15/01/2025 lúc 07:47 (GMT+7)
Breaking News

Triển khai bệnh án điện tử: Cần nhiều hơn 10 năm

VNHN - Thông tư 46/2018 TT-BYT về bệnh án điện tử của Bộ Y tế vừa có hiệu lực vào tháng ba vừa qua. Theo lộ trình, dự kiến đến năm 2028, tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc sẽ phải triển khai bệnh án điện tử (nếu chưa triển khai được thì phải có văn bản báo cáo Bộ Y tế, nêu rõ lý do và lộ trình thực hiện trong tương lai). Đó là một công việc đầy thách thức.

VNHN - Thông tư 46/2018 TT-BYT về bệnh án điện tử của Bộ Y tế vừa có hiệu lực vào tháng ba vừa qua. Theo lộ trình, dự kiến đến năm 2028, tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc sẽ phải triển khai bệnh án điện tử (nếu chưa triển khai được thì phải có văn bản báo cáo Bộ Y tế, nêu rõ lý do và lộ trình thực hiện trong tương lai). Đó là một công việc đầy thách thức.

Nếu triển khai bệnh án điện tử, các bệnh viện sẽ phải tự đầu tư hệ thống công nghệ thông tin để lưu trữ các thông tin cận lâm sàng, chứ không in phim và trả cho bệnh nhân như trên ảnh.

Sự cần thiết phải triển khai bệnh án điện tử ở Việt Nam là điều không cần bàn cãi và đó là việc sớm muộn chúng ta cũng phải làm, theo xu hướng chung của thế giới, vốn đã khởi động từ cuối những năm 1990, đầu những năm 2000. Trong tương lai gần, hệ thống công nghệ thông tin quản lý bệnh án điện tử sẽ giúp các bệnh viện quản lý tốt hơn các nguồn lực của mình. Nhưng quan trọng hơn, bệnh án điện tử tích lũy qua nhiều năm, và nếu liên kết giữa các bệnh viện với nhau, sẽ là nguồn dữ liệu lớn vô giá đối với y học bởi nó chứa đựng những tri thức của bác sĩ, bao gồm cả những “tri thức ẩn” – những kinh nghiệm và phán đoán của họ qua nhiều năm khám chữa bệnh; tiến trình phát triển của từng loại bệnh, phản ứng và tình trạng của bệnh nhân, ở các điều kiện khác nhau với từng loại thuốc và từng phác đồ điều trị. Hiện nay, một số doanh nghiệp trên thế giới đã cung cấp các công cụ để hỗ trợ chẩn đoán, điều trị và dự báo tình trạng bệnh tình của bệnh nhân sử dụng các dữ liệu của bệnh án điện tử. Nền Y học sẽ có những chuyển biến lớn nếu con người làm chủ được nguồn dữ liệu này. Tuy nhiên, trước khi bước sang con đường khai phá, thách thức trước mắt chúng ta là, làm thế nào để tạo ra bệnh án điện tử? Trước hết, hãy xem lại quá trình cơ bản một bệnh nhân vào bệnh viện: đầu tiên, anh/cô ta sẽ được khám và xét nghiệm để chẩn đoán bệnh. Nếu không cần nằm viện (điều trị ngoại trú), thi thoảng, anh/cô ta sẽ có bệnh án ngoại trú. Nếu phải nằm viện (điều trị nội trú), anh/cô ta sẽ nhập viện để điều trị. Trong thời gian điều trị nội trú, bác sĩ sẽ tới thăm anh/cô ta vài lần mỗi ngày. Giữa những lần đó là điều dưỡng và y tá tới để thực hiện theo y lệnh. Những diễn biến về tình trạng người bệnh sẽ được các y, bác sĩ ghi vào những “tờ giấy” được kẹp ở đầu giường bệnh nhân. Những “tờ giấy” này, ghi những dấu hiệu lâm sàng, bên cạnh những thông tin “cận lâm sàng” (các thông tin xét nghiệm, chiếu, chụp, điện tim, điện não đồ…), là một trong những dữ liệu quan trọng nhất của bệnh án điện tử. Nếu như từ trước đến nay, bệnh án được viết tay và lưu trên giấy thì giờ đây sẽ được lưu dưới dạng điện tử, trên máy tính, gọi là bệnh án điện tử (EMR – Electronic Medical Records).

