02/05/2024 lúc 01:19 (GMT+7)
Breaking News

Trển vọng kinh tế thế giới năm 2023 và một số đề xuất tham chiếu đối với Việt Nam

Trái với kỳ vọng về một thế giới phục hồi sau đại dịch COVID-19, năm 2022 tiếp tục là một năm đầy sóng gió đối với nền kinh tế toàn cầu. Bước sang năm 2023, diễn biến phức tạp đi kèm với không ít nhân tố khó dự báo của nền kinh tế toàn cầu khiến nhiều tổ chức quốc tế phải hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới.

Điều này đặt ra không ít vấn đề trước mắt và lâu dài đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của các nền kinh tế trên thế giới, nhất là các nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Ảnh minh họa - TTXVN

Bức tranh kinh tế thế giới năm 2022

Về tổng quan, đặc điểm kinh tế thế giới năm 2022 là sự suy giảm tăng trưởng diễn ra ở hầu hết các nền kinh tế, bao gồm cả các nền kinh tế phát triển và các nền kinh tế đang phát triển. Đáng chú ý, các “cơn sóng ngược” đối với nền kinh tế thế giới là tác động “nhiều chiều, nhiều đợt”. Tác động nhiều chiều do các rủi ro và sức ép không chỉ đến từ nguyên nhân kinh tế, mà còn do tổng hợp các nguyên nhân về chính trị, môi trường, dịch bệnh... Tác động nhiều đợt thể hiện qua những diễn biến liên tục, nhiều lớp của tình hình, khiến kinh tế thế giới chưa kịp phục hồi từ các đợt tác động liên tiếp.

Năm 2022, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại so với mức 5,9% năm 2021 và đứng trước nguy cơ suy thoái. Tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 đạt 2,9% theo số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB)(1), 3% theo Liên hợp quốc(2) và 3,4% theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)(3). Tăng trưởng khu vực châu Á đạt 4,2% theo thống kê của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)(4). Thương mại toàn cầu tăng trưởng chậm lại trong nửa cuối năm 2022 và đạt mức tăng trưởng 4% cho cả năm 2022. Đầu tư toàn cầu tăng trưởng chậm lại, chủ yếu do niềm tin của thị trường đang sụt giảm. Trong đó, theo WB, các nền kinh tế phát triển tăng trưởng 2,5%, giảm so với mức 5,3% năm 2021. Đây là mức suy giảm tốc độ tăng trưởng lớn nhất của các nền kinh tế phát triển trong vòng 50 năm qua.

Kinh tế Mỹ năm 2022 chỉ tăng trưởng 1,9% (so với 5,9% năm 2021), trong khi lạm phát tăng ở mức cao kỷ lục trong nhiều thập niên do giá lương thực và năng lượng tăng cao, thị trường lao động gặp nhiều khó khăn. Trước sức ép lạm phát, Chính phủ Mỹ đã phải thắt chặt chính sách tiền tệ với tốc độ và mức độ lớn nhất trong vòng 40 năm qua. Tăng trưởng kinh tế của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) năm 2022 đạt 3,3% (so với 5,3% năm 2021), đồng thời lạm phát cũng tăng lên mức cao kỷ lục do thiếu hụt nguồn cung và giá năng lượng tăng mạnh. Kinh tế Nhật Bản tăng trưởng 1,2% (so với 2,2% năm 2021) do tác động từ giá năng lượng tăng cao và sức tiêu dùng sụt giảm. Kinh tế Nga tăng trưởng -3,5% (so với 4,8% năm 2021). Các nền kinh tế đang phát triển tăng trưởng 3,4%, giảm tốc chỉ còn gần 1/2 so với mức 6,7% năm 2021. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 2,7% (so với 8,1% của năm 2021) - mức tăng trưởng thấp thứ hai kể từ năm 1970, chỉ sau mức tăng trưởng thấp của năm 2020 khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Đáng chú ý, một số nền kinh tế đang phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nổi lên trở thành “điểm sáng” về tăng trưởng. Trong đó, kinh tế In-đô-nê-xi-a tăng trưởng 5,2%, Ấn Độ (6,9%), Băng-la-đét (7,2%), Phi-líp-pin (7,2%), Ma-lai-xi-a (7,8%) và Việt Nam (8,02%)(5) - mức tăng cao nhất của Việt Nam trong giai đoạn 2011 - 2022. ADB đánh giá kinh tế Việt Nam có sự phục hồi mạnh mẽ ở nhiều lĩnh vực sau khi các biện pháp hạn chế phòng, chống dịch bệnh COVID-19 được dỡ bỏ và tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin phòng, ngừa dịch bệnh COVID-19 phủ rộng trên toàn quốc.

