỗ trợ người dân ra quyết định một cách hiệu quả hơn. Tăng cường sự tương tác giữa chính quyền và người dân để người dân tham gia vào quá trình giám sát, quản lý, xây dựng thành phố.

Đối với doanh nghiệp, đô thị thông minh sẽ kiến tạo môi trường hoạt động minh bạch, đơn giản, thuận tiện để doanh nghiệp hoạt động. Cung cấp nhiều thông tin để doanh nghiệp có những quyết định kinh doanh chính xác. Thông qua đó tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp so với các khu vực khác.

Đối với các tổ chức xã hội, đô thị thông minh tạo ra kênh kết nối phản hồi thông tin để giúp họ tham gia một cách hiệu quả hơn vào quá trình cung cấp các dịch vụ của thành phố.

Đề án Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh góp phần đảm bảo một môi trường sống thoải mái, tích cực, lành mạnh và an toàn. Bên cạnh đó, góp phần nâng cao năng suất lao động và đảm bảo phát triển bền vững.

Cụ thể, Trong lĩnh vực giao thông, người dân được trải nghiệm hệ thống vận tải hành khách công cộng chất lượng cao, xuyên suốt với vé điện tử liên thông; giải pháp thu phí thông minh, đỗ xe thông minh giúp người dân thuận lợi trong việc gửi/đỗ xe; dữ liệu mở về giao thông và thông tin dự báo giao thông đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp người dân và doanh nghiệp tìm được lộ trình di chuyển phù hợp, giúm giảm ùn tắc, cho phép người dân tham gia giám sát các hoạt động liên quan đến giao thông như doanh nghiệp vận tải, đào đường, công trình,…

Đề án Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh cũng đem lại lợi ích cho người dân trong các lĩnh vực như: Y tế, an toàn thực phẩm, môi trường, chống ngập, nguồn nhân lực, an ninh trật tự, chính quyền điện tử, chỉnh trang và phát triển đô thị.

Ngoài ra, TPHCM sẽ triển khai đầu tư hoàn thiện 4 Trung tâm của Đề án đô thị thông minh gồm: Kho dữ liệu dùng chung và phát triển Hệ sinh thái dữ liệu mở cho TP; Trung tâm điều hành đô thị thông minh của TP; Trung tâm mô phỏng dự báo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội của thành phố; Trung tâm An toàn thông tin TP và triển khai xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi dần chính quyền điện tử sang chính quyền số để phù hợp với vai trò của chính quyền quản lý đô thị thông minh.