Thông tư của Bộ Y tế nhấn mạnh vào sự chỉ đạo của các cơ quan nhà nước và thủ trưởng các đơn vị khám chữa bệnh trong việc triển khai bệnh án điện tử mà bỏ qua các y, bác sĩ – đối tượng thực hiện quan trọng nhất và cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi triển khai bệnh án điện tử. Nếu nhìn vào quy trình khám, chữa bệnh ở trên, sẽ nhìn thấy rằng, công cuộc chuyển đổi từ bệnh án giấy sang bệnh án điện tử, là quá trình chuyển đổi thói quen, thậm chí là thay đổi quy trình khám chữa bệnh. Từ nay, các bác sĩ sẽ phải làm quen với công nghệ mới, vừa thăm khám bệnh nhân, vừa ghi lại trên máy tính hoặc điện thoại, đưa ra các quyết định lâm sàng dựa trên dữ liệu, phải tiên liệu được những tình huống liên quan đến lưu giữ, chia sẻ, bảo mật thông tin ảnh hưởng tới quyền riêng tư của người bệnh (những thông tin nào không nên lưu giữ trong bệnh án? Người bệnh có quyền hạn tiếp cận bệnh án ở mức độ nào?...). Quan trọng hơn, điều mà thông tư chưa nhắc đến, là để có nguồn dữ liệu cực lớn và máy có thể đọc và phân tích được này thì ngay từ đầu, ngôn ngữ nhập liệu vào bệnh án điện tử cần phải được chuẩn hóa, rõ ràng và chi tiết ở mức độ nhất định, tạo sự thống nhất giữa các bệnh viện. Điều này khác hẳn với trước đây, các y bác sĩ chỉ cần ghi vắn tắt trên giấy, “mình họ hiểu” là đủ, và bệnh án đó cũng rất ít khi được sử dụng lại sau khi bệnh nhân xuất viện.

Câu chuyện số hóa bệnh án điện tử cũng là câu chuyện số hóa trong đa số các lĩnh vực, ngành nghề khác, thể hiện ở chỗ, mức độ thành công không phụ thuộc vào mệnh lệnh hành chính mà ở “tinh thần tự nguyện” tiếp nhận của người thực hiện. Nói cách khác, các y bác sĩ cần thời gian để nhận ra những lợi ích thực sự của bệnh án điện tử, làm quen với các công nghệ hỗ trợ và thiết lập quy trình khám, chữa bệnh mới. Mỹ và Anh đã từng trải qua bài học đắt giá khi triển khai bệnh án điện tử theo hướng “từ trên xuống”. Sau khi Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố vào năm 2009, rằng sẽ có kế hoạch “đầu tư vào hồ sơ bệnh án điện tử và những công nghệ mới để giảm các sai sót, giảm chi phí, bảo đảm quyển riêng tư cá nhân cho người bệnh và giảm tỉ lệ tử vong”. Chính quyền liên bang đã nhanh chóng tung ra một chương trình thúc đẩy điều này bằng Luật Phục hồi và Tái đầu tư Mỹ, đổ tới hơn 30 tỉ USD cho các bệnh viện, phòng khám, các công ty công nghệ, các nhà tư vấn để tức tốc đạt được mục tiêu nhưng tỉ lệ ứng dụng bệnh án điện tử/hồ sơ sức khỏe điện tử năm 2013 mới chỉ dừng ở 69%, kém xa một số nước phát triển khác. Nước Anh cũng không khá khẩm hơn, họ dành 16 tỉ USD vào năm 2002 cho một dự án kết nối bệnh án điện tử trên cả nước nhưng kết quả trở thành “một thảm họa lớn tới mức không thể triển khai nổi”. Lý do chính của những thất bại này, mặc dù là những dự án sức khỏe được đầu tư lớn nhất thế giới, đó là họ đầu tư nâng cấp công nghệ trước mà chưa tính đến phản ứng của các y bác sĩ.