Về nhân tố tác động, theo giới phân tích, có nhiều nhân tố tác động đến tình hình kinh tế thế giới năm 2022, trong đó đáng chú ý là các biện pháp nhằm kiềm chế lạm phát tại nhiều nền kinh tế, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, sự đứt gãy các chuỗi cung ứng do tác động của cuộc xung đột Nga - U-crai-na, những biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại Trung Quốc và ảnh hưởng tiêu cực từ biến đổi khí hậu... Cụ thể là:

Thứ nhất, chỉ số lạm phát trên toàn cầu trong năm 2022 đạt mức đỉnh, hơn 8,8% theo IMF(6) và 9% theo WB(7), mức cao nhất kể từ năm 1995 đến nay, do các cú sốc đối với nguồn cung, sự đứt gãy các chuỗi cung ứng và thiếu hụt các hàng hóa chủ chốt. Mức giá trung bình của dầu thô vào giữa năm 2022 đã tăng lên mức cao kỷ lục là 100 USD/thùng, giá khí đốt tự nhiên tại khu vực châu Âu vào tháng 8-2022 đã tăng lên 340 Euro/MWh - mức cao nhất trong lịch sử(8). Ở khu vực châu Á, theo ADB, chỉ số lạm phát năm 2022 ở mức 4,4% là mức thấp trong tương quan so với các khu vực khác, tuy nhiên vẫn tạo ra sức ép nhất định đối với các nền kinh tế ở khu vực. Việc các chính phủ tiến hành chính sách tiền tệ và tài khóa thắt chặt với tốc độ, quy mô lớn hơn trước đã thu hẹp không gian hỗ trợ cho tăng trưởng. Trong khi đó, giá cả hàng hóa tăng cao khiến hàng triệu người dân lâm vào tình trạng khó khăn và kéo lùi thành quả thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) đến năm 2030.

Thứ hai, cạnh tranh chiến lược giữa nước lớn ngày càng gay gắt đã thúc đẩy xu hướng phân tách kinh tế rõ ràng hơn và “vũ khí hóa” các chính sách kinh tế quốc tế. Năm 2022, chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn tiếp tục duy trì các biện pháp hạn chế thương mại và đầu tư đã áp đặt trước đó đối với Trung Quốc; đồng thời, bổ sung, gia tăng các biện pháp mới đối với thiết bị bán dẫn và chíp của nước này vào tháng 10/2022. Bên cạnh đó, việc Mỹ có thể đưa ra ngay các biện pháp trừng phạt kinh tế sau mỗi lần gia tăng căng thẳng với Nga cho thấy chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn đã chuẩn bị sẵn sàng “kho vũ khí kinh tế” để trừng phạt các đối thủ. Theo một khảo sát của Công ty tư vấn McKinsey (Mỹ) vào tháng 12-2022, nhân tố xung đột địa - chính trị được đánh giá là rủi ro lớn nhất đối với sự ổn định của nền kinh tế thế giới(9).

Thứ ba, do vai trò và mức độ liên kết cao với nền kinh tế thế giới, mức tăng trưởng thấp của kinh tế Trung Quốc đã tác động tiêu cực tới kinh tế toàn cầu. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn của hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, với mức tăng trưởng thương mại hàng hóa năm 2022 đạt 7,7%. Đây là năm thứ sáu liên tiếp Trung Quốc đứng đầu thế giới về tăng trưởng thương mại hàng hóa. Tuy nhiên, Trung Quốc tiếp tục phải ứng phó với những thách thức từ thị trường bất động sản (đóng góp khoảng 30% vào tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc) và các rủi ro tài chính. Theo Công ty JP Morgan Chase (Mỹ), năm 2022, đầu tư vào bất động sản của Trung Quốc giảm 10%, khiến lĩnh vực này trở thành lực cản lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc(10).

Thứ tư, biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp với các đợt nắng nóng, cháy rừng, lũ lụt và bão lũ trên toàn cầu. Hệ lụy là các thiệt hại to lớn về người và vật chất, gây nên những cuộc khủng hoảng nhân đạo ở nhiều nước. Số liệu từ Cơ sở dữ liệu thiên tai quốc tế cho thấy, cường độ thiên tai trong 10 năm qua cao gấp hơn 4 lần so với thời điểm 50 năm trước đây(11). Theo Liên hợp quốc, thiệt hại từ biến đổi khí hậu trong 10 năm qua đã lên tới 175 tỷ USD/năm(12).

