VNHN - Ngày 28.4, TP.HCM đã tổ chức lễ thông xe cầu Thủ Thiêm 2 dài gần 1,5km, 6 làn xe, bắc qua sông Sài Gòn, kết nối quận 1 với Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Thành phố Thủ Đức). Đây được xem là biểu tượng kiến trúc của thành phố, đặc biệt càng ý nghĩa khi hoàn thành trong đúng dịp kỷ niệm 47 năm ngày Thống nhất đất nước.
Lãnh đạo thành phố cắt băng khánh thành cầu Thủ Thiêm 2 – (Nguồn: Internet).
Chủ tịch UBND TP.HCM ông Phan Văn Mãi đánh giá cầu Thủ Thiêm 2 có kiến trúc độc đáo, thiết kế dây văng với trụ tháp chính hình rồng nghiêng về Khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ là biểu tượng kiến trúc của thành phố. Đồng thời, hệ thống chiếu sáng mỹ thuật cho cầu đang được nghiên cứu đầu tư, giúp công trình tạo điểm nhấn trên sông Sài Gòn cả ngày lẫn đêm, góp phần tạo vẻ đẹp kiến trúc và cảnh quan đô thị ở trung tâm TP.HCM. Dự án này khi đi vào hoạt động sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông trục chính, tăng kết nối trung tâm thành phố với Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Công trình cũng tạo sức hút để đảm bảo mục tiêu sớm đầu tư hoàn thiện Khu đô thị Thủ Thiêm trước năm 2030 - nơi được định hướng trung tâm kinh tế, tài chính, đô thị thông minh. Đặc biệt càng có ý nghĩa to lớn trong bối cảnh TP.HCM đang nỗ lực phục hồi kinh tế xã hội sau tác động của COVID-19.
Chủ tịch UBND TP.HCM đồng chí Phan Văn Mãi đánh giá cầu Thủ Thiêm 2 sẽ là biểu tượng kiến trúc của thành phố – (Nguồn: Internet).
Được biết, cầu Thủ Thiêm 2 được khởi công vào năm 2015, với tổng vốn đầu tư gần 3.100 tỉ đồng theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Cầu dài gần 1,5km, trong đó phần cầu dài 886m với 6 làn xe, thiết kế dây văng với trụ tháp chính cao 113m. Cầu thủ Thiêm 2 có điểm đầu tại giao lộ Tôn Đức Thắng - Lê Duẩn (quận 1), vượt sông Sài Gòn và kết nối đại lộ Vòng cung (tuyến R1) trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Theo ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đại Quang Minh (chủ đầu tư dự án cầu Thủ Thiêm 2), cho biết, trong suốt bảy năm thi công, dự án đã trải qua rất nhiều khó khăn, vướng mắc và có những lúc tưởng chừng không thể vượt qua. Song nhờ sự chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo từ trung ương tới địa phương, cầu Thủ Thiêm 2 đã hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 47 năm ngày Thống nhất đất nước. “Đây cũng là công trình không chỉ là biểu tượng của TP.HCM hiện đại, văn minh, nghĩa tình mà còn thể hiện sức mạnh, sự đoàn kết của cả tập thể đã cùng nhau vượt qua khó khăn, đưa dự án về đích” - ông Dương nói.
Tại lễ khánh thành, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, TP.HCM là đầu mối giao thông nối liền các tỉnh trong vùng, là cửa ngõ khu vực và quốc tế. Sắp tới, Trung ương sẽ tập trung đầu tư hạ tầng giao thông cho khu vực, với những dự án lớn như Vành đai 3, 4, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, cao tốc TP.HCM - Chơn Thành - Thủ Dầu Một cùng các công trình kết nối khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long... trong giai đoạn từ nay đến 2030.
Toàn cảnh cầu Thủ Thiêm 2 – (Nguồn: Internet).
Những chiếc xe đầu tiên lưu thông qua cầu Thủ Thiêm 2 – (Nguồn: Internet).
Để đẩy nhanh các dự án trên, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu các khó khăn về nguồn vốn cùng các cơ chế đầu tư mà UBND TP.HCM thời gian qua đã báo cáo, kiến nghị. Việc này nhằm sớm tham mưu Chính phủ xem xét xử lý, để thành phố có nguồn lực đầu tư hạ tầng, đáp ứng vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước./.