Khoảng thời gian 10 năm triển khai thực hiện bệnh án điện tử ở tất cả các bệnh viện Việt Nam (hơn 1100 bệnh viện) như được ghi ở trong thông tư là quá ngắn ngủi. Số hóa ở lĩnh vực nào cũng thách thức nhưng ở lĩnh vực y tế còn thách thức hơn rất nhiều lần, đặc biệt là với điều kiện ở Việt Nam, khi ngành Y tế còn đang đối mặt với rất nhiều vấn đề cấp bách và các y bác sĩ thường xuyên ở tình trạng quá tải (số bác sĩ trên một vạn dân của Việt Nam chưa bằng 1/3 của Mỹ và 1/5 của nhiều nước châu Âu, thường xuyên có tình trạng nằm ghép trên hai bệnh nhân một giường) và ý nghĩa của bệnh án điện tử chưa thể nhìn thấy ngay. Hơn nữa, các bệnh viện cũng không nhận được hỗ trợ nào trong công cuộc số hóa này mà phải tự đầu tư nâng cấp và bảo dưỡng công nghệ.

Đặc điểm chung của các nước áp dụng bệnh án điện tử thành công là có một tầm nhìn rõ ràng với những bước đi nhỏ, cụ thể, từ mục tiêu nhỏ đến mục tiêu lớn với tinh thần gần giống như “khởi nghiệp tinh gọn”: thử - kiểm chứng – chỉnh sửa, chấp nhận những thất bại nhỏ để tránh những thất bại lớn, lắng nghe ý kiến từ nhiều phía, đặc biệt là những người có ảnh hưởng tới cộng đồng các y bác sĩ. Thời gian để các quốc gia này đạt tới tỉ lệ ấn tượng là gần 100% các y bác sĩ sử dụng bệnh án điện tử và liên thông bệnh án điện tử giữa các cơ sở khám chữa bệnh lên tới hàng chục năm, ví dụ như Scotland là 30 năm và ở Đan Mạch, Thụy Điển là gần 20 năm. Ở Scotland, một đất nước thuộc Vương Quốc Anh nhưng kết quả thực hiện bệnh án điện tử lại vượt xa Anh quốc mà gần như không có bất kì chi phí hỗ trợ nào của chính phủ. Việc ứng dụng bệnh án điện tử của khu vực này được lan tỏa thông qua các cộng đồng bác sĩ ở đây: một phòng khám uy tín sử dụng bệnh án điện tử sẽ kéo  các phòng khám khác sử dụng theo. Trường hợp của Thụy Điển và Đan Mạch là hai ví dụ khác bởi được khởi xướng từ chính phủ nhưng đều bắt đầu ở quy mô rất nhỏ. Dự án thử nghiệm ở Thụy Điển ban đầu chỉ nằm ở quy mô rất nhỏ với 500 bác sĩ, nhà trị liệu cơ năng, y tá và các nhân viên y tế), song song là phát triển các khung pháp lí với sự hợp tác giữa Bộ Sức khỏe – Xã hội và chính quyền của 21 hạt để nhân rộng ra cả nước. Chỉ riêng thời gian nhân rộng đã diễn ra trong hơn 10 năm (số lượng bệnh viện của đất nước này chưa bằng 1/10 của Việt Nam) và có giai đoạn ngừng hoạt động để chỉnh sửa, bổ sung những tiêu chuẩn về quyển riêng tư, chia sẻ thông tin của người bệnh. Đan Mạch cũng có chiến lược tiếp cận bệnh án điện tử và hồ sơ sức khỏe một cách chậm rãi, họ bắt đầu xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử trong phạm vi một hạt trước với những chức năng cơ bản của bệnh án điện tử, sau đó mới nhân rộng. Mỗi một dự án nâng cấp, thay đổi đều được xác định sẽ kéo dài từ 2-4 năm và chính phủ sẽ thưởng cho những bác sĩ hợp tác với công nghệ mới.