Như vậy, các nhân tố tác động mang tính tổng hợp do biến động địa - chính trị, cạnh tranh chiến lược, xung đột, bất ổn an ninh, biến đổi khí hậu cùng với các nhân tố kinh tế về tài chính, tiền tệ làm gia tăng tính khó lường và bất trắc trong nền kinh tế thế giới. Đây là các biểu hiện cụ thể về những “diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo”(13) của tình hình thế giới, như nhận định của Đại hội XIII của Đảng. Theo đó, xu hướng phục hồi kinh tế toàn cầu được cho là vẫn đang trong quá trình điều chỉnh thận trọng, chưa chắc chắn, có thể bị suy giảm về tốc độ phục hồi, thậm chí có nguy cơ rơi vào suy thoái. Đồng thời, có nhiều nhân tố chưa thể lường trước tạo ra rủi ro thường trực đối với nền kinh tế thế giới, như đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát, dịch bệnh mới bùng phát, vẫn tồn tại trong ít nhất 1 - 2 năm tới. Bên cạnh đó, các rủi ro đối với nền kinh tế thế giới có tính đan xen, kết nối chặt chẽ hơn, làm gia tăng nguy cơ tạo thành “vòng xoáy” khủng hoảng tổng hợp cả về chính trị, kinh tế, môi trường, xã hội.

Triển vọng kinh tế thế giới năm 2023

Về tổng quan, tình trạng phức tạp và nhiều nhân tố khó dự báo của nền kinh tế toàn cầu khiến nhiều tổ chức quốc tế hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023. Cụ thể, WB dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 đạt 1,7%, còn dự báo của Liên hợp quốc là 1,9%; trong khi đó, các tổ chức quốc tế khác, như Cơ quan thông tin của Tạp chí Economist (Economist Intelligence Unit (EIU), Anh), Tổ chức xếp hạng quốc tế Fitch (Mỹ), dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 đạt khoảng 1,4 - 1,7%. Đây là mức tăng trưởng thấp thứ ba trong vòng 30 năm qua, chỉ nhỉnh hơn so với mức tăng trưởng giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu trong các năm 2008 - 2009 và giai đoạn đại dịch COVID-19.

Các nền kinh tế phát triển dự kiến chỉ tăng trưởng 0,5% theo WB và 1,2% theo IMF. Khoảng 90% các nền kinh tế phát triển sẽ có mức tăng trưởng năm 2023 thấp hơn so với mức năm 2022. Trong đó, kinh tế Mỹ năm 2023 dự kiến tăng trưởng 0,5% - mức thấp nhất của Mỹ kể từ năm 1970 (trừ các giai đoạn suy thoái chính thức). Rủi ro lớn nhất của kinh tế Mỹ là làn sóng lạm phát tiếp theo sẽ buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phải thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ, từ đó làm suy giảm tiêu dùng và đầu tư của nền kinh tế. Nền kinh tế khu vực Eurozone dự kiến không tăng trưởng, với tốc độ 0% theo WB, thậm chí rơi vào tăng trưởng âm theo dự báo của EIU(14). Còn kinh tế Pháp tăng trưởng -0,3%, Đức: -1%, I-ta-li-a: -1,3%, Anh: -0,8%. Kinh tế Nhật Bản dự báo tăng trưởng 1% theo WB và kinh tế Nga sẽ chỉ tăng trưởng -3,3% theo dự báo của EIU.

Trong khi đó, các nền kinh tế đang phát triển dự kiến tăng trưởng 3,4% theo WB và 4% theo IMF, trong đó tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc đóng góp 0,7 điểm phần trăm. Kinh tế Trung Quốc dự kiến tăng trưởng 4,3% theo WB, 4,7% theo EIU và 4,8% theo Liên hợp quốc, trong bối cảnh Trung Quốc đã dỡ bỏ các biện pháp hạn chế liên quan tới dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này có thể sẽ thấp hơn nếu tác động của các hệ lụy từ việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trước đó lâu hơn dự kiến, thị trường bất động sản phục hồi khó khăn và thời tiết diễn biến cực đoan. Kinh tế Ấn Độ dự kiến tăng trưởng 6,6%. Ở khu vực Đông Nam Á, kinh tế Việt Nam được đánh giá là điểm sáng với mức dự báo tăng trưởng năm 2023 đạt khoảng 6,3%, cao hơn so với mức 5,2% của Cam-pu-chia, Phi-líp-pin (5%), In-đô-nê-xi-a (4,8%), Ma-lai-xi-a (4%), Thái Lan (3,6%).

