22/12/2024 lúc 10:58 (GMT+7)
Breaking News

Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025

Sáng ngày 21/4/2022, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng Nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Đồng chí Mai Xuân Liêm – Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Thanh Hóa.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; qua 10 năm triển khai thực hiện hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, hiện cả nước đã có 5.706/8.227 xã (69,4%) đạt chuẩn Nông thôn mới, trong đó, có 663 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao và 71 xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu. Cả nước đã có 7.463 sản phẩm OCOP của 4.061 chủ thể OCOP, đạt từ 3 sao trở lên, trong đó 67,6% sản phẩm 3 sao, 31% sản phẩm 4 sao và 1,2% sản phẩm tiềm năng 5 sao...

Toàn cảnh hội nghị tại các điểm cầu trực tuyến trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Bên cạnh đó, các thiết chế hạ tầng kinh tế xã hội cơ bản được cải thiện. Công tác giảm nghèo và an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm, điều kiện cho người dân tiếp cận ngày càng tốt hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản. Nhiều chính sách xã hội đã đi vào đời sống, đóng vai trò hỗ trợ thiết thực cho các đối tượng yếu thế.

Mục tiêu đến năm 2025, cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới, thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020. Cả nước có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1,0 - 1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3,0%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4 - 5%/năm. 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh khẳng định, việc triển khai các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025, tập trung cao cho phân cấp, trao quyền cho địa phương, nhất là cấp cơ sở nhằm nâng cao tính chủ động, linh hoạt của các cấp trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG. Phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư tham gia vào quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và giám sát tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Từ những định hướng trong công tác quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: Tổ chức quán triệt, tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, người dân và đối tượng có liên quan về các chương trình MTQG nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong triển khai thực hiện các chương trình MTQG.

Xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình MTQG, làm cơ sở để các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chủ động xây dựng kế hoạch triển khai, lựa chọn nội dung ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, bố trí nguồn lực tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình MTQG.

Các địa phương khẩn trương trình HĐND phê duyệt kế hoạch thực hiện các chương trình MTQG đoạn 2021 – 2025 để làm cơ sở cho việc tổ chức triển khai thực hiện các chương trình năm 2022.

Triển khai các giải pháp huy động, bổ sung nguồn lực thực hiện các chương trình MTQG; khẩn trương xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình MTQG.

Phát biểu chỉ đạo sau hội nghị trực tuyến toàn quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm trên cơ sở kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh phát huy vai trò, chức năng của ngành, tập trung rà soát lại nhiệm vụ của mình tham mưu cho Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia. Các ngành liên quan tham mưu các lĩnh vực, hạng mục của chương trình. Sau khi có thông tư hướng dẫn của Trung ương các cơ quan thường trực tham mưu để UBND tỉnh ban hành các quy định, tiêu chí cụ thể để triển khai thực hiện. Đối với các địa phương, nhanh chóng kiện toàn Ban chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chương trình để Nhân dân cùng hưởng ứng các chương trình MTQG./.

Hải Nam - Hoàng Trang