Về nhân tố tác động, trong bối cảnh có nhiều nhân tố chính trị, an ninh, môi trường và kinh tế tác động đan xen tới triển vọng kinh tế thế giới năm 2023, nhiều tổ chức quốc tế và cơ quan nghiên cứu khá thận trọng và nhấn mạnh vào các nhân tố tiềm ẩn có thể làm thay đổi các dự báo về kinh tế thế giới năm 2023.

Một là, mặc dù chỉ số lạm phát toàn cầu năm 2023 dự kiến sẽ giảm, song vẫn ở mức cao là 5,2% theo WB và 6,6% theo IMF, do đó, tiếp tục tạo ra sức ép giảm tốc đối với nền kinh tế thế giới. Đáng chú ý là rủi ro biến động về giá cả hàng hóa cơ bản, nhất là giá dầu mỏ. Theo EIU, tùy vào diễn biến của cuộc xung đột Nga - U-crai-na và chính sách của Liên minh châu Âu (EU), giá khí ga tự nhiên tại khu vực châu Âu năm 2023 có thể tăng gấp 3 lần so với năm 2022. WB cảnh báo trong trường hợp lạm phát tăng cao hơn dự kiến dẫn tới phải thắt chặt hơn chính sách tiền tệ, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu nhiều khả năng sẽ thấp hơn mức 1,7%. Tình trạng lạm phát ở mức cao trên toàn cầu nếu không được cải thiện có thể sẽ kích động bất ổn xã hội, biểu tình trên diện rộng ở các nền kinh tế.

Hai là, cạnh tranh địa - chính trị và cuộc xung đột Nga - U-crai-na sẽ tiếp tục chi phối sự phục hồi của nền kinh tế thế giới. Đáng chú ý, chính sách kinh tế của các nước phát triển ngày càng hướng tới phục vụ các mục tiêu địa - chính trị và đặt ưu tiên an ninh trước các ưu tiên về hợp tác kinh tế(15). IMF cảnh báo sự phân mảnh trong nền kinh tế thế giới sẽ tạo ra thiệt hại tương đương 7% tổng sản phẩm nội địa (GDP) toàn cầu. Thương mại và đầu tư toàn cầu bị ảnh hưởng từ các biện pháp của các nước phát triển nhằm đưa đầu tư về trong nước (on-shoring) và chuyển sang các nước thân thiện (friend-shoring), giảm tối đa khả năng nước ngoài can thiệp vào các ngành công nghiệp chủ chốt, gia tăng các biện pháp rà soát đầu tư, thương mại. An ninh lương thực toàn cầu tiếp tục chịu rủi ro, nhất là đối với các nước có thu nhập thấp nếu Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen(16) không đ??c duy tr?. An ninh n?ng l??ng ??ng tr??c th?ch th?c, nh?t l? t?i khu v?c ch?u ?u, do n?m 2023, ch?u ?u h?u nh? kh?ng c?n ngu?n nh?p kh?u n?ng l??ng t? Nga v? ch?u s? c?nh tranh t? th? tr??ng n?ng l??ng qu?c t? do kinh t? Trung Qu?c ph?c h?i.

ược duy trì. An ninh năng lượng đứng trước thách thức, nhất là tại khu vực châu Âu, do năm 2023, châu Âu hầu như không còn nguồn nhập khẩu năng lượng từ Nga và chịu sự cạnh tranh từ thị trường năng lượng quốc tế do kinh tế Trung Quốc phục hồi.

Thứ ba, sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc có thể tạo động lực tích cực cho tiến trình phục hồi nền kinh tế thế giới, khi mà Trung Quốc khẳng định, năm 2023, sẽ nỗ lực duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, duy trì giá cả và việc làm ổn định(17). Do đó, nếu các biện pháp phát huy tác dụng thì tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc sẽ gần như phục hồi, nhập khẩu, đầu tư và tiêu dùng sẽ trở lại mức bình thường. Theo Tập đoàn Tài chính Bloomberg (Mỹ), tất cả thị trường du lịch trên thế giới đang có triển vọng phục hồi khi người tiêu dùng Trung Quốc bắt đầu chi tiêu khoản tiết kiệm 836 triệu USD tích lũy trong giai đoạn phòng, chống dịch bệnh COVID-19(18). IMF dự báo, sự đóng góp của kinh tế Trung Quốc vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023 sẽ gấp 3 lần mức đóng góp của Mỹ(19).

Thứ tư, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan có thể góp phần tạo ra các cú sốc mới đối với an ninh lương thực và năng lượng toàn cầu. EIU nhấn mạnh về hai rủi ro từ biến đổi khí hậu có khả năng xảy ra cao và tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế toàn cầu, đó là: 1- Cuộc khủng hoảng năng lượng tại khu vực châu Âu trở nên nghiêm trọng nếu thời tiết mùa đông năm 2023 lạnh hơn, khiến GDP của Eurozone suy giảm -0,4% năm 2023; 2- Thời tiết khắc nghiệt diễn biến thường xuyên hơn ảnh hưởng đến sản xuất lương thực, tạo ra cú sốc mới về an ninh lương thực toàn cầu.

Tựu trung, đặc điểm của kinh tế thế giới năm 2023 sẽ tiếp tục là sự kết hợp đa chiều, đa tầng và đa lĩnh vực của những rủi ro đối với tăng trưởng. Các rủi ro suy giảm tăng trưởng không chỉ gia tăng ở các nền kinh tế lớn, như Mỹ, Trung Quốc, Eurozone, mà còn ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Do đó, nếu những thách thức này không được xử lý kịp thời và xuất hiện các cú sốc mới, không loại trừ khả năng kinh tế thế giới năm 2023 có thể rơi vào suy thoái. Trung tâm Nghiên cứu Ned Davis (Mỹ) dự báo khả năng kinh tế thế giới suy thoái năm 2023 là 98,1%, tương đương giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 - 2009 và giai đoạn đầu đại dịch COVID-19 năm 2020(20).

Cơ hội, thách thức đối với các nền kinh tế đang phát triển và một số đề xuất tham chiếu đối với Việt Nam

Về cơ hội

Thứ nhất, các nước đang phát triển, nhất là các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương, vẫn là điểm sáng về tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế tại các nước phát triển, nhất là khu vực châu Âu, gặp nhiều sức ép suy giảm đà tăng trưởng. Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc phục hồi, các chuỗi cung ứng điều chỉnh để thích ứng với đại dịch COVID-19 và do cạnh tranh địa - chính trị, một số nền kinh tế đang phát triển ở khu vực, nhất là khu vực Đông Nam Á, đã trở thành địa điểm hấp dẫn các dòng đầu tư và thương mại toàn cầu.

Thứ hai, các nền kinh tế đang phát triển có cơ hội thu hút nguồn lực về chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trên thế giới. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), đầu tư toàn cầu cho năng lượng sạch đã đạt 1,4 nghìn tỷ USD, chiếm 3/4 vốn đầu tư năng lượng toàn cầu(21). Nhiều dự báo quốc tế cho thấy,
In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a và Việt Nam sẽ hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng thương mại, đầu tư. Nghiên cứu của Tổ chức RaboResearch (Hà Lan) dự báo, Việt Nam có thể có thêm 300 nghìn việc làm từ xu hướng dịch chuyển này. Đáng chú ý, các nước có mạng lưới liên kết kinh tế và hiệp định thương mại tự do (FTA) rộng rãi sẽ có thuận lợi để mở rộng thị trường xuất khẩu.

Thứ ba, các nền kinh tế đang phát triển giàu nguồn tài nguyên để xuất khẩu có thể tranh thủ xu hướng tăng giá các nguồn tài nguyên này trong năm 2023. Hiện nay có khoảng 2/3 các nền kinh tế đang phát triển tăng trưởng dựa vào xuất khẩu tài nguyên. Trong 50 năm qua, chu kỳ tăng, giảm giá tài nguyên diễn ra trong vòng 6 năm, theo đó chu kỳ tăng thường lớn hơn so với chu kỳ giảm. Do đó, với chu kỳ tăng giá tài nguyên hiện nay, các nước giàu nguồn tài nguyên có thể tranh thủ cơ hội này để xuất khẩu, qua đó có thêm nguồn lực để ứng phó với các thách thức về lạm phát, duy trì ổn định xã hội và cơ cấu lại nền kinh tế.

Về thách thức

Một là, đối với các nước đang phát triển có nguồn lực hạn chế, thách thức lớn hàng đầu là có đủ nguồn lực để đối phó với tình trạng “đa khủng hoảng” của kinh tế toàn cầu. WB cảnh báo về nguy cơ “hạ cánh cứng” của các nền kinh tế đang phát triển trong năm 2023 trước tác động tổng hợp của những thách thức bên trong và bên ngoài(22). Việc xử lý bộ ba suy giảm tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, duy trì tài khóa bền vững trong năm 2023 là thách thức lớn khi lạm phát vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn và không gian kích thích kinh tế còn rất hạn chế do mức nợ công cao. Theo Liên hợp quốc, mức nợ công tại hơn 100 nước đang phát triển dự kiến có thể tăng thêm 1,1 nghìn tỷ USD trong năm 2023(23). Còn theo IMF, 45% các nước thu nhập thấp và 25% các nền kinh tế đang nổi có nguy cơ vỡ nợ cao.

Hai là, đó là việc nâng cao khả năng chống chịu trước các cú sốc bên ngoài đối với các nền kinh tế đang phát triển có độ mở lớn, mức độ hội nhập cao. Về thương mại, sự suy giảm tiêu dùng ở các nền kinh tế phát triển sẽ ảnh hưởng lớn tới quá trình xuất khẩu hàng hóa của các nền kinh tế đang phát triển. Theo dự báo của WB, tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2023 nhiều khả năng sẽ giảm mạnh, thậm chí giảm xuống dưới mức 1,6%. Về đầu tư, Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) cảnh báo, động thái tăng lãi suất nhanh của FED sẽ ảnh hưởng tới dòng đầu tư toàn cầu - nguy cơ gây tổn hại đáng kể cho các nước đang phát triển. UNCTAD ước tính, việc FED tăng lãi suất cơ bản làm giảm 0,8% GDP ở các nước đang phát triển trong 3 năm tới(24). Ngoài ra, việc thu hút đầu tư, gia tăng trao đổi thương mại với các cường quốc sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào các nhân tố chính trị và an ninh, trong khi các nhân tố kinh tế truyền thống, như chi phí lao động, ưu đãi thuế, đất đai vẫn có giá trị, nhưng giảm vai trò hơn so với trước.

Ba là, thách thức về bảo đảm ổn định, an sinh xã hội, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh lạm phát và nợ công đã ở mức cao. Tỷ lệ thất nghiệp trung bình ở các nền kinh tế đang phát triển hiện nay vẫn cao hơn so với giai đoạn trước đại dịch COVID-19. Các thành tựu xóa đói, giảm nghèo có thể tiếp tục bị kéo lùi nếu tình hình kinh tế, dịch bệnh tiếp tục khó khăn. Theo một số nghiên cứu, nếu giá lương thực tăng 1% thì sẽ khiến gần 10 triệu người dân trên thế giới lâm vào cảnh nghèo đói cùng cực(25). Trong trung hạn và dài hạn, chất lượng nguồn nhân lực tại các nước đang phát triển, đặc biệt tại các nước có thu nhập thấp, sẽ bị ảnh hưởng, từ đó tác động tiêu cực tới triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, khoảng cách thu nhập có thể sẽ gia tăng, nhất là đối với lao động thu nhập thấp ở các nền kinh tế đang phát triển.

Đối với Việt Nam, trong bối cảnh triển vọng tình hình kinh tế thế giới giai đoạn tới còn diễn biến phức tạp với nhiều bất định và rủi ro, trên cơ sở thực hiện đường lối của Đại hội XIII của Đảng về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước tác động tiêu cực từ những biến động bên ngoài, tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế và cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, từ góc độ đối ngoại, cần lưu tâm một số nội dung sau:

Thứ nhất, bên cạnh việc bám sát chỉ đạo trong các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, cần theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế, giá cả, lạm phát, thị trường của thế giới và khu vực, kịp thời tham mưu với lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thông tin cho các địa phương, doanh nghiệp về những cơ hội, rủi ro để có đối sách phù hợp, góp phần ổn định nền tảng vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế hợp lý, hiệu quả. Theo dõi, nghiên cứu về sự điều chỉnh và triển khai chính sách liên quan của các nền kinh tế lớn, như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU để bảo đảm thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, thị trường nhập khẩu các nguyên vật liệu, vật tư sản xuất thiết yếu, thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chất lượng cao, thúc đẩy phục hồi du lịch và thu hút nguồn đầu tư phù hợp, nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng và giá trị toàn cầu.

Thứ hai, phát huy tối đa giá trị địa - chiến lược của Việt Nam, phát huy các binh chủng đối ngoại để vận động, thu hút nguồn lực bên ngoài nhằm nâng cao nội lực, năng lực tự chủ, tự cường, thông qua: 1- Tranh thủ hiệu quả các nguồn lực quốc tế cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh ở trong nước, đồng thời tham gia các chuỗi cung ứng xanh toàn cầu, từng bước điều chỉnh sản xuất dựa vào năng lượng sạch, hướng tới trở thành một trung tâm sản xuất xanh của thế giới; 2- Phát huy tối đa mạng lưới quan hệ hợp tác với các nước nhằm đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư, du lịch, sản xuất nông nghiệp bền vững, bảo đảm an ninh lương thực, tránh phụ thuộc vào một đối tác, một thị trường; 3- Hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối, tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp nước ngoài, dự án FDI, nhất là các tập đoàn đa quốc gia, với phương châm lấy các địa phương, doanh nghiệp và người dân làm trung tâm phục vụ.

Thứ ba, phát huy vai trò, vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam và thành tựu phát triển là “điểm sáng” của kinh tế khu vực, tăng cường và đổi mới công tác thông tin đối ngoại để chuyển tải kịp thời, chính xác về triển vọng phát triển của Việt Nam, góp phần củng cố niềm tin của cộng đồng quốc tế về môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, cơ hội hợp tác thương mại, điểm đến du lịch hấp dẫn... của Việt Nam. Đa dạng hóa các hình thức, như tổ chức hội thảo, triển lãm ở các nước sở tại, các chuyến đi thực tế tại Việt Nam cho phóng viên nước ngoài, các cuộc tiếp xúc, trả lời phỏng vấn của lãnh đạo các cấp, ứng dụng công nghệ số, truyền thông xã hội để gia tăng sự lan tỏa, tiếp cận sâu rộng với công chúng quốc tế.

Thứ tư, kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Kết luận số 12-KL/TW, ngày 6/4/2022, của Bộ Chính trị, “Về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”, để góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam và tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước. Trong đó, tích cực tham gia các sáng kiến, diễn đàn quốc tế, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm với các quốc gia và tổ chức quốc tế trong phòng, chống tham nhũng. Đồng thời, tiếp tục nội luật hóa và thực thi các điều ước, thỏa thuận quốc tế về phòng, chống tham nhũng theo đúng lộ trình, phù hợp với điều kiện và pháp luật của Việt Nam. Qua đó, tiếp tục khẳng định sự ổn định của kinh tế Việt Nam, gia tăng niềm tin của cộng đồng đầu tư, kinh doanh quốc tế, khuyến khích thu hút đầu tư, phát triển sản xuất và củng cố tính bền vững của các chuỗi cung ứng./.

TS. Lê Trung Kiên

Học viện Ngoại giao

---------------

(1) Xem: World Bank: “Global Economic Prospects” (Tạm dịch: Triển vọng kinh tế toàn cầu), OCHA, ngày 10-1-2023, https://reliefweb.int/report/world/global-economic-prospects-january-2023-enarruzh?gclid=EAIaIQobChMIjt6K8MLQ_QIVctxMAh0jcwJeEAAYASAAEgJUofD_BwE

(2) Xem: United Nations: “World economic situation and prospects 2023” (Tạm dịch: Triển vọng tình hình kinh tế thế giới năm 2023), OCHA, ngày 25-1-2023, https://reliefweb.int/report/world/world-economic-situation-and-prospects-2023-enarruzh?gclid=EAIaIQobChMI9-6c-cXQ_QIV4VsPAh3AOAdMEAAYAiAAEgKDivD_BwE

(3) Xem: “World economic outlook update” (Tạm dịch: Cập nhật triển vọng kinh tế thế giới), International Monetary Fund, ngày 31-1-2023, https://www.imf.org/en/News/Articles/2023/01/31/tr-13123-world-economic-outlook-update

(4) Xem: “Asian Development Outlook (ADO) Supplement, December 2022: Key Messages” (Tạm dịch: Phần bổ sung triển vọng phát triển châu Á (ADO), tháng 12-2022: Các thông điệp chính), Asian Development Bank, 2022, https://www.adb.org/outlook

(5) Xem: Tổng cục Thống kê Việt Nam: “Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022”, Trang thông tin điện tử Tổng cục Thống kê, 2023, https://www.gso.gov.vn/bai-top/2022/12/bao-cao-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-quy-iv-va-nam-2022/

(6) Xem: “World Economic Outlook Update” (Tạm dịch: Cập nhật triển vọng kinh tế thế giới), Tlđd

(7)  Xem: World Bank: “Global Economic Prospects” (Tạm dịch: Triển vọng kinh tế toàn cầu), Tlđd

(8) Xem: Jimmy Troderman: “Crude oil prices increased in first-half 2022 and declined in second-half 2022” (Tạm dịch: Giá dầu thô tăng trong nửa đầu năm 2022 và giảm trong nửa cuối năm 2022), U.S. Energy Information Administration, ngày 4-1-2023, https://www.eia.gov/todayinenergy/detail.php?id=55079

(9) Xem: McKinsey & Company: “Economic conditions outlook during turbulent times” (Tạm dịch: Triển vọng tình hình kinh tế trong thời kỳ biến động), ngày 21-12-2022, https://www.mckinsey.com/capabilities/strategy-and-corporate-finance/our-insights/economic-conditions-outlook-2022

(10) Xem: JP. Morgan: “Five questions about China’s economy in 2023” (Tạm dịch: Năm câu hỏi về kinh tế Trung Quốc năm 2023), ngày 3-2-2023, https://www.jpmorgan.com/insights/research/china-economy
(11) Xem: EM-DAT: “The International disaster database” (Tạm dịch: Cơ sở dữ liệu thảm họa quốc tế), Centre for research on the epidemiology of disasters (CRED), 2023, www.emdat.be
(12) Xem: United Nations: “World economic situation and prospects 2023” (Tạm dịch: Triển vọng tình hình kinh tế thế giới năm 2023), Tlđd
(13) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 105

(14) Xem: “Global economic outlook 2022” (Tạm dịch: Triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2022), Economist Intelligence Unit (EIU), 2022, https://mylibrarianship.files.wordpress.com/2022/03/global-economic-outlook-2022.pdf

(15) Xem: “The Global Risks Report 2023” (Tạm dịch: Báo cáo rủi ro toàn cầu năm 2023), World Economic Forum (WEF), 2023, https://www3.weforum.org/docs/WEF_Global_Risks_Report_2023.pdf

(16) Đây là thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc được Nga và U-crai-na ký kết vào tháng 7-2022, với vai trò trung gian của Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm nối lại việc xuất khẩu lương thực của U-crai-na và phân bón của Nga ra thị trường quốc tế

(17) Xem: Liu He: “Davos 2023: Special Address by Liu He, Vice-Premier of the People’s Republic of China” (Tạm dịch: Đa-vốt năm 2023: Diễn văn đặc biệt của Lưu Hạc, Phó Thủ tướng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa), World Economic Forum, ngày 17-1-2023, https://www.weforum.org/agenda/2023/01/davos-2023-special-address-by-liu-he-vice-premier-of-the-peoples-republic-of-china/

(18) Xem: Enda Curran: “China’s reopening is the boost the flagging world economy needs” (Tạm dịch: Trung Quốc mở cửa trở lại là cú huých cần thiết cho nền kinh tế thế giới đang suy giảm), Bloomberg, ngày 19-1-2023, https://www.bloomberg.com/news/articles/2023-01-18/china-reopening-could-boost-2023-global-economy?leadSource=uverify%20wall

(19) Xem: Robyn Mak - Una Galani: “China’s growth path will be felt around the world” (Tạm dịch: Con đường tăng trưởng của Trung Quốc sẽ được cảm nhận trên khắp thế giới), Reuters, ngày 14-10-2022, https://www.reuters.com/breakingviews/chinas-growth-path-will-be-felt-around-world-2022-10-14/

(20) Xem: Matt Egan: “There’s a 98% chance of a global recession, research firm warns” (Tạm dịch: Có 98% khả năng xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu, doanh nghiệp nghiên cứu cảnh báo), CNN, https://edition.cnn.com/2022/09/28/economy/recession-global-economy/index.html

(21) Xem: “World Energy Investment 2022” (Tạm dịch: Đầu tư năng lượng thế giới năm 2022), International Energy Agency, tháng 6-2022, https://www.iea.org/reports/world-energy-investment-2022

(22) Xem: World Bank: “As global growth slows, developing economies face risk of ‘Hard Landing’” (Tạm dịch: Khi tăng trưởng toàn cầu chậm lại, các nền kinh tế đang phát triển phải đối mặt với nguy cơ ‘hạ cánh cứng’), World Bank, ngày 11-1-2022, https://www.worldbank.org/en/news/feature/2022/01/11/developing-economies-face-risk-of-hard-landing-as-global-growth-slows

(23) Xem: United Nations: “Developing countries face ‘impossible trade-off’ on debt: UNCTAD chief” (Tạm dịch: Các quốc gia đang phát triển phải đối mặt với ‘sự đánh đổi không thể chấp nhận được’ về nợ: Tổng thư ký Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển), UN News, ngày 6-12-2022, https://news.un.org/en/story/2022/12/1131432

(24) Xem: “Trade and Development Report 2022” (Tạm dịch: Báo cáo thương mại và phát triển năm 2022), UNCTAD, 2022, https://unctad.org/publication/trade-and-development-report-2022

(25) Xem: Mahler, D. G., and others: “Pandemic, prices and poverty” (Tạm dịch: Đại dịch, giá cả và nghèo đói), World Bank Blogs, ngày 13-4-2022, https://blogs.worldbank.org/opendata/pandemic-prices-and-poverty